Gẫm & Bình

Nhân bình tranh của Lee Jin Ju:
Nghệ thuật là để xin (được chia sẻ)? Hay để cho (giải pháp)? 18. 12. 12 - 10:40 am

Phó Đức Tùng – Phạm Quang Hiếu – Phạm Huy Thông

SOI: Đây là một thảo luận rất hay nhân bài Goyang nghệ trại. Kỳ 2: Lee Jin Ju – Người phụ nữ tàng hình. Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi và thảo luận. Rất cảm ơn anh Phó Đức Tùng, anh Phạm Huy Thông, và anh Phạm Quang Hiếu. Lưu ý: có nhiều cmt sau đó Soi đã cập nhật luôn vào trong bài, để về sau thành một cuộc thảo luận hoàn chỉnh.

*

“Trở về”, 2010, 70 x 70cm, Korean color on fabric (màu truyền thống Hàn Quốc trên giấy vải)

PHÓ ĐỨC TÙNG

Theo mình thì câu chuyện (trong tranh Lee Jin Ju) không chỉ là sự cô đơn hay kỳ thị nữ giới. Vấn đề cơ bản hơn, luôn được nhắc tới trong mọi tranh, là sự không phân biệt được nước và sữa. Nước là thứ để cho cây, nhưng dùng để nuôi sống loài người, cả nam lẫn nữ. Trong khi đó dòng sữa là tinh túy của người mẹ, của nữ tính, thì bị bỏ. Hai bầu vú mất đi sự linh thiêng, vì không còn gắn với dòng sữa, chỉ còn là hai form tròn, không khác gì hai quả bóng bay, thậm chí không hấp dẫn bằng hai quả bóng bay xanh đỏ. Những đứa trẻ bị mẹ cho uống nước thay vì sữa, bị cắt tỉa từ bé như những cây bonsai, tất nhiên không thể thành người, và về lâu dài chắc sẽ chết như cái cây kia, khi đó dao kéo cũng không làm gì được nữa. Những đứa trẻ đó sau này sẽ phơi người phụ nữ trên dây như các đồ chơi, quần áo, và không phân biệt được dòng sữa trắng chảy ra từ đó với nước chảy ra từ các thứ khác.

Rewind (tạm dịch là “Tái tạo”), 130 x 163cm, Korean color on fabric (Màu truyền thống Hàn Quốc trên “giấy vải”), 2009

Nỗi ám ảnh của nghệ sĩ không phải là người phụ nữ, mà là dòng sữa, màu trắng sữa, mà trong mọi bức tranh, nhất là các bức mang tên “cách để nhớ”, chị luôn tìm cách nhắc nhở. Nhìn thấy bất kỳ thứ gì màu trắng, hãy nhớ đến sữa. Hãy nhớ là sức mạnh duy nhất của người phụ nữ, cũng là thức ăn duy nhất cao quý cho loài người, cả nam lẫn nữ, là dòng sữa. Không có nó, người không còn là người, không thể sống. Và chị kêu gọi người phụ nữ đầu tiên phải nhớ về thiên chức này của mình, chứ không phải đi yêu cầu, tranh giành từ bọn đàn ông, chúng chẳng qua là những đứa con què quặt do chính mình tạo ra mà thôi.

Và việc thể hiện người phụ nữ không có tóc theo tôi có liên quan đến sữa hơn là đến não. Vấn đề không ở não. Dòng suối tóc là biểu tượng bên ngoài của nữ tính, cũng có thể coi như hình ảnh của dòng sữa bên trong. Người phụ nữ được nuôi bằng máu và nước chỉ có thể hiện được phần xác thịt, nhưng không có sữa, và cũng không có suối tóc. Và nếu từ người phụ nữ đó rỉ ra nước gì, thì nước đó cũng đen như nước rác, vì được nuôi dưỡng bằng những kẹo mút, bánh gato v.v… cho nên không khác gì một bao rác. Nhưng vẫn còn một ẩn ức như bạn Thông nói, là cảm nhận từ mọi tế bào rằng màu trắng kia có liên quan đến mình.

“Một cách để nhớ”, 2008, 130 x 163cm, Korean color on fabric (Màu truyền thống Hàn Quốc trên “giấy vải”).

Thực ra vấn đề tôi muốn chia sẻ với mọi người không phải ở chỗ ta lý giải thế nào về ý nghĩa cụ thể của một bức tranh, vì mỗi người đều có thể có cách lý giải riêng. Cái mà tôi muốn qua đây bàn với mọi người là ý nghĩa chung hơn của nghệ thuật. Theo tôi thì về nguyên tắc, nghệ sĩ phải có thứ để cho, chứ không phải xin. Nếu nghệ sĩ bản thân có vấn đề, bức xúc, và muốn chia sẻ bức xúc đó với mọi người, thì về nguyên tắc, anh ta sẽ phải trả tiền cho người xem về sự chia sẻ đó. Còn nếu người ta trả tiền cho một tác phẩm nghệ thuật, thì bao giờ cũng là người ta được cái gì, đó là thị trường. Một người ăn mày què cụt đui mù, lê la dưới đất, kêu khóc thảm thiết người ta cũng chỉ cho vài xu. Nếu ta kêu than vì sự bất công xã hội, vì thân phận người phụ nữ, người tàn tật, người đồng tính, người Việt Nam, trí thức v.v… rất có thể là đúng, nhưng tôi không nghĩ người ta trả tiền cho những nỗi đau mà nghệ sĩ chất thêm vào tâm hồn họ. Vấn đề là giải pháp cho những nỗi đau đó. Đấy mới là giá trị của nghệ thuật.

 

PHẠM HUY THÔNG

Vấn đề “cho”-“nhận” mà anh Tùng đưa ra rất hay và có vẻ logic. Rất đáng để suy nghĩ. Em sẽ ngẫm thêm về ý này.

Tuy nhiên tạm thời trong lúc này, em chưa thể đồng ý với anh. Em thấy việc nghệ thuật tạo hình mà đưa ra được “giải pháp cho những nỗi đau” thực ra là việc hơi mơ hồ. Em nghĩ, cùng lắm thì nghệ thuật chạm được đến chức năng “gợi mở và thức tỉnh” là quá tốt rồi. Nghệ sĩ chia sẻ tâm sự vui buồn lên tác phẩm là để thức tỉnh (hoặc nhắc nhớ) người xem đến những cung bậc cảm xúc đa dạng trong cuộc đời, gợi lại ký ức hoặc mở ra ước mơ… Người ta vẫn bỏ tiền đi xem bi kịch buồn não lòng, hoặc phim ma ghê chết khiếp. Hành động bỏ tiền ra mua vé là hành động mua thêm trải nghiệm cảm xúc của người xem. Không có đạo diễn phim ma nào bỏ tiền túi ra trả công xem cho khán giả cả (trừ trường hợp của Nền Điện ảnh Ma quái Việt Nam :-)). Vì vậy nói chuyện “cho” hay ”xin” như anh Tùng, ở đây, không hợp lý nữa. Người ta, vì vậy, vẫn bỏ tiền ra mua những bức tranh buồn thảm đó thôi. (Em cực kết tranh của Egon Schiele, không kém gì tranh đẹp của Klimt).

Ví dụ sâu hơn: Vở kịch Romeo-Juliet cho người xem những hình tượng đẹp về tình yêu gián tiếp nhắc nhở người ta về tình thương con người, cảnh tỉnh về sự chia rẽ… Người xem từ đó có thể được “thức tỉnh” trong những ứng xử của mình với những bạn bè, người thân, kẻ thù trong cuộc đời thực. Tự thân vở kịch không đưa ra giải pháp cụ thể mà chỉ lay động cảm xúc và tâm trí để người xem có những giải pháp thực tế tùy trường hợp.

Ý kiến của em tạm thời là như vậy.

 

PHẠM QUANG HIẾU

Cách nhìn nhận của anh Phó Đức Tùng về nghệ thuật phải nói là rất… nguy hiểm! Bởi nó tiêu diệt khoảng 50% nghệ phẩm trên thế giới này, trong đó rất nhiều nghệ phẩm được thế giới coi là có giá trị lớn!

Thứ nhất: Trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ không nhất thiết phải nảy sinh khái niệm xincho trong tinh thần. Anh có bao giờ thích thú trước vẻ đẹp của một đóa hoa? Và dù anh có chắc mẩm, như một vài nhà thơ trong cơn ngây ngất, rằng đóa hoa kia nở vì anh, thì anh cũng nên yên tâm một điều rằng: Dù không có anh, hoa kia vẫn nở! Và dù không ý thức, hoa kia vẫn nở!

Thứ hai: Người nghệ sĩ biểu hiện những xúc cảm hay tư duy của mình trong tác phẩm chưa chắc đã là anh ta muốn chia sẻ với mọi người. Bởi dù không ý thức, không định chia sẻ, xin lòng cảm thương hay dạy bảo ai thì: hoa kia vẫn nở!

Thứ ba: Một tác phẩm tìm được sự đồng cảm với người xem, thì không nhất thiết cái “cảm” của người xem phải trùng với cái “cảm” của tác giả. Nếu như người xem mua lại tác phẩm thì anh ta coi đấy là “xin” hay “cho”? Người ta mua một tác phẩm nghệ thuật, bỏ qua khía cạnh kinh doanh, là bởi người ta tìm thấy sự đồng cảm về mặt nào đó đối với tác phẩm, chứ chưa chắc là đồng cảm với tác giả.

Thứ tư: Cái quan niệm cho rằng mua một tác phẩm phản ánh nỗi đau, bi kịch hay mặt trái của cuộc sống là chất thêm nỗi đau vào tâm hồn, nói thật, rất Việt Nam! Bảo sao mà người ta cứ thích dòng tranh “xú”! Vậy thì chỉ có những kẻ điên mới sưu tập tranh của Pi, Bacon, Schiele, một loạt danh họa biểu hiện và rất nhiều nghệ sĩ trong những trường phái khác.

Thứ năm: Đừng bắt nghệ sĩ phải thành ông thánh! Dù quả thật, có giải pháp cho một vấn đề nào đấy thì cũng tốt, nhưng mới khó khăn làm sao! Và giả dụ, nghệ sĩ có thể đưa ra một giải pháp thì phải chăng đó chỉ là giải pháp của anh ta, trong một tính cách, hoàn cảnh và môi trường cụ thể của anh ta?! Anh ta có mà điên mới nghĩ rằng đó là giải pháp chung cho tất cả mọi người.

Đó là chưa nói, anh ta đâu cần phải đưa ra một giải pháp! Một nghệ phẩm có thể chỉ là một hiện diện!

Anh Tùng quả là người có trí tuệ sắc sảo và nhiều tri thức! Tuy nhiên, nhiều khi chính sự sắc sảo lại che mờ mắt ta! Thân!

 

PHÓ ĐỨC TÙNG

Bạn Hiếu,

Chắc bạn cũng không cho là mình ngớ ngẩn đến mức cho rằng tranh phải bắt mắt hay tạo cảm giác vui tươi mới là nghệ thuật. Từ thời xa xưa nhất, bi kịch vẫn là một thể loại cơ bản của nghệ thuật, chẳng phải phát kiến gì mới của một danh họa đương đại nào. Tuy nhiên, mình tương đối chắc rằng đằng sau cái bi kịch đó, cái nỗi đau đó, có một vẻ đẹp nhân văn mà ta có thể coi là kiến giải, nếu không muốn nói là giải pháp</