Soi học

Bài 3 – Các khái niệm quan trọng
của Platon: Idea, Form và Illusion 05. 12. 12 - 8:51 am

Phó Đức Tùng

 SOI: Đây là bài 3, tiếp theo bài 1bài 2 của loạt bài về Platon (để cuối cùng đi tới câu trả lời “Trừu tượng là gì?“…

“Dụ ngôn Hang động của Platon” 1 của Beatrice Biewer

 

Trên đây đã nói sơ lược về dụ ngôn hang độngvũ trụ quan Platon, về khái niệm đẹp cũng như vai trò và phương pháp của nghệ thuật nhằm tạo ra, mô phỏng cái đẹp trong lý thuyết Platon. Tuy nhiên, mục đích của chúng ta không phải là ở chỗ trình bày lại quan điểm triết học và nghệ thuật của Platon, mà là tìm hiểu xem những khái niệm nghệ thuật nào trong những khái niệm đương đại đã có sự khởi xướng từ đó và chúng biến đổi thế nào để trở thành như ngày nay. Để làm được việc đó, ta không thể dừng lại được ở dạng mô tả dễ hiểu như trên, mà phải đi sâu hơn vào một số khái niệm chủ chốt. Có 3 khái niệm rất quan trọng trong học thuyết Platon cần được làm rõ là Idea, Form và Illusion. Phần trình bày này có thể trùng một số ý với phần trên, nhưng sẽ cơ bản hơn và sâu hơn.


a. Idea – ý tưởng

Chữ idea theo gốc indo-german có nghĩa là nhìn. Trong vũ trụ quan Platon, thì idea là những thực tại ở thế giới thứ nhất, ngoài cửa hang. Những idea này có tính phi vật chất nhưng tồn tại khách quan và vĩnh cửu. Chúng là những vật thể par excellence, nghĩa là không có sinh diệt, nhân quả.

Sau này, chữ Idea, hay ý tưởng, lại có thể được hiểu như là một kết quả tư duy chủ quan của mỗi người, một thứ nằm trong đầu, và sinh diệt do tư duy.

Tuy nhiên, khái niệm này cũng không hoàn toàn xa với Platon. Nó xuất phát từ quan điểm Platon là con người có khả năng hòa nhập về tinh thần vào thế giới lý tưởng. Khi tôi nói tôi có một ý tưởng, thì có nghĩa là một cái gì đó mới mẻ trong đầu, không phải mô tả từ thứ nhìn thấy thông thường. Một ý tưởng như vậy có thể đến từ thế giới lý tưởng và đã nhập vào đầu tôi theo con đường nào đó.

 

b. Form – tượng

Form cụ thể

Chữ Form có nghĩa gốc từ trước Platon là hình ảnh, hình thức, tức là phần nhìn thấy được của một sự vật ngoài tự nhiên. Theo nghĩa này, form đồng nghĩa với shape, shine, appearance. Khái niệm này được đưa ra để phân biệt với phần substance, tức là phần chất của cùng sự vật đó. (Khái niệm triết học về phân biệt giữa hình và chất được gọi là Hylomorph).

Trước Platon, người ta cho rằng bản chất của mọi sự vật ngoài tự nhiên là tính thay đổi (Heraclit), và nguyên do của sự thay đổi đó là sự biến đổi của chất (Thales). Hình thức chẳng qua là một thuộc tính của chất, và sẽ thay đổi cùng với chất. Và người ta tập trung vào nghiên cứu xem cái chất này thực ra là cái gì. Ta có khái niệm “Form of something”. Nói chung, đặc điểm của chất là tính cụ thể, vì nó không thể vừa là cái này, vừa là cái khác, mà chỉ có thể là chính nó mà thôi. Vì vậy, cái form của chất này còn được gọi là form cụ thể.

“Dụ ngôn hang động của Platon” 1 của Beatrice Biewer


Form mô thức

Platon lại nhấn mạnh vào sự giống nhau của nhiều vật thể cùng họ, thể hiện qua tính bất biến của tên gọi. Chẳng hạn con ngựa gỗ, ngựa giấy, ngựa bạch, ngựa Mông Cổ v.v… rất khác nhau về vật liệu, kích thước v.v… nhưng vẫn có chung một tên gọi là ngựa. Ta có thể vẽ vô số hình tam giác khác nhau, nhưng khái niệm hình tam giác thì không đổi. Vậy bản thể của một sự vật theo ông không phải là phần chất tạo nên nó, cũng không phải cái hình thức cụ thể gắn liền với chất đó, mà là một hình mẫu chung, hình thức chung có chứa đựng trong cả họ những vật thể cùng tên. Khái niệm form này của Platon là “form in something”.

Trong Dụ ngôn Hang động, Platon đã giải thích cơ chế của việc hình thành những họ object cùng tên như “ngựa”, “bàn” là vì rất nhiều búp bê, con rối có thể được làm từ khuôn mẫu là một idea lý tưởng. Vì công năng làm mẫu đó nên Platon cũng gọi các Idea là Form, theo nghĩa là mô thức, công thức hay hình mẫu . Như vậy, Idea và Form trong Platon có thể được hiểu là một thứ. Học thuyết Platon do đó có khi được gọi là thuyết Idea, có khi gọi là thuyết về Form.

Sở dĩ Platon dùng cả chữ Form và chữ Idea cho cùng một thứ là để nhấn mạnh mấy khía cạnh khác nhau. Idea nhấn mạnh khía cạnh phi vật thể, lý tưởng, tiên nghiệm (transcendental) của các hình mẫu này. Chữ Form thì nói lên quan hệ mật thiết của các Idea đến hình thức, hình ảnh của sự vật, là thứ có thể kiểm chứng hậu nghiệm (empirical). Nó nhấn mạnh Form này là mô thức của các form cụ thể.

Nghĩa chữ form là công thức hay mô thức là đặc trưng của Platon, nhưng vẫn được dùng cho tới nay, để chỉ các loại mẫu, mô thức, với các biến thể như formal, formular v.v.

Song song với khái niệm này, Platon vẫn giữ chữ form thông dụng, chỉ phần hình thức cụ thể của các object trong tự nhiên. Chữ form trong trường hợp này có nghĩa mimic, như Mô hình, nhằm diễn đạt một ý tưởng. Cũng có thể coi đó là sự hiện hình của một hình mẫu vốn là ý tưởng vô hình.

Tóm lại, trong thuyết Platon, chữ Form có thể hiểu theo hai nghĩa, nghĩa Mô thức, cùng với khái niệm idea, để chỉ hình thức chung cho cả một họ sự vật cùng tên; Và nghĩa Mô hình, cùng với khái niệm hình thức, hình ảnh, để chỉ sự hiện diện cụ thể trong một sự vật tự nhiên. Cả hai nghĩa này đều được dùng cho tới nay, vì thế rất hay bị nhầm lẫn. Để phân biệt hai loại form này, khi nói đến Platon, người ta sẽ dùng chữ Form viết hoa nếu chỉ cái Form mô thức, tổng quát và dùng chữ form nhỏ để chỉ các form mô hình, cụ thể.


c. Illusion – ảo ảnh

Theo Platon thì tất cả những gì chúng ta cảm nhận được, mắt thấy tai nghe, đều là các ảo ảnh về thế giới mô hình vật chất.

Tuy nhiên, nói là ảo nhưng chúng cũng vẫn còn dính tới thực chứ chưa phải ảo hoàn toàn, vì chúng là cái bóng của các objects hay sự vật trong cảm nhận của chúng ta. Vì thế nên sau này, nhất là theo trường phái duy vật thì những ảnh này được coi là ảnh thật. Còn có loại ảo ảnh hoàn toàn do hoang tưởng, tức là không có cái gốc từ vật thực, chẳng hạn hoa mắt, hay ảo ảnh sa mạc, thì mới được gọi là ảo ảnh hay illusion. Theo nghĩa đó, thậm chí toàn bộ hình dung về thế giới lý tưởng của Platon có thể được coi như một dạng hoang tưởng, illusion.

Tóm lại, những người có gốc gác tín ngưỡng Platon hay Phật giáo sẽ luôn có xu hướng coi những thứ mắt thấy là ảo ảnh, illusion, còn những cái trực giác, ngộ được, hay siêu hình mới là thực. Ngược lại những người theo duy vật sau này sẽ có quan điểm coi những thứ mắt thấy là thực, (tuy không phải thực hoàn toàn nhưng ít ra là một phần sự thực), còn những thứ do thăng hoa tinh thần mà hình dung ra thì là ảo ảnh, là illusion. Vì thế, khi dùng từ này, rất thường gặp hai cách hiểu hoàn toàn trái ngược nhau.

 *

SOI: Ba bài trên, như tác giả ngay từ đầu đã nói, là để đi đến rốt ráo cuộc tranh luận: “Trừu tượng là gì?”.

Mời các bạn đón đọc bài 4: “Khái niệm trừu tượng theo thuyết Platon

 

*

Bài liên quan:

– Bạn chọn lối nào: Không còn hình nữa là trừu tượng? Chắt được tinh chất là trừu tượng?
– Bài 1: Trong hang động của Platon
 
– Nguyên bản “Dụ ngôn về cái hang”, phần 1
 
– Bài 2: Khái niệm “đẹp” của Platon
 
– Nguyên bản “Dụ ngôn về cái hang” – phần 2
 
– Bài 3 – Các khái niệm quan trọng của Platon: Idea, Form và Illusion
 
– Bài 4: Theo Platon, trừu tượng là gì?

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả