Gẫm & Bình

Khối U và Mây Biến Thể, giống và không giống 22. 05. 12 - 7:22 am

Trần Lương

Mây biến thể

 

Giống

– Cả hai đều cùng sáng tác trên mạch cảm xúc và nội dung về biến đổi sinh thái

– Cả hai đều dùng chất liệu khung sắt và vỏ lon nhôm tái chế

– Cả hai đều có khối đầu vê tròn và có các râu đuôi

– Cả hai đều làm và bày ở Huế

– Cả hai đều bày ở ngoài trời, nơi công cộng

– Cả hai đều sáng tác bởi 1 tác giả: Trần Tuấn, và curate bởi Trần Lương

– Cả hai đều kích thước lớn (Khối U: 15m x 4,5m x 4,5 m, MBT: 16,5m x 6m x 2,5m)

Khối U. (Ảnh do Thế Sơn chụp)

 

Không giống

– Khối U bày ở nơi được (bị) quy định, tác giả không có quyền lựa chọn lịch sử và cảnh quan nơi bày. MBT được tác giả chủ định sáng tác để bày ở vị trí đặc biệt có danh và lịch sử cụ thể (đúng nghĩa của tác phẩm site-specific)

– Tuy cùng về chủ đề sự biến thái nhưng MBT đặt vấn đề biến thái vì ô nhiễm ở một địa chỉ cụ thể, mà ở đó mục đích chính khuất đằng sau mà tác giả muốn đề cập là thái độ ứng xử với di sản. Còn ở Khối U, sự biến thái được đặt vấn đề một cách chung hơn, trong đó tác giả cũng gợi đến sự kiện thời sự của năm 2010 là bôxít.

– Tạo hình các bộ phận của 2 tác phẩm khác nhau: 1 đầu tròn, 1 đầu dẹp có 3 múi. Số lượng, hướng lượn và kích thước của các đuôi cũng khác nhau. Kích thước tổng thể cũng khá chênh lệch để phù hợp với từng vị trí.

– Môi trường bày và hiệu ứng tương tác rất khác nhau: Khối U trên nền đường nhựa, tầm nhìn của người xem hẹp theo chiều dọc. MBT bày trên mặt nước. Tầm nhìn, góc nhìn của khán giả rộng và từ xa, cảnh quan phía sau hai tác phẩm cũng khác nhau.

– Khối U tài trợ bởi nguồn chính thống (Bộ văn hóa) còn MBT tài trợ bởi quỹ phi lợi nhuận CDEF.

Mây biến thể

 

Qua một thời gian làm việc với Trần Tuấn, tôi có thể khẳng định anh sẽ còn làm tiếp một hay nhiều khối tượng tương tự như Mây biến thể nữa nếu tìm ra những địa điểm cụ thể phù hợp với cảm xúc thẩm mỹ và phù hợp với chủ đề thời sự của xã hội mà nghệ sĩ đang sống. Đây là việc rất bình thường của sáng tạo, phát triển tác phẩm với nhiều biến thể là cách nghệ thuật đương đại thường làm. Sáng tác nhiều phiên bản còn là quá trình tự đối thoại và tự hoàn thiện của nghệ sĩ. Không có ai chỉ trích về sự giống nhau trong cách thể hiện loạt tác phẩm những xác súc vật ngâm fóc-môn của Damien Hirst. Cũng không ai phàn nàn Jackson Pollock dùng mỗi đòn vảy sơn lia lịa rồi đặt các tên tranh khác nhau. Nghệ sĩ vẫn làm việc theo series với tranh và ngay cả với tượng.

Tác phẩm Mây biến thể có được những tố chất tạo hình, tinh thần và vật chất đủ để đối thoại và đánh thức một số không gian ngoại cảnh khác nhau. Đó là hiệu ứng thị giác của vật liệu. Là nội dung về vấn đề biến thái, có giao diện xã hội và môi trường rất rộng để tương tác. Là kiểu tác phẩm có thể xem từ rất xa đến gần (có khá nhiều tác phẩm phụ thuộc vào các chi tiết nên người xem phải ở gần, không thể thưởng thức từ xa). Là kiểu hình hài có định hướng mờ nên dễ liên tưởng đến các loại con, thể, vật khác nhau.

Không nhiều tác phẩm có sự thích ứng này.

“Mây biến thể” trên hồ Tịnh Tâm

 

Vậy khả năng một phiên bản Mây biến thể mới có thể xuất hiện ở một nơi khác, mà vấn đề biến thái được mở ra ở các góc cạnh xã hội và môi trường khác. Điều này được hoạt động nghệ thuật đương đại chuyên nghiệp với cả hệ thống bảo tàng trên toàn thế giới thừa nhận về tính hợp pháp của nó. Khi tác giả đăng kí ngay từ đầu số edition (số lượng phiên bản tác phẩm) là 1, 3 hay 5 thì tác phẩm quý và độc đến đâu là do nghệ sĩ tự quyết định số lượng phiên bản nhiều hay ít. Nghệ sĩ cũng tự quyết định chất lượng sự tương tác cao đến đâu, giữa tác phẩm với nơi bày. Và cũng có thể tự hạ thấp tác phẩm của mình nếu phạm sai lầm. Tôi đưa ra vài hình ảnh giả định sự xuất hiện của MBT ở một số địa điểm có cảnh quan tự nhiên và xã hội khác nhau để tham khảo về sự đối thoại của nó với địa điểm, và qua hình ảnh đối thoại đó là sự gợi ý khác nhau về biến đổi sinh thái hay rộng hơn sự biến thái nói chung.

“Mây biến thể” trên hồ Thủy Tiên


Mây biến thể trên Hộ Thành Hào


Mây biến thể ở Chicago


Mây biến thể ở nhà máy hạt nhân

 

Dĩ nhiên, từ ý tưởng đến hiện thực là rất nhiều công việc phải xử lý. Với MBT, mọi yếu tố kỹ thuật đều được tính toán và làm theo cách thủ công, kinh nghiệm rất ít trong việc thiết kế và lắp đặt một tác phẩm kích thước lớn, làm bằng chất liệu bền vững, lại đặt trên nền chất lỏng. Việc buổi khai mạc bị dời chậm lại là kết quả của cách làm thủ công và thiếu kinh nghiệm (ở cả phần tổ chức). Trong buổi tọa đàm, tác giả và curator đều có lời cáo lỗi mà không đổ cho một yếu tố khách quan nào. Tuy vậy, cũng không có sự chì chiết nặng nề nào từ phía dư luận về sự chậm trễ. Nhưng sự giống nhau giữa Khối U và MBT thì có vẻ gây chú ý hơn.

Trong cuộc tọa đàm, ngay sau khi Trần Tuấn trả lời câu hỏi của hai họa sĩ Thanh & Hải, nhận thấy phần trả lời của Tuấn chưa rõ và chưa đủ thỏa mãn người hỏi (vì ngay câu hỏi cũng lịch sự ý nói chứ không nói rõ là thấy hai tác phẩm giống nhau), nên tôi đã hỏi lại Thanh & Hải là có phải thắc mắc về sự giống nhau không, và được xác nhận. Tôi đã giải trình khá rõ động cơ thúc đẩy làm tác phẩm thứ hai là MBT. Rất tiếc là trong tường thuật của Tú Miu trên SOI lại không nhắc đến phần này và cả mấy phần khác như sự cáo lỗi, như đoạn Tuấn nhắc về bô-xít…

Đã gọi là tường thuật, thì trước hết phải tường thuật đủ thành phần và ý của đối tượng được tường thuật. Nên có kiến thức tối thiểu về đối tượng mình tường thuật. Khi tường thuật có chọn lọc, sẽ đưa ra hình ảnh méo về sự kiện được tường thuật. Hiện tượng này có thể do người viết yếu chuyên môn, có thể do thiên kiến, có thể bị chỉ đạo, có thể do quan liêu…

Với hy vọng các hoạt động tường thuật, phê bình, nhận định có thể xây dựng và ủng hộ cho nghệ thuật phát triển, tôi sẽ có bài viết bằng kinh nghiệm và ý kiến cá nhân của mình về các hoạt động này trong một ngày gần đây.

4. 2012

*

Bài liên quan:

– 8g sáng 15. 3: MÂY BIẾN THỂ của Trần Tuấn
– Chuẩn bị cho MÂY BIẾN THỂ: phải xong trong đêm nay

– MÂY BIẾN THỂ: Muộn, nhưng sẽ được lưu dài lâu

– Vì sao chúng tôi chậm trễ

– Gửi Trần Tuấn, giống hay không giống…

– Khối U và Mây biến thể, giống và không giống

– Lạ nhỉ, vì sao đến giờ ông mới nói?

 

Ý kiến - Thảo luận

23:44 Saturday,26.5.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
@Em-có-ý-kiến:

"Nhà máy hạt nhân" như trong chú thích dưới ảnh (cũng như báo chí VN hiện nay hay viết) chính là "nhà máy điện hạt nhân".

Tên tiếng Anh là Nuclear Power Plant (NPP).

Trong NPP phân hạch xảy ra trong lò phản ứng tạo ra nhiệt. Nhiệt này được dùng để tạo ra hơi nước. Hơi nước dùng để chạy các turbines phát ra điện.
...xem tiếp
23:44 Saturday,26.5.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
@Em-có-ý-kiến:

"Nhà máy hạt nhân" như trong chú thích dưới ảnh (cũng như báo chí VN hiện nay hay viết) chính là "nhà máy điện hạt nhân".

Tên tiếng Anh là Nuclear Power Plant (NPP).

Trong NPP phân hạch xảy ra trong lò phản ứng tạo ra nhiệt. Nhiệt này được dùng để tạo ra hơi nước. Hơi nước dùng để chạy các turbines phát ra điện. 
20:29 Saturday,26.5.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Mây biến thể ở NHÀ MÁY HẠT NHÂN..."

Nhân thể, cháu muốn hỏi chú Đăng - chuyên gia hạt nhân ở Nhật - "nhà máy hạt nhân" và "nhà máy điện hạt nhân" là 2 loại nhà máy hay cũng chỉ là 1

a?
...xem tiếp
20:29 Saturday,26.5.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Mây biến thể ở NHÀ MÁY HẠT NHÂN..."

Nhân thể, cháu muốn hỏi chú Đăng - chuyên gia hạt nhân ở Nhật - "nhà máy hạt nhân" và "nhà máy điện hạt nhân" là 2 loại nhà máy hay cũng chỉ là 1

a? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả