Soi học

Bài 2: Khái niệm “đẹp” của Platon 30. 11. 12 - 10:06 am

Phó Đức Tùng

SOI: Đây là phần tiếp theo bài 1: Trong hang động của Platon. Ở phần 1, theo Phó Đức Tùng, vũ trụ quan Platon có 3 bậc:
– Thế giới vĩnh hằng với các ideas chân thiện mỹ, vĩnh cửu, là mẫu mực của mọi sự vật trong tự nhiên (ngoài hang)
– Thế giới tự nhiên, vật chất với những con rối, objects được các thần copy từ các idea (trong hang)
– Thế giới của các cái bóng của những con rối, là hình ảnh về những sự vật khách quan theo cảm nhận chủ quan của con người (trong hang)

 

Sơ đồ trong và ngoài cái hang của Platon (các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản to hơn nhé)

 

Theo Platon, chỉ có thế giới lý tưởng, vĩnh hằng với các ideas của nó mới là chân, thiện và mỹ. Và cái đẹp của các idea mới là cái đẹp tuyệt đối. Muốn biết thế nào là thực sự đẹp thì chỉ có cách tháo xiềng xích, tự ra đó mà nhìn. Cái đẹp này tựa như cái đẹp mà Phật nói có thể chứng được trong trạng thái ngộ.

Tiếp theo là đến cái đẹp trong các bản copy, tức là đời F1. Các bản copy khác nhau có hàm chứa tỷ lệ giống idea mẫu khác nhau, vì thế cũng có độ đẹp xấu khác nhau. Bản nào càng giống idea vĩnh hằng thì càng đẹp. Cái đẹp này là đẹp tương đối theo nghĩa vô thường và không hoàn hảo, nhưng cũng có thể coi là một phần của cái đẹp thật, chứ không phải hoàn toàn tương đối kiểu chủ quan.

Cuối cùng là cái đẹp trong những cái bóng. Những cái bóng này là thế hệ F2 kể từ các idea. Sau hai lần biến dạng, về nguyên tắc chúng sẽ ngày một xa rời hình mẫu lý tưởng. Tuy nhiên, chúng vẫn giữ phần trăm nào đó nét của hình mẫu lý tưởng. Càng giống hình mẫu bao nhiêu, chúng sẽ càng đẹp bấy nhiêu.

Tóm lại, vẻ đẹp của thế giới vật chất và kể cả các ảo ảnh là vẻ đẹp có thật, khách quan, do phần trăm của idea nằm trong đó, chứ không phải cảm nhận chủ quan, tương đối của mỗi người. Tuy mỗi người sẽ cảm nhận về vẻ đẹp đó một cách khác nhau, dưới mức độ khác nhau, nhưng một vật hay hình ảnh đẹp sẽ tạo cảm giác ham thích cho mọi người. Mỗi người có thể nhìn con ngựa dưới góc độ khác nhưng đều nhận ra là ngựa, và khi công nhận là ngựa tức là thừa nhận nó có một số quy luật hình thức nhất định chứ không phải lung tung, có nghĩa là thừa nhận ở nó một vẻ đẹp phổ quát, cho dù ta có gọi đó là đẹp hay không.


Khái niệm và vai trò của nghệ thuật theo Platon

Nghệ thuật theo Platon là một trong những hoạt động có chủ đích của con người, có mục đích là thể hiện cái đẹp. Một sản phẩm nghệ thuật càng gần với idea lý tưởng thì càng đẹp.
Có hai dạng chính để làm ra một tác phẩm nghệ thuật như vậy. Platon gọi là Poiesis (nghệ thuật sáng tạo) và mimesis (nghệ thuật sao chép tự nhiên). Hai loại nghệ thuật này là hai cách tiếp cận khác nhau tới cái đẹp trong vũ trụ quan Platon.

•    Poiesis – Nghệ thuật dưới dạng mô hình thần khải, mô hình trực tiếp từ idea lý tưởng

 

Ẩn dụ Cái Hang của Plato – Jan Saenredam, 1604> (Các bạn nhớ bấm vào hình để xem chi tiết nhé): Những người tù chen chúc ngồi, dựa cả vào bức tường ngăn. Các bậc trí giả là những người tuy sống trong hang nhưng không bị xiềng, thấy được những gì đi qua cửa hang. Họ làm hình rối, đốt lửa cho bóng in trên vách để kể lại, minh họa cấu trúc sự thật cho những người bị xiềng xem.

 

Nghệ sỹ sáng tạo thực sự là những bậc trí giả. Họ cũng là người sống trong hang như những người khác nhưng không bị xiềng. Họ đi ra cửa động, quan sát được thế giới bên ngoài. Khi quay về, họ rất muốn tả lại cho những người bị xiềng xích kia thấy được là thế giới đó đẹp đẽ ra sao. Họ bèn bắt chước các vị thần, làm ra các con rối để truyền đạt.

Những tác phẩm của họ là mô hình về cái thực, được mô tả lại bởi những người được giác ngộ, đã nhìn thấy chân lý, nhằm giúp người ta hình dung ra thế giới lý tưởng đó. Lý luận của Phật Giáo, hay Kito, học thuyết của Socrates và Platon vẫn được coi là loại mô hình này. Bản thân chúng không phải sự thật, mà là lời kể về sự thật của người đã nhìn thấy nó.

Những con rối do các nghệ sỹ sáng tạo này làm ra có thể dưới dạng thi ca, dạng tranh, tượng, nhạc, kiến trúc hay một thứ gì đó. Đôi khi nhiều loại vật liệu khác nhau có thể được dùng để diễn đạt cùng một loại ý tưởng. (Một khi đã nhìn thấy idea mẫu, trí giả đó có thể làm hàng ngàn copy dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy theo vật liệu mà anh ta có và năng lực của anh ta để mô phỏng lại idea gốc.) Đặc biệt thi ca được coi là gần với sáng tạo thần khải nhất, vì thế cũng có cùng gốc từ với poiesis.

Bởi chúng là những copy trực tiếp từ thế giới lý tưởng nên về nguyên tắc có thể sánh ngang với những thực tại trong tự nhiên, và khi đó, bậc trí giả hay nghệ sỹ đó sánh ngang với các thần thánh.

Có thể gọi các tiếp cận nghệ thuật này là “cụ thể hóa một ý tưởng (idea) thành tác phẩm nghệ thuật”.


•    Mimesis – Nghệ thuật dưới dạng mô hình tinh chế, đúc rút từ những cái bóng

Nghệ sỹ mimesis cũng là người sống trong hang và cũng bị xiềng như những người khác. Tuy không ra được cửa hang, anh ta nhận ra là trong các hình bóng cùng tên từng trôi qua trên vách hang thì có những cái đẹp hơn. Và anh ta nghiên cứu trong các hình bóng đó để đúc rút ra một cái gần với chuẩn mực nhất, đẹp nhất. Sản phẩm của anh ta không giống hoàn toàn bất kỳ một cái bóng nào từng có trên vách, mà hoàn hảo hơn tất cả bọn chúng, nó chứa những đặc điểm chung của cả họ bóng đổ đó.

Nếu anh ta vẽ hay tạc tượng một con ngựa, thì ai cũng biết đó là con ngựa, nhưng con ngựa này hoàn hảo hơn mọi con ngựa mắt thấy. Nó là mô hình gần với thực tế lý tưởng nhất, tỷ lệ đẹp do đó cao nhất. Nếu anh ta làm tượng vệ nữ, thì tượng này sẽ hội tụ đầy đủ những nét đẹp lý tưởng về phụ nữ mà không một người phụ nữ thật nào hội tụ nổi. Đó chính là lý do tại sao những tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp có độ phổ quát và độ đẹp lý tưởng cao như chúng ta biết.

Như vậy, nghệ sỹ được gọi là mimesis cũng không sao chép tự nhiên một cách đơn thuần, mà anh ta khái quát hóa nó để thành một sản phẩm đậm đặc hơn, gần với chân, thiện, mỹ hơn. Kỹ thuật hay quy trình tạo tác của anh ta là quan sát một loạt hình ảnh cùng tên rồi bỏ đi những đặc điểm riêng, cụ thể của từng cái, tinh lọc ra cái chung, bản chất của cả họ. Chẳng hạn lấy ra cái “tính trắng” từ nhiều vật màu trắng, cái “tính ngựa” từ nhiều con ngựa. Cách tiếp cận này được coi là quá trình “trừu tượng hóa hay là khái quát hóa cái cụ thể để tạo thành cái chung mẫu mực”.

Cũng có thể nói sản phẩm của anh ta cũng là những con rối như của các bậc trí giả giác ngộ, nhưng là những con rối do đúc kết bóng đổ mà thành chứ không phải do nhìn thấy hình mẫu idea mà sao chép ra. Do xuất phát từ thế hệ bóng, tức là F2, ta có thể coi sản phẩm nhân tạo này là F3. Nhưng F3 này tinh chứa nhiều đặc điểm giống cụ tổ idea hơn cả đời F2. Nếu so với F1, thông thường F3 sẽ không được bằng, vì F1 là con đẻ, copy trực tiếp từ idea. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp ngẫu nhiên mà F3 có thể giống idea hơn cả một số cá thể đời F1, giống như chắt có thể giống cụ hơn là con giống bố.


•    Nghệ thuật dưới dạng công án thiền

Theo Platon, nghệ thuật sẽ diễn ra theo 1 trong 2 cách trên. Tuy nhiên cũng phải nói thêm là Platon khinh thường nghệ thuật theo cả hai nghĩa nói trên. Thứ nhất là bởi vì mọi sản phẩm nghệ thuật, cho dù nó được mô phỏng trực tiếp từ idea lý tưởng, hay được đúc rút từ những hình bóng vô thường trên vách đá, thì nó vẫn chỉ như những con rối có thể rất giống thật nhưng không phải là thật. Có nghĩa là nghệ thuật chuyển tải được phần nào cái đẹp, nhưng không chuyển tải được tính chân và thiện của lý tưởng.

Ngoài ra, thế giới vĩnh hằng còn biết bao điều khác, vô vàn ideas khác không thể được mô phỏng hết. Vì thế, cách duy nhất cũng là mục đích duy nhất của mọi nỗ lực là phải ra được khỏi hang, chứ không phải là làm các mô hình đẹp hơn.

Điều nguy hiểm nhất của nghệ thuật chính lại vì những sản phẩm của nó là những mô hình quá nét, quá đẹp, khiến người ta mê say và an tâm với chúng, và từ đó mất đi cái mong muốn được giải thoát, được ra ngoài hang động, để nhìn thấy cái thực vô biên và vĩnh hằng ngoài cửa hang. Tương tự như nếu ta xem bộ phim thám hiểm thật hay về một vùng đất lạ thì rất có thể ta cho rằng hiểu biết như thế là đủ, khỏi cần trực tiếp đến vùng đất đó nữa. Những kẻ say mê sản phẩm nghệ thuật là những kẻ mông muội khó thuyết phục nhất về tình trạng ếch ngồi đáy giếng của họ và ít nhu cầu nhất về việc tìm tới cái chân thiện mỹ, vì sản phẩm nghệ thuật họ chiêm ngưỡng có những vẻ đẹp đã đủ thỏa mãn họ.

Từ nhận thức về mối nguy hại đó, Platon rất coi thường nghệ thuật. Quan điểm này của ông giống với quan điểm nhà Phật, cho rằng muốn đạt tới Niết bàn hay thiền thực thụ phải giải thoát khỏi “mọi” trụ chấp. Còn dính vào hình, vào lời, dù tinh tế đến đâu, đúng đắn đến đâu, vẫn là đang ở trên thuyền chứ chưa lên bờ. Và theo cách hiểu đó, những giải thích, minh họa gần đúng không những không có tác dụng, thậm chí còn có tác hại như thuốc phiện làm mê tâm.

Vì vậy, theo Platon, một nghệ thuật chân chính không phải là nỗ lực thể hiện gần đúng vẻ đẹp của một idea, mà là làm cách nào để thức tỉnh nhân loại là thế giới chân thiện mỹ còn ở ngoài cửa hang, và tất cả mọi thứ họ làm, họ thấy đều chỉ là những cái bóng của các con rối thôi. Cách hiểu nghệ thuật này tương tự như khái niệm về các công án trong thiền môn.  

 

*

SOI: Ở bài kế tiếp, các bạn sẽ tìm hiểu kỹ hơn về Idea (ý tưởng), form (tượng, mô thức), và illusion (ảo ảnh) là cái khái niệm chủ chốt của Platon. Những khái niệm đó liên hệ thế nào với các khái niệm người ta vẫn dùng trong nghệ thuật ngày nay?

Mời các bạn đón xem bài 3: Idea, Form, Illusion của Platon

 

*

Bài liên quan:

– Bạn chọn lối nào: Không còn hình nữa là trừu tượng? Chắt được tinh chất là trừu tượng?
– Bài 1: Trong hang động của Platon
 
– Nguyên bản “Dụ ngôn về cái hang”, phần 1
 
– Bài 2: Khái niệm “đẹp” của Platon
 
– Nguyên bản “Dụ ngôn về cái hang” – phần 2
 
– Bài 3 – Các khái niệm quan trọng của Platon: Idea, Form và Illusion
 
– Bài 4: Theo Platon, trừu tượng là gì?

Ý kiến - Thảo luận

18:05 Monday,3.12.2012 Đăng bởi:  Trần Quang Lu
"...nếu quá nhấn mạnh vai trò hoàn cảnh, sẽ cảm giác đó là hệ quả tất yếu của hoàn cảnh, mà làm nhẹ bớt yếu tố thiên tài, và đặc biệt khi đó, các bài học lâu dài sẽ khó mà rút ra, vì đó là phản ứng cụ thể trước hoàn
...xem tiếp
18:05 Monday,3.12.2012 Đăng bởi:  Trần Quang Lu
"...nếu quá nhấn mạnh vai trò hoàn cảnh, sẽ cảm giác đó là hệ quả tất yếu của hoàn cảnh, mà làm nhẹ bớt yếu tố thiên tài, và đặc biệt khi đó, các bài học lâu dài sẽ khó mà rút ra, vì đó là phản ứng cụ thể trước hoàn cảnh cụ thể, không mang tính mô thức. Thế mà cái mà ta quan tâm thì lại là phần nào có khả năng trở thành mô thức, thành bài học cho chúng ta trong các ý tưởng, chứ không phải là nghiên cứu dữ kiện lịch sử đơn thuần..."
Mình hiểu ý anh Tùng nói.
Mình muốn nói thêm một chút là mình hoàn toàn không có ý nhấn mạnh vai trò hoàn cảnh để làm nhẹ bớt yếu tố thiên tài. Vì thế ngay từ đầu comment trước mình đã nói “…một phần là do tác động…”. Yếu tố thiên tài là của tạo hóa, mà tạo hóa là vĩnh cửu, là vĩnh hằng nên không thể làm nhẹ bớt hoặc phủ định hay thậm chí là tước đoạt nó được. Tuy nhiên, làm sao mà ta đánh giá được cái “yếu tố thiên tài” đó từ một con người? Chính là qua tác phẩm của người sở hữu cái “yếu tố thiên tài” đó. Tác phẩm của Socrates được thông qua những gì mà Platon viết, tác phẩm của Phật là Kinh Phật...v..vv….Và khi đã đánh giá tác phẩm thì không thể bỏ qua được hoàn cảnh ra đời của nó. Có rất nhiều tác phẩm ra đời trong cùng một thời kỳ, hay nói cách khác là cùng một hoàn cảnh lịch sử. Nhưng đa số là “chết” ngay sau khi ra đời, hay trong cùng thời kỳ đó. Những tác phẩm nào có giá trị tồn tại qua nhiều thời kỳ, thì những tác giả “đẻ” ra nó có thể gọi là thiên tài.
Ở đây, qua loạt bài Dụ ngôn trong hang động, mình chỉ muốn chia sẻ thêm thông tin râu ria về Platon. Tất nhiên là cũng chỉ tóm tắt được thôi. Bạn nào hứng thú thì qua đó có thể tìm đọc kỹ hơn. Cá nhân mình cũng mong được đọc các thông tin chia sẻ từ anh Tùng và các bạn. 
16:31 Monday,3.12.2012 Đăng bởi:  pho duc tung
Bạn Lu nói có lý. Mình cũng nghĩ là mọi tư tưởng đều có bối cảnh lịch sử, văn hóa của nó, vì thế muốn tìm hiểu về những bối cảnh đó trong loạt bài này. Tuy nhiên Platon có nhiều ý tưởng triết lý khác nhau. Republik có thể liên quan mật thiết với khủng hoảng
...xem tiếp
16:31 Monday,3.12.2012 Đăng bởi:  pho duc tung
Bạn Lu nói có lý. Mình cũng nghĩ là mọi tư tưởng đều có bối cảnh lịch sử, văn hóa của nó, vì thế muốn tìm hiểu về những bối cảnh đó trong loạt bài này. Tuy nhiên Platon có nhiều ý tưởng triết lý khác nhau. Republik có thể liên quan mật thiết với khủng hoảng Athen, nhưng cũng chính vì mối liên quan gần này mà Republik có ít ảnh hưởng lâu dài hơn. Còn Dụ ngôn hang động có lẽ không có xuất xứ sát như vậy. Nhiều phần thì ý tưởng này đã có từ Socrates, khi Athen còn chưa khủng hoảng, và có liên quan sâu rộng hơn đến cả mấy trăm năm lịch sử văn minh Hy Lạp trước đó. Republik không phải là giải pháp trực tiếp từ dụ ngôn Hang động, và dụ ngôn này có vai trò quan trọng hơn nhiều.
Với lại, đối với những ý tưởng xuất chúng như Socrates, Platon hay Jesus, Buddha, thường thì ta chỉ có thể thấy được mỗi liên hệ - corelation với hoàn cảnh, chứ khó mà nói là có quan hệ nhân quả trực tiếp. nếu quá nhấn mạnh vai trò hoàn cảnh, sẽ cảm giác đó là hệ quả tất yếu của hoàn cảnh, mà làm nhẹ bớt yếu tố thiên tài, và đặc biệt khi đó, các bài học lâu dài sẽ khó mà rút ra, vì đó là phản ứng cụ thể trước hoàn cảnh cụ thể, không mang tính mô thức. Thế mà cái mà ta quan tâm thì lại là phần nào có khả năng trở thành mô thức, thành bài học cho chúng ta trong các ý tưởng, chứ không phải là nghiên cứu dữ kiện lịch sử đơn thuần. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả