Khác

ABRAMOVIC: Tôi chỉ là cò súng 17. 07. 10 - 12:27 pm

Hương Lan dịch

   

Sau ba tháng ròng rã ngồi mắt đối mắt với lần lượt các khách tham quan tại MoMa – trong khi ở gian khác, các nghệ sĩ trình diễn lại các tác phẩm ngày xưa của Marina, vào ngày cuối cùng của Nghệ sĩ Giá Lâm, Linda Yablonsky của tờ The New York Times mô tả như sau:  

“… Chẳng có gì ngạc nhiên khi khán giả có mặt đông đúc vào ngày thứ Hai dự buổi bế mạc chuỗi trình diễn của Marina, 716 giờ ngồi yên trong bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại khiến bà được tung hô nhiệt liệt. Ấn tượng nhất là quang cảnh hoành tráng và âm thanh lủng màng nhĩ. Tiếng reo hò tán thưởng kéo dài 15 phút, lèn kín viện bảo tàng sự kích động như đang chào đón những ngôi sao thể thao (phái nam) vừa lập chiến thắng vang dội trở về. Không thế sao được, khi một phụ nữ 63 tuổi ngồi nguyên trong ghế ngày này qua ngày khác ròng rã suốt ba tháng liền, khóa mắt với ít nhất 1.545 cá nhân mà không hề động đậy hay nói, trước 700.000 người ngây ra dòm. Một lời khen ngợi không thôi là chưa xứng với bà. Chẳng hạn, bà cần ngay một cuộc kiểm tra sức khỏe tâm thần theo đúng thủ tục. Hay một chầu ngâm mình nước nóng. Và cả một huy chương cho hành động anh hùng…”  

  

Giải thích cho cuộc trình diễn này, Marina nói:
“… buổi trình diễn Nghệ Sĩ Hiện Diện… nhắm đến sự hiện hữu ở thì hiện tại. Chúng ta luôn hướng tâm trí tới tương lai hoặc hồi tưởng lại quá khứ nhưng lại sống rất ít ở thì hiện tại; Thật sự sống trong không gian và thời gian vào khoảnh khắc hiện tại, và chỉ nhận thức về chính cuộc sống. Xong ngồi vào ghế và nhìn vào mắt tôi. Cái bạn đang nhìn không phải là tôi. Tôi chỉ là điểm tựa. Tôi là cò súng. Tôi như một tấm gương soi. Bạn bắt đầu phản ánh, suy gẫm về chính bạn, và cứ mặc cho mọi cảm xúc tuôn trào”.  

Ngài Doboom Tulku – Ảnh Marco Anelli

80% người đến ngồi với Marina là nữ – thêm một luận điểm nữa cho các nhà xã hội học mổ xẻ. Luật chơi ở show Nghệ sĩ Hiện diện là: Không nói, không sờ chạm, chỉ nhìn thẳng vào mắt Marina, không chuyển ánh nhìn. Và khi sắp sửa đứng lên, hãy cúi đầu để báo cho bà biết bạn chuẩn bị rời đi. Chờ cho đến khi bà cúi đầu đáp lễ thì đứng lên trở ra chỗ người vệ sĩ. Trong những ngày diễn ra sự kiện, không ai được phép chụp ảnh gần những người tham gia trình diễn. Tuy nhiên điện thoại di động và Ipods không bị để ý – rõ ràng vệ sĩ chả ngó ngàng đến hai món này. Một thông tin chưa được kiểm chứng rất thú vị mà N.Y Andre moi được là Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) đã phản đối việc Marco (tác giả những bức ảnh bạn đang xem) lập hồ sơ những người diện kiến Marina, và Marina phải đấu tranh quyết liệt để nhiếp ảnh gia được chụp. Bà đã làm được một việc lớn – những tấm hình được công bố. Không phải mọi người diện kiến Marina đều được post hình lên mạng, nhưng khách tham quan đều quả quyết rằng chỉ có rất ít nam giới đến ngồi trước Marina. 

 

Sharon Stone trong lúc ngồi


Một khách ngồi đến phút 89


Marina sau 420 phút

  

Hai ngày cuối cùng, thời gian ngồi giới hạn chỉ 10-15 phút/người để nhiều người có cơ hội diện kiến Marina hơn, mặc dù theo suy nghĩ riêng của Marina thì ngồi tùy thích mới giúp cho buổi trình diễn đạt đến tinh thần như mong đợi. Vào ngày cuối cùng, thứ Hai 31. 5, có lúc các vệ sỹ đột ngột dừng cuộc diện kiến của Abramovic.

Trong số những người diện kiến, có người bối rối, có người òa khóc. Có quý cô quá xúc động, đặt tay lên tim mình. Thật bất ngờ, Marina đáp lại.  

Thế rồi lại có một người diện kiến cởi phắt chiếc váy đang mặc ra, phô thân hình nhồng nhỗng, lập tức cánh vệ sĩ trực giờ trưa ào tới xốc cô nàng lên. Vừa bị điệu đi cô nàng vừa hét rành rọt: “Tôi nghĩ khỏa thân cho ta niềm vui sướng không gò bó! Chứ không phải NƯỚC MẮT, HỖN LOẠN”.

Rồi một cô gái trẻ đích thị bị hớp hồn sau một hồi nhấp nha nhấp nhổm, do không hiểu cái cúi đầu của Marina hàm ý giờ ngồi của cô đã hết (sau 20 phút, một sự hào phóng cho riêng cô ấy) nên đã không đứng dậy. Vệ sĩ bước vào sau 10 giây và nhấc cô đi. Liền đó tôi phát hiện có dấu hiệu khá rõ từ Marina, ngoài cái cúi đầu, bà đồng thời buông thõng cánh tay phải xuống hông và chỉ ngón trỏ ra.

Dana Ljubicic, một họa sĩ 15 tuổi bộc lộ: “Từ mùng 4 tháng tư em tới đây hàng ngày – vị chi gần 60 lần. Mỗi khi ở đó em đều mê mẩn buổi trình diễn. Em thật sự muốn hòa mình vào nó. Ngày nào em cũng muốn đến đó cả.”

Dana Ljubicic khi ngồi

Ljubicic hàng ngày lặn lội tới buổi trình diễn sau giờ học chỉ để quan sát. Cô bé đã ngồi vào ghế bảy lần, đều vào những ngày cuối tuần, sau khi xếp hàng chờ bảo tàng mở cửa là chạy ù lên cầu thang xí chỗ để được đối diện Abramovic.
Cô bé tiếp: “Lần đầu tiên em biết mình ngộp trong cảm xúc… thật mãnh liệt. Sau vài lần ngồi thì không còn khái niệm thời gian. Em cảm thấy mình và Abramovic không còn trong trạng thái con người mà đã nối kết với nhau theo cách không thể mô tả được.”  

Còn Marina Abramovic, bà nghĩ sao sau đợt trình diễn?

Về mặt nào đó, tôi gần như là tiếc thương cuộc trình diễn. Tôi đã gặp được bao nhiêu người, học được bao nhiêu điều. Trước khi tới đây, tôi đang nghi ngờ nghệ thuật của mình và những gì mình đang làm, cho rằng nó không còn hay ho như trước kia nữa. Sau khi tới đây, tôi biết nghệ thuật là những gì tôi muốn làm. Tôi có cảm giác mới mẻ là tất cả mọi thứ rồi sẽ OK trong cuộc đời tôi.”

Marina cảm ơn các nghệ sĩ khác đã diễn lại các tác phẩm trình diễn của bà

Khi thai nghén tác phẩm, tôi thực sự để ngỏ cho mọi thứ diễn ra. Nhưng điều tôi thực sự bất ngờ là sự tham gia của mọi người; bất ngờ về cách người ta đón nhận tác phẩm và ngồi với tôi một thời gian thực sự lâu như thế. Quá thú vị, bởi vì, như chúng ta biết, văn hóa Mỹ vốn là một nền văn hóa thực dụng, dựa trên tiền bạc, trên công việc, trên cường độ di chuyển và cường độ sống, luôn luôn vận động đi tiếp, đi tiếp. Trong khi ở đây, tất cả mọi thứ đều có khuynh hướng tĩnh lặng, theo đúng nghĩa đen là không làm gì cả, chỉ ở trong hiện tại. Vì vậy để trông chờ người Mỹ tới bảo tàng và ngồi bảy tiếng đồng hồ, và không chỉ ngồi lâu mà còn trở lại nhiều lần, tạo thành một cộng động quanh tác phẩm sắp đặt, thì quả là quá đỗi ngạc nhiên…”

 

*

SOI tổng hợp từ N.Y Andre‘s blog

*

Bài liên quan:

Nghệ sĩ giá lâm!
Bỉm? Bô? Hay chỉ cần ý chí?
Tôi chỉ là cò súng
– Xét cho cùng là say mình
– Chỉ hơi đố kị tí thôi
– Bà ngoại của nghệ thuật trình diễn, 30 năm trước…
– Marina Abramovic đã thắng tại tòa

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả