Gẫm & Bình

Xem tranh Khu vực I, bắt được con nhái to 28. 08. 12 - 7:11 am

Phạm Huy Thông

Triển lãm Mỹ thuật thường niên Khu vực I

Từ 19. 8 đến 2. 9. 2012
Tại Nhà triển lãm (16 Ngồ Quyền, Hà Nội)

*

Trước cửa nhà triển lãm

Đã có một lần tôi viết bài về triển lãm thường niên Khu vực I do Hội mỹ thuật tổ chức. Bài viết khi đó chê nhiều hơn khen, do trong việc tổ chức triển lãm lần ấy có những điều không hoàn hảo. Sau lần đó tôi ngại không muốn viết những bài như thế nữa. Một phần vì e dè Hội nghĩ tôi có định kiến gì đó với các hoạt động của Hội, một phần vì thấy có những chuyện đã thuộc vào dạng “Biết rồi khổ lắm nói mãi”, nếu bây giờ có nói nữa vẫn thế, tự mình trở thành nhàm. Thôi thì cũng động viên với mình, rằng Hội, với nguồn lực có hạn, đang làm những gì tốt nhất có thể cho các họa sĩ nhà ta. Bởi vậy, trong bài viết này, tôi không lặp lại những phê bình đã nêu trong bài viết trước, không phải vì những tồn tại đó đã được khắc phục triệt để, mà chỉ bởi vì những gì đã nói rồi thì không nói nữa. Nhàm mồm lắm.

Một góc phòng triển lãm

Triển lãm Khu vực I năm nay vẫn có sự tham gia đông đảo các hội viên, tác phẩm bày kín ba tầng của nhà triển lãm 16 Ngô Quyền. Đề tài của các bác lớn tuổi thì vẫn oách thế, cách thể hiện thì vẫn oách vậy nên tôi không dám bàn nhiều. Sợ dính tội phạm thượng. Chỉ xin bình luận điểm hai bức sau:

“Cánh Chim Biển”, Đoàn Văn Thân, sơn dầu, 125 x 155cm

Bức tranh Cánh chim biển của Đoàn Văn Thân, tuy cách thể hiện cũ mèm nhưng được cái là đề tài cũng bắt kịp với thời sự. Vâng, tôi trước giờ vẫn luôn ủng hộ ý kiến cho rằng, hội họa cũng phải góp phần ghi lại lịch sử theo cách này hay cách khác. Tác giả Đoàn Văn Thân đề cập đề tài bảo vệ biển đảo tổ quốc của lực lượng không quân Việt Nam. Thay vì Mig-21 trong các tranh của thế kỷ trước, máy bay trong tranh này giờ đây là những máy bay SU-27 hoặc SU-30 với màu sơn và số hiệu điển hình của Không Quân Việt Nam. Đúng chuẩn cập nhật thời sự nhé. Hai phi công vừa bước xuống khỏi máy bay, giống như các phi công của thế kỷ trước, vẫn đang say sưa bàn luận về đường bay. Bàn luận có vẻ say sưa nên khiến họa sĩ hơi căng thẳng. Thành ra tác giả thể hiện hai anh phi công (hình như sinh đôi) giơ tay giơ chân giống hệt mấy bác trật tự phường giơ tay trước ống kính phóng viên mà rằng: “Chụp choạch cái giề?“.

“Bài ca người thợ lò”, Nguyễn Văn Nghị, sơn dầu, 120 x 120cm

Tác phẩm Bài ca người thợ lò của họa sĩ Nguyễn Văn Nghị, thầy giáo của tôi, đem lại cho tôi nhiều hứng khởi. Ai cũng biết nghề thợ mỏ nó gian khổ và nguy hiểm nhường nào, và chỗ đứng xã hội của họ trong thời đại kim tiền ngày nay cứ càng lúc càng tụt xuống hầm sâu. Thế nhưng trong đa phần các tác phẩm tranh ảnh về họ (trong các triển lãm cúng cụ), các nghệ sĩ vẫn mô tả những người thợ lò đen nhẻm nhưng luôn có những nụ cười tươi. Da dính bụi than đen thui nên răng trong tương quan đó tự trở nên trắng sáng. Một sự tương phản dễ nắm bắt, dễ đẹp và dễ đoạt giải. Chẳng có máy móc nào chụp được những bụi than đang tích dần trong phổi những con người kia cũng như sự u ám đang che lên thân phận của họ. Bức tranh của thầy tôi không vẽ nụ cười tươi, không vẽ hàm răng trắng. Thầy dùng tuyền tông mầu đen-ghi, mô tả một người thợ lò đang hát. Gương mặt mệt mỏi đen gầy nhưng rắn chắc, lại có nhiều nguồn sáng hắt cạnh nên người xem có cảm giác mặt nhân vật đẫm mồ hôi. Nhưng chuyện cũng chẳng có gì là nhiều nếu như không có hình cảnh các xe than, tàu than đi ra từ cổ họng đen sâu của người thợ. Những lời hát về đời thợ bay ra từ cuống họng hay những bụi than phả ra từ đáy phổi người công nhân. Tôi cao hứng, bắt máy gọi luôn cho thầy. Thầy quát: “Mày đừng có mà suy diễn vớ vẩn, tao vẽ trực họa người ta, làm gì có ý sâu xa gì…” Tôi chợt nhớ tới nhiều cuộc art talk gần đây ở các triển lãm trẻ, “có thì thiếu không có thì thừa”. Bởi người vẽ và người xem, vì những e ngại khách quan, không nói hết được với nhau. Tác phẩm Bài ca người thợ lò theo lời của thầy tôi chỉ là một bức trực họa tầm thường. Nhưng theo suy tưởng của tôi (tôi có quyền suy tưởng chứ) vẫn là một tác phẩm hay.

*

“Nô lệ”, Nguyễn Thái Thăng, sơn dầu, 85 x 135cm

Tôi nhận thấy, sau đợt kết nạp hội viên mới diễn ra năm 2011, triển lãm khu vực I năm nay được bổ sung những hơi thở mới trẻ trung. Yếu tố trẻ và mới luôn là nhân tố quan trọng trong các triển lãm “cúng cụ”. Bệnh xơ cứng cơ não là bệnh dễ lây trong hội họa Việt, hy vọng những nhân tố trẻ, mới đủ mạnh để đánh tan mầm bệnh dễ lây lan đó hoặc chí ít họ sẽ làm được nhiều việc hay trước khi bị lây nhiễm.

Đỗ Khắc Hiệp, “Chân dung người xây dựng”, sơn dầu 120 x 150cm

 

Xin điểm sơ qua vài bức trong nhóm “trẻ và mới”:

“Xót xa tuổi thơ”, Lê Thế Anh, sơn dầu, 189 x 215cm

Bức Xót xa tuổi thơ (sơn dầu, 189 x 215cm) của Lê Thế Anh gây ấn tượng mạnh khi người xem mới bước vào nhà triển lãm. Con gấu bông tượng trưng cho đứa trẻ hay đúng hơn là tâm hồn đứa trẻ, bị tra tấn, trói chặt, đổ máu tung tóe. Nguyên nhân của sự đày ải đó có lẽ là sự vô cảm, thiếu quan tâm của cha mẹ – có hiện diện hai bên tranh nhưng lại vô hình. Kỹ thuật thể hiện tương đối tốt, thậm chí khung và tấm lót khung ghép sỏi đá cũng tham gia vào việc tạo ấn tượng cho tác phẩm. Tuy nhiên nhân vật cha mẹ không đầu làm tôi nhớ đến vụ cãi nhau không nhỏ trên Soi năm trước mà không ai không biết.

“Ngoài cơ cấu”, Lương Trung, sơn dầu, 120 x 160cm

Lương Trung vẫn với mô típ ngã tư hè phố với đèn đỏ, vạch sơn đen trắng và barie nhưng lần này không nói về xe ôm đơn thuần mà nói về những người thất nghiệp làm xe ôm trong lúc ngóng một cơ hội việc làm tử tế hơn.

Vũ Phạm Trường Minh, “Tự vẫn”, acrylic, 155 x 155cm

Tôi vẫn nói với bạn bè, khi đi xem tranh, phải cài đặt tâm hồn mình ở chế độ “tinh tế”. Xem tranh của các bạn trẻ trong triển lãm này, tôi thấy nhiều người vẽ chân dung tự họa. Có phải tự họa dạo này là mốt trong cánh trẻ? Không hẳn thế. Tôi “tinh tế” nhận ra sự liên quan giữa những bức tranh này với giải Chân dung tự họa Dogma đang diễn ra ở miền Nam (giải duy nhất có trị giá hơn trăm triệu). Những tranh nào trượt vòng loại ở kia thì đem ra bày ở đây. Triển lãm Khu Vực I hưởng lợi lây do có thêm nhiều tác phẩm mới mẻ và tâm huyết (đương nhiên phải tâm huyết rồi). Nhất cử lưỡng tiện. (Phải xin bổ sung ở đây: Tôi không hề phản đối cách gửi tranh này, tôi cũng là người bị loại ở giải Dogma, nếu được làm hội viên, hẳn tôi cũng sẽ mang bức tự họa bị loại đó đến đây góp vui với anh em.)

Tranh Hoàng Duy Vàng

Tranh của anh Hoàng Duy Vàng vẫn đứng ở một vị trí đó, đủ độ nặng và bề dày (cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Tôi không thấy tên tranh và tên tác giả, nhưng tôi biết chắc rằng đây là tranh Hoàng Duy Vàng, không nhầm lẫn được.

Nguyễn Chí Cường, “Văn hóa phẳng”, sơn dầu 120 x 150cm

Nhưng có một bức tranh mà tôi nhầm tác giả. Thậm chí lúc đầu tôi còn tự lẩm bẩm: “Anh Vũ Đình Tuấn tham quá, tranh in siêu rồi thì gửi triển lãm đồ họa đi, bon chen sang ngành hội họa làm gì cho mệt“. Nhưng nhìn lại những nét bút sơn dầu non tay, tôi chợt giật mình nhận ra mình nhầm. Bức Văn hóa phẳng (sơn dầu 120 x 150cm) hóa ra lại là của một người tên là Nguyễn Chí Cường. Điều đáng buồn của rất nhiều triển lãm cúng cụ là luôn có những con nhái nhiệt tình muốn làm rầu nồi canh.

Trong bức tranh này, Nguyễn Chí Cường lấy lại tạo hình của những người đi trước. Giữa tranh là hình ảnh lấy của cụ Leona de Vinci, hai bên là các cô tố nữ với cơ thể được trang chí hoa văn. Những cô tố nữ này từ trước đó rất lâu đã được biết là sáng tạo của họa sĩ Vũ Đình Tuấn. Các bức tranh in những cô tố nữ cách tân này đã được anh Tuấn bày trong một triển lãm ở Việt Art Center. Nay Nguyễn Chí Cường tận tâm xào nguyên lại, thậm chí mấy họa tiết trên đầu các cô cũng không tha. Xin đừng nói rằng có yếu tố của Nghệ thuật giễu nhại (appropiation art) ở đây. Bởi với nghệ thuật giễu nhại, người họa sĩ làm sau phải có ý tưởng mới, tinh thần mới trước khi quyết định sử dụng sáng tạo của người khác làm nguyên liệu cho mình.

Tranh Leonardo da Vinci

 

Tác phẩm của Vũ Đình Tuấn

 

Tác phẩm của Vũ Đình Tuấn

 

Bên trái là tranh của hoạ sĩ Nguyễn Chí Cường, bên phải là hai trong số seri tranh của hoạ sĩ Vũ Đình Tuấn. (Cảm ơn bạn Trần Mạnh Linh đã cung cấp link hình.)

Tôi chỉ thấy ở trường hợp này một sự sao chép vụng về rồi lắp ghép thô lậu. Tôi cố gắng đoán thông điệp mà Nguyễn Chí Cường cố thể hiện. Có thể anh họa sĩ non tay và non não này muốn nói tới sự kết hợp văn hóa Đông Tây trong thế giới phẳng ngày nay, nơi các giá trị văn hóa được gắn với nhau dễ dàng thông qua internet. Vâng, nếu vậy, sao Cường không đi vẽ các cô Tố Nữ trong tranh Hàng Trống, Đông Hồ, tìm cách biến những hình ảnh truyền thống đó thành của mình mà lại ẵm luôn em Tố Nữ mà Vũ Đình Tuấn mất bao công chăm bẵm. Những vụ cướp bồ như thế này, ở ngoài đời thường có nhiều đổ máu lắm. Có lẽ phông văn hóa của Nguyễn Chí Cường cũng “phẳng” như tên tranh nên mới làm những chuyện liều mạng như vậy.

Tranh hàng Trống – thà rằng Nguyễn Chí Cường bắt nhái trong khu ao làng truyền thống. Đằng này…

Bước chân rời khỏi triển lãm tranh, dù tức anh ách với việc đạo tranh của Nguyễn Chí Cường, tôi vẫn không quên hỏi mình một câu hỏi mà dường như đã thành nguyên tắc riêng: “Nếu có xiền, tôi sẽ mua bức nào trong triển lãm này?“. Kiệt tác thì nhiều nên thật khó lựa chọn, nhưng nếu phải mua ngay (vì mai sinh nhật sếp chẳng hạn), tôi sẽ chọn Quán chợ Đồng Văn của Nguyễn Phúc Lợi cho nó lành. Bởi dù ý tưởng tranh không có gì nhưng tranh có không khí đúng là của quán chợ miền cao, trình độ thể hiện sơn mài cũng ô-kê, trên nét mặt người hoặc nhất là trên những mảng nắng dát vàng mà tác giả đã mạnh tay đầu tư.

Nguyễn Phúc Lợi, “Quán chợ Đồng Văn”, sơn mài, 120 x 199cm

 

 

Ý kiến - Thảo luận

21:30 Wednesday,24.10.2012 Đăng bởi:  Ếch đen
hs Nguyễn Chí Cường mà tác giả bài viết nêu tên có phải là thầy Nguyễn Chí Cường của khoa Mỹ thuật, trường đại học sư phạm HN không nhỉ ? Nếu đúng vậy thì thật buồn quá! sinh viên sẽ nghĩ thế nào về người thầy của mình đây? Buồn ghê gớm !
...xem tiếp
21:30 Wednesday,24.10.2012 Đăng bởi:  Ếch đen
hs Nguyễn Chí Cường mà tác giả bài viết nêu tên có phải là thầy Nguyễn Chí Cường của khoa Mỹ thuật, trường đại học sư phạm HN không nhỉ ? Nếu đúng vậy thì thật buồn quá! sinh viên sẽ nghĩ thế nào về người thầy của mình đây? Buồn ghê gớm ! 
14:56 Wednesday,24.10.2012 Đăng bởi:  Vũ Đình Cường
Tôi đồng ý cơ bản với ý kiến của anh Khanh, họa sĩ bây giờ thích đánh đố người xem quá !
Nhớ có lần ngồi nói chuyện với anh bạn xoay quanh chủ đề " Xem tranh khó hay dễ " mình đã chủ quan mà nói rằng : Xem tranh không khó ! Nếu người xem tranh thấy khó vì tại họ cứ thích hiểu
...xem tiếp
14:56 Wednesday,24.10.2012 Đăng bởi:  Vũ Đình Cường
Tôi đồng ý cơ bản với ý kiến của anh Khanh, họa sĩ bây giờ thích đánh đố người xem quá !
Nhớ có lần ngồi nói chuyện với anh bạn xoay quanh chủ đề " Xem tranh khó hay dễ " mình đã chủ quan mà nói rằng : Xem tranh không khó ! Nếu người xem tranh thấy khó vì tại họ cứ thích hiểu nhiều hơn cái mà họ cảm nhận được và mặt khác cũng do người vẽ cũng cứ cố đánh đố người xem để tỏ ra mình là nguy hiểm.
  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Chất liệu và lòng tự trọng

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả