Bàn luận

Người nông dân và chiếc máy bay 03. 09. 11 - 7:25 am

Nguyễn Anh Tuấn

Tranh của Gregory Kogan

 

Lời người viết:
Bài viết mới trình bày một vài quan điểm cá nhân về nền tảng văn hóa và cơ chế cho hoạt động nghệ thuật đương đại hiện tại. Đây chỉ là một vài ý tưởng của tôi sau một thời gian quan sát hoạt động của nghệ sỹ và ảnh hưởng của nghệ thuật đối với xã hội. Những ý tưởng này không mới, song ở Việt Nam vẫn chưa thực hiện được, và tôi nghĩ rằng cần một tiếng nói và sức ép từ cộng đồng nghệ thuật lớn hơn nữa để có cơ may trở thành hiện thực trong tương lai. Ý tưởng trong bài viết vẫn chưa hoàn thiện, phần lớn chỉ là phác thảo, cũng cần sự đóng góp và góp ý của nhiều người.

Tiêu đề bài viết này cũng là tên tác phẩm của nghệ sỹ Lê Quang Đỉnh (Đinh. Q Lê) được bảo tàng MOMA (Museum of Modern Art – New York) trưng bày năm 2010, sau đó đưa vào bộ sưu tập vĩnh viễn của mình. MOMA là Bảo tàng Nghệ thuật hàng đầu thế giới, một trong những nơi lưu giữ nhiều nhất các tác phẩm của nghệ sỹ đương đại, và việc một nghệ sỹ Việt Nam có tác phẩm ở đây là một bước tiến quan trọng của văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong quá trình hòa nhập với văn hóa thế giới. Nhưng có thật là nghệ thuật Việt Nam đã có đủ nền tảng tạo nên bệ phóng cho nghệ sỹ trong nước vươn lên đến đẳng cấp ấy?

*

Hệ thống luật pháp trong hoạt động nghệ thuật, thị trường nghệ thuật và Bảo tàng nghệ thuật đương đại là ba thứ căn bản chưa xuất hiện ở Việt Nam, khi mọi điều kiện khác để hình thành nên một nền nghệ thuật hiện đại đã có. Hệ thống luật đóng vai trò nền tảng trong mọi hoạt động cộng đồng của xã hội hiện đại, tuy nhiên, luật pháp ở nước ta chưa giữ nhiều vai trò trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, phần lớn chỉ bao quát lĩnh vực hành chính, hoạt động sản xuất – kinh tế, kinh doanh thương mại và trị an xã hội. Cần chú ý rằng hoạt động văn hóa – bao gồm cả việc sáng tạo cá nhân đến tổ chức các chương trình cộng đồng, cũng tương tự như hoạt động kinh tế, vẫn cần một bộ luật điều phối và hành lang pháp lý xử phạt khi vi phạm. Giữa một nghệ sỹ sáng tạo và một người sao chép tác phẩm, ranh giới đó rất mù mờ và việc tranh cãi trở nên vô bổ, nhất là khi có sự dính dáng đến tính thương mại của tác phẩm, kể cả khi sai phạm rõ ràng cũng không có cơ chế xử phạt thỏa đáng cả về trách nhiệm hình sự, kinh tế và nghề nghiệp bởi chưa xuất hiện một bộ luật chuyên ngành. Ranh giới giữa cái giả và cái thật lẫn lộn trong giới và xã hội, tạo ra những hiểu nhầm lớn từ cộng đồng và vô hình chung hạ thấp giá trị của cả nền nghệ thuật Việt vốn có nhiều tiềm năng.

Từ hệ thống luật pháp dẫn đến sự hình thành một thị trường nghệ thuật. Khi xác định hoạt động nghệ thuật là sân chơi của các nghệ sỹ chuyên nghiệp, đương nhiên sẽ phải có luật chơi và cấp bậc. Khi hoạt động đó sinh ra lợi ích kinh tế cho người chơi thì thị trường sẽ hình thành một cách tất yếu. Thị trường là nơi giao dịch giữa nghệ sỹ và người yêu nghệ thuật, định giá nghệ thuật, tạo ra nền thương mại hợp pháp và có đóng thuế. Giá trị của nghệ sỹ chính là giá trị của tác phẩm và phần trăm của thuế bán tác phẩm đóng góp vào ngân sách nhà nước. Phần đóng góp đó càng lớn thì nghệ thuật của người đó càng có giá trị, giá trị ở đây chính là tính kinh tế và đóng góp về vật chất của nghệ sỹ với xã hội, còn không thể ghép yếu tố nghệ thuật vào đó. Tranh của Nguyễn Gia Trí và Tô Ngọc Vân độc đáo theo hai cách khác nhau, nhưng tranh của ông Trí bán được giá cao và được ưa chuộng trên thị trường, như vậy phần đóng góp cho xã hội của ông Trí là lớn hơn. Thị trường cũng góp phần nâng cao giá trị của nghệ thuật và nghệ sỹ khi nhà nước đóng vai trò điều tiết và định giá chuẩn đối với những nghệ sỹ và tác phẩm thành danh, với sự góp sức của một ủy ban phê bình độc lập, sau đó giá sẽ do thị trường tự điều tiết bằng cơ chế cung cầu. Luật và thị trường là hai sự bổ sung chặt chẽ cho nhau khi thị trường là nguồn kinh tế và xác định địa vị xã hội của nghệ sỹ, luật là thước đo và cán cân giúp cho thị trường hoạt động ổn định.

Bảo tàng nghệ thuật đương đại là một thành tố nền tảng khác của văn hóa nghệ thuật, khi muốn xây dựng nền văn hóa. Chúng ta có Bảo tàng Mỹ thuật nhưng phần lớn chỉ lưu giữ các tác phẩm từ trường Đông Dương đến đầu những năm 90, sau đó gần như là một băng trắng khi Hội họa Đổi mới là giai đoạn đặc sắc bậc nhất của nghệ thuật hiện đại thì thất thoát hết ra nước ngoài, và chắc chắn sẽ không thể sưu tập thêm gì với cơ chế hoạt động như hiện nay. Những sáng tạo nghệ thuật từ thời Đổi Mới, các loại hình nghệ thuật mới Sắp đặt, Trình diễn và Video Art chưa được lưu giữ, và trong hơn 20 năm gần đây, sáng tạo của nghệ sỹ rất nhiều nhưng phần lớn trôi tuột đi qua các gallery sang trời Tây, và đời sống văn hóa trong nước thì trống trơn như một vùng hoang vu.

Cần xác định rằng Bảo tàng là sự lưu giữ các dấu ấn của nền văn hóa – văn minh đương đại, là cuốn sách lịch sử đương đại của dân tộc, và là công cụ giáo dục đại chúng tốt nhất. Đây là nơi lưu giữ và vinh danh các nghệ sỹ và tác phẩm quan trọng của nghệ thuật đương thời, đặc biệt với trường hợp họ không có chỗ đứng trong thị trường nghệ thuật. Không có bảo tàng đồng nghĩa với việc sáng tạo nghệ thuật chưa được coi trọng xứng đáng, nghệ sỹ tự thấy tác phẩm mình là vô nghĩa và người dân thì không có cơ hội hưởng thụ đời sống tinh thần từ chính dân tộc mình. Việc xuất hiện một bảo tàng đương đại như vậy là cần thiết và ngay lập tức, đồng thời với việc kêu gọi nhiều nguồn lực từ các tổ chức tư nhân và tư sản dân tộc để xây dựng những hệ thống bảo tàng nhỏ hơn có tính vệ tinh và vùng miền. Indonesia, Malaysia, Thái, Singapore đều đã có thị trường tranh, hệ thống bảo tàng và những nhà tư bản dân tộc sưu tập nghệ thuật từ bản địa, nhưng tất cả những cơ chế đó dường như rất xa lạ với người Việt. Chúng ta có sự sáng tạo và thẩm mỹ hàng đầu Đông Nam Á, có lớp nghệ sỹ mới có khả năng giao lưu bằng ngoại ngữ và nghệ thuật với thế giới, nhưng nền tảng cho họ lại trống trơn như tên lửa không có bệ phóng, và ước mơ vươn ra thế giới vẫn viễn vọng như hình ảnh người nông dân bên cạnh chiếc máy bay trực thăng của Lê Quang Đỉnh vậy.

Tác phẩm "Người nông dân và chiếc máy bay"

(Nguồn: SGTT)

Ý kiến - Thảo luận

21:47 Tuesday,6.9.2011 Đăng bởi:  Lequocviet
Tháng 10 năm ngoái, anh và anh Kim Tran có đến xem triển lãm này ở Moma, thực tế trưng bày gồm 2 phần, video (Đinh Q Lê và 1 vài đồng nghiệp khác làm) và dinh nguyên cái máy bay của "anh Hai lúa" (1 nông dân và 1 tự động học gì đó) làm. Dự án trưng chiếu này đương nhiên là của Đinh như e nói, và anh cũng đã biết rồi! Riêng anh, sau khi đọc bài của em, a chỉ thấy hơi lăn tă
...xem tiếp
21:47 Tuesday,6.9.2011 Đăng bởi:  Lequocviet
Tháng 10 năm ngoái, anh và anh Kim Tran có đến xem triển lãm này ở Moma, thực tế trưng bày gồm 2 phần, video (Đinh Q Lê và 1 vài đồng nghiệp khác làm) và dinh nguyên cái máy bay của "anh Hai lúa" (1 nông dân và 1 tự động học gì đó) làm. Dự án trưng chiếu này đương nhiên là của Đinh như e nói, và anh cũng đã biết rồi! Riêng anh, sau khi đọc bài của em, a chỉ thấy hơi lăn tăn (nói thẳng ra là chướng) khi em viết câu kết, nguyên văn:"...hình ảnh người nông dân bên cạnh chiếc máy bay trực thăng của Lê Quang Đỉnh vậy". Viết như thế rất dễ hiểu nhầm là máy bay do Đinh làm ra, trong khi đó chủ nhân của nó lại là mấy anh nông dân Hai lúa. Thế mới buồn!
Bài viết về định chế của em rất hay, nhưng ở ta thì chỉ biết đành ngồi ngáp ruồi rồi thở dài ra 4 chữ "Lực bất tòng tâm" mà thôi! 
16:03 Tuesday,6.9.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Anh Tuấn
Anh Việt ơi, đúng là tác phẩm "Người nông dân và chiếc máy bay trực thăng" của nghệ sỹ Lê Quang Đỉnh (Dinh Q.Le) ạ. Chính xác là Bảo tàng MOMA lưu giữ chiếc máy bay của anh Đỉnh sau cuộc Sắp đặt của anh ấy vào năm 2006. Anh xem link ở trên MOMA nhé:
http://www.moma.org/explore/inside_out/2010/10/18/a-different-kind-of-helicopter-projects-93-dinh-q-le/
http://www.moma.org/visit/calendar/exhibitions
...xem tiếp
16:03 Tuesday,6.9.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Anh Tuấn
Anh Việt ơi, đúng là tác phẩm "Người nông dân và chiếc máy bay trực thăng" của nghệ sỹ Lê Quang Đỉnh (Dinh Q.Le) ạ. Chính xác là Bảo tàng MOMA lưu giữ chiếc máy bay của anh Đỉnh sau cuộc Sắp đặt của anh ấy vào năm 2006. Anh xem link ở trên MOMA nhé:
http://www.moma.org/explore/inside_out/2010/10/18/a-different-kind-of-helicopter-projects-93-dinh-q-le/
http://www.moma.org/visit/calendar/exhibitions/1061

Thực ra anh Lê Quang Đỉnh cũng có lấy gợi ý từ chuyện 2 người nông dân tự tạo chiếc máy bay trực thăng để làm nông nghiệp năm 2004, nhưng tác phẩm của anh ấy có lồng ghép ý nghĩa khác như về chiến tranh... Em thì nhìn nhận nó có phần ý nghĩa của câu chuyện xã hội hiện đại như trong bài viết. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả