Gẫm & Bình

Phỏng vấn Tố Nữ về hội họa Việt Nam mất gốc 30. 07. 12 - 2:00 pm

Jun Kim Kon

SOI: Đây là cmt cho bài “Hội họa Việt Nam có nguy cơ mất gốc?“. Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi.

 

Hí họa của Penapai

 

Phóng viên (PV): Chào chị Tố Nữ, tôi vừa được đọc bài viết của chị về hội họa Việt Nam. Rất tâm đắc với ý kiến của chị nhưng cũng có vài băn khoăn… Chị có phải là người hoạt động trong ngành này?

Tố Nữ: Không, tôi ngoài ngành, nhưng tôi am hiểu về ngành này.

PV: Tôi rất thích câu của chị: “Có thể nói quá nửa người dân Việt Nam hiện nay khi được hỏi có hiểu gì về hội họa Việt Nam không đều trả lời rằng: chẳng hiểu họa sĩ vẽ gì và muốn diễn tả cái gì.” Chị làm thống kê này năm nào và phương pháp thu thập mẫu thế nào mà được đến quá nửa số dân Việt Nam tham gia ạ? Tức là phải hơn 50 triệu người cơ đấy…

Tố Nữ: Đó là một cách nói, anh là phóng viên, không nên hiểu cái gì cũng mô-tà-mô như thế.

PV: Vậy câu “Những bức tranh có giá cao hoặc là khách nước ngoài mua hoặc là người lắm tiền thưởng thức tranh kiểu trọc phú” có rơi vào trường hợp này không? Tức là do chị tự suy đoán chứ không phải từ một con số thống kê nào có thực?

Tố Nữ: Tôi tự đoán ra thôi. Nông thôn, miền núi chắc chắc không ai mua tranh. Thành thị thì cả báo tôi không ai mua tranh. Cả xóm tôi không ai mua tranh. Cứ loại suy ra thì chỉ còn bọn nước ngoài và bọn nhà giàu mua thôi.

P.V: Tôi hơi thắc mắc điều này: vì sao nhà giàu mua cũng những bức tranh ấy thì bị gọi là trọc phú, còn người dân mà ngắm những bức tranh ấy thì tranh được gọi là phục vụ nhân dân?

Tố Nữ: Anh nên đọc kỹ bài tôi nói. Tôi nói tranh hiện đại thời thượng mà treo trong nhà hàng chục tỉ, có tràng kỷ cổ điển… thì mới là trọc phú.

P.V: Còn nếu bức tranh ấy treo trong nhà tranh vách đất của nhân dân thì gọi là gì hả chị?

Tố Nữ: Tôi không thích cách hỏi của anh. Nếu anh tiếp tục hỏi thế này, tôi sẽ không trả lời nữa.

P.V: Tôi xin lỗi, chúng ta chuyển qua mảng khác vậy.


Mất gốc và còn gốc

P.V: Tôi cũng thấy như chị là tranh Việt Nam lai căng, giống Tàu một tí, giống Tây một tí. Tất cả đều nông. Tôi cũng đồng ý với chị ai cũng phải có bản sắc riêng. À, nhân đây xin thắc mắc, chị viết: “Thiên tài thì cũng phải có bản sắc riêng”, có nghĩa đúng ra thiên tài thì không cần có bản sắc riêng, phải không ạ?

Tố Nữ: Có thể lúc ấy viết vội, tôi nhầm.

P.V: Chị nói xem tranh Salvado Dalí người ta biết ngay ông gốc gác Tây Ban Nha. Ở chỗ nào thưa chị, chị có thể phân tích chút xíu không?

Tố Nữ: Tôi thấy tranh ông ấy hoang vắng như sau một trận đấu bò mà kẻ thua chính là con người chứ không phải con bò.

P.V: Ừm… Chị có vẻ bị ảnh hưởng phong cách Lê Thị Liên Hoan nhỉ… Thế theo chị, tranh Việt Nam phải mang lại cảm giác gì thì mới ra tranh Việt Nam?

Tố Nữ: Theo tôi là phải có chất thơ, chất lụa, chất chiêm… thì mới ra tranh Việt Nam. Phải hiểu được thì mới là tranh Việt Nam. Người Việt ta tâm tính bình hòa, dễ hiểu. Vẽ tranh khó hiểu tức không phải tranh Việt Nam rồi.

P.V: Có thể nói, “hiểu được” là tiêu chí quan trọng nhất để giữ bản sắc tranh Việt?

Tố Nữ: Theo tôi là như thế.

P.V: Nhưng tranh Levitan cũng dễ hiểu lắm, liệu có thể nhầm tranh ông ấy với tranh Việt không?

Tố Nữ: Không nhầm được. Nếu ông ấy chỉ vẽ rừng phong, bạch dương, lá thu vàng, đừng lấn sang vẽ lúa, vẽ cò… thì sẽ không thể nhầm tranh ông ấy với tranh Việt.

P.V: Trong bài viết, không ít lần chị chỉ trích họa sĩ Việt Nam khi vẽ trừu tượng và siêu thực. Chị có vẻ không thích thể loại ấy?

Tố Nữ: Tôi ghét những gì bịp người, khó hiểu. Tôi thích những gì gần gũi, dễ hiểu. Tranh Đông Hồ chẳng hạn, hoặc tranh Hàng Trống, là những loại tranh tôi thích nhất. Tôi tự hỏi: vì sao chúng ta đang sống đời sống rất thực, phải gọi là cực thực, rất cụ thể, mà lại cứ chạy theo vẽ tranh siêu thực, trừu tượng. Chẳng phải là phi lý sao?

P.V: Vẫn có những họa sĩ lớn trên thế giới vẽ trừu tượng và siêu thực rất hay, rất đẹp đấy chứ chị.

Tố Nữ: Tôi không quan tâm, nếu không thấy ra hình người, hình cây, hình thú là tôi không xem nữa, cũng không thèm nhớ tên tác giả.

P.V: Trong bài của chị, chị có viết, ở nước ngoài, “Lê Phổ, Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị được ngợi khen, nhưng thực chất cũng là vì sự độc đáo chứ chưa phải vì tài năng xuất chúng”. Dựa vào đâu chị có kết luận như thế?

Tố Nữ: Dựa vào chính tôi. Tôi không thấy xuất chúng gì cả. Nói thêm với anh, nếu làm phóng viên văn hóa mà không tin vào thẩm mỹ của chính mình thì là một thảm họa. Nhất là phóng viên lâu năm, thậm chí phụ trách dưới tay nhiều phóng viên văn hóa khác.

P.V: Tôi e là có hơi chủ quan. Người nước ngoài chẳng lẽ không có mắt?…

Tố Nữ: Họ có mắt, nhưng là mắt Tây. Người Việt thì nên vẽ tranh Việt, dùng mắt Việt. Đã đến lúc chúng ta phải đề cao tiêu chí ấy trong sáng tác. Phải làm sao để mỗi bức tranh, cái tượng đều mang lại hương lúa, hương cau, không nổi rõ Hồ Gươm thì cũng khiến người ta thấp thoáng bóng con rùa. Phải làm cho mỗi người dân ở đây, từ vùng xa tới vùng gần đều phải hiểu ý tranh, ý tượng.

P.V: Nhưng nếu họ hiểu rồi mà vẫn không mua?

Tố Nữ: Thì ta phải vẽ làm sao cho đẹp, cho dễ hiểu, cho rẻ, để người ta muốn mua về và có thể mua về.

P.V: Nếu đã dễ hiểu hết mức, hình họa vững hết mức, rẻ cũng hết mức mà người ta vẫn không mua?

Tố Nữ: Tôi không tin có chuyện như thế. Chúng ta không thể tranh cãi trên một giả định không thật, không lấy gì làm căn cứ trọng tài.

P.V: Nhưng tôi phải nói là rất đồng tình với chị về việc họa sĩ Việt Nam nhiều người vẽ bôi bác, hình họa yếu, lấy màu để khỏa lấp; rồi vẽ giống nhau…

Tố Nữ: Tôi tin là quá nửa người Việt Nam sẽ phải đồng ý với tôi về những điểm ấy.

P.V: Một suy nghĩ nhé, xin nói ra nếu chị không giận: có cảm giác nếu được nắm quyền lãnh đạo về mỹ thuật, chị sẽ hướng mỹ thuật Việt đi theo con đường gần như con đường của mỹ thuật Triều Tiên?

Tố Nữ: Vâng, suy nghĩ của anh không có gì sai quá đâu. Tôi vốn thích Triều Tiên, nhưng vì phim truyền hình của họ không có chiếu trên đài mình, nên hàng ngày tôi chỉ biết giải trí bằng phim Hàn Quốc.

P.V: Cảm ơn chị vì cuộc nói chuyện này.

 

*

Bài liên quan:

– Hội họa Việt Nam có nguy cơ mất gốc?
– Phỏng vấn Tố Nữ về hội họa Việt Nam mất gốc

 

Ý kiến - Thảo luận

9:11 Monday,17.8.2015 Đăng bởi:  Phương
@ Tran Doc: Người dân không xem tranh chứ không phải "không được" xem tranh. Ai cấm người dân xem tranh? Chẳng qua họ không thích đến triển lãm, họ thích đi siêu thị hơn. Đó là quyền của họ, và thiệt thòi thì họ phải chịu, đừng có nói một cách thảm thương là "không được xem". Mình ghét cái thói ấy: chọn những thứ dễ dãi, rồi dè bỉu những thứ khó khăn, bảo là k
...xem tiếp
9:11 Monday,17.8.2015 Đăng bởi:  Phương
@ Tran Doc: Người dân không xem tranh chứ không phải "không được" xem tranh. Ai cấm người dân xem tranh? Chẳng qua họ không thích đến triển lãm, họ thích đi siêu thị hơn. Đó là quyền của họ, và thiệt thòi thì họ phải chịu, đừng có nói một cách thảm thương là "không được xem". Mình ghét cái thói ấy: chọn những thứ dễ dãi, rồi dè bỉu những thứ khó khăn, bảo là không được quyền tiếp cận. Ai cấm nào? 
23:34 Sunday,16.8.2015 Đăng bởi:  tran doc
Thưa các vị, các vị nói chuyện với nhau tận trên chín tầng mây đấy ạ. Người dân những ai được xem tranh mà nói người ta thích hay không thích. Một triển lãm tranh mở ra, trừ những họa sỹ hay trong ngành ra, liệu có nổi một nghìn người đến xem không? Mà đân ta hơn 80 triệu cơ mà. Đài nòi, đài có mang nổi cái thẩm mỹ trong lĩnh vực này đến với dân không. Các vị
...xem tiếp
23:34 Sunday,16.8.2015 Đăng bởi:  tran doc
Thưa các vị, các vị nói chuyện với nhau tận trên chín tầng mây đấy ạ. Người dân những ai được xem tranh mà nói người ta thích hay không thích. Một triển lãm tranh mở ra, trừ những họa sỹ hay trong ngành ra, liệu có nổi một nghìn người đến xem không? Mà đân ta hơn 80 triệu cơ mà. Đài nòi, đài có mang nổi cái thẩm mỹ trong lĩnh vực này đến với dân không. Các vị thừa thãi thời gian quá ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Giá trị của nghệ thuật

Nguyễn Đình Đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả