Gẫm & Bình

Bài 3: Nam trói vs Nữ cởi 31. 08. 10 - 6:09 pm

Vũ Lâm

Tranh của Patrick Scullin

 
Chưa bàn đến ý nghĩa của những tác phẩm của nghệ sĩ ta trong In: Act và những vấn đề họ đề cập vội, ở đây tôi chỉ muốn bàn thêm vài dòng về những vấn đề “kỹ thuật”, những thủ pháp thuần túy hình thức thường gặp, lặp đi lặp lại qua nhiều năm, nay cũng thấy trong đại hội này. 

Bởi tuy tôi cũng dự khá nhiều cuộc tọa đàm sau triển lãm, nhưng thâm tâm nhắc nhở tôi rằng đừng tin hết vào những lời các nghệ sĩ nói. Điều đó cũng giống việc đừng quá tin vào lời các thiếu nữ nói (đừng nghe họ nói yêu ai không yêu ai, mà hãy xem họ lấy ai), hoặc trẻ con đừng có trông vào lời người lớn giáo huấn (mà hãy trông vào việc họ làm). Các tự bạch bằng lời của nghệ sĩ ta ở nhiều các cuộc thảo luận sau triển lãm thường mắc ba tình trạng, một là nói giỏi quá, tuy  ý nghĩa tác phẩm cũng đơn giản thôi, nhưng tác giả (hoặc có curator nói hộ tác giả) nói nhiều và đặt chuyện phức tạp ghê lên được; hai là tác phẩm thì tốt nhưng tự sự thì chưa đủ, tác giả lại nói quá đơn giản hoặc cứ như đùa; ba là tác giả vòng vo giấu ý nghĩa thực hoặc cố ý kể lể vào quá trình làm việc (chắc cũng bởi thói quen sợ một số tô-tem hoặc barrie vô hình nào đó, hoặc thậm chí là có ý coi thường trình độ khán giả cũng nên). Điều này thì cũng không hề chi. Vì nghệ thuật tạo hình là nghệ thuật để nhìn, xem, thấy. Chứ đâu phải là nghệ thuật để nghe! 

  

a. Nam nghệ sĩ trình diễn của ta, bắt đầu bằng Trói?

Khi đặt câu hỏi này ra, tôi chợt nhớ đến một câu thơ Thiền nổi tiếng của  Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, tổ của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam: “Thùy phọc cánh tiên cầu giải thoát/ Bất phàm hà tất mịch thần tiên”. (Ai trói mà cầu phương giải thoát. Chẳng phàm hà tất kiếm thần tiên) – Sơn phòng mạn hứng. Tất nhiên đây là khẩu khí của bậc quân vương, tại gia oanh liệt, xuất gia minh triết. Số ngài sinh ra trời đã định làm vua sáng rồi trở thành tổ sư gia nổi tiếng. 

Còn khẩu khí của em là người thường, bố công nhân, mẹ nông dân hoặc tiểu thương, sống ở quê tăm tối, bị đủ mọi thứ dốt nát, luật tục nhảm nhí của xung quanh hành hạ, em tổn thương tâm hồn và bị đánh cắp mất mát nhỏ to từ suốt từ bé đến lớn. Mãi em mới chuồn đi ra khỏi làng được. Em gặp nghệ thuật – một thứ đạo giải thoát cho em – nên trong nghệ thuật của em, khẩu khí nó nhỏ nhoi thôi, chỉ cần chứng minh sự tồn tại của em. Bởi thân phận em là “chó rơm” mà thôi. (Chó rơm – sô cẩu – chó bện bằng rơm, dùng để đốt trong tế lễ. Trang tử trong Nam Hoa Kinh viết rằng: Trời đất bất nhân/ Coi vạn vật như chó rơm/ Thánh nhân bất nhân/ Coi trăm họ như chó rơm. Hồi trước trò chuyện với họa sĩ Lê Quốc Việt. Anh có bày tỏ quan điểm làm nghệ thuật của mình bằng cách nhắc lại câu Trang Tử trên, rồi “đế” tiếp: Tao nghĩ rằng đã làm thân chó rơm, thì cũng phải cố gắng sủa lên một tiếng!

Nếu thống kê số lượng các tiết mục trình diễn có màn “trói” (bằng dây, băng keo) lâu nay của các nam nghệ sĩ trình diễn thì thấy thủ pháp này đã thành một mô-tip khá phổ thông. Từ vụ hai sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp “trói nhau ở Văn Miếu” ồn ã báo chí năm 1997, tới nhiều trình diễn làm trong Viện Goethe, cho đến dự án Sneaky Week – Luồn lách (đem nghệ thuật trình diễn ra ngoài đường hai năm trước của mấy chục nghệ sĩ trẻ Huế, Hà Nội, TP HCM), cho đến In: Act vừa rồi… thì mô-tip “trói” ấy diễn ra khá nhiều. 

Câu hỏi là tại sao nam nghệ sĩ trình diễn quân ta hay thích “trói” thế? Mới đầu tôi cũng hồ nghi có những động cơ “pop art dân chủ” nào đó của các đàn anh tác động đến các nghệ sĩ đàn em trẻ hơn. Nhưng sau đó tôi loại bỏ hồ nghi này. Bởi sức ảnh hưởng của một nghệ sĩ đàn anh là có hạn, và chỉ trong một số ít nhóm nghệ thuật. Còn mô-đun “trói” của chúng ta là phổ biến khắp nhiều nhóm. Đến mức có một người bạn nước ngoài rỉ tai tôi hỏi rằng: “Này, liệu có hội chứng y học nào ở trên hiện tượng hàng loạt này không nhỉ?” Tôi không nghĩ vậy và cũng không phán đoán bình luận được gì. Chỉ nêu ra đây như một câu hỏi mong mọi người cùng giải đáp! 

Vì đây là nghệ thuật hành vi thì việc tạo ra nhiều hành vi bất thường để nói về điều bình thường là một quá trình tất yếu. Nhà triết học nghĩ đến tận cùng mọi ý nghĩ để mọi người khỏi phải nghĩ nữa. Còn nghệ thuật tạo hình tạo mọi hình kỳ quặc để người thường khỏi phải tạo nữa. Nhưng cuối cùng cái trữ lượng dùng được và phổ biến cho nhân loại, trở thành hiện thực vật chất của từ ngữ, của hành vi, của hình thù, ý nghĩ, hay là môn Toán của anh Ngô Bảo Châu hai quốc tịch nhà ta vừa đoạt giải cao mới đây… là ít thôi. So với cái trữ lượng “không dùng được” dầy như phần chìm của tảng băng trôi. Điều này tương tự như việc “vật chất tối” là thành phần cơ bản chiếm tới 70% vật chất trong vũ trụ vậy. 

  

b.  Nữ nghệ sĩ trình diễn, bắt đầu bằng Cởi… Kết thúc là “cởi” hết!

 Trong In: Act có ba nghệ sĩ nữ Việt Nam trình diễn. Một bạn tên Vân, hình như còn là sinh viên, trình diễn ở Tadioto, còn lại hai nữ nghệ sĩ Phương Linh và Diệu Hà. Màn trình diễn (lần đầu tiên làm performance) của bạn Vân cũng có mặc, rồi cởi và xé… nom giông giống kịch hình thể, hoặc múa đương đại, chưa “ra” trình diễn lắm. 

Màn trình diễn của bạn Vân – sinh viên – tại Tadioto

 Phương Linh thì tác phẩm đổ gạo lần này có vẻ hiền lành, không “cởi” gì (không hiểu có phải do Nhà Sàn chính là nhà của cô, những màn trình diễn của cô còn có phụ mẫu của cô trông vào không) nhưng những tác phẩm của cô trước đây cũng nhiều lần dùng “vũ khí” riêng của phụ nữ để làm khá mạnh bạo (ví dụ như loạt ảnh cunt face). 

Về màn trình diễn cuối của Diệu Hà thì có chuyện thế này, lúc đó tôi đang ngồi uống nước với một số người bạn ở bên ngoài Nhà Sàn (do bên trong đông người quá, chật và nóng), chợt có người chạy ra bảo đến “tiết mục” cuối cùng của Diệu Hà rồi, thế là tất cả bỏ hết nước với bia đang uống dở, chạy ào vào xem (chứng tỏ phần trình diễn của Diệu Hà đã được rỉ tai nhau tiết lộ trước là sẽ rất hot). Mọi người xem xong đều vỗ tay nhiệt liệt. Tiết mục của cô được nhiều người đồng tình rằng có kịch tính cao, và có vẻ tự do và thơ mộng và riêng (trừ cái lồng chim hơi “lộ liễu” ý đồ). 

Lại nhớ, cách đây hơn một năm, tôi có lên xem cuộc triển lãm khu vực miền núi phía Bắc của Hội Mỹ thuật tại Việt Trì – Phú Thọ. Trong triển lãm xảy ra một câu chuyện rắc rối là bức tranh nude có tên Dậy thì của nữ họa sĩ trẻ Hà Quỳnh Nga (hiện đang học năm thứ ba trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội) bị gỡ xuống treo lên mấy lần trước khi triển lãm, chuyện khá rắc rối bởi nó liên quan đến nhiều mối quan hệ trong tỉnh Phú Thọ – với báo chí và Hội Mỹ thuật trung ương. Nhưng cuối cùng thì bức tranh vẫn được treo, và là bức được lãnh đạo tỉnh đến xem đầu tiên sau khi khai mạc (chứng tỏ dấu hiệu tiến bộ và “thoáng” trong cách nhìn về nghệ thuật của giới quản lý văn hóa ở đây). 

Kết luận về chuyện này, một nhà điêu khắc trong hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật lên chấm giải (ông này cực lực bảo vệ bức tranh này phải được treo trước đó) nói vui với tôi: Tớ thấy là trong cách biểu hiện của nghệ thuật, thì đàn ông đẩy tới mức cao nhất là chạm tới triết học. Còn đàn bà làm nghệ thuật đẩy đến mức cao nhất là cởi tuột… (cái “cởi” ở đây ý mang nghĩa bóng nhiều hơn, nói đến mọi thứ ràng buộc lễ giáo, luật lệ trái nhân văn). Rồi ông hài hước nói thêm: Cậu thấy các bà phụ nữ ở quê mà xem. Bị thằng chồng vũ phu hành hạ, hoặc hàng xóm hay xã trưởng ức hiếp thì đến võ cuối cùng là cởi truồng chạy ra đường, vỗ bành bạch vào cái đó mà chửi. Đến miếng ấy thì bất cứ thằng đàn ông mặt dày nào cũng phải chịu chết!

Nhiều năm nay, có lẽ bắt đầu từ sau Đổi mới, chuyện nude và “cởi” trong nghệ thuật của các nữ nghệ sĩ diễn ra thành những event rầm rộ với khá nhiều ví dụ. Các nữ nghệ sĩ trình diễn hay tạo hình dám “cởi” trực tiếp là muộn ấy, chứ còn trên văn chương, trên sân khấu thì các nữ tác giả đã thao tác khá nhiều và rất chi là bạo liệt. 

Có chuyện là các nữ nghệ sĩ trình diễn của ta, Nam cũng như Bắc, khi ra nước ngoài thực hành nghệ thuật thì trình diễn khá mạnh bạo. Có lẽ thứ nhất ở ngoài nước họ không phải lo lắng đến chuyện có những ông cán bộ quản lý văn hóa cấp dưới bảo hoàng hơn vua luôn chực chõm đe nẹt. Thứ hai do chuyện nude ở nước ngoài có quan niệm “cởi” và “mở” khác ta, cho nên cũng dễ dàng hơn (nữ nghệ sĩ trình diễn nước ngoài dùng thủ pháp “cởi” ấy là chuyện cơm bữa). Thứ ba, về vấn đề tâm lý thì theo tôi, dùng thủ pháp khỏa thân để trình diễn ở nơi toàn người lạ nó cũng không phải chịu áp lực như ở nơi toàn người quen nhìn mình.

Diệu Hà trong tác phẩm trình diễn “Bay Lên” tại In:Act

Về việc tại sao các nam nghệ sĩ trình diễn hay “trói”, còn các nữ nghệ sĩ trình diễn hay “cởi” – gọi là “nam trói – nữ cởi” thì tôi cũng chưa có đủ thông tin để có ý kiến đánh giá về sự ưa dùng hai “thủ pháp” ngược nhau này (có lẽ đây là một cái lằn ranh mỏng để phân giới tính trong nghệ thuật trình diễn chăng?). Chỉ nêu ra như một câu hỏi, một hiện tượng tôi cũng đang thắc mắc, mong truy cầu được ý kiến của mọi người gần xa. 

Riêng tôi, tôi nghĩ thế này: Giới hạn của con người thì vẫn chỉ là thế: tứ chi một đầu, một bộ phận sinh dục, có mắt có mũi có tai có mồm. Nếu cứ làm đi làm lại mà không mới, thì nó sẽ dẫn đến nhàm. Hoặc giả nếu “trói – cởi”, hành xác là những kỹ năng hay, thì sẽ bị “nghệ thuật kích thích nghệ thuật” đẩy lên. Người sau tiến hơn người trước. Mà nói cho cùng thì ai dám tự chặt tay trong một cuộc trình diễn không. Nếu cứ mỗi lần trình diễn tự chặt một chi, thì đến lần thứ năm lấy gì ra mà xẻo? Còn nữ nghệ sĩ trình diễn cứ thích “cởi”, thì những người làm sau sẽ tìm cách “cởi” khéo hơn và gây choáng hơn. Cho nên những nghệ sĩ trình diễn trẻ nên xem lại hai “kỹ năng, thủ pháp” này. Bởi  sẽ là con đường tăm tối nếu nó không biến đổi! 

Kỳ sau: Nghệ thuật trình diễn, phải đối xử với mày thế nào? 

 * 

Bài liên quan: 

Bài 1: Xem trình diễn là xem cái gì?
Bài 2: Thử so ta với Tây, với Tàu
Bài 3: Nam trói vs Nữ cởi
Bài 4: Bài 4: Nghệ thuật trình diễn, phải đối xử với mày thế nào?
Có sống được bằng Nghệ thuật Trình diễn?

Ý kiến - Thảo luận

17:33 Tuesday,5.5.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
không có nghệ thuật rẻ tiền, chỉ có người thể hiện rẻ tiền
...xem tiếp
17:33 Tuesday,5.5.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
không có nghệ thuật rẻ tiền, chỉ có người thể hiện rẻ tiền 
22:37 Friday,15.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Cứ nam trói và nữ cởi là nổi tiếng hả Lâm?
...xem tiếp
22:37 Friday,15.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Cứ nam trói và nữ cởi là nổi tiếng hả Lâm? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả