Thị trường

Một tuần bán tranh kỷ lục: người mua có điên không? 12. 05. 12 - 12:18 pm

Hữu Khoa dịch

 

NEW YORK – Tại phiên đấu giá đương đại ở nhà Sotheby’s hôm 9. 5. 2012, bức “Double Elvis” của Andy Warhol vừa bán được 37 triệu USD, và các tác phẩm của Roy Lichtenstein và Ai Weiwei cũng vừa phá kỷ lục của chính họa sĩ.

1.

Bức “Double Elvis” (Ferus Type) của Warhol, là hình Elvis Presley in lụa bạc trong dáng vẻ một anh cao bồi. Trước phiên đấu giá, bức này ước lượng bán được từ 30 – 50 triệu USD, cuối cùng bán được 37.042.500 USD. Đây là bức “Double Elvis” đầu tiên xuất hiện trên thị trường kể từ 1995. Warhol “sản xuất” một loạt 22 bức Elvis. 9 bức hiện nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng. (Kể cũng lạ khi chưa bị gọi là hàng chợ). Bức này được một nhà sưu tập Mỹ rao bán; ông có được nó hồi 1977.


Tác phẩm mô tả chàng ca sĩ Rock&Roll ủy mị thắt lưng dắt súng, nền phía sau lại là một cái bóng mờ mờ nữa của Elvis. Catalog của nhà đấu giá đã “tán” tác phẩm này – dựa trên một bức ảnh quảng cáo phim – như một “sự phong thần cho một vị thánh-chiến binh đương đại. Thần tượng nổi danh chất ngất mang một vũ khí chết người như thể đang bảo vệ cái thế giới thần bí của tiếng tăm.”


Tuy nhiên bức này thua xa kỷ lục của chính Warhol hồi 2007 là bức “Green Car Crash — Green Burning Car I”, bán được ở nhà Christie’s giá 71.7 triệu USD.

 

2.

Cũng trong phiên đấu giá này, bức “Sleeping Girl” của Lichtenstein diễn tả một cô gái mắt nhắm tóc vàng bồng bềnh đã bán được 44.882.500 USD.


“Sleeping Girl” vẽ những năm 1960 của Lichtenstein là thuộc một series tranh lấy cảm hứng từ loại truyện tranh sexy. Tác phẩm được trưng bày mỗi một lần tại MOCA (Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại) ở Los Angeles hồi 1989-90. Lần này, bức tranh được rút ra từ tài sản của hai nhà sưu tập Beatrice và Phillip Gersh – họ vừa là các mạnh thường quân, và là các thành viên sáng lập của MOCA.


Hồi tháng 11. 2011, bức “I Can See the Whole Room! … and There’s Nobody in it!” của Lichtenstein từng đạt kỷ lục đấu giá khi bán được 43.2 triệu USD ở nhà Christie’s.

3.

 

Một tác phẩm quan trọng khác của cuộc đấu giá, bức “Figure Writing Reflected in Mirror” (Hình người đang viết phản chiếu trong gương) của Francis Bacon đã bán được 44.882.500 USD.


“Figure Writing” của Bacon vẽ bồ ông là George Dyer, ngồi ở bàn. Mối quan hệ giữa Bacon và George Dyer nhiều kịch tính và sóng gió. George Dyer chết bất đắc kỳ tử chỉ hai ngày trước triển lãm quan trọng nhất của Bacon. Hình ảnh George Dyer có trong rất nhiều tranh của Bacon.


“Figure Writing” từng có mặt trong một triển lãm năm 1977 ở Paris với bức “Triptych” – một tác phẩm bán được 86.2 triệu USD ở nhà Sotheby’s hồi 2008. “”Triptych” nắm kỷ lục là tác phẩm đương đại đắt nhất mãi cho tới hôm thứ Ba vừa qua, tác phẩm “Orange, Red, Yellow” của Mark Rothko qua mặt, bán được ở nhà Christie’s giá 86.8 triệu USD.

4.

Còn một tấn hạt hướng dương sứ làm bằng tay – tác phẩm của Ai Weiwei (nhưng tay là tay nhân công được thuê làm) – cũng bán được trong phiên đấu giá này với giá 782.500 USD, phá kỷ lục của chính Ai Weiwei. “Sunflower Seeds” của Weiwei là một trong 10 lô tương tự, được bán kèm theo một giấy chứng nhận có chữ ký của Ai.


Những hạt hướng dương bằng sứ, có thể sắp thành hình kim tự tháp, từng được Tate Modern bày năm 2010. Tác phẩm này được bao bọc bằng toàn biểu tượng: hạt hướng dương (rang gia vị – bạn có thể mua ở siêu thị Việt Nam) là món ăn vặt của người Trung Quốc, còn hoa hướng dương từng là biểu tượng được Mao công nhận (? – có bạn nào biết về việc này không?). Kỷ lục trước đó của Ai Weiwei là 657.000 USD cho tác phẩm “Chandelier”, bán ở nhà Sotheby’s hồi 2007. “Tác phẩm của Ai Weiwei và Francis Bacon đều hút khách vì những lý do khác nhau,” Lisa Fischman, giám đốc bảo tàng Davis ở Wellesley College nói. “Một cái thì kích thích người ta vì tính khiêu khích chính trị, một cái thì khiến rúng động vì sự bí ẩn gợi dục.”

 

*

Tên người mua của bốn món trên không được công bố.

Phiên đấu giá này chắc chắc sẽ được ghi vào lịch sử đấu giá mỹ thuật. Tuần trước, cũng nhà đấu giá này đã bán được bức “Tiếng thét” của Edvard Munch với giá 119.9 triệu USD, là bức tranh bán ra đắt nhất từ xưa tới nay trên sàn đấu giá.

Lý do để có những phiên đấu giá kỷ lục này ư? Đơn giản mà, đó chính là chất lượng,” Michael Frahm nhận xét; ông là nhà tư vấn nghệ thuật đương đại cho công ty Frahm. “Then chốt là ở chất lượng.

 

Ý kiến - Thảo luận

16:14 Sunday,13.5.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Nhà đấu giá Sotheby’s vẫn thu bộn tiền qua các cuộc đấu giá, còn những người làm công cho Sotheby's thì sao?

Out Out Out!

Họ đang bị các ông chủ của nhà đấu giá đầu sỏ thế giới này cho nghỉ việc để kiếm thêm lời hơn nữa (lời lãi qua các cuộc đấu giá vẫn chưa đáp ứng đủ lòng tham cho các ông chủ - những tay con buôn nghệ thuật đích thị con buôn!).

Ở M
...xem tiếp
16:14 Sunday,13.5.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Nhà đấu giá Sotheby’s vẫn thu bộn tiền qua các cuộc đấu giá, còn những người làm công cho Sotheby's thì sao?

Out Out Out!

Họ đang bị các ông chủ của nhà đấu giá đầu sỏ thế giới này cho nghỉ việc để kiếm thêm lời hơn nữa (lời lãi qua các cuộc đấu giá vẫn chưa đáp ứng đủ lòng tham cho các ông chủ - những tay con buôn nghệ thuật đích thị con buôn!).

Ở Mỹ hiện nay đang có phong trào ủng hộ những người làm công bị các ông chủ Sotheby's đối xử bất công. Họ kêu gọi tẩy chay hợp tác với Sotheby's, tẩy chay các chương trình, các dự án của nhà đấu giá này, và nhiều hành động khác nữa để đòi Sotheby's "chơi đẹp" với những người góp phần vét tiền từ giới nghệ thuật về cho các ông chủ -con buôn nghệ thuật.

Những người khởi xướng phong trào nghĩa hiệp này là ai?

Họ là các họa sĩ, các curator và các nhà hoạt động nghệ thuật.

Một hành động đoàn kết phản kháng đúng lúc vì đồng nghiệp?

Hay chỉ là trò rách việc zở-hơi-biết-bơi?

Xin mời xem thêm từ nguồn:

http://www.change.org/petitions/sotheby-s-offer-your-art-handlers-a-fair-contract

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả