Gẫm & Bình

Thời nay và giá trị nào của hội họa?
(Suy tư của một họa sĩ đương đại) 03. 08. 11 - 8:16 pm

Francis Allenby – Lê Quảng Hàm lược dịch

 

Andy Wahol – Sự ra đời của thần Vệ Nữ – vẽ theo Botticelli

Trước hết, thoạt nhìn qua tiêu đề, người đọc dường như có ấn tượng rằng có điều gì đó bất thường, lập dị ở đây: một họa sĩ định bênh vực hội họa chăng. Trong thời chúng ta hiện nay, điều này là không thể tưởng tượng nổi, không thể chấp nhận được, đó gần như là một đầu óc kiêu ngạo. Có vẻ như người viết bài đã đi quá đà trong vấn đề này chăng, mà nếu thế, liệu có thể xem xét vấn đề một cách khách quan và không mất kiểm soát không?

Chắc chắn đây là nhiệm vụ khó khăn.

Một họa sĩ, theo quan điểm hiện đại, không có quyền bàn về công việc của mình. Sự vụ [nặng nhọc này] là dành cho các nhà phê bình, các sử gia và các học giả, mà theo thiển ý của tôi, chỉ cần một vài từ là họ có thể đưa ra được ngay những đánh giá chính xác của chuyên gia. Họa sĩ không thể tồn tại được nếu thiếu các nhà phê bình, đó là một thực tế.

Và, vì tôi biết điều này, và chấp nhận nó, tôi sẽ bàn luận rất thận trọng và khá nhẹ nhàng, không có gì đao to búa lớn cả. Nhưng, hơn tất cả, tôi sẽ bàn luận trong một cố gắng duy trì sự khách quan và vô tư nhất định. Và tôi có thể đảm bảo rằng, những điều tôi định trình bày sau đây không hề mang chút cay đắng hoặc oán giận nào: chỉ là những quan sát thanh thản và “lạnh lùng” đối với thực tại.

*

Rất nhiều người, kể cả tôi, đã có cơ hội may mắn được/bị mất hết sự tỉnh táo, bản thân chìm trong nỗi kinh ngạc diệu huyền, với một nỗi niềm nào đó khó quên, khi ngắm nhìn chăm chú lên trần Nhà nguyện Sistine, trên đó đang ngự bức tranh tường bất hủ Ngày Phán xét. Điều cũng xảy ra với tôi cũng giống như với nhiều người khác, trước hay sau tôi, khi đối diện với bức tranh Mona Lisa. Bức tranh luôn luôn truyền cho người xem một cảm giác khó tả, một tâm trạng bất định, kinh ngạc và thán phục.

Ngày phán xét của Michelangelo

Nếu hỏi bất kỳ ai bạn gặp trên đường phố về những tên tuổi của các danh họa nổi tiếng mà họ nhớ, thì những cái tên đầu tiên mà bạn nghe họ xướng lên chắc chắn sẽ là Leonardo và Michelangelo.

Nhưng tất nhiên, giờ đây, mọi thứ đã và đang thay đổi.

Khi hỏi một người qua đường nào đó bạn gặp ngẫu nhiên, những người có lẽ không hề có những kiến thức chung liên quan tới câu hỏi của bạn về tên tuổi các họa sĩ nổi tiếng – mà là những người nổi tiếng của thời buổi này, của thời đương đại này, thì bạn có lẽ sẽ thất vọng vô cùng và không thể hiểu nổi những câu trả lời của họ.

Bạn có thể tự an ủi rằng: ừ, điều này là tự nhiên thôi, cũng khá hợp lý thôi. Hội họa trong thời buổi hiện đại này không còn có được những không gian “đắc địa” để treo, để sử dụng như thời Phục hưng nữa. Tôi nhận thức rõ điều này, và tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.

Những gì chúng ta, tôi và các bạn, cần làm là phải làm rõ được những lý do nào gây nên tất cả những điều [đáng buồn?] này, và xác định được những gì đã lấp vào những không gian đắc địa đó [của hội họa trước đây].

Ngắm một bức tranh được vẽ thời xa xưa, bạn sẽ thu nhận được những giá trị ngang bằng với một câu truyện như thể bạn đọc trong một cuốn sách: bạn tìm thấy chính mình trong cái thế giới đó, và bạn trở thành một phần của cốt truyện, của kịch bản đó. Trong nhiều trường hợp, tác phẩm đem lại hiệu ứng thị giác siêu thực và thơ mộng. Đó là một thực tế dễ chịu khi ta hòa nhập vào những câu truyện của các hiệp sĩ và những công nương xinh đẹp; ta được mơ mộng, bị mê hoặc bởi những hình ảnh rất đẹp và gợi tả.

Bây giờ, trong thời buổi đương đại này, cảm xúc của chúng ta có được nhờ rất nhiều cách thức và phương tiện khác nhau, thậm chí rất kích thích, rất ép-phê, ví dụ như điện ảnh và truyền hình. Ngoài ra, còn phải kể đến những thiết bị truyền thông đa phương tiện, như máy tính hay các thiết bị nghe nhìn kỹ thuật số, có hiệu suất thông tin cao hơn, hiệu quả lớn hơn nhiều so với xi-nê lẫn truyền hình. Với sự ra đời của các bộ vi xử lý, các hiện thực ảo và tất cả những đổi mới công nghệ có liên quan, rất nhiều thứ trước đây chúng ta không thể có hoặc không thể tưởng tượng nổi đã trở thành hiện thực. Bạn thậm chí có thể tạo ra, từ hư không, một hình ảnh 3D, hoàn hảo đến từng xăng-ti-mét, và bạn thực sự có thể làm cho các nhân vật đó, các đối tượng đó, di chuyển sinh động không ngờ .

Chuyện đó khác gì thời xa xưa, khi người ta đâu có thể tưởng tượng nổi về nhiếp ảnh, một thứ nghệ thuật và kỹ thuật chỉ có thể có trong các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng!

Như vậy là, ngày nay, thay vì nhớ tới một bức tranh nào đó cùng với tác giả của nó, người ta dễ dàng ghi nhớ hơn tên tuổi của một diễn viên hoặc một nhân vật hư cấu – những người xuất hiện dưới ngòi bút của nhà văn, của người viết, và sau đó trở thành các nhân vật chính của một bộ phim “bom tấn”, của một loạt phim truyền hình nhiều kỳ ăn khách, hoặc của những trò chơi video “hớp hồn”.

Tuy nhiên, sự quyến rũ, những ấn tượng thị giác đầy ma thuật do các bậc thầy ngày xưa mang lại trong hội họa vẫn còn đó, vẫn được ghi nhớ vĩnh viễn trong tâm trí của con người hiện đại chúng ta.

Đó là lý do tại sao, trong lịch sử, vẫn còn được nhắc mãi những bức tranh của Michelangelo, của Leonardo, của Botticelli.

Tranh của Botticelli

Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn nhớ đến tên tuổi của các bậc thầy cổ điển mà lại không hề nhớ hoặc rất khó nhớ tới tên tuổi của những họa sĩ đương thời gần gũi với chúng ta.

Chắc chắn hội họa ngày nay không còn chiếm được vị trí độc tôn như trong quá khứ nó từng nắm giữ, mà đã bị thay thế bằng nhiều hình thức nghệ thuật thị giác khác.

Tuy nhiên, tôi sẽ không đi sâu phân tích kỹ hơn các vấn đề có thể liên quan tới những mê cung của các định nghĩa từng gắn với hội họa, từ xa xưa hoặc mới xuất hiện trong thế kỷ 21, và những ý nghĩa nào đó ẩn chứa dưới các tác phẩm được gọi là TRANH, là HỘI HỌA: những vấn đề như thế đều đã được các chuyên gia tranh luận khá nhiều trong một thời gian dài; mỗi thái độ, mỗi ý kiến đều rất đáng suy ngẫm, đều rất xứng đáng nhận được sự tôn trọng, ít ra là của bản thân tôi.

Thay vào đó, trật tự thôi, tôi âm thầm hỏi: ĐỊA VỊ của hội họa trong thời đại này nằm ở đâu? Hội họa bây giờ dựa trên những CƠ SỞ nền tảng nào? Và, trên tất cả, vượt ra ngoài những quan điểm cá nhân và những ý tưởng khu biệt, những gì làm nên GIÁ TRỊ NỘI TẠI của hội họa thời buổi này?

 

Francis Allenby

(Nguồn: Artforum)

*

Chết trong lúc làm việc, tranh của Francis Allenby

Đôi nét về tác giả:

Họa sĩ Francis Allenby sinh năm 1960 tại Taranto, Italia.

Nhận bằng cử nhân sư phạm năm 1979, song ông chưa bao giờ thực hành công việc giảng dạy.

Ông từng [và thích] kiếm sống bằng mọi nghề: rửa chén bát, bồi bàn, lao công vệ sinh, cửu vạn, thông ngôn, họa sĩ vẽ chân dung trên phố….

Bắt đầu học vẽ từ nhỏ, đến năm 17 tuổi ông đã hoàn thiện kỹ năng hội họa tại xưởng vẽ của Antonio Roberto Nitti – một họa sĩ và kiến trúc sư nổi tiếng.

Từng lang bạt kỳ hồ ở Paris, ông giao du rộng rãi với rất nhiều bạn bè nghệ sĩ trên khắp châu Âu.

Ý kiến - Thảo luận

15:25 Saturday,19.5.2012 Đăng bởi:  binh minh
Biết làm sao được, người xem sành sỏi sẽ chọn lọc tác phẩm giá trị giữa một đống rác nghệ thuật to tướng.
...xem tiếp
15:25 Saturday,19.5.2012 Đăng bởi:  binh minh
Biết làm sao được, người xem sành sỏi sẽ chọn lọc tác phẩm giá trị giữa một đống rác nghệ thuật to tướng. 
22:35 Friday,5.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Chào Shit! lâu lâu không thấy cậu theo sau tôi, tôi thấy nhớ nhớ.
Tôi muốn nói với cậu rằng: Hội họa Việt nam hiện nay đang suy đến cực độ, và chúng tôi nói về vấn đề "Bô, cứt" là để khẳng định những việc chúng tôi thấy và làm điều đó. Theo quy luật hình xin thì phải thoái trào đến cực điểm thì mới có ngày thái lai. Và chính tôi khẳng định những giá tr
...xem tiếp
22:35 Friday,5.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Chào Shit! lâu lâu không thấy cậu theo sau tôi, tôi thấy nhớ nhớ.
Tôi muốn nói với cậu rằng: Hội họa Việt nam hiện nay đang suy đến cực độ, và chúng tôi nói về vấn đề "Bô, cứt" là để khẳng định những việc chúng tôi thấy và làm điều đó. Theo quy luật hình xin thì phải thoái trào đến cực điểm thì mới có ngày thái lai. Và chính tôi khẳng định những giá trị, vấn đề thoái trào đó. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tản mạn chuyện tượng đài
và đài kỷ niệm

Bài & ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả