Kiến trúc

Rẻ hơn cả một bức tranh: căn nhà của Frank Lloyd Wright 13. 01. 12 - 8:37 am

Pha Lê dịch

.

Sau khi đọc một bài viết về Frank Lloyd Wright trên tạp chí Nhà Đẹp (House Beautiful), Phyllis Laurent quyết định nhờ Wright thiết kế căn nhà cho chồng bà, ông Kenneth – một cựu chiến binh của Thế Chiến 2 bị chấn thương tủy sống, phải ngồi xe lăn.

Suy đi nghĩ lại, kiến trúc sư lừng danh Frank Lloyd không thể tìm thấy địa điểm nào thích hợp hơn vùng ngoại ô xanh tươi ở Rockford, thuộc hạt Illinois, để dựng ngôi nhà Kenneth Laurent. Đây là một ngôi nhà đẹp nhưng lâu nay bị đánh giá thấp một cách thiếu công bằng. Xây năm 1952, căn nhà này đã được mang đi “gõ búa” tại nhà đấu giá Wright ở Chicago hôm 15. 12. 2011 với giá thật là rẻ (so với nhiều bức tranh hay bình cổ được đấu giá).

Ngôi nhà một tầng được xây bằng gỗ rừng và gạch phổ thông của Chicago, số 4646 đường Spring Brook yên tĩnh, có một đường lái xe dài, trên khoảng đất rộng 5.261 mét vuông được bao bọc bởi bụi rậm và cây cao. Hòa quyện uyển chuyển với khung cảnh, ngôi nhà neo trụ lại trong mắt người nhìn; và ít nhiều nó khiến bạn nhớ đến siêu phẩm của Wright: ngôi nhà Fallingwater.

Ngôi nhà Fallingwater

Thoạt tiên, một mặt tiền trông rất chi là “trầm trọng” chưa “tiết lộ” gì nhiều, vì ngôi nhà để dành phần reo mừng “A ha” êm dịu cho mặt sau. Mặt sau có hình lưỡi liềm nhẹ nhàng, uốn cong khắp chiều dài, và đưa khung cảnh điền viên xanh mát vào bên trong – một nơi gồm nhiều phòng tràn ngập ánh sáng ấm cúng, với tường bằng gạch thô, và các đồ nội thất độc đáo được đặt làm riêng, do Wright thiết kế. Vợ của kiến trúc sư – bà Olgivanna, thiết kế chiếc bàn ăn.

Mặt sau nhà

Nhà được xây bằng gạch phổ thông Chicago và gỗ rừng. Gạch phổ thông Chicago (Chicago Common Brick) là một loại gạch cổ, hồi xưa rất phổ biến ở Chicago, dùng để xây nhà, nhưng giờ gạch này trở nên hiếm, phải mua theo kiểu đấu giá chứ không có bán.

Một viên gạch khắc chữ ký của Frank Llloyd Wright trên tường nhà.

Hoàn thành vào năm 1952 với giá 35.000 USD; ngôi nhà 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm, rộng 232 mét vuông này gần như không hề thay đổi sau 50 năm. Người nhà Laurent giữ mọi thứ, từ đồ nội thất bên trong đến các món trang trí, giống hệt như ngày đầu tiên họ dọn vào ở, gồm ghế hình thùng, gối quỳ, vỉ nướng bằng sắt trong lò sưởi, bình phong trang trí, và đèn tường…. Tất cả được chủ nhà – Kenneth Laurent và Phyllis Laurent – bảo quản tốt. Chú thích thêm cho các bạn: Vỉ nướng sắt trong lò sưởi là dùng để nướng… đồ ăn, hoặc đun nước sôi. Đây là một món đồ khá cổ, để chủ nhà xưa không phải chạy tuốt xuống nhà bếp khi muốn nấu món gì đấy đơn giản hoặc hâm nóng nước, vừa sưởi ấm vừa nhâm nhi.

Đồ đạc trong nhà y như lúc mới làm

Chi tiết của tấm bình phong do Ling Po – một kiến trúc sư của trường Taliesin thiết kế (đây là trường do chính Frank Lloyd Wright thành lập). Tấm bình phong này minh họa một cách cách điệu phối cảnh căn nhà Kenneth Laurent.

Căn nhà gồm nhiều phòng tràn ngập ánh sáng ấm cúng, với tường bằng gạch trần (không quét vôi); và những đồ nội thất độc đáo, được đặt làm riêng, do Wright thiết kế.

Bàn trang điểm trong phòng ngủ chính.

Wright thích căn nhà đến nỗi thiết kế của nó cộng với các chi tiết đầy tính sáng tạo – gồm những ống nước ẩn dưới sàn dùng để sưởi ấm – đã trở thành “cốt lõi DNA” cho các công trình sau này của ông. (Hệ thống này gọi là hệ thống sưởi trung tâm, với mạch nước nóng – đốt bằng gas – chạy khắp nhà để sưởi. Nhà sẽ được ấm đều hơn là kiểu sưởi dùng lò hoặc dùng máy; nhưng hệ thống này ngốn tiền mỗi tháng hơi bị nhiều). Nói chuyện với bạn bè, ông gọi căn nhà này là một “kiệt tác thanh lặng” và là “viên ngọc nhỏ” của mình.

Kenneth Laurent cũng là ngôi nhà duy nhất của Wright có thiết kế thân thiện với người tàn tật. Dĩ nhiên không hề lộ liễu: không ai thấy đường dốc hay thanh vịn ở đâu trong khắp ngôi nhà – chỉ có hành lang rộng rãi, chỗ ra vào bằng phẳng tại mỗi lối đi, các phòng chức năng với cửa sổ thấp, và tầm nhìn hoàn toàn hợp lý khi bạn ngắm cảnh ở tư thế ngồi.

Cửa sổ thấp. Dọc nhà có nhiều chỗ để ngồi.

 

Giờ đây, người nhà Laurent cuối cùng cũng dọn đi nơi khác, họ đem ngôi nhà ra đấu giá bán tại buổi đấu giá tên Important Design (Thiết kế Quan trọng), do nhà đấu giá Wright tổ chức định kỳ 6 tháng một lần, vào ngày 15. 12. 2011. Ngôi nhà và cả đồ nội thất đúng như hồi mới về… được kêu giá có 500.000 USD đến 700.000 USD. Quá rẻ, thật không bằng một bức tranh mà Jenifer Aniston mua về treo trong cái nhà cầu kỳ của cô.

.

Ý kiến - Thảo luận

10:55 Tuesday,10.2.2015 Đăng bởi:  Riêng&Chung
Cửa sổ góc trứ danh của cụ Wright (ảnh cuối)! Không biết cụ xử lý kết cấu chịu lực thế nào cho góc mái nhỉ, bỏ hẳn cột góc cơ mà? Ở VN làm cửa sổ góc "lõm" vào thế này chắc sẽ bị "thầy phong thủy" phán là "xung" với "sát"... Còn trần phòng ngủ sẽ bị vôi ve trắng tinh ngay lập tức : ))
...xem tiếp
10:55 Tuesday,10.2.2015 Đăng bởi:  Riêng&Chung
Cửa sổ góc trứ danh của cụ Wright (ảnh cuối)! Không biết cụ xử lý kết cấu chịu lực thế nào cho góc mái nhỉ, bỏ hẳn cột góc cơ mà? Ở VN làm cửa sổ góc "lõm" vào thế này chắc sẽ bị "thầy phong thủy" phán là "xung" với "sát"... Còn trần phòng ngủ sẽ bị vôi ve trắng tinh ngay lập tức : )) 
18:23 Thursday,2.2.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Cám ơn cô/chị Hồ Thu Ba. Thông tin của cô/chị thực sự là niềm an ủi lớn cho chúng cháu/em.

Rõ ràng 1 tài năng như Wright mà không có truyền nhân thì quá buồn.

Không hiểu trường phái của ông đã có các kiến trúc sư hậu sinh nào ở Việt Nam ủng hộ và học tập chưa hè?
...xem tiếp
18:23 Thursday,2.2.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Cám ơn cô/chị Hồ Thu Ba. Thông tin của cô/chị thực sự là niềm an ủi lớn cho chúng cháu/em.

Rõ ràng 1 tài năng như Wright mà không có truyền nhân thì quá buồn.

Không hiểu trường phái của ông đã có các kiến trúc sư hậu sinh nào ở Việt Nam ủng hộ và học tập chưa hè? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả