Soi học

Bài học Chủ nhật: Phục Zeus quá – muôn hình vạn trạng khi đi chài gái 08. 04. 12 - 8:58 am

Pha Lê

 

.

 

Định cho mọi người học món khác thay vì món hiếp dâm của Zeus, nhưng thấy rạp Megastar sắp chiếu phim Wrath of the Titans về tích của chàng Perseus, nên nhân tiện kể tích này luôn, dù biết rằng Hollywood chẳng mấy khi làm phim sát theo tích (vì họa sĩ còn không vẽ sát theo tích nữa là).

Câu chuyện về Perseus bắt đầu hơi dài dòng, từ thời… ông cố – một ông vua dũng mãnh tên Abas. Lãnh thổ Argolis của ông là một vùng đất giàu có, thịnh vượng; ông có hai con trai sinh đôi: Acrisius (tên khác: Akrisios) và Proetus (một số tích lẻ tẻ có nói rằng Abas còn mấy đứa con nữa, nhưng các nhân vật này chả quan trọng gì). Để công bằng, Abas ra lệnh: hai hoàng tử sẽ thay nhau làm vua, Acricius một năm, rồi năm sau sẽ tới lượt Proetus, cứ thế luân phiên.

Khổ nỗi, các ông vốn không thích hợp tác, sau khi vua cha băng hà, Acrisius lên nắm quyền, nhưng hết năm thì anh chàng giở chứng, nhất quyết không nhường quyền cho thằng em. Proetus nổi khùng, đem quân gây hấn với anh trai. Thế là nội chiến nổ ra.

Tuy nhiên, hai anh em ngang tài ngang sức, nên đánh mãi mà vẫn không phân định thắng thua. Choảng nhau chán rồi, họ đâm mệt, nên quyết định chia đôi vương quốc ra để cai trị: Acricius lấy thành phố lớn Argos, còn Proetus lấy các thành phố nhỏ lẻ khác.

Nhởn nhơ rồi, Acrisius tính tới chuyện gia đình, anh lấy một cô gái đẹp tên Aganippe, và một thời gian sau thì cô sinh hạ công chúa Danae. Acrisius cũng yêu con, nhưng vị vua này bị nhiễm tật xấu của các ông bố cổ hủ ở Việt Nam, thích có con trai, nên đi coi bói để hỏi ý trời xem làm thế nào mình mới có được một nhóc nối dõi. Nhưng Acrisius bị sao quả tạ chiếu, thầy bói phán rằng: Ngươi sẽ không bao giờ có con trai, và con trai của con gái ngươi sẽ giết ngươi.

Hoảng quá, Acrisius túm lấy Danae và nhốt con vào ngục tối, cửa ngục được đúc bằng đồng, cực kỳ nặng nên không ai mở nổi; ông còn cho một đàn chó dữ đến canh gác, quyết cách ly Danae với thế giới bên ngoài.

Nhưng kỹ quá đâm phản tác dụng, vì càng nhiều ‘chướng ngại vật’ thì Zeus càng… khoái. Nghe thấy tin công chúa xinh đẹp của xứ Argos bị nhốt trong hầm kín, không ai chạm tới được hay nhìn thấy mặt, Zeus nhất quyến phải chiếm Danae làm người tình một đêm. Ông biến thành các đồng tiền vàng, chui lọt qua lỗ ổ khoá của cánh cửa đồng, và hiếp Danae ngay tại chỗ (có bản nói rằng Zeus thình lình xuất hiện dưới lốt của một “cơn mưa vàng” và rớt xuống người Danae). Vậy là công chúa dính bầu, và hạ sinh Perseus – vị anh hùng tương lai (không hiểu Zeus có canh ngày không mà lần nào cũng làm người tình một đêm của mình có bầu rất nhanh gọn lẹ).

Tác phẩm “Danae”, Rembrandt, 1647. Không biết Rembrandt đang vẽ cảnh gì đây? Sách vở nói rằng Danae đang vẫy tay chào Zeus, nhưng Zeus đâu? (theo hướng Danae vẫy) Cũng không thấy tiền vàng đâu. Còn bà (hay ông) nào đang lởn vởn cạnh giường Danae với vẻ khả nghi thế kia? Nhưng dù sai tích, đây cũng là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Rembrandt, ông lấy thân hình của vợ và mặt của… bồ ra làm mẫu vẽ Danae.


“Danae”, Titan, 1553. Trên đầu nàng Danae có gì như đám mây, rồi đám mây tỏa sáng và biến thành tiền vàng, rớt xuống người cô công chúa. Nhìn mặt Danae rất chi là… thản nhiên, còn bà người hầu thì cuống quýt lấy tạp dề ra hứng vàng. Titan muốn thể hiện khoảng cách giàu-nghèo, quý tộc-nông nô chăng? Vì không lý do gì mà Danae vừa bị nhốt vào ngục vừa có… người hầu, và người hầu cho công chúa thì cũng phải là con nhà khá giả, chứ chẳng đen đúa thế này. Danae còn có một con cún cưng nhỏ xíu làm bạn, loại cún này thì chưa xuất hiện vào thời Hy Lạp cổ, nhưng thời của Titan thì có rồi. Hình do bạn Hiếu Thiện đóng góp.


Tranh trên bình gốm, khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, vẽ cảnh nàng Danae bị ‘mưa vàng’ hiếp. Tích về nàng này là tích rất xưa, vì trong truyện, chẳng thấy bà Hera ghen tuông xuất hiện để phạt ông chồng Zeus ăn vụng.


Tác phẩm “Danae”, 1907, của danh họa Áo Gustav Klimt. Khác với phần lớn các tranh cổ điển, vẽ Danae mở to mắt tỉnh táo khi bị Zeus hiếp, Gustav vẽ Danae ngủ, mắt lim dim, trong khi ‘đống tiền vàng’ Zeus giở trò sàm sỡ. Tư thế của Danae và vị trí của ‘đống vàng’ này khiến tác phẩm trông cực kỳ… sexy.


Tác phẩm “Danae”, 1531, của Correggio thì cực kỳ lạc đề. Công chúa bị nhốn kín trong ngục mà như đang ở trong căn hộ của khu Phú Mỹ Hưng, rồi Cupid bỗng dưng xuất hiện, chìa ra giường để chuẩn bị hứng vàng dùm Danae (lúc này Zeus chưa thành vàng mà là một nhúm bùi nhùi gì đấy), cạnh giường còn có hai bé thiên thần đang chơi đùa nữa chứ.


Tác phẩm “Danae và trận mưa vàng”, Jan Gossaert, 1572. Danae này cũng chẳng bị vua cha giam lỏng, mà chễm chệ ngồi trên một phông nền rất chi là 3-D. “Mưa tiền vàng” này hơi giống mưa cát, đổ xuống như nước vòi sen.


“Sửa soạn cho nàng Danae trước khi gặp Zeus”, Hendrik Goltzius, 1603. Họa sĩ này hoặc là không đọc tích, hoặc là bị mắc bệnh màu mè. Đâu có ai ‘sửa soạn’ cho Danae theo kiểu sửa soạn cho cô dâu như thế kia? Nào là thiên thần (có cánh vẹt) bưng lễ vật tới (bên trái), nào là thiên thần buông rèm, rồi người hầu bôi nước hoa lên Danae, còn có cả sứ giả Hermes tới chúc mừng. Zeus thì biến thành đại bàng thay vì thành tiền vàng. Còn tiền vàng thì được vẽ theo nghĩa đen, nằm đầy trong rương và lay lất trên sàn.

 

Vua cha Acricius biết được sự tình thì hoảng lắm, muốn xách kiếm chém chết con. Nhưng cho dù cái chuyện Zeus biến thành vàng và hiếp con mình nghe thật… khó tin, Acrisius vẫn sợ rằng lỡ đâu nó là thật thì sao? Nếu ông chém Danae, giết mất cốt nhục của Zeus, thì thế nào vị vua của Olympia sẽ phanh thây ông mất. Để an toàn, ông ra lệnh cho lính đóng một chiếc rương, nhốt hai mẹ con vào đấy, và đẩy cho chiếc rương trôi ra biển. Theo lô-gíc của Acrisius: nếu biển dìm chết hai mẹ con, thì đấy là tội của Poseidon, không dính dáng gì tới ông cả.

Chiếc bình cổ, có niên đại 490 năm trước Công Nguyên, trên bình vẽ cảnh vua Acricius ra lệnh cho hai người lính đóng chiếc trương để nhốt con gái và cháu ngoại (ngoài cùng bên phải). Chiếc bình hiện nằm tại bảo tàng Fine Arts ở Boston.


“Danae và vua cha”, William Russell Flint, 1911. Vua Acrisius ngồi trên ngai, ngoảnh mặt làm ngơ khi con gái giơ cháu ra van nài, xin ông động lòng thương xót hai mẹ con. Họa sĩ Flint vẽ khá chính xác, đến cả chi tiết quần áo, hồi xưa thì dân Hy Lạp chủ yếu ăn mặc như vầy, ngay cả vua cũng không ăn bận hoành tráng lòe loẹt như phim Hollywood hay miêu tả.

 

Vậy số phận của hai mẹ con sẽ ra sao? Chuyện còn ly kỳ, dính tới nhiều quái vật nghê rợn, chủ nhật sau chúng ta sẽ học tiếp nhé.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – tàng hình trong đêm động phòng (kỳ 2)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – giặc bên Ngô không bằng hai cô chị vợ (kỳ 3)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – làm dâu Venus cũng nhục vô cùng (kỳ 4)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – khổ rồi cuối cùng cũng sướng (kỳ 5)

– Bài học Chủ nhật: Hermes – Thần của ngoại giao, nhưng lại hay nói dối

– Bài học thứ Tư: “Con ngựa gỗ thành Troy” hay cả thành bang tiêu tùng vì một tên lính quèn

– Bài học Chủ nhật: Hyacinth và tình dục ở xã hội Hy Lạp cổ

– Bài học thứ Tư: Athena giận khiến một rừng đàn ông khốn khổ

– Bài học Chủ nhật: Adonis và Venus – Chết vì… chỗ nhạy cảm của đàn bà

– Bài học thứ Tư: Gặp người khổng lồ một mắt, não Odysseus bỗng nhiên teo lại

– Bài học Chủ nhật: Con bò của Zeus – từ bò thành nữ hoàng Ai Cập

– Bài học Chủ nhật: Khi trò hiếp dâm của Zeus sinh ra… Châu Âu

– Bài học Chủ nhật: Prometheus bản I “do dân, vì dân”

– Bài học thứ Tư: Gặp tiên nữ, dại gì không ở lại

– Bài học Chủ nhật: Prometheus bản II – Lý do tại sao thế giới có đàn bà

– Bài học Chủ nhật: Phục Zeus quá – muôn hình vạn trạng khi đi chài gái


Ý kiến - Thảo luận

10:54 Tuesday,14.6.2016 Đăng bởi:  Nina

Pha Lê đã viết về công chúa Mê-đê và hoàng tử I-a-xôn rồi bạn Mary Earneslla ơi - bắt đầu từ bài này nhé


...xem tiếp
10:54 Tuesday,14.6.2016 Đăng bởi:  Nina

Pha Lê đã viết về công chúa Mê-đê và hoàng tử I-a-xôn rồi bạn Mary Earneslla ơi - bắt đầu từ bài này nhé

 
22:49 Monday,13.6.2016 Đăng bởi:  Mary Earneslla

Soi đã có bài đăng nào về công chúa Mê-đê và hoàng tử I-a-xôn trong chuyến đi tìm bộ lông cừu vàng chưa? Cho Mary cái link đi.


...xem tiếp
22:49 Monday,13.6.2016 Đăng bởi:  Mary Earneslla

Soi đã có bài đăng nào về công chúa Mê-đê và hoàng tử I-a-xôn trong chuyến đi tìm bộ lông cừu vàng chưa? Cho Mary cái link đi.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả