Gẫm & Bình

Tranh Phương có giả được tranh Phái? 15. 10. 11 - 8:59 am

Giời Ơi

(SOI: Đây là cmt của bạn Giời Ơi cho bài Còn bao nhiêu bức NÔNG THÔN của Bùi Xuân Phái?”. Xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi. Tên bài do Soi đặt. Cảm ơn Giời Ơi nhiều.)

“Nông thôn” trên blog của Bùi Thanh Phương, vẽ năm 1974, ký tên Bùi Xuân Phái

 

Không cần phải là một chuyên gia xuất sắc gì cho lắm cũng rất dễ nhận ra tranh ông Bùi Thanh Phương mang đi Hàn Quốc chính là tranh của ông chép lại bố.

Bạn Lí Đợi nói một trong những nguyên nhân tranh của Phái không lên giá được là do có nhiều tác phẩm nằm trong khoảng tù mù nhập nhằng này cũng chưa hẳn đúng. Rất có thể nó tù mù nhập nhằng với những người ít tiếp xúc như bạn. Còn với Tira, một tay buôn cổ vật tranh tượng sừng sỏ Đông Nam Á thì không. Tù mù kiểu Tira là một ngón nghề không lạ lẫm trong giới.
Yêu bố thì cũng tốt nhưng trong trường hợp này cần phải được học hành để biết cách yêu. Ông Phương chưa được học hành đến nơi đến chốn nên yêu bố không đúng “qui cách” cũng là điều dễ hiểu.

Có thể dễ dàng phân tích tranh ông Phương thế này:

1.
Tranh ông Phương vẽ sau tranh bố 12 năm theo như chữ kí ghi lại năm sáng tác. Vậy mà hình trong tranh chính xác đến từng chi tiết và bố cục tổng thể (có thể được phóng to đồng dạng). Chưa có họa sĩ nào trên đời rỗi hơi và đủ điên rồ chép lại mình chính xác đến thế. Ông Phái thừa tài năng để vẽ một bức khác tương tự giá trị chẳng kém gì. Chính sự giống nhau đến tuyệt đối về hình đã tố cáo ông Phương là người chép lại.

Chữ ký và năm vẽ trên bức tranh có thể coi là “giống hệt” một bức vẽ năm 1962 cũng ký tên Bùi Xuân Phái? Sau 12 năm mà giống y chang về bố cục, đường nét thì phải gọi là… tranh chép, dù đó là ai chép.

2.
Nhưng đến đoạn”tô màu” thì phân biệt Phái Phương mới lộ rõ. Ở bức của Tira hòa sắc trầm mặc đằm thắm và tình cảm bao nhiêu thì ở bức của Phương là sự hời hợt, nông và tươi sáng đến mức quê mùa. Trông có cảm giác như tranh hoạt hình của Ngô Mạnh Lân. Đây là khoảng cách rất dễ nhận biết đối với con mắt nhà nghề. Tương quan đậm nhạt và nóng lạnh màu sắc là thứ cảm nhận trời cho. Học còn chẳng được nói gì không học. Nhưng có lẽ chính vì không học cho nên Phương cũng chẳng biết rằng trên đời chuyện ấy là có thật. Hoặc Phương cũng không biết trời cho mình những gì? Nhưng cũng phải thừa nhận rằng cũng như những kẻ cơ hội ở ngành nghề khác Phương đã không bỏ lỡ cơ hội của mình.

“Nông thôn” trong bộ sưu tập của ông Tira. Vẽ năm 1962, ký tên Bùi Xuân Phái.

3.
Những nhát bút tả bóng đổ trên tường là một đặc sản không thể bắt chước của Phái. Trong cả tranh Phố Hàng BạcPhong cảnh nông thôn của Phương đều có cách vẽ của một người chép tranh chưa được học hành. Thô vụng, không nắm được kĩ thuật đặt nhát bút, không pha nổi màu bóng tối cho đúng sắc độ nên bóng tối như vệt màu bị dây bẩn.

“Phố Hàng Bạc”, Bùi Thanh Phương. Trên tranh ký tên Phương nhưng các chuyên gia vẫn không nhìn ra, ngay cả khi đem in sách. Về bút pháp, như thế này phải gọi là “đạo bút pháp”. Không phải vì con vẽ giống bố mà không gọi đúng tên được.

4.
Sự thảm hại của Phương còn bộc lộ rõ ở cách đi nét viền cho hình ảnh. Bùi Xuân Phái nhiều năm làm minh họa nên có thể nói rằng cách đi nét của ông rất điêu luyện. Tôi không tán thành ai đó nói cách đi nét của Phái là ngô nghê tình cảm. Đó là cái ngô nghê của bậc thày. Phương đi nét có chỗ hoạt như thợ chép tranh Nguyễn Thái Học, chỗ lại dò dẫm thiếu dứt khoát vì tay nghề còn quá non nên lộ. Xem kĩ nét đen ở ngực áo cô bé cõng em và đường viền dưới chân mái nhà thì rõ.

Đường viền chân mái nhà, sống lưng con bò, nếp ngực áo cô bé… trong tranh Nông Thôn vẽ năm 1974

Sai lầm lớn nhất của Phái trong đời là đã để cho Phương mon men đến gần bút lông và vải vẽ. Âu cũng là bài học cho lớp họa sĩ trẻ sau này. Một bài học không chỉ được rút ra từ Phái mà hầu như tất cả các họa sĩ có con gần với thế hệ ông.

 

*

Bài liên quan:

– 7. 10: Đi xem bộ sưu tập quý giá của Tira
– Khai mạc triển lãm bộ sưu tập tranh quý của ông TIRA VANICHTHEERANOT

– Chuyện động trời khi xem một số tranh trong bộ sưu tập của ông Tira?

– 10 ý kiến bé tí của một công dân học trò nhỏ trước một chuyện quá to

– Còn bao nhiêu bức NÔNG THÔN của Bùi Xuân Phái?

– Tranh Phương có giả được tranh Phái?

– Bùi Thanh Phương có nên là người đại diện quỹ Bùi Xuân Phái?

– Thư ngỏ gửi nhà phê bình, và nhà phê bình gửi lại…

– Đến lượt ông Tira…

Ý kiến - Thảo luận

13:07 Thursday,10.12.2015 Đăng bởi:  Candid
Thế thì em sợ là bác mua tranh hớ mất. Xem bức 64 thì thấy cụ Phái cho dù tranh nhỏ vẫn diễn tả ánh sáng và khối như dưới mái nhà, phần trắng trên ngực, mặt em bé... Tranh 74 thì bẹt dí.
...xem tiếp
13:07 Thursday,10.12.2015 Đăng bởi:  Candid
Thế thì em sợ là bác mua tranh hớ mất. Xem bức 64 thì thấy cụ Phái cho dù tranh nhỏ vẫn diễn tả ánh sáng và khối như dưới mái nhà, phần trắng trên ngực, mặt em bé... Tranh 74 thì bẹt dí. 
11:52 Thursday,10.12.2015 Đăng bởi:  Nguoi mua tranh
Chuyện ông Phương nhái tranh ông Phái chắc cũng nhiều người biết rồi. Nhưng thẳng thắn mà nói, bài viết này viết tồi quá. Có vẻ hơi khiên cưỡng và nặng thành kiến khi nhận xét về mặt kỹ thuật. Nếu nói bức vẽ năm 1974 non tay có vẻ có thành kiến. Tôi thấy bức đó thực sự đẹp hơn bức vẽ năm 1964. Nếu cụ Phái mà vẽ bức năm 1964 thì thực tôi cũng hơi thất v
...xem tiếp
11:52 Thursday,10.12.2015 Đăng bởi:  Nguoi mua tranh
Chuyện ông Phương nhái tranh ông Phái chắc cũng nhiều người biết rồi. Nhưng thẳng thắn mà nói, bài viết này viết tồi quá. Có vẻ hơi khiên cưỡng và nặng thành kiến khi nhận xét về mặt kỹ thuật. Nếu nói bức vẽ năm 1974 non tay có vẻ có thành kiến. Tôi thấy bức đó thực sự đẹp hơn bức vẽ năm 1964. Nếu cụ Phái mà vẽ bức năm 1964 thì thực tôi cũng hơi thất vọng. Mong là do hình chụp không lột tả được hết mà làm cho nhìn không rõ.
Tôi thấy tranh Phương vẽ nhái không tệ, nhiều bức còn đẹp. Tiếc là không dùng năng lực mà tự sống, lại đi làm nhục cả bố mình. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả