Điện ảnh

Phim chiếu rạp: LONG MÔN PHI GIÁP – sẽ rất hay nếu bỏ được cái bệnh lằng nhằng 19. 01. 12 - 8:29 am

Pha Lê tổng hợp

Poster phim Long Môn Phi Giáp

 

Thú thực là tôi ít khi thích phim Tàu, nhất là phim kiếm hiệp. Cứ nghe thấy thể loại này là tôi muốn xách dép chạy. Dĩ nhiên, cái gì cũng có ngoại lệ, chịu khó mò mẫm thì cũng tìm được phim kiếm hiệp hấp dẫn, và đạo diễn giỏi thì ở Trung Quốc thực sự không thiếu.

Từ Khắc thì sao? Ông cũng là một trong những đạo diễn nổi tiếng, theo tôi thì chất lượng phim của ông lúc lên lúc xuống. Phim Địch nhân kiệt của ông cực kỳ hấp dẫn, Dạ tiệcTime and Tide xem tạm được, còn Thất kiếm thì hơi bị nhảm. Năm nay, phim Long Môn Phi Giáp của ông được chiếu tại Việt Nam, tôi đi xem phim với tâm trạng tò mò, chẳng biết phim này thuộc loại hay hay dở.

Chuyện phim nghe khá hấp dẫn và dàn diễn viên thì cũng toàn sao. Mở đầu, một người dẫn truyện tường tận thông báo cho khán giả biết tình hình hỗn loạn ở Trung Quốc: dân chúng đói khổ, vua thì vô dụng, triều đình bị hai phe quan lại (Tây Xưởng và Đông Xưởng) làm lũng đoạn. Chúng vơ vét của cải, bắt bớ dân thường, thậm chí còn đem các trung thần ra trảm.

Vì thế nên giới võ lâm giang hồ phải thay trời hành sự, đứng lên dẹp loạn. Cầm đầu nhóm anh hùng hảo hán này là Triệu Hội An (Lý Liên Kiệt đóng). Anh xả thân giết quan tham, cứu trung thần, võ nghệ cao siêu đến nỗi đám quan của Đông Xưởng phải khiếp sợ bỏ trốn.

Triệu Hội An tấn công một tên quan tham của Đông Xưởng

 

Nhân thấy cảnh Đông Xưởng cúp đuôi chạy, bên Tây Xưởng thừa cơ đứng lên nắm quyền. Chửi bọn Đông Xưởng nhát, Đốc chủ của Tây Xưởng, tên Vũ Hoa Điền (Trần Khôn đóng), quyết ra tay diệt trừ nhóm anh hùng của giới giang hồ, và võ công của tên này thì thuộc dạng không có đối thủ.

Tên Vũ Hoa Điền

 

Đọc đến đây, chắc ai cũng nghĩ rằng phim sẽ tiếp tục kể về quá trình đấu tranh chống Tây Xưởng của Triệu Hội An, nhưng thực tế thì không phải vậy. Câu chuyện ngoặt sang hướng khác với sự xuất hiện của Tố Huệ Dung (Phạm Hiểu Huyên) – cô nữ tì trong triều đình. Cô đang trên đường bỏ trốn, nghe đâu lý do là vì cô mang cốt nhục của vua, và bà Vương Phi ác độc ra lệnh cho Vũ Hoa Điền đem quân giết Huệ Dung để trừ hậu họa.

Nhân vật Huệ Dung, cô trùm khăn kín đầu để che mắt quân truy sát.

 

Trên đường chạy trốn, Huệ Dung được nữ hiệp Lăng Nhạn Thu (Châu Tấn đóng) cứu. Tuy nhiên, cô không xưng tên thật mà nói rằng mình là Triệu Hội An. Vì sao cô làm vậy thì không rõ, nhưng người xem cũng đoán được là hai nhân vật này có mối liên hệ ân oán gì đó. Nhạn Thu định đưa Huệ Dung sang Mông Cổ lánh nạn, nhưng đang định chạy qua biên giới thì xui xẻo gặp bão cát. Cả hai đến một quán trọ giữa sa mạc để trú, nhưng vô tình gặp phải một toán cướp, và nghe lỏm được chuyện này:

Ở gần quán trọ có một cái hang, trước cửa là tấm bia đá khắc chữ Long Môn. Nhưng thực chất đấy không phải hang, mà là cổng vào kinh thành của vua Mông Cổ thời xưa, trong đó giấu rất nhiều vàng bạc châu báu. Nhưng toàn bộ kinh thành hiện nay bị vùi trong cát, còn chừa lại mỗi cửa Long Môn. Theo lời bọn cướp, cứ mỗi 60 năm, một trận bão cát cực mạnh sẽ nổi lên, cuốn bay mọi thứ, nhưng nhờ bão mà kinh thành bị vùi sẽ hiện ra. Bọn cướp sẽ nhân cơ hội này để tìm kho báu.

Xui thay, cũng vì bão cát mà quán trọ trở thành điểm tập kết của quân Tây Xưởng – vốn đang trên đường truy sát Huệ Dung. Triệu Hội An lần theo dấu vết của quân Tây xưởng nên cũng mò đến đây. Dường như đủ thứ dạng người sẽ gặp nhau ở Long Môn. Chuyện gì sẽ xảy ra?

Nhạn Thu và Huệ Dung giữa sa mạc

 

Phải công nhận rằng phim có nhiều tình tiết hồi hộp, và những cảnh hành động đứng tim được làm rất khéo. Nếu chấm điểm khắt khe, thì các kỹ xảo vẫn chưa hoàn thiện cho lắm. Từ Khắc, nói cho cùng, chẳng phải James Cameron, ông không có đủ kinh phí để làm kỹ xảo hoành tráng. Nhưng kỹ xảo nhìn chấp nhận được, không hề lộ liễu. Ông làm chủ máy quay rất tốt, và biết phát huy ưu thế của mình, bởi vậy nên các cảnh hành động nhìn vô cùng rõ ràng, nhịp nhàng, và thậm chí còn khá sáng tạo nữa, chứ không lung tung lộn xộn như một số phim hành động của Hollywood.

Một ưu điểm nữa của phim là chuyện tình cảm không ủy mỵ, không sến nổi da gà. Lăng Nhạn Thu yêu Hội An, nhưng cả hai không nói nhiều, không khóc lóc, hay lấy trăng lấy sao ra thề nguyền, đọc thơ, hẹn nhau ở kiếp này kiếp kia. Các nhân vật nữ anh hùng trong Long môn Phi Giáp rất cá tính, cứng cỏi, còn các nhân vật nam thì dũng cảm, dám nghĩ dám làm. Đặc biệt, tên Vũ Hoa Điền là một nhân vật ác có phong độ, chứ không đơn giản chỉ là ác nham nhở. Vũ Hoa Điền rất quyến rũ, hắn nói năng nhẹ nhàng, từ tốn, cử chỉ mềm mại, tác phong tươm tất, chứ không dơ dáy chụp giựt. Mặc dù vậy, mỗi lời nói, mỗi hành động của Vũ Hoa Điền đều lạnh như băng.

Tên Vũ Hoa Điền này có bộ mặt lạnh lẽo, nhưng phong cách lại cực kỳ quyến rũ.

 

Thật sự thì Trần Khôn và Châu Tấn là hai diễn viên nổi bật nhất của Long Môn Phi Giáp. Trần Khôn không chỉ thủ mỗi vai Hoa Điền, mà còn kiêm luôn vai Phong Lý Đao. Lý Đao là người dẫn đường của bọn cướp (do thuộc bản đồ của kinh thành Mông Cổ), nhưng xui xẻo thế nào mà Lý Đao lại có khuôn mặt y chang Hoa Điền, làm đám thuộc hạ của Hoa Điền phải bối rối, không biết ai mới là Đốc chủ thật của mình. Khác với Hoa Điền, Lý Đao lóng ngóng vụng về, yếu như sên, chỉ được cái dẻo miệng và khôn lỏi. Trần Khôn thể hiện rất tốt cả hai vai, khán giả nhìn Hoa Điền là thấy phát ghét, nhưng lại rất có thiện cảm với Lý Đao.

Nhóm cướp. Từ phải qua trái: người dẫn đường Lý Đao (cũng Trần Khôn đóng), Bố Lỗ Đô – nữ thủ lĩnh của bộ lạc Tarta (Quế Luân Mỹ đóng), Cố Thiếu Đường – cấp trên của Lý Đao (Lý Vũ Xuân đóng), và người còn lại là thuộc hạ của Bố Lỗ Đô. Lý Đao và Thiếu Đường thuộc 1 nhóm cướp, Lỗ Đô và thuộc hạ thuộc nhóm cướp khác, nhưng hai bên cùng chung tay tìm kho báu.

 

Còn Châu Tấn, nói sao nhỉ? Các vai nữ anh hùng thường quanh đi quẩn lại với chừng đó tính cách: mạnh mẽ, cá tính, giỏi giang tháo vát, nhưng luôn đi kèm chút xíu “yếu đuối”. Các đạo diễn cũng thường cho nhân vật nữ của mình rung động trước một chàng nào đó để họ bớt nam tính hơn. Nhân vật Nhạn Thu của Châu Tấn đúng là có phút mủi lòng, có điều cô không để cho chuyện yêu đương làm hỏng công việc. Nói trắng ra thì Hội An cũng đâu có vì cô mà bỏ làm anh hùng để về quê ở ẩn. Nhạn thu rất ra dáng một phụ nữ không tốn nhiều thì giờ để suy nghĩ về một gã ham làm từ thiện y chang mình (cứ gọi cứu người là làm từ thiện đi).

Nhạn Thu và Hội An cùng nhau trừ gian diệt bạo trong một cảnh phim.

 

Chính ra Long Môn Phi Giáp có thể trở thành một phim giải trí hấp dẫn. Quay phim đẹp, kỹ xảo khá, diễn viên nào đóng cũng đạt, thậm chí có người còn nhập vai cực kỳ xuất sắc. Khổ cái, phim này bị nhiễm căn bệnh muôn thuở: rắc rối hóa. Biết mình làm phim giải trí thì cốt truyện nên làm cho đơn giản thôi (ngay cả phim nghệ thuật như “Một tuần với Marilyn” cũng đơn giản đấy chứ). Nào là đám quân truy sát cô tì nữ Huệ Dung, nào là bọn cướp (tới 2 bọn chứ không chỉ 1), nào là Hội An đối đầu với Hoa Điền, nào là Lý Đao trông giống Hoa điền. Thực ra thì câu chuyện không rắc rối đến độ không hiểu, nhưng lắm thứ chằng chịt quá thì cốt truyện đâm ra thiếu thực tế, thiếu chặt chẽ, và thiếu chiều sâu. Tôi có cảm giác rằng Từ Khắc không biết làm gì cho phim được hấp dẫn một cách liên tục, nên tự đẻ ra nhiều vấn đề lằng nhằng nhằm tạo khó khăn cho nhân vật chính. Có nhiều tình tiết kém tự nhiên, như thể là bị “tống” vào kịch bản cho phim thêm hồi hộp, chứ chả liền mạch tí nào với cốt truyện.

Nếu bỏ qua được yếu tố này thì Long Môn Phi Giáp không đến nỗi tồi. Bạn nào thích phim kiếm hiệp thì nên xem, còn nếu không thích, nhưng không có chuyện gì làm thì cũng nên đến rạp xem cho biết. Ít ra đây là một phim Tàu không rập khuôn, để xem giải trí vẫn chấp nhận được.

 

*

Lịch chiếu: (đến 21. 1. 2012, nhưng cũng tùy phim đông hay vắng khách)

TP.HCM

Hùng Vương Plaza  (126 Hùng Vương, Quận 5)
CT Plaza (60A Trường Sơn, Phường 2, Q. Tân Bình)
Galaxy Nguyễn Trãi (230 Nguyễn Trãi, Quận 1) (có bản thường)
Galaxy Nguyễn Du (116 Nguyễn Du, Quận 1) (có bản thường)
Lotte Cinema Diamond (Tầng 13 – Diamond Plaza, 34 Lê Duẫn, Quận 1)
Lotte Cinema Nam Sài Gòn (Tầng 3 – Lotte Mart, 469 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân Hưng, Quận 7)
BHD Cinema (Lầu 4, Siêu Thị Maximart 3/2, 3-3C Đường 3/2, Q.10)

 

Hà Nội

Vincom City Towers (Tầng 6, Tòa nhà Vincom City Towers, 191 Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng)
TT chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Quận Ba Đình)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả