Nghệ sĩ thế giới

SHIN YUN BOK – đời phù hoa vui sao! 21. 07. 10 - 12:00 pm

Chu Mạnh Cường

(SOI: Sau mấy tuần “bải hoải” với nghệ thuật đương đại, Soi đọc được bài này trên trang web của Hội Mỹ thuật và thấy như được “tái sinh nhờ tranh đẹp”.  Các bạn cũng nên vào trang web này, có khá nhiều bài hay tuy rằng thiếu hình ảnh. Lưu ý là để do giao diện trang này hơi khác, nên các bài mới lại… nằm ở dưới.)

 

 
Shin Yun-bok (1758-1813) là một danh họa thời Joseon của Hàn Quốc. Tác phẩm của ông cho đến nay vẫn được xem là một cuộc cách mạng văn hóa trong hội họa. Bằng thủ pháp chân thực, chi tiết hơi châm biếm, ông đã phản ánh muôn mặt của đời sống xã hội bấy giờ. Nghiên cứu phong cách của ông, người ta thấy rằng tuy nó thuần khiết truyền thống, nhưng xuyên suốt tác phẩm lại thẫm đẫm những tư tưởng tiến bộ, mới lạ.

Ở triều đại Joseon, nho giáo quy định mọi luật tục, lễ nghi, phép tắc, trong đó có việc người dân phải trung thành với vua, phải biết giữ phẩm hạnh, kỷ luật và kìn nén ham muốn. Nho giáo yêu cầu hội họa phải là công cụ tuyên truyền củng cố cho hình ảnh của vua và lễ giáo. Các họa sĩ vì thế phải vẽ sao cho người dân xem xong mỗi bức tranh thấy vui tươi, thích thú với cuộc sống hiện tại, nếu không sẽ bị coi là dung tục. Có nhiều họa sĩ đương thời như Kim Hong-do (1745-1806) đã đi theo đường lối này, song cũng có người như Shin Yun-bok lại đi theo chiều hướng sáng tác tự do.

Làm việc ở lò rèn - Kim Hong-do

Kim Hong-do thường vẽ cảnh sinh hoạt dân dã an toại: dùng nét bút đơn giản miêu tả cảnh nông phu chẳng hạn hò reo vui mừng khi làm việc tại nhà địa chủ. Ở họ không bộc lộ bất cứ sự mệt nhọc, vất vả hay đấu tranh vì quyền lợi nào mà trái lại ai cũng mỉm cười thỏa mãn, cử chỉ nhẹ nhàng, nhàn hạ. Bức tranh chỉ có một mục đích duy nhất là cho người xem thấy được vẻ đẹp của sức lao động, sự hòa hợp giữa chủ tớ.

Ngược lại, Shin Yun-bok thường vẽ những cảnh đời éo le, cảnh ăn chơi trụy lạc, đàn đúm của tầng lớp thống trị. Ông nhìn quý tộc cũng giống như nhìn dân thường và còn châm biếm, dí dỏm. Trong tranh của ông, ngoài con người còn thấy cảnh quan thiên nhiên; kiến trúc, xe ngựa; nhân vật cũng được miêu tả với nhiều sắc mặt, dáng vẻ biểu lộ nhiều mức độ tình cảm cùng những kiểu tóc, quần áo rực rỡ đem tới một không gian sống động, hoa lệ. Dường như trong mỗi bức tranh, một mặt họa sĩ vừa đả kích sự không nhã nhặn, kém đứng đắn, cợt nhả của nhân vật, mặt khác lại xuê xoa cho những nghịch cảnh buồn cười hoặc trần tục của họ. Nội dung trên tranh thường giống như một vở kịch không có hồi kết. 

Chu du thanh giang

Có thể nói nổi bật trong tranh của ông là hình ảnh phụ nữ quyền quý, kỹ nữ và thiếu nữ mới lớn. Khác với suy nghĩ họ phải e lệ, che chắn, nép mình sau những bức tường, tối ngày nội trợ và chăm sóc con trẻ, phụ nữ trong tranh đi lại rất tự do và còn làm duyên, khoe diễn vẻ đẹp ngoài đường và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí. Điều ấy thể hiện phụ nữ Joseon đã có quyền hành ngang hàng nam giới.

Tranh cũng cho biết ở thời Joseon kỹ nữ rất phổ biến, nhiều người tham gia ca múa như một phong trào hay hình thức giao lưu. Bấy giờ cũng lắm nhà cửa và quán trọ khang trang phục vụ khách làng chơi. Và điều đặc biệt là nam nữ đều ăn vận đẹp khác hẳn ngày xưa. Nữ thường búi tóc, nhiều khi tết tóc buông thõng, kẻ lông mày và đuôi mắt đen dài, tô môi chúm chím… mặc Hàn phục truyền thống, thêu ren cầu kỳ sặc sỡ. Điểm qua 30 bức tranh chuyên về phụ nữ của ông, trong 70 phụ nữ thì có tới 52 người mặc màu chàm là màu khó nhuộm nhất thời đó và là màu của dân thượng lưu, thành thị. Nam giới vận áo thụng đội mũ chóp loe vành hào hoa, cao ráo. Tất thảy lộ rõ một thế giới ăn chơi xa xỉ, đàn đúm.

Họa sĩ đã giàu công theo dõi và dùng công cụ vẽ chuyên biệt để có thể đặc tả điều này, gồm những cây bút làm từ sợi tơ và gai dầu cho nét vẽ thanh mảnh và nhiều gam màu hồng, đỏ, vàng, xanh, tím rất khó kiếm. Tuy nhiên, do khổ giấy thuở ấy nhỏ hẹp nên tranh của ông cũng có khuôn khổ nhỏ bé, thường chỉ là 28,2 x 35,2 cm.

Sử sách ghi lại Shin Yun-bok sinh trong một gia đình khá giả, nhiều đời làm họa sĩ vào khoảng giữa cho tới cuối triều Yi Hàn Quốc. Thân phụ là Shin Han-pyeong – một danh họa của vương triều đã từng vẽ tranh cho vua. Vì luật quy định hai cha con không được cùng làm một nơi nên Shin Yun-bok đã chuyển ra ngoài vẽ tranh cho giới quyền quý. Tranh của ông thể hiện ý chí tự do phản ánh những ước mơ thầm kín cũng như sự bất bình với lễ giáo phong kiến thông qua cảnh các người đẹp ở những tư thế khêu gợi và đầy cảm xúc, nhiều tác phẩm về tình yêu gây sự bàn cãi trong giới học sĩ đương thời. Cũng vì điều ấy mà nghe đồn ông đã bị trục xuất khỏi họa viện Dohwaseo của hoàng gia.

Từ danh hiệu Hyewon có nghĩa là vườn hoa và thực tế nhiều tác phẩm của họa sĩ về phụ nữ, nhiều người phỏng đoán Shin Yun-bok không phải là nam giới. Hàn Quốc đã có bộ phim Bức họa người đẹp nói về thân thế và sự nghiệp của ông.

Vồ vập trên phố

Bảo tàng nghệ thuật Gansong Seoul hiện nay là nơi trưng bày nhiều sáng tác nhất của Shin Yun-bok với khoảng 100 tác phẩm xoay quanh chủ đề: đời thường, gặp gỡ, vui chơi, tình yêu trai gái, dục vọng và khuê phòng, miêu tả những khát khao của người dân về một cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, yêu và được yêu, ngoài ra là kiến trúc, chân dung người đẹp, buổi du ngoại của quý tộc, thư sinh và nhà sư…
Tiêu biểu là các bức tranh: Ngày Dano, Tắm giặt bên suối, Chuyện ven thành giếng nằm trong chủ đề đời thường; Vồ vập trên phố, Nhà sư cúi chào cô kỹ nữ (Tiểu tăng kính chào), Tìm đến chùa nghe kinh, Vui chơi bên hồ sen, Ngày xuân trên đồng, Múa kiếm; Đợi, Ghẹo gái bên hoa đỗ quyên, Dắt díu lúc nửa đêm, Góa phụ xem phối giống, Mai mối dưới hoa thu,Tiệc rượu, Hồng lâu

Ngày Dano tả cảnh một nhóm kỹ nữ ngực trần gột tóc bên một dòng suối nét mặt rạng ngời, không chú ý phía sau có hai chú tiểu nấp sau tảng đá đang ngắm nhìn họ háo hức. Một nhóm khác đã gột xong liền quấn tóc và chơi đu trong không khí sảng khoái của ngày lễ mồng 5 tháng 5 âm lịch.

Vui chơi bên hồ sen lại về một nhóm nam nữ ngồi đánh đàn uống rượu thưởng sen, các chàng trai trong điệu bộ ôm ấp ve vãn, còn các cô gái thì nhìn họ với ánh mắt đắm đuối.

Múa kiếm khắc họa hai đám quý tộc ngồi ăn tiệc xem một cặp vũ nữ múa kiếm, tà áo bị gió thốc để lộ những đường cong tuyệt mỹ, trong khi đa số xem diễn thì một chàng trai mê mẩn trước một cô gái ngồi sát bên cạnh.

Hấp dẫn nhất phải kể tới bức tranh Hò hẹn lúc nửa đêm, còn gọi là Đôi tình nhân dưới trăng nằm trong tập tranh Hyeowon Jeonsincheop gồm 30 bức tranh – di sản quốc gia số 135 của Hàn Quốc, đặc tả giờ phút chia tay của cặp tình nhân sau một cuộc gặp ngắn ngủi dưới ánh trăng trong một ngõ tối lúc nửa đêm. Bên phải tranh là một nam một nữ đứng cạnh nhau. Bên trái là một vầng trăng khuyết treo trên mái nhà. Chàng trai đội một chiếc mũ lớn và mặc một chiếc áo trắng chùm toàn thân cho thấy anh là một quý tộc. Tay phải cầm một chiếc đèn lồng, tay trái dường như đang lục một thứ gì đó trong túi định trao cho cô gái. Dưới chân đi một đôi giày da mũi hếch, ở mũi và gót điểm mảng trang trí màu dương nhạt. Mặt quay ngang, ánh mắt đằm thắm nhìn sang người yêu. Cô gái cũng ở hàng danh giá, cô đội trên đầu một chiếc mũ choàng màu xanh da trời và mặc một chiếc áo ở cổ và tay có mảng màu hồng, chiếc váy màu dương nhạt và đôi hài da hồng. Khuôn mặt e lệ che dưới chiếc mũ choàng rộng, hướng về phía anh, ánh mắt nhìn xuống xa xăm. Sau lưng họ là một bức tường đá chạy từ phải qua trái rồi rẽ sang một góc ở giữa tranh. Ở phía xa có một mái nhà và một cửa sổ. Trên bức tường lòa xòa những cành cây và trên cao là một vầng trăng khuyết rất sáng do quanh đó vẽ đường viền bằng mực đen. Trên tường đề một bài thơ ngắn: ánh trăng chậm rãi rơi/ Tam canh đã tới rồi/ Đôi tim còn thổn thức/ Dùng dằng ở hay thôi. Dưới bài thơ là bút hiệu của họa sĩ.

Nguyệt hạ tình nhân

Xem thời gian trong bài thơ thì đôi bạn hẹn nhau vào khoảng sau canh ba, tức là khoảng 1 giờ sáng. Ở Hanseong – thủ đô của Joseon bấy giờ, và nay là thành phố Seoul, lệnh giới nghiêm quy định mọi người phải ở trong nhà từ tám giờ tối đến bốn giờ sáng. Vậy là họ hẹn nhau vào lúc không được phép ra ngoài.

Theo lễ nghi nam nữ từ bảy tuổi trở lên sẽ phải sống tách biệt có người giám sát; nam nữ con nhà quý tộc đến tuổi trưởng thành không được phép ở một mình với người khác giới ngoại trừ họ hàng; khi một phụ nữ ra khỏi nhà phải ngồi kiệu và che kín mặt sau đó có người hầu đi theo phục vụ. Thì về điều này, họ cũng làm trái. Nhìn bộ áo đẹp và khuôn mặt nhẵn nhụi có thể đoán chàng trai là một thanh niên quyền quý. Và qua bộ trang phục kiểu cách thì cô gái cũng giàu sang. Có lẽ họ là bạn bè, cô gái là em gái người bạn thân của anh, họ đã yêu mến nhau từ nhỏ và đang vượt thử thách để đến bên nhau.

Quan sát kỹ phía sau chiếc mũ choàng của cô gái lại thấy một mái tóc dài, rất dễ là một mái tóc giả của một phụ nữ đã có chồng bởi phụ nữ thường búi cao, thanh nữ thường tết bím, và quả như vậy thì họ còn có quan hệ ngoại tình. Cuộc hẹn hò của họ là một cuộc gặp bí mật mà hai người không muốn ai biết. Nhưng đây không phải là trường hợp hy hữu ở Hanseong thời này, qua nhiều tác phẩm của Shin Yun-bok cũng thấy những cuộc hẹn hò như thế của một lúc nhiều cặp tình nhân, từ đó có thể nói hẹn hò kiểu này xảy ra rất thường xuyên nếu không nói là khá phổ biến bấy giờ. Thế nhưng, dù gì cuộc gặp của họ cũng là một việc đầy ngang trái, khiến họ khá vội vã và đầy lo lắng.

Đọc bài thơ và xem tranh, hai người rất lưu luyến nhưng vì trời sáng nên chàng trai đành phải ra đi. Nó cũng nhắc đến một khả năng khác: Đây không phải là cuộc hò hẹn đơn thuần mà là giờ phút chia tay cay đắng bởi có thể họ sẽ không bao giờ còn được gặp nhau nữa khi cô gái cúi mặt quyết định trở về góc đường vào nhà còn chàng trai day dứt trông theo.

Trong tranh, họa sĩ đã rất giỏi đón bắt xung đột nội tâm và nghịch cảnh của cặp tình nhân. Không biết ông yêu hay ghét hai nhân vật quý tộc này song ông cũng bộc lộ sự thông cảm nhất định. Bằng cách vẽ người sắc nét, vẽ vật và nền xa và mờ, ông đã tách họ ra khỏi màn đêm u tịch, để rồi hiện lên rõ ràng ở bên phải rất cân xứng với ngôi nhà và mặt trăng ở bên trái cùng bức tường trung tâm. Ngoài ra, màu sắc trên trang phục thanh nhã cũng cho thấy sự giao hòa vấn vít; còn vầng trăng thì như cúi hẳn xuống nhòm và soi tỏ tình thế thẹn thùng, lưỡng lự của hai người.

*

* Triều đại Josean Hàn Quốc trải qua 25 đời Vua (bắt đầu từ năm 1392 đến 1863 tức là 472 năm)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả