Gẫm & Bình

Làm nghệ thuật cũng như đi bơi: Bơi giỏi rồi hẵng đùa nghịch trong nước 19. 12. 12 - 2:20 pm

Tô Thanh Chowder

 

Nhiều người sẵn sàng trả giá rất cao cho một bức Lon Súp Campbell’s của Warhol vì thấy trong nó một thông điệp cách mạng, khiêu khích các giá trị nghệ thuật phổ biến.

 

Nhưng cũng có những người sẽ chỉ bỏ tiền cho những tác phẩm mà họ tìm thấy cái đẹp, tính nhân văn, v.v… trong đó. Trong hình là bức “Wird Er Es Schaffen” của họa sĩ nổi tiếng Đan Mạch, Michael Ancher.

 

Tôi theo dõi tranh luận của Phó Đức Tùng và Phạm Quang Hiếu từ những ngày qua. Đầu tiên là rất thích, sau là ngạc nhiên, vì cách tranh luận.

Một bên là Phó Đức Tùng đòi hỏi nghệ thuật phải đáp ứng tiêu chí X, Y, Z thì mới là có giá trị đích thực. Một bên là Phạm Quang Hiếu thấy cần phải giải thoát nghệ thuật, nghệ sĩ ra khỏi những thang giá trị mà anh coi là cứng nhắc ấy.

Tôi thấy quan điểm nào cũng có cái hay, cái có lý của nó, nhưng nói như Phó Đức Tùng cũng phiến diện, mà nói như Phạm Quang Hiếu cũng phiến diện nốt.

Quả thực, không gì tự do như làm nghệ thuật, mà cũng không có gì khắc nghiệt như làm nghệ thuật. Nếu làm trong ngành khoa học, các bạn sẽ thấy dễ hơn nhiều, vì chuẩn mực của nó rõ ràng lắm, là thứ tiêu chuẩn đã được công nhận, buộc phải tuân theo, sai là sai, không có chuyện “trong sai có đúng, trong đúng có sai”.

Làm chính trị, chính sách cũng thế, cũng có những chuẩn mực về luật pháp, luân lý, dẫu có thể biến báo đi ít nhiều trong một số trường hợp, nhưng vẫn có chuẩn chung.

Trong khi đó, làm nghệ thuật, cái gọi là đẹp-xấu với người này thì rất khác với người kia. Vợ tôi tôi thấy rất xấu, nhưng anh lại thèm thuồng chẳng hạn.

Chính vì không có chuẩn về đánh giá đẹp, xấu, có nghĩa hay vô nghĩa…, mà nghệ thuật và sản phẩm nghệ thuật dễ rơi vào “loạn chuẩn”, người làm nghệ thuật dễ sinh vĩ cuồng, vừa tốt nghiệp mỹ thuật đã gọi mình là nghệ sĩ (trong khi chữ “artist” ở nước ngoài, ở vùng mỹ thuật, đa phần chỉ có nghĩa đơn giản là “họa sĩ”).

Trong một bối cảnh dễ “loạn chuẩn” như thế, việc đặt ra (hay tự đặt ra) những tiêu chí để thực hành hay thưởng thức nghệ thuật là một thái độ tích cực và có lợi cho nghệ thuật, với điều kiện là những tiêu chí đó phải được đi kèm với những ngoại lệ, và có độ lơi lỏng cần thiết, vì đó là nghệ thuật mà, quá khắt khe thì thành ra cứng nhắc, bóp chết các cách tiếp cận có thể rất “bốc”, rất “điên” của người làm nghệ thuật.

