Gẫm & Bình

Nghệ thuật = tù mù lạc lối? 12. 07. 11 - 7:16 am

Trần Hải Bằng

“TO”: NGHỆ THUẬT MỘT GANG TAY

Trình diễn, sắp đặt, hội họa, video art, âm thanh…
Khai mạc: 19h ngày 7. 7. 2011
Hội thảo : 19h ngày 7. 7. 2011
Từ  7. 7 đến 20. 7. 2011
OM-studio
Cảng Cống Thôn, Cầu Đuống, thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội

 

Tôi chắc chắn mình là một trong số chừng dăm chục “con gà”, cả ta lẫn Tây, luẩn quẩn quanh cái “cối xay” studio tối om ấy, giữa những thanh âm loạn xì ngầu cùng những động tác và hình ảnh mà tôi chẳng dám tin đó là nghệ thuật.

Khai mạc

Thời gian khai mạc là 19h nhưng không chính xác. Ngay đầu lối rẽ vào nơi trưng bày này là một điểm trông xe kiêm phát đèn pin. Nếu bạn chỉ là khách, họ sẽ gọi bạn lại và phát cho bạn cái đèn pin Trung Quốc, nhỏ tí xíu mà có những hai bóng, hướng dẫn bạn cách sử dụng, đưa lại cho bạn cái cảm giác tò mò về những gì sắp diễn ra. Cũng hay.

Loanh quanh trong cái sự tò mò ấy mất một lúc lâu, tự dưng nghe thấy mấy lời gọi: “Ai là người có tác phẩm tối nay thì lên trên này đứng“. Mọi người bắt đầu chiếu đèn pin về chỗ “trên này”: đó là một cái hiên nhỏ, rộng ngay ngoài studio. Một hàng chừng hơn chục người, có cả nam cả nữ, toàn người Việt… Rồi một giọng hét rất to, rất dài (hơi khỏe thật), một tiếng “Hoàng!”, sau đó là đủ kiểu giọng, thều thào, the thé, thì thầm… thốt ra, nghe như là Hiệp, là Phương, là Thủy,… kèm thêm nhiều tiếng cười lẫn trong danh xưng… Cuối cùng, có người nói: “Bây giờ mời mọi người vào xem!” À, vừa rồi là màn xưng danh của nghệ sĩ? Tất nhiên là có rất nhiều kiểu khai mạc một triển lãm, có thể trịnh trọng, khách sáo hoặc đầm ấm, thân tình… Nhưng cái kiểu này thì tôi thấy nó gần với một trò hề hơn. Cũng có cái hay nếu đây là nơi tụ bạ của một đám người đã biết rõ lẫn nhau, nhưng chắc chắn trong số chừng dăm chục người đến đây, có không ít khách vãng lai như tôi, và cảm giác là lẫn trong cái trò hề ấy có chút gì coi thường những kẻ vãng lai lạ mặt…

Dàn nghệ sĩ đứng tập trung lại để chào mọi người. Ảnh: B

Triển lãm

Cửa mở, mọi người bắt đầu nối đuôi nhau soi đèn pin đi vào. Phản xạ thông thường là tôi soi nhanh xuống phía sàn để tránh va chạm với tác phẩm. Có những miếng màu vàng xếp theo một trật tự nhất định xung quanh những vạch kẻ trắng, trông chúng có vẻ mềm, dai. Nhiều bước chân giẫm lên chúng, dính vào giày dép. Một cách tương tác chăng?

Dưới sàn nhà – Ảnh: B

Phía cuối của dãy sắp xếp này là một cái bục, phủ vải trắng, bên trên là một mảnh lá chuối, có sắp mấy miếng bánh đúc. Thế là liên hệ được ngay rằng mấy miếng dưới sàn cũng là “chất liệu” bánh đúc nhưng đã có thêm phụ gia cho nó ngả màu vàng (chẳng biết có phụ gia của Trung Quốc không…).

Sắp đặt “Bánh đúc” của Nguyễn Cung

Xung quanh âm thanh ồn ĩ, có những tiếng như kiểu đồ chơi trẻ con của Trung Quốc, rồi thấy một anh chàng đang dắt dây vải màu vàng, kéo theo hai bé gái nhỏ xíu và dắt thêm một cái xe tăng đồ chơi đang rinh rỉ. Họ đi vòng quanh không gian triển lãm. Trên đầu của anh này có đội một cái chỏm màu vàng, hai cô bé cũng vậy. Sau, nhìn kĩ qua ảnh mới biết là phễu. Không có giới thiệu gì nên cũng không thể biết là họ đang làm gì, nghệ thuật trình diễn chăng? Khó mà định hình cho được tâm trí để xem, chỉ thấy thương hai cháu gái bé bỏng, đang phải làm việc trong cái không gian tối tăm và hầm hập nóng, mình là người lớn, hoàn toàn tự do ở đây mà cũng thấy khó chịu, mồ hôi vã ra. Vụ kéo dây này chỉ được chừng hơn 10 phút, vì có một cháu bé khóc quấy. Màn này nên gọi là gì? Hành xác trẻ em?

Vua Bố và hai Vua Con – Ảnh: Khải Nguyên

Đối lập với cái màn kéo dây lê thê này là màn “trình diễn” khác của hai bạn thanh niên. Họ ngồi trên hai cái bục, một dựng dọc, một nằm ngang, sau đó hùng hục chạy vòng quanh khoa chân múa tay. Những bàn tay đen và trắng, những dấu hỏi trắng và đen, cùng với cái vụ khoa chân múa tay này chẳng có gì ăn nhập. Hay tại tối quá nên khó mà xâu chuỗi chúng lại thành một mối? Màn khoa chân múa tay này có thêm một vài tập tiếp theo, nhưng có lẽ chỉ để quay phim mà thôi.

Trường Art và bạn diễn. Ảnh: Khải Nguyên

Giữa những âm thanh hỗn độn trong nhà, ngoài sân cùng hai cái “trình diễn” không đâu vào đâu này, tôi căng mắt tiếp tục rọi đèn đi xem các “sắp đặt” khác bày sát tường quanh studio. Chỗ này là cái tượng một cô gái mặc váy áo truyền thống bị con dao to (dao chặt xương lợn, bò và là dao thật) bổ vào đầu… và đặt trên hai cái ghế gỗ nhỏ, ở giữa là cái ghế gỗ to xếp nghiêng, bên trên có hai cuốn sách cũ đang đựng một mảng sáp nến từ một cây nến (đã cháy hết) đặt trên một lưỡi dao gọt hoa quả kiểu Thái Lan gắn vào vách nhôm ở phía trên, trong cái ghế này có nhét đầy kén tằm sống.

Tượng bị bổ đầu – Ảnh: Khải Nguyên

Cạnh đó là hai cái ghế nhựa chồng ngược lên nhau, tạo khoảng rỗng ở giữa để nhét đầy kén tắm. Trên đó, có đặt một cái tượng người nam vận áo the khăn xếp, nhưng cái cổ gần lìa khỏi đầu… Tôi nhíu lông mày mãi, không thể đọc được thông điệp nào ở đây: đàn bà thì phải bổ óc để nhét tri thức (sách) vào, đàn ông thì cúi đầu đọc sách đến gần gãy cổ? Thế còn cái kén? Tạm gác thông điệp sang một bên, thẩm mỹ của sáng tác này ở đây có không? Chỉ thấy một sự phản cảm khi nhìn con dao to tướng bổ ngang đầu một tượng người, có nhất thiết phải lật nhào khái niệm “thẩm mỹ” hay” đương đại” theo cách này?

Ảnh: B

Cạnh đó là hai cái chân dàn giáo loại nhỏ, chăng dây chéo nhau, trên đó treo lủng lẳng những mẩu gạch, vôi vữa có vẽ những mặt người, ngôi nhà, theo kiểu trẻ con vẽ tranh.

“Cho một ngày mai” của Phương Giò – Ảnh: B

Lối dựng sáng tác này cũng tương tự như với một sáng tác ngay cửa ra vào, nhưng cái ở gần cửa khác hơn vì có thêm chiếc đĩa nhựa hồng, ô vuông mạ nằm nghiêng ở dưới sàn, cái bên trong còn có thêm hình ảnh các bao diêm Thống nhất nối nhau. Cái chất liệu diêm này lại được xài ở một sáng tác khác nữa, mà vì tối và nóng quá, không thể xem kỹ.

Ảnh: B

Đi vào sâu bên trong, lại thấy ghế được xếp nghiêng thành một dãy dài, phía sau thì là một vòng tròn ghế nhựa xanh. Phía trước dãy ghế nghiêng là một bức tranh to hình chữ nhật nền đen, bên trên có vài dòng chữ đỏ và trắng…

Ảnh: Khải Nguyên


Phía trước đám ghế là một tấm bảng đen với lời phê màu đỏ “Chưa đến một gang tay”. Ảnh: B

Tất cả đều không có tên tác giả và tác phẩm kèm theo. Cách này cũng có cái hay là trao quyền phỏng đoán ý nghĩa, thông điệp của tác phẩm cho người xem. Thậm chí, có thể suy diễn là vì tất cả cùng một rọ (bóng tối, không tên, không ngăn cách giữa sắp đặt với trình diễn, loại hình nọ với loại hình kia) nên chúng có thể còn có một thông điệp tương tác ngầm với nhau… Hay toàn bộ cái studio cùng những thứ bên trong đó là một tác phẩm? Thế thì có liên đới gì đến màn chào hỏi xưng danh lúc “khai mạc”?

Đi một vòng, thấy có thể miêu tả triển lãm trong mấy từ chủ chốt sau: tối, ghế, diêm, vô đề, vô chủ, tối nghĩa…

Buffet

Một cái bàn nhỏ kê phía ngoài, không điện đóm và nếu muốn ăn vì đói hoặc muốn uống vì khát, vẫn phải cầm đèn pin. Cái việc lần sờ vì nghệ thuật nghe có vẻ chấp nhận được nhưng mà lần sờ để ăn thì xem ra hơi ngán ngẩm. Soi đèn, tôi thấy bánh đúc bày trong mấy cái mẹt có lót lá chuối, thêm vài đĩa dưa chuột, bày bên ngoài là mấy bát nước chấm (hình như có cả món tương bần), nước mắm ớt… Lại bánh đúc? Hình như có dụng ý khi món này được sử dụng vừa để làm nghệ thuật bên trong lại vừa để làm cho đỡ đói bụng ở bên ngoài. Một món ăn dân dã, rất truyền thống, có khi lần đầu tiên được đưa vào nghệ thuật thị giác ở Việt Nam ấy nhỉ… Nhưng mà để người xem giẫm chân lên rồi lại để người xem ăn vào miệng… Cá nhân tôi thấy lợm giọng. Dụng ý này có làm người xem khác nhận ra được điều gì khác nữa, kích thích ký ức, trí tưởng tượng, làm no ấm hơn cho tinh thần sống của con người họ không? Có tác động gì tới tư duy của họ về nghệ thuật một cách tích cực không?

Bánh đúc

Hạ màn…

Giữa tiếng nhạc điện từ và những vũ điệu nóng bỏng của một cô gái ăn vận sexy, tôi ngẩn ngơ nghĩ đến những ẩn ý từ triển lãm này: xem nghệ thuật trong le lói ánh sáng, trong cái nóng hầm hập của thời tiết cộng mái tôn… thay vì xem trong ánh sáng đủ đầy, phòng ốc sang trọng, điều hòa mát rượi.. suy ra: nghệ thuật có thể ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đúng quá! Nhưng cũng không phải tác phẩm nghệ thuật nào cũng phù hợp với bóng tối, có lẽ trừ phi một sáng tác video art hoặc multi-channel video được trình chiếu. Nhưng khi đó, bóng tối được sử dụng đơn thuần vì lý do kỹ thuật.

Hường Baby múa – Ảnh: Khải Nguyên

Cái tiêu đề To – một gang tay – cũng tối nghĩa không kém cái bóng tối hôm nay. Việc lật nhào khái niệm thông thường trong nghệ thuật đương đại không có gì là mới mẻ, thêm vào đó, nghệ thuật ý niệm không hẳn chỉ lật nhào các khái niệm thông thường mà còn cài đặt thêm vào đó các tầng ý nghĩa mới, từ những ấn tượng và ám ảnh thị giác của tác phẩm. Cái tiêu đề này chắc không phải là để giới hạn kích thước tác phẩm trong giới hạn mỗi chiều dài = một gang tay vì ở đây, chẳng có sáng tác nào theo chiều kích này cả. Vậy cái tiêu đề này có hàm nghĩa gì nữa chứ? Thể hiện quan niệm của nghệ sĩ về cái gọi là “chiều kích một gang tay” nhìn từ gần đến xa ư? Nếu vậy, thật là kỳ cục. Chẳng có sáng tác nào ở đây gợi nhắc gì đến ý niệm to-gang tay cả. Ngay bức vẽ sơn dầu treo ở góc tường, như một tấm bảng đen thì đứng xa nhìn, cũng thấy nó… to tổ bố. Hay là tôi không đủ “trình” để nhận ra? Cũng có thể lắm.

Ảnh: B

Tôi nhớ lâu rồi, có được chuyện: thời chiến tranh, một gia đình nọ muốn tìm chồng cho một cô con gái xấu vì da mặt rỗ “tói voi”, họ nhờ người mai mối cho một anh bộ đội đóng quân trong làng. Các buổi “tìm hiểu” giữa hai người toàn là buổi tuối, bên ánh đèn dầu le lói (giống như ánh đèn pin hôm nay vậy). Sau nhiều sắp đặt và lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh của nhà gái, đám cưới cũng diễn ra, nhưng cuối cùng, chú rể ôm hận và chỉ còn cách rửa hận bằng việc đi chiến đấu xa biền biệt rồi không về, chẳng biết sự thật là anh hi sinh hay lấy vợ chốn khác… Bóng tối (và cả hoàn cảnh chiến tranh) ở đây nếu được sử dụng vì mục đích không trong sáng là để che giấu khiếm khuyết nhằm mục đích đạt được lợi nhuận là lấy chồng thì nghĩa là nó đã bị lợi dụng. Mà sự lợi dụng chẳng bao giờ dẫn đến kết cục tốt đẹp…

Tôi ngờ rằng trong triển lãm To này, cái không gian tăm tối tội nghiệp kia cũng bị lợi dụng… để phủ bóng lên những sáng tác không đâu vào với đâu, cả về thị giác, thẩm mỹ và ý niệm. Việc cố ý không có tên tác giả-tác phẩm cũng mâu thuẫn với màn “xưng danh” lúc khai mạc. Nghệ sĩ nên trao cho người xem một sự tôn trọng bằng việc đưa cho họ một lối dẫn vào tác phẩm của anh, thông qua ít nhất là một tiêu đề sáng tác, cho dù tiêu đề như là Vô đề. Còn nếu nghệ sĩ muốn người xem tìm đến mình theo lối tù mù cả trong không gian lẫn ý niệm nghệ thuật thì ngay từ đầu, cũng chẳng nên có màn la hét xưng danh làm gì, chẳng nên có tên của sự kiện này kèm theo những danh từ… “hội họa, sắp đặt, trình diễn, âm thanh” làm gì; xóa nhòa hết đi, đừng gọi là nghệ thuật nữa! Sự nước đôi trong cách tổ chức và quan niệm mở một triển lãm như vậy chỉ cho thấy một sự cực đoan lừng khừng, tức là chưa “đủ điên”!

 

*

Bài liên quan:

– TO – MỘT GANG TAY sẽ cháy hết mình?
– Một số hình ảnh của TO đêm khai mạc

– Đi xem TO (phần 1)

– Đi xem TO (phần 2)

– Nghệ thuật = tù mù lạc lối?

– TO mới là bắt đầu

– Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!!!

– OM! Mong các bạn không phật lòng…

– TO mới là kết thúc

– OM: Các bạn làm ra vàng hay rác?

– Một gang tay

– Tổng kết TO – triển lãm “một gang tay”

– Giải thích một chút, rồi thôi…

Ý kiến - Thảo luận

20:43 Thursday,28.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Hôn nay tớ vào xem lại những thành quả đã qua, đẹp hay xấu thì tớ không bàn, tớ đọc commemts của dinhphong tớ nghĩ: đúng là chưa đủ điên, cám ơn bạn dinhphong nhé, nhưng chắc chắn rằng những cuộc sắp tới bọn tớ sẽ không để cho dinhphong thất vọng. Trân trọng kính mời dinhphong quan tâm những cuộc triển lãm sắp tới! trân trọng!
...xem tiếp
20:43 Thursday,28.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Hôn nay tớ vào xem lại những thành quả đã qua, đẹp hay xấu thì tớ không bàn, tớ đọc commemts của dinhphong tớ nghĩ: đúng là chưa đủ điên, cám ơn bạn dinhphong nhé, nhưng chắc chắn rằng những cuộc sắp tới bọn tớ sẽ không để cho dinhphong thất vọng. Trân trọng kính mời dinhphong quan tâm những cuộc triển lãm sắp tới! trân trọng! 
11:49 Monday,18.7.2011 Đăng bởi:  dinhphong
các bạn chưa đủ điên!
...xem tiếp
11:49 Monday,18.7.2011 Đăng bởi:  dinhphong
các bạn chưa đủ điên! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả