|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ thế giớiGoyang nghệ trại. Kỳ 2: Lee Jin Ju – Người phụ nữ tàng hình. 17. 12. 12 - 6:25 amGhi chép của Phạm Huy Thông
Trại sáng tác Goyang và Changdong mời các nghệ sĩ quốc tế làm việc trong 5 tháng (như vậy mỗi năm có 2 đợt). Còn các nghệ sĩ Hàn Quốc được mời sở hữu một studio trong một năm, điện nước không phải lo, điều hòa, máy sưởi bật xả láng. Ở nước nào cũng vậy, tiền thuê nhà xưởng, nhất là nhà xưởng tinh tươm để làm việc luôn là vấn đề đau đầu của các nghệ sĩ. Bởi vậy được mời vào trại sáng tác cấp quốc gia không chỉ đơn giản là vinh hạnh cho các nghệ sĩ Hàn mà còn là một phần thưởng lớn về tài chính.
Nhân vật thứ hai trong chuỗi bài này, tôi muốn giới thiệu Lee Jin Ju, một nữ hoạ sĩ tài giỏi. Tranh của chị rất ám ảnh, tiếc rằng tôi không có cơ hội gặp chị nhiều. Chị thường không có mặt ở studio. Đơn giản bởi chị bận một việc khác cao cả hơn – mang bầu để làm mẹ. Thỉnh thoảng mới thấy bà bầu xuất hiện, chắc cũng tiếc cái xưởng bỏ không. Chị cắm cúi vẽ, bút lông bé tí mà bức tranh thì to đùng, tôi thấy chị vừa giống, lại vừa rất khác với tác phẩm của mình. Tranh của chị, giống như nhiều nữ nghệ sĩ khác, vẽ về đàn bà và thân phận của đàn bà. Thêm vào đó, chị không nói được tiếng Anh nên tôi không có cơ hội để hỏi cặn kỹ xem sao chị lại vẽ thế này, thế kia. Tuy nhiên rào cản ngôn ngữ lại cho tôi một cơ hội khác – xem và cảm nhận tranh Lee Jin Ju theo hiểu biết của mình. Một từ quan trọng mà tôi muốn nhắc đến khi viết bài này, đó là “Ẩn Ức”. Những bức xúc trong người nghệ sĩ, bằng cách này hay cách khác được thể hiện trong tác phẩm. Nghệ sĩ nào khôn khéo, biết lắng nghe mình, tìm ra được nguyên do sâu xa những bức xúc của bản thân để từ đó khai thác mình trong nghệ thuật. Nhưng có những ẩn ức mà bản thân người nghệ sĩ cũng không biết hoặc có mơ hồ biết nhưng không định hình được. Sự đời vốn thế, người đứng ngoài đôi khi quan sát lại rõ hơn người trong cuộc. Ẩn ức như một chất màu vô hình, vương lên mọi bức tranh hay câu chuyện của người nghệ sĩ. Ẩn ức đi theo tác giả như một món nợ đời. Đôi khi người ta cố ý không muốn nói tới nó nữa, nhưng bằng cách này hay cách khác, nó vẫn phòi ra trên tác phẩm. Ẩn ức của mỗi người nghệ sĩ, đến từ những nguyên nhân khác nhau (do đó tính bất biến của nó cũng yếu mạnh khác nhau). Có những người có những ẩn ức do bẩm sinh (bệnh tật, giới tính, nhu cầu tình dục,..) nhưng có những ẩn ức khác đến do hoàn cảnh sống… Về phía người đọc cũng vậy, họ đọc và hiểu tác phẩm đến đâu là do sự nhạy cảm thiên phú, hoặc do vô tình có sự đồng điệu với ẩn ức của tác giả. So sánh mô hình xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc, tôi thấy có nhiều điểm thú vị. Dù Hàn Quốc là quốc gia phát triển, nền kinh tế thứ 7 thế giới, tiếp xúc với phương Tây sâu sắc hơn, nhưng gốc rễ Á Đông trong văn hóa Hàn, ở một số khía cạnh, vẫn còn tồn tại bền bỉ hơn Việt Nam. Bạn nào xem phim Hàn nhiều cũng thấy, sự phân biệt thứ bậc chủ-tớ, chồng-vợ, nam-nữ ở Hàn Quốc dường như vẫn rất rõ ràng. Tôi từng tận mắt chứng kiến những họa sĩ giảng viên đại học (tầm 40 tuổi) bị mắng té tát, chỉ biết cúi đầu như trẻ con bị cô giáo phạt. Vì người mắng, cũng là họa sĩ, vừa là sếp vừa lớn tuổi hơn. Ở Việt Nam, phân biệt tuổi tác, thứ bậc trong cơ quan vẫn có, nhưng đừng hòng có kiểu sếp mắng nhân viên lộ liễu thế. Các doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian đầu sang Việt Nam làm ăn thường gặp phiền toái vì các quản đốc người Hàn vẫn giữ thói quen tẩn nhân viên giống như khi còn ở trong nước. Trong các phim Hàn, có nhiều nhân vật nam hơi tí là nổi cáu, nói năng gắt gỏng, gia trưởng với vợ con. Có thể có chút kịch tính hóa bởi đạo diễn, nhưng không phải là hoàn toàn bịa đặt. Phụ nữ Hàn, theo những gì tôi được biết, có tính cách bảo thủ hơn phụ nữ Việt. Đòi hỏi từ phía gia đình về vai trò làm mẹ, làm vợ, làm dâu là không nhỏ. Xem tranh của Lee Jin Ju, tôi luôn thấy những nhân vật phụ nữ với những món nợ thân phận. Những nhân vật phụ nữ đó luẩn quẩn trong một không gian tưởng như mở (ngoài trời, ở sân sau..) nhưng lại bị giới hạn bởi những nhát cắt vô hình. Công việc họ làm, thường cũng là luẩn quẩn với giặt giũ, tưới cây, chăm con… những trách nhiệm mà xã hội mặc nhiên ấn vào tay nữ giới. Tôi đặc biệt thán phục cách giải quyết tài tình khi chị thu hẹp không gian của nhân vật bằng cách cắt chúng ra khỏi cảnh rộng. Khi nói về sự tù túng, o ép, trói buộc cách thông thường mà chúng ta hay dùng là sử dụng mô típ các song sắt hoặc dây nhợ này nọ mang tính biểu tượng. Nhưng sự cầm tù vật lý không đúng trong nhiều trường hợp. Nhất là trong trường hợp những người phụ nữ trong tranh Lee Jin Ju. Họ vẫn được tự do đi lại, đi chợ, đi siêu thị