Ăn uống

Ăn uống: Thú vui đơn giản của đàn ông: Giăm-bông Hungary, rượu ngon, và thuốc vấn 30. 09. 12 - 7:01 am

Pha Lê

Kỳ trước, chúng ta đã “xơi” món gà quay và giăm-bông Bỉ/Hà Lan. Hôm nay, mời mọi người du lịch đến Hungary, với bức tranh do một họa sĩ người Hungary vẽ.

“Tĩnh vật vẽ giăm-bông”, Ferenc Ujházy, 1870.

Tác phẩm này ít món hơn hẳn tác phẩm gà quay của kỳ trước. Mọi thứ trông cũng mộc mạc, đơn giản hơn. Thay vì rót rượu ra ly thủy tinh điệu đà, Ferenc vẽ một bình rượu dân dã làm từ da và gỗ. Loại bình này không cổ bằng bình làm từ… bao tử bò, heo, cừu, nhưng cũng khá là xưa. Lợi thế của nó là bạn có thể xách bình rượu này đi đâu cũng được vì nó không dễ bể như chai thủy tinh, nhưng khuyết điểm là… khó ướp lạnh.

Mặc dù vậy, một ông đầu bếp từng mách tôi rằng, có ướp rượu thì cũng ướp mát mát thôi, khoảng 17 độ C cho rượu đỏ và 10 độ C cho rượu trắng. Chứ lạnh theo kiểu quẳng vào ngăn đá thì rượu sẽ mất hết cả ngon. Người ta chế ra rượu trước khi chế ra tủ lạnh mà! Vào thời hiện đại ngày nay, nhà nào giàu thì sẽ mua riêng một tủ đựng rượu có gắn hệ thống nhiệt độ phù hợp. Bởi vậy, nhắc lại, nếu mọi người đem rượu ngâm nước đá thì cũng ngâm vừa vừa thôi, và đừng quẳng rượu vô ngăn lạnh nhé.

Ở bên trái, phía trước bình rượu hình như là một ổ bánh mì.

Bánh mì này trông hơi nâu nâu chứ không phải bánh mì trắng, dù nó cũng không đen như bánh mì của Nga. Bánh mì luôn là món quen thuộc trên bàn ăn Tây, như cơm là món quen thuộc trên bàn ăn của người Châu Á. Nhưng Hungary không có bánh mì nào đặc biệt cho lắm, chả bù với mấy “ông” Pháp, Ý, Đức. Bánh mì trong tranh chắc cũng là bánh mì thường, chẳng có gì nổi bật. Được cái vỏ của nó dày và giòn chứ không mỏng “để một chút là ỉu” như mấy loại bánh mì ở Việt Nam và bánh mì của ông Anh quốc.

Giờ thì bàn đến cái món protein động vật duy nhất trong tranh: một khúc giăm-bông hấp dẫn. Hungary nổi tiếng có xúc xích salami ngon (như salami đen trong tác phẩm của Karen Stark), còn giăm-bông xông khói thì không nổi tiếng bằng. Dù vậy, khúc giăm-bông trong tranh trông hấp dẫn quá, với thịt màu ửng hồng và lớp mỡ bao xung quanh. Nhìn thì biết ngay là giăm-bông này sẽ không khô và là giăm-bông làm từ một khúc đùi heo thứ thiệt, chứ chẳng phải giăm-bông thịt xay do nhà máy sản xuất giống như bây giờ.

Còn hai “vật lạ” gì tròn tròn lồi ra từ giữa khúc giăm-bông thế kia? Trông giống ô-liu phết, nhưng tôi cho rằng nó là… đầu xương ống. Thời đó các nông dân vẫn còn lấy dây xâu xuyên qua thịt để treo nguyên khúc đùi lên rồi đem xông khói làm giăm-bông mà chẳng có rút xương gì, nên khi bưng nó lên bàn mọi người sẽ thấy đầu xương lộ ra. Những khúc giăm-bông truyền thống như vậy cũng không thể đem cắt bằng máy, mà người cắt phải dùng dao, cắt lát mỏng ở nửa này rồi lại cắt lát mỏng ở nửa kia. Chúng ta hay cho rằng người Tây lúc nào cũng ăn thịt bò bít-tết, cá nướng, gà nướng… nhưng thực tế thì dân thường vào thời đó chỉ ăn mấy món hoành tráng như vậy vào một số mùa (hoặc nếu họ có tiền) thôi. Đa số người dân làm xúc xích, thịt xông khói… là để dự trữ cho mùa đông – lúc rau củ, thịt thà thiếu. Một bữa tối đạm bạc của bác nông dân thường chỉ có giăm-bông, ít bánh mì, và một ít rượu. Đây là loại giăm-bông ăn hằng ngày, nên ăn kèm với rượu và bánh mì như một bữa cơm thì hợp, chứ không hợp để làm đồ nhắm như giăm-bông heo đen trong bài kỳ trước.

Mẹo nhỏ trong nấu ăn mà người Việt mình có thể áp dụng: để tiết kiệm thịt, xương, người Hungary còn lấy giăm-bông này hầm với bò và khoai tây, hành, cà-rốt… cho ra một món ragu khá là ngon mà không cần nêm nếm gì nhiều. Ông Pháp cầu kỳ hơn, hầm ragu với thịt heo muối (lardon hoặc bacon) để vị thêm đậm đà. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao nhiều người phải dùng “viên ragu” để nấu ragu? Ragu là món “con nhà nghèo” mà, chỉ cần dùng thịt dư xắt nhỏ, thịt muối hoặc giăm-bông thừa xắt nhỏ, rau củ thừa xắt nhỏ, tí xương, tí cà chua, rồi tống hết mấy nguyên liệu này vào nồi, hầm nhỏ lửa cho đến tối và dọn ra xơi, chẳng có nêm nếm hay kỹ thuật gì cao siêu.  

Thế cái túi xinh xinh đầy họa tiết thêu, nằm trước ổ bánh mì là túi gì thế này?

Tôi chịu, chỉ biết rằng đây đúng là túi “mang phong cách” Hungary vì Hungary thích những họa tiết thêu như vậy lắm, trang phục truyền thống của Hunagry cũng có rất nhiều đường thêu sặc sỡ giống vậy. Phát hiện ra cái ống tẩu cổ nằm trên túi, tôi đoán rằng đây là túi đựng thuốc lá. Thời này làm gì đã có bao bì hay nhãn thuốc, ai muốn hút thì phải mua lá thuốc khô riêng, sau đó tự nhồi thuốc, châm lửa. Nên có lẽ cái túi nhì nhằng lắm dây nhợ và các dụng cụ lỉnh kỉnh này là túi đựng thuốc lá cũng như đựng những món lẻ tẻ để người hút nhồi thuốc và châm lửa.

Nhấm nháp rượu, xơi giăm-bông với bánh mì, rồi hút điếu thuốc; có lẽ cách sống này không khỏe mạnh cho lắm đối với một vài người, nhưng đối với những người khác thì đó có thể là một kiểu hưởng thụ lý tưởng, nhất là đối với một người đàn ông, khi vợ vắng nhà.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả