Nghệ sĩ thế giới

Bà ngoại của nghệ thuật trình diễn, 30 năm trước… 22. 07. 10 - 8:37 am

Ngọc Trà dịch, Hieniemic bổ sung

Trong Thomas Lips, 1975

Marina Abramovic (sinh ngày 30 tháng Mười Một năm 1946, ở Belgrade, Cộng hòa Serbia, thuộc Yugoslavia cũ) là một nghệ sĩ trình diễn sống tại New York, bắt đầu sự nghiệp vào đầu thập niên 1970. Hoạt động trong vòng hơn 30 năm, gần đây bà bắt đầu coi mình là “bà ngoại của nghệ thuật trình diễn”.
Các tác phẩm của Abramovic khám phá mối quan hệ giữa người trình diễn với khán giả, những giới hạn của cơ thể và những khả năng của trí óc. Xin điểm qua một số tác phẩm trình diễn thời kỳ trước 1990 của bà, cũng là thời kỳ có người cho là sung sức nhất, quyết liệt nhất.

 

Nhịp điệu 10, 1973

Trong tác phẩm diễn đầu tiên của mình, Abramovic khám phá những yếu tố về nghi lễ và cử chỉ.

Sử dụng 20 con dao và 2 máy thu băng, nghệ sĩ chơi một trò chơi của Nga, trong đó cứ đều đặn theo nhịp mà đâm dao thẳng vào giữa các kẽ bàn tay đang xòe rộng ngón. Mỗi lần tự đâm phải vào tay, Marina sẽ đổi một con dao mới và tiếp tục thu lại đoạn trình diễn.

Sau khi tự đâm phải tay mình hai mươi lần, Marina tua lại đoạn băng, lắng nghe âm thanh và cố lặp lại cùng những động tác đó, cố lặp lại các lỗi, chập quá khứ lại với hiện tại. Bà cố khám phá những giới hạn về thể xác và tinh thần của cơ thể – cái đau và tiếng dao đâm, những âm thanh kép: từ quá khứ và từ việc lặp lại. Với tác phẩm này, Abramovic nghĩ  về trạng thái ý thức của người trình diễn như sau: “Một khi bước vào trạng thái trình diễn, bạn có thể ép cơ thể mình làm những việc bạn chắc chắn không bao giờ làm lúc bình thường.”

 
Nhịp điệu 5, 1974

Abramovic tìm cách đánh thức lại thứ năng lượng của cơ thể trong đau đớn tột độ.
Lần này bà dùng một ngôi sao tưới đẫm xăng. Lúc bắt đầu màn trình diễn, bà đốt lên. Đứng bên ngoài ngôi sao, Abramovic cắt móng tay, móng chân, và tóc mình. Mỗi lần cắt, bà lại vứt chúng vào lửa, làm lửa cháy bùng lên. Việc đốt cháy ngôi sao năm cánh “cộng sản” này đại diện cho một quá trình thanh lọc cơ thể và tinh thần, tức những truyền thống chính trị trong quá khứ ở đất nước bà.

Trong hành động thanh tẩy cuối cùng, Abramovic nhảy qua ngọn lửa, gieo mình vào giữa ngôi sao lớn. Do ánh sáng và khói tỏa ra từ ngọn lửa mù mịt quá, khán giả không nhận ra rằng khi nhảy vào ngôi sao, Marina đã bất tỉnh vì thiếu oxy. Một vài người chỉ nhận thấy chuyện gì đã xảy ra khi lửa đã cháy đến rất gần người Marina mà bà vẫn nằm bất động. Một bác sĩ và vài khán giả đã xông vào lôi bà ra khỏi ngôi sao.

Abramovic sau đó có bình luận về chuyện này như sau: “Tôi rất tức giận vì hiểu ra có một giới hạn về thể xác: khi bạn bất tỉnh thì bạn không hiện diện được nữa; bạn không thể trình diễn được.”

Nhịp diệu 0, 1974

Để kiểm tra giới hạn của mối quan hệ giữa người trình diễn với khán giả, Abramovic đã thực hiện một trong những màn trình diễn khó khăn nhất (và cũng nổi tiếng nhất) của bà.

Bà tự cho mình đóng một vai thụ động, còn khán giả được chủ động tác động lên cơ thể bà.

Abramovic đặt trên bàn 72 vật mà mọi người có quyền sử dụng (bảng chỉ dẫn ghi rõ như thế) theo bất cứ cách nào họ chọn. Một số vật có thể mang lại sung sướng, trong khi những vật khác có thể gây đau, hoặc làm tổn thương bà, trong số đó có kéo, một con dao, một cái roi, và nhất là một khẩu súng lắp sẵn một viên đạn duy nhất. Trong suốt sáu tiếng đồng hồ, Marina Abramovic cho phép khán giả tùy nghi sử dụng cơ thể mình, điều khiển hành động mình.

Ban đầu, khán giả phản ứng một cách thận trọng, dè dặt, nhưng rồi thời gian dần trôi đi (mà nghệ sĩ vẫn ở thế thụ động) vài người bắt đầu tỏ ra hung hãn. Abramovic về sau mô tả lại:

Kinh nghiệm tôi học được là… nếu bạn nhường việc quyết định cho đám đông, bạn có thể bị giết chết… Tôi cảm thấy thật sự bị xâm phạm: họ cắt quần áo của tôi, cắm gai hoa hồng vào bụng tôi, một người còn giương súng nhằm vào đầu tôi, rồi một người khác tước súng đi. Một không khí hung hãn. Sau đúng 6 tiếng, tôi đứng dậy và bắt đầu bước về phía công chúng. Họ bỏ chạy hết, họ sợ phải đối đầu thực sự với tôi.”

 
Với Ulay

Năm 1976, sau khi chuyển đến sống ở Amsterdam, Abramovic gặp nghệ sĩ trình diễn người Tây Đức Uwe Laysiepen, hay còn gọi là Ulay. Họ sinh cùng ngày, chỉ khác năm. Đây là khởi đầu một thập kỉ những tác phẩm hợp tác của hai người. Họ quyết định tạo ra một hợp thể có tên gọi “kẻ kia”, và nói về bản thân mình như một phần của một “cơ thể hai đầu”. Họ ăn mặc và cư xử như anh em sinh đôi, tạo dựng một mối quan hệ tin tưởng nhau tuyệt đối. Khi họ đặt ra cái nhân dạng “ma” này, thì nhân dạng của từng cá nhân họ cũng trở nên khó tiếp cận hơn.

Trong các đồng tác phẩm, Abramovic và Ulay khám phá “cái tôi” và “bản sắc” nghệ sĩ. Thay vì bận tâm với các ý niệm về giới tính, họ cùng nhau khám phá những trạng thái cực đoan của ý thức và mối quan hệ của chúng với không gian kiến trúc. Họ tạo nên một series các tác phẩm trong đó cơ thể của chính họ tạo thêm một thứ không gian “phụ trội” cho khán giả tương tác.

Trong Quan hệ trong Không gian (1976) chẳng hạn, họ cứ thế chạy quanh phòng – hai cơ thể như hai hành tinh, trộn lẫn năng lượng nam và nữ vào thành một thành phần thứ ba có tên là “bản ngã kia”.

Relation in space (Quan hệ trong không gian)

Đồng thời, họ cũng tìm cách khám phá những giới hạn tâm lý. Thường những giới hạn tâm lí này đạt được bằng cách đẩy cơ thể họ đến giới hạn vật lí – tức đến mức kiệt quệ về thể xác.
Trong Hít vào, Thở ra (1977), Abramovic và Ulay hít và thở vào miệng nhau đến khi ngã vật ra vì thiếu oxy sau 17 phút.

 

 Trong Imponderabilia Bất khả tiên lượng (1977, diễn lại vào năm 2010), hai nghệ sĩ đứng ở hai bên ô cửa hẹp vào bảo tàng, hoàn toàn khỏa thân. Những vị khách muốn vào được bảo tàng phải băng qua họ. Họ buộc phải chọn xoay mặt về phía một trong hai người, bắt buộc phải thế vì họ không thể đi thẳng. Chỉ có một lựa chọn, hoặc thế này, hoặc thế kia, không có con đường trung dung, y như Kierkegaard.

Vào 1988, sau vài năm quan hệ căng thẳng, Abramovic và Ulay quyết định cùng làm một chuyến hành trình tâm linh để kết thúc mối quan hệ của họ.

Nhắc giai đoạn này trong lịch sử trình diễn của mình, Abramovic đã nói: “Vấn đề chính trong mối quan hệ này là phải làm gì với hai cái tôi của hai nghệ sĩ. Tôi phải tìm ra cách để hạ cái tôi của mình xuống, anh ấy cũng thế, để tạo ra một thứ gì đó giống như một trạng thái tồn tại lưỡng tính mà chúng tôi gọi là ‘cái tôi đã chết’”.

Trong màn trình diễn cuối, Two Lovers Hai người yêu, họ đi bộ dọc Vạn lý Trường thành, bắt đầu từ hai điểm mút và gặp nhau ở giữa.

Abramovic miêu tả: “Chuyến đi bộ đó trở thành một bi kịch cá nhân. Ulay bắt đầu từ sa mạc Gobi và tôi từ Hoàng Hải. Sau khi đi bộ được 2500 km, chúng tôi gặp nhau ở giữa và nói lời chia tay.

Abramovic thai nghén ý tưởng này trong một giấc mơ, và bà nghĩ đây là một kết thúc phù hợp và lãng mạn cho một mối quan hệ thần bí, đầy năng lượng và lôi cuốn. Bà giải thích: “Chúng tôi cần một kiểu kết thúc nào đó, sau một quãng đường đi bộ khổng lồ tiến về phía nhau. Kết thúc đó rất con người, nhiều kịch tính, như một cái kết phim… Bởi vì sau rốt dù có làm gì đi chăng nữa, bạn thực sự chỉ còn có một mình.

Abramovic trên Vạn Lý Trường Thành

 

 

*

Theo Wikipedia

*

Bài liên quan:

Nghệ sĩ giá lâm!
Bỉm? Bô? Hay chỉ cần ý chí?
Tôi chỉ là cò súng
– Xét cho cùng là say mình
– Chỉ hơi đố kị tí thôi
– Bà ngoại của nghệ thuật trình diễn, 30 năm trước…
– Marina Abramovic đã thắng tại tòa

Ý kiến - Thảo luận

16:37 Wednesday,27.5.2020 Đăng bởi:  Dao
Con mụ này theo quỷ Satan ăn thịt người và uống máu trẻ em, nghiện Adrenochrome. Đây là thứ biến thái chứ nghệ thuật cái nỗi gì. Nhìn đi, các nghệ sỹ, các bạn cảm thấy thế nào khi xem các buổi trình diễn, các bữa tiệc spirit cooking của con quỷ này? Có thấy hay ko, có thấy gợi cảm hứng ko, có thấy nhân văn ko? Hay đây là sự khám phá giới hạn con người theo hướng b
...xem tiếp
16:37 Wednesday,27.5.2020 Đăng bởi:  Dao
Con mụ này theo quỷ Satan ăn thịt người và uống máu trẻ em, nghiện Adrenochrome. Đây là thứ biến thái chứ nghệ thuật cái nỗi gì. Nhìn đi, các nghệ sỹ, các bạn cảm thấy thế nào khi xem các buổi trình diễn, các bữa tiệc spirit cooking của con quỷ này? Có thấy hay ko, có thấy gợi cảm hứng ko, có thấy nhân văn ko? Hay đây là sự khám phá giới hạn con người theo hướng biến thái và bệnh hoạn? 
10:06 Sunday,14.11.2010 Đăng bởi:  dinh hung
Được biết thêm một chút xíu về "triết học trong nghệ thuật đỉnh cao". Cảm ơn các bạn nhiều lắm.
...xem tiếp
10:06 Sunday,14.11.2010 Đăng bởi:  dinh hung
Được biết thêm một chút xíu về "triết học trong nghệ thuật đỉnh cao". Cảm ơn các bạn nhiều lắm. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói qua một tí về múa vậy

Nghệ sĩ Trần Lương

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả