Soi học

Bài học Chủ nhật: Orion – chết vì đánh bò cạp, rượt gái đẹp, hay yêu Artemis? 10. 06. 12 - 6:27 am

Pha Lê

 

.

 

Chòm sao Orion (Lạp Hộ) có rất nhiều tích đi kèm, đến nỗi đọc một hồi là đầu óc ong ong, không biết mình đang đọc cái gì. Dĩ nhiên, đây là một trong những tích Hy Lạp/La Mã nổi tiếng, không học không được, nhưng để cho mọi người không bị rối, tích sẽ được chia thành nhiều phần tùy theo bản.

 

Chòm sao Orion do Johannes Hevelius phác họa cho bộ sách thiên văn Prodromus Astronomia, xuất bản năm 1690. Orion nằm rất gần chòm Kim Ngưu và Song Tử, và cũng gần với chòm Bò cạp cũng như Thất Tinh (chứ không phải thất tình nhé).

 

Trước tiên, hãy bàn về sơ yếu lý lịch. Nhà thơ Hesiod và Hyginus thì nói rằng Orion là con của thần biển Poseidon và nàng Euryale (một trong bộ ba Gorgons (chị em nhà Medusa đầu rắn). Dù mang dòng máu thần thánh nhưng Orion không bất tử, được cái là chàng cực kỳ khỏe mạnh, cao to lực lưỡng, bự con gần bằng một người khổng lồ. Chàng thậm chí còn có thể đi được trên nước nhờ gien thần biển của bố.

Nhưng nhà thơ Pindar và Ovid lại kể về Orion như sau: Tại làng nọ có một ông nông dân nghèo, hành nghề nuôi ong. Ông này tên Hyrieus, và mắc chứng vô sinh, vợ lại mất sớm. Do hồi đấy chưa có thụ tinh nhân tạo và chưa có Viagra, Hyrieus từ bỏ ý định có con dù rất buồn. Bỗng dưng, vào một ngày đẹp trời nọ, Zeus cùng Hermes (trong lốt thường dân) đi ngang qua làng của Hyrieus và tạt vào nhà của ông để ở nhờ. Ông già rất hiếu khách và chăm sóc hai vị thần (dù không biết đây là thần) cực kỳ chu đáo. Nên trước khi ra về, Zeus và Hermes hiện nguyên hình rồi ban cho Hyrieus một điều ước, thế là ông ước mình có một đứa con trai.

Xin nói thêm, tính hiếu khách này là văn hóa của dân Hy Lạp. Nếu có người lạ đến gõ cửa xin trú qua đêm, họ sẽ tiếp đãi rất chu đáo. Trong tích cũng có rất nhiều truyện kể về các vị thần đội lốt dân thường và gõ cửa từng nhà xin ở nhờ, rồi thưởng cho những ai thân thiện, hiếu khách.

Trở lại với bài, Zeus phán: Hyrieus hãy tế một con bò đực, đái lên bộ da của nó, rồi chôn nó xuống mộ của bà vợ quá cố. Hyrieus làm theo, và 9 tháng sau, bé Orion chào đời từ mộ “mẹ”. Ông nông dân mừng quýnh, đặt tên con là Urion (na ná chữ urine – nước tiểu), nhưng sau đó đổi lại thành Orion (chắc vì nước tiểu nghe quá mất vệ sinh).

Tác phẩm điêu khắc “Orion”, Giovanni Battista Bernero, 1770. Ngoài cao to lực lưỡng, Orion còn là một thợ săn giỏi, nên Bernero tạc Orion với cung tên và chiến lợi phẩm gà rừng.

 

Sau đó thì sao? Theo lời của Hesiod và Hyginus, Orion yêu say đắm Merope – con của vua xứ Chios và cũng là cháu nội của thần rượu Dionysus với Ariadne. Khổ nỗi, Orion không có tài tán gái, thậm chí còn không được lòng vua vì chàng quá bự con, thô kệch. Riết rồi Orion mất kiên nhẫn, đè Merope ra hiếp.

Vua xứ Chios, vốn là con trai của bợm nhậu, trả thù bằng cách chuốc cho Orion uống thật say, rồi móc mù hai con mắt của Orion.

Chàng trai từ đó lang thang khắp nơi, sống vật vờ, cho đến ngày chàng đụng thần rèn Hephaestus. Vị thần vốn mặc cảm với cái chân thọt từ bé, nên rất hiểu nỗi khổ của những ai bị khuyết tật giống mình. Hephaestus sai một cậu bé học nghề tại xưởng rèn – tên là Cedalion – giúp Orion “tìm đường cứu mắt”. Thế là Orion vác cậu bé trên vai, còn cậu nhóc thì chỉ đường cho Orion đi về hướng Đông, đến nơi tận cùng của trái đất để gặp mặt trời. Khi mặt trời ló dạng, ánh sáng của nó khiến mắt của Orion lành trở lại, thị lực hồi phục 10/10 như xưa.

Tác phẩm “Orion”, Poussin, 1658. Cậu bé (nhưng nhìn rất giống đàn ông trưởng thành) Cedalion đứng trên vai của Orion để chỉ đường. Bà con thấy gã khổng lồ thì sợ quá, thi nhau chạy. Nữ thần săn bắn Artemis thì đứng nhìn trên mây. Dù trong tích Artemis không đứng ngó Orion tìm đường cứu mắt, nhưng về sau nữ thần có liên quan tới chàng này nên Poussin vẽ Artemis vô luôn vào tranh.


Tác phẩm điêu khắc “Orion và Cedalion”, Barthelemy Prieur, thế kỷ 17. Cậu bé Cedalion ngồi vắt vẻo trên vai gã khổng lồ, giống như là “người nhỏ” đang giúp đỡ “người lớn”. Không hiểu sao nhìn nó khiến tôi nhớ tới truyện David và Goliath trong kinh thánh, dù David và Goliath uýnh nhau chứ không giúp nhau như hai vị này. Tác phẩm hiện nằm tại bảo tàng Louvre của Pháp.

 

Sáng mắt rồi, Orion tung tăng ngao du thiên hạ. Tài săn bắn của chàng khiến chàng lọt vô mắt xanh của Artemis. Vị thần này vốn ghét trai, nhưng Orion là một trong số hiếm những chàng mà Artemis khoái. Tối ngày hai người đi săn bắn cùng nhau.

Bản khắc “Diana và Orion” do Jacques Bellange sáng tác vào năm 1616 hiện đang nằm tại bảo tàng Metropolitan ở New York. Hình như Jacques đọc lộn tích hay sao đó mà lại khắc Orion cõng Artemis như cõng bé Cedalion (hoặc như Võ Tòng cõng mẹ). Ít ra ông còn nhớ khắc con chó săn biểu tượng của Artemis vào.

 

Tích từ đây rẽ sang nhiều kết cục nhì nhằng nữa.

Theo Hesiod, thì do được Artemis cưng nên Orion dại dột hô rằng mình sẽ giết hết các muông thú của thế giới. Đất mẹ Gaia nghe thấy thì nổi giận, sai một con bò cạp khổng lồ đến giết Orion chết. Chàng này đánh không lại nên ngủm củ tỏi. Artemis tiếc rẻ nên nhờ Zeus biến Orion thành sao trên trời. Zeus chiều theo ý con gái, nhưng hôm đó vị vua của đỉnh Olympia còn nổi hứng hóm hỉnh, nên ông biến luôn con bò cạp thành sao trên trời, đặt gần sao Orion.

Một số bản giả-Apollodorus thì nói rằng Orion ve vãn Oupis – một trong số những trinh nữ theo hầu Artemis – nên nữ thần (dù khoái Orion nhưng rốt cuộc vẫn thích gái hơn) rút tên bắn chết Orion ngay tại chỗ. Một vài truyện Homeric Hymn thì nói Orion rượt 7 nàng tiên Pleiades – cũng là người hầu của Artemis – nên bị Zeus biến thành sao. Chòm Orion nằm rất gần chòm Thất Tinh, nên chắc đây là cách người xưa giải nghĩa vị trí của các chòm sao. Thêm nữa, cháu gái Merope của Poseidon (người bị Orion hiếp lúc đầu), trùng tên với cô em út trong số 7 chị em Pleiades. Có lẽ khi truyền miệng tích cho nhau nghe, tên tuổi trùng hợp dẫn đến lẫn lộn, khiến nhiều người gán Orion với 7 nàng tiên xinh đẹp này.

Đây, chòm Orion nằm ngay cạnh chòm Kim Ngưu và chòm Thất Tinh. Bạn nào thích ngắm sao thì thử tìm Orion trên trời xem, chòm này rõ nhất vào trước mùa mưa.

 

Nhà thơ Istrus và Hyginus thì lại nói rằng: Thấy chị gái Artemis thích Orion quá, Apollo đâm… ghen. Cậu này chỉ muốn chị mình làm trinh nữ hoặc mê gái thôi, nên tìm cách hãm hại Orion. Canh lúc Orion ra biển tắm, Apollo gọi chị hai tới, chỉ tay vào cái chấm đen đang bơi trên biển (chính là Orion) và thách chị bắn trúng mục tiêu. Artemis không biết đấy là Orion, nên rút tên bắn chàng chết. Đau khổ quá, Artemis biến chàng thành sao trên trời, còn Apollo thì hí hửng vì chị mình vẫn chưa ngủ với trai.

Tác phẩm “Diana đau khổ trước cái chết của Orion”, Daniel Seiter, 1685. Nữ thần đeo vương miện, ngồi trên mây, ra chiều tiếc nuối chàng trai mình lỡ bắn chết. Cái ông râu ria ôm lu kia là một thần sông, nhưng thực tế thì Orion bị bắn chết trên biển, nên không biết sông ngòi có mặt ở đây để làm gì.

 

Tội nghiệp Artemis, số của nữ thần này dường như không yêu được đàn ông.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: Những chân dài đặc biệt và sự ra đời của chòm sao thất tinh
– Bài học Chủ nhật: Orion – chết vì đánh bò cạp, rượt gái đẹp, hay yêu Artemis?

 

 

Ý kiến - Thảo luận

11:42 Saturday,23.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Trinh nữ mà đòi yêu đương ! Có mà Artemis bị choáng thì có ! Nàng ta trinh trắng, dạy các tiên nữ theo nàng cũng phải trinh trắng. Mà đây thì nàng ta lại yêu Orion thì các tiên nữ hộ tống nàng sẽ ra làm sao nhỉ ?
...xem tiếp
11:42 Saturday,23.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Trinh nữ mà đòi yêu đương ! Có mà Artemis bị choáng thì có ! Nàng ta trinh trắng, dạy các tiên nữ theo nàng cũng phải trinh trắng. Mà đây thì nàng ta lại yêu Orion thì các tiên nữ hộ tống nàng sẽ ra làm sao nhỉ ? 
18:13 Wednesday,25.6.2014 Đăng bởi:  Tường An.
Mình thì nghĩ bản thân lối sống kiểu ko phân biệt dòng tộc, tự do luyến ái, yêu đương nhằng nhịt trong tích thần thoại HL đã là 1 sự ko nghiêm túc và hơi phóng đãng rồi, nên chuyện giọng văn có mô tả, diễn đạt có hài hước và đôi chỗ hơi bậy (trong giới hạn cho ph
...xem tiếp
18:13 Wednesday,25.6.2014 Đăng bởi:  Tường An.
Mình thì nghĩ bản thân lối sống kiểu ko phân biệt dòng tộc, tự do luyến ái, yêu đương nhằng nhịt trong tích thần thoại HL đã là 1 sự ko nghiêm túc và hơi phóng đãng rồi, nên chuyện giọng văn có mô tả, diễn đạt có hài hước và đôi chỗ hơi bậy (trong giới hạn cho phép) cũng chẳng vấn đề gì, quan trọng vẫn là mình hiểu được nội dung bức tranh và tính cách của các nhân vật trong đó.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả