|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnh“Điệp viên nhí” 4 – có lẽ nên dừng ở 3 29. 09. 11 - 12:59 pmPha Lê tổng hợp
Khác với phần 1, 2, 3; phần 4 có cốt truyện mới và dàn diễn viên cũng (gần như) mới. Mở đầu phim, Marissa Wilson (Jessica Alba đóng) – một điệp viên có cỡ – đang truy đuổi tên tội phạm Tick Tock – kẻ chuyên dùng chiếc đồng hồ tự chế để làm ngưng đọng thời gian. Sau vài cảnh rượt đuổi, khán giả phát hiện rằng Marissa đang… có bầu. Tóm được tên Tick Tock rồi, cô quyến định “nghỉ hưu” và cấp tốc được chuyển tới bệnh viện. Chờ cô tại phòng hộ sinh là chồng, Wilbur Wilson (Joel McHale đóng), cùng hai con riêng – Rebecca và Cecil Wilson. Chỉ cần liếc sơ thì cũng hiểu rằng hai đứa con riêng của Wilbur không ưa mẹ kế chút nào. Một năm trôi qua; hai anh em vẫn ghét mẹ kế, chúng cũng chẳng thích cô em gái cùng cha khác mẹ – dù Marissa rất kiên nhẫn, không hề hành hạ con chồng như mấy mụ dì ghẻ trong truyện cổ tích Việt Nam. Cô còn tặng sợi dây chuyền đính viên hồng ngọc quý cho Rebecca để dỗ ngọt, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chẳng khả thi cho lắm. Ông bố Wilbur thì bận bịu nên bỏ bê con cái. Trong lúc tình hình nhà cửa đang căng thẳng, tên Tick Tock vượt ngục. Hắn tự nhận mình có “sếp”. “Sếp” này có biệt danh ‘Kẻ giữ thời gian’ (Timekeeper), chúng sẽ làm lũng đoạn giờ giấc trên thế giới bằng cách khởi động cỗ máy Armageddon. Marissa buộc phải chấm dứt kỳ “nghỉ hưu” để tiếp tục bắt tội phạm. Nhưng nếu Tick Tock muốn khởi động Armageddon, hắn cần viên hồng ngọc quý mà Marissa tặng cho Rebecca. Lợi dụng lúc mẹ kế chạy tới trung tâm gián điệp OSS, hắn sai người đến nhà bọn trẻ để cướp viên ngọc. May mắn thay, Marissa đã bí mật xây phòng trú ẩn cho bọn trẻ. Nhưng cũng vì thế mà cô buộc phải khai thân phận gián điệp cho hai đứa biết. Cecil, Rebecca được dẫn tới trung tâm OSS; và tại đây, điệp viên Carmen (Alexa Vega đóng) tiết lộ với chúng rằng OSS từng có tổ “điệp viên nhí”, nhưng nó không còn hoạt động nữa (chắc tại diễn viên phần 1, 2, 3 đã lớn hết trơn). Bây giờ tổ này đang bỏ trống, ai sẽ lên thay các gián điệp nhí cũ để cứu thế giới đây?
Cốt truyện nghe nhảm hết sức, và phim thì cũng nhảm y chang vậy, dù cũng có một vài điểm tốt. Điểm tốt thứ nhất là hai diễn viên nhỏ tuổi đóng vai Rebecca cũng như Cecil rất dễ thương và nhập vai khá tự nhiên. Cô chị Rebecca lém lỉnh, quậy tưng, rất khoái đặt bẫy để chọc mẹ kế; kỹ thuật đặt bẫy này lại có ích trong việc bắt tội phạm. Cậu em Cecil, tuy bị khiếm thính, nhưng rất dũng cảm và điềm đạm, lại giỏi giải đố, bẻ khóa cửa, bẻ mật mã trên máy tính.
Điểm thứ hai, đạo diễn Robert Rodriquez luôn làm chủ máy quay và làm chủ kỹ xảo. Bộ phim nhìn rất sống động với các tông màu sặc sỡ nhưng không hề “sến”. Robert hiểu mình đang làm phim trẻ em nên không quá câu nệ chuyện CGI, cũng vì “thả lỏng” như vậy mà kỹ xảo của nó – tuy không chuyên nghiệp – nhưng rất uyển chuyển và có gì đấy hài hước; chứ không cứng đờ như những phim bom tấn lãng xẹt với các loại xe cộ, nhà cửa đua nhau nổ đùng đùng.
Nhưng điểm tốt cũng chỉ có nhiêu đó. Biết rằng đây là phim Điệp viên nhí, nhưng các nhân vật người lớn bị lép vế hẳn. Nói trắng ra, kịch bản phần 4 so với phần 1 thì thiếu chiều sâu kinh khủng. Trẻ em có cái gì đó ngây thơ và hồn nhiên nên hai cô cậu đóng vai Rebecca cũng như Cecil còn có sức thuyết phục, chứ các tài tử lớn tuổi thì diễn xuất một chiều và chán ngắt. Nhân vật mẹ kế của Jessica Alba – chắc do muốn khác với týp “dì ghẻ” – tốt một cách khó tin. Ngay cả khi con chồng hỗn láo (hay đặt bẫy để đổ nguyên thùng sơn lên đầu), cô cũng không quát nạt gì. Biết là giáo dục ở Tây thoáng hơn ở ta, nhưng thoáng kiểu này thì chẳng tin nổi. Nhân vật ông bố Wilbur thì vô dụng. Wilbur làm cho một hãng truyền hình, suốt phim chỉ thấy ông luẩn quẩn giới thiệu các chương trình thực tế không ai xem, con cái quậy phá thì chẳng thấy Wilbur dạy dỗ. Cũng may là hai đứa bé rất dễ thương, và tuy một số trò nghịch ngợm có hơi hỗn thật, nhưng với dàn diễn viên người lớn thụ động như vậy, tôi không mấy bận tâm khi chúng láo lếu chút xíu, ít ra chúng còn tiếp được sinh khí cho bộ phim.
Kẻ ác Tick Tock nhìn vừa dơ vừa có giọng eo éo, nghe cực khó chịu. Tuy Tick Tock không phải là nhân vật được xây dựng để chiếm tình cảm của khán giả, nhưng ít ra “ác” cũng không nên nửa mùa. Một số nhân vật ác cực ác (như Voldemort trong Harry Potter), một số rất có duyên (như Jerry trong “Fright night“), một số bị giằng xé giữa ác và thiện, khiến khán giả cũng bị giằng xé theo. Còn Tick Tock thì không duyên, không ác thực sự cho ra hồn (phim con nít mà), cũng không giằng xé gì. Tick Tock cùng ông sếp Timekeeper muốn cướp lấy thời gian của thế giới, nhưng cái mục đích vừa khó tin vừa lãng xẹt này làm hai nhân vật bị thiếu nghiêm túc, kẻ ác thiếu nghiêm túc thì sẽ làm tôi mất hứng. May mà người lớn chẳng phải là trọng tâm của phim, chứ không thì tôi đã lăn ra ngủ giữa rạp.
Phần 1 của Điệp viên nhí không hề dở, các nhân vật người lớn có chiều sâu hơn, cặp bố mẹ trong phần này vừa làm chủ nghề nghiệp vừa biết dạy dỗ con cái. Nhân vật phản diện cũng rất có duyên. Câu chuyện tuy hư cấu nhưng không nhảm nhí. Cái “bệnh” muôn thuở của Hollywood là cách nó hoạt động như một nhà máy; khi “tăm” được phim ăn khách, nó dựng nên một “dây chuyền”, lấy vài nguyên liệu của bộ phim hốt bạc kể trên, tống vào “máy” rồi nhấn nút, sản xuất ra phần 2, 3, 4… theo kiểu làm xúc xích công nghiệp. Kết quả cho ra những cây xúc xích na ná nhưng thiếu dinh dưỡng hơn hẳn cây xúc xích “làm tay” ban đầu. Tóm lại, phần 4 xem cũng được mà không xem cũng chẳng sao. Thức ăn công nghiệp (như mì gói) không bổ và sẽ không hại nếu không ăn nhiều. Cũng giống như mì gói, đây không phải là một phim giải trí giàu dinh dưỡng cho trẻ em, nhưng nếu bạn không có gì bổ béo hơn cho chúng làm thì dắt chúng vào rạp vẫn tốt hơn là để chúng ở nhà chơi điện tử, biết đâu nhờ xem phim mà chúng học thêm được tí tiếng Anh. * Phim chiếu ở: TP.HCM: (Đến hết 9. 10. 2011) Hà Nội: (Đến hết 9. 10. 2011)
* Bài giới thiệu: – “Đêm kinh hoàng”: Một con ma cà rồng quyến rũ nhưng không hiền lành Ý kiến - Thảo luận
22:38
Thursday,29.9.2011
Đăng bởi:
Em-co-y-kien
22:38
Thursday,29.9.2011
Đăng bởi:
Em-co-y-kien
Xem làm zề! Nghe chị Pha-Lê kể hấp dẫn thế, xem làm zề!
Có những tác phẩm thị zác hóa ra thưởng thức bằng thính zác hay phết! Chả trách, nhiều bạn/chị gái khoái chuyện tình, phim tình, zưng mà zả đò "em ngại, chị mệt", cứ bắt em đọc kĩ xem kĩ rồi phải thì thào kể lại dai hàng tiếng qua mô-bai ;-<( Ngại chết!!!
15:28
Thursday,29.9.2011
Đăng bởi:
M Tracy
Thông ơi, Thông xem Điệp Viên Nhí 4 chưa? Pha Lê chê nhảm, mình coi cũng thấy nhảm, nhưng nói thật tình với Thông là tập hợp cả đội ngũ nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, diễn viên gạo cội, cây kịch bản xuất sắc nhất, nhà kỹ thuật kỳ cựu nhất... của Việt Nam cũng còn 20 năm nữa mới làm được như thế đấy Thông ạ.
Ngoài ra sao cứ phải phân tích các tác phẩm ...xem tiếp
15:28
Thursday,29.9.2011
Đăng bởi:
M Tracy
Thông ơi, Thông xem Điệp Viên Nhí 4 chưa? Pha Lê chê nhảm, mình coi cũng thấy nhảm, nhưng nói thật tình với Thông là tập hợp cả đội ngũ nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, diễn viên gạo cội, cây kịch bản xuất sắc nhất, nhà kỹ thuật kỳ cựu nhất... của Việt Nam cũng còn 20 năm nữa mới làm được như thế đấy Thông ạ.
Ngoài ra sao cứ phải phân tích các tác phẩm kinh điển, sâu sắc thì mới nên viết đáng viết hả Thông? Phân tích những cái mà mình muốn viết mới là đáng viết, mình nghĩ thế. Mình thấy bài của Pha Lê hay, đọc ra được những khuyết điểm của phim. Phân tích và chê phim Việt thì còn gì để chê nữa, bệnh cũ có bao giờ khắc phục được đâu. Phân tích phim Tây, phim Mỹ - thứ phim tưởng là hoàn hảo - mới có nhiều cái để học! Phân tích phim khó tìm ở rạp thì phân tích cho nó sướng bản thân thôi hả Thông? Nếu người đọc muốn kiểm chứng Pha Lê viết đúng hay sai cũng bó tay. Thông lại hướng về nghệ thuật hàn lâm rồi! Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Có những tác phẩm thị zác hóa ra thưởng thức bằng thính zác hay phết!
Chả trách, nhiều bạn/chị gái khoái chuyện tình, phim tình, zưng mà zả đò "em ngại, chị mệt", cứ bắt em đọc kĩ xem kĩ rồi phải thì thào kể lại dai hàng tiếng qua mô-bai ;-<(
Ngại chết!!!
...xem tiếp