Nhưng ngược lại, nếu bám lấy cái phao “nghệ thuật là tự nhiên như nhiên” để mà thực hành và thưởng thức thì sẽ thành ra dễ dãi, nghiệp dư. Chẳng phải ta vẫn sung sướng khi rủ được một tay bạn uyên bác cùng đi xem bảo tàng sao? Vào đó, y chỉ cho ta vì sao bức này đẹp, bức này hay, kỹ thuật nào đã được áp dụng, cái gì là phá lệ, cái gì là vượt lên miêu tả thông thường, tải được cái triết lý sống của tác giả…

Nhiều họa sĩ của Việt Nam không hiểu rõ nguồn cơn, vớ lấy những thứ tưởng là vớ vẩn của phương Tây và thực hành “cái vỏ”, cứ tưởng đó là một thứ nghệ thuật không cần phải giáo huấn, trách nhiệm gì với người xem, cũng chẳng cần tiêu chuẩn về kỹ thuật… Hệ quả là chưa một hộp xà phòng/lon súp/lon Coca/bồn tiểu/bồn cầu nào của họa sĩ Việt bán được cho khách hàng. Vì đó chỉ là cái vỏ.

Một nhân viên nhà đấu giá Sotheby trong gallery đằng sau tác phẩm “Bộ Bốn Hộp: Hộp Brillo, Hộp Nước Ép Cà Chua Campbell, Hộp Trái Đào Cắt Đôi Del Monte, Hộp Tương Cà Chua Heinz” của Andy Warhol vào ngày 14 tháng Tư tại London, Anh Quốc. Tác phẩm ước đạt giá từ 2 đến 3 triệu Bảng Anh

 

Thật ra, chúng ta ai cũng thế, ngắm cái bồn tiểu của Duchamp hay mấy hộp xà-phòng của Warhol cũng chỉ có thể một lần, Chúng ta không ai tạt qua tạt lại bảo tàng và ngắm những thứ ấy như những tác phẩm mỹ thuật. Chúng kém mỹ thuật về mặt thị giác hơn những showroom thiết bị vệ sinh hay những chồng hàng khuyến mãi xếp trong siêu thị. Nhưng chúng tuyệt vời vì chúng là những “giải pháp” (hay đúng hơn là một trong những giải pháp), cho sự thoát khỏi “gông cùm” của quan niệm “đẹp-xấu” trong mỹ thuật, nghệ thuật. Chúng là bằng chứng của một cuộc cách mạng nổi tiếng, lật đổ những quan niệm quá cứng nhắc, quá khuôn sáo trong thực hành và trải nghiệm nghệ thuật. Và chúng chỉ là biểu tượng, xuất hiện một lần duy nhất. Toàn bộ ý nghĩa lật đổ của chúng nằm trong lần xuất hiện duy nhất ấy. Nếu lặp đi lặp lại, ở những họa sĩ khác, thì thành ngớ ngẩn. Nhất là khi những người đi sau không có gì để phải lật đổ cả. Làm thẳng thớm còn chưa xong mà lật cái gì.

Cũng như hôm qua, trong lúc bơi trên sông, tôi nghĩ: muốn vừa bơi vừa đùa cợt véo tai bạn bơi thì phải biết bơi cho giỏi đã. Bơi chưa giỏi mà còn nghịch ngợm là chìm. Làm nghệ thuật cũng thế, phải vừa rất khắt khe về những nguyên tắc, rồi sau đó thể hiện ra được tự nhiên đến đâu là còn tùy tài.

Duchamp không phải chỉ có cái bồn tiểu như nhiều bạn nghĩ :-). Duchamp là một ông lớn của hội họa. Đưa ra cái bồn tiểu, ông nói, “Tôi ném cái bồn tiểu vào mặt họ như một sự thách thức, vậy mà giờ đây họ lại ca tụng vẻ đẹp của nó.” Trong hình: bức “Chân dung những người chơi cờ” của Duchamp, 1911

 

Phạm Quang Hiếu, trong một comment, có lo sợ những phát biểu của Phó Đức Tùng trên Soi sẽ là nguy hiểm, vì các em sinh viên mỹ thuật đọc vào sẽ nghe theo. Tôi cho rằng quan niệm này là quá cẩn thận. Ý kiến của hai anh đều hay cả. Các em sinh viên đọc vào sẽ đều thấy người này có chút lý, người kia có chút lý, rồi tùy theo tài năng, nhu cầu, và cả tính nết nữa…, mà chọn con đường nào: khắt khe hay ung dung. Cũng có thể, nếu đủ tài, các em sẽ dung hòa được cả hai con đường.

Tôi chỉ tiếc là hai anh cứ cãi qua cãi lại theo một cách rất “cận thị”, kiểu dí sát mặt nhau để cãi, người này dập người kia. Sao các anh không tranh cãi thành những bài đơn lẻ, độc lập, song song, mà vẫn là hướng về nhau, đối thoại nhau? Như thế người xem dễ theo dõi, không nản chí, người tranh cãi không phải dùng những từ nhiếc móc, mỉa mai nhau. Sau này nếu có gặp nhau ngoài phố thì vẫn còn cười hề hề được với nhau, thậm chí bàn với nhau về chủ đề các cuộc tranh luận mới, với những bài học mới.

Dù sao, rất cảm kích trước các anh.

Trân trọng.

 

*

Bài liên quan:

– Goyang nghệ trại. Kỳ 2: Lee Jin Ju – Người phụ nữ tàng hình.
– Nhân bình tranh của Lee Jin Ju: Nghệ thuật là để xin (được chia sẻ)? Hay để cho (giải pháp)?

– Anh Hiếu có hiểu lời anh Tùng? Hay tiêu chí lờ nhờ thì có nên làm nghệ thuật?
 
– Làm nghệ thuật cũng như đi bơi: Bơi giỏi rồi hẵng đùa nghịch trong nước

Ý kiến - Thảo luận

11:31 Thursday,20.12.2012 Đăng bởi:  phó đức tùng

nhất trí luôn với bạn Tô Thanh
đầu tiên phải có - cần thiết
có rồi thì nên cho - tốt nhất
không có vẫn muốn cho - vô giá trị
không cho mà muốn đòi - người ta uýnh bỏ mẹ
 


...xem tiếp
11:31 Thursday,20.12.2012 Đăng bởi:  phó đức tùng

nhất trí luôn với bạn Tô Thanh
đầu tiên phải có - cần thiết
có rồi thì nên cho - tốt nhất
không có vẫn muốn cho - vô giá trị
không cho mà muốn đòi - người ta uýnh bỏ mẹ
 

 
11:14 Thursday,20.12.2012 Đăng bởi:  Tô Thanh Chowder

Nhân nói chuyện cho-nhận, bà Ayn Rand có viết một bài ngắn có tên "Có rồi hẵng cho". Trong đó có đoạn:

"Vâng, chúng ta đã luôn được dạy dỗ rằng, đức hạnh cao nhất là “cho”, chứ không phải là “tạo”. Nhưng người ta không thể cho c&aacut
...xem tiếp

11:14 Thursday,20.12.2012 Đăng bởi:  Tô Thanh Chowder

Nhân nói chuyện cho-nhận, bà Ayn Rand có viết một bài ngắn có tên "Có rồi hẵng cho". Trong đó có đoạn:

"Vâng, chúng ta đã luôn được dạy dỗ rằng, đức hạnh cao nhất là “cho”, chứ không phải là “tạo”. Nhưng người ta không thể cho cái chưa được tạo ra. Do vậy nhu cầu về người sáng tạo phải có trước nhu cầu về người hưởng lợi...

Tiếp nối vào ý "giá trị nghệ thuật của tác phẩm nằm ở chỗ cho" của Tùng, thì còn thêm một vế phía trước: "có rồi hẵng cho".

Rất nhiều đoàn viên thanh niên ở nước ta, không có gì hết cả về kỹ năng lẫn kiến thức nhưng lại hăng hái "cho". Đáng lẽ các bạn ấy nên học vế đầu để "có" đã. Nhưng thôi, đây là liên hệ linh tinh, không cần bàn vào :-))
 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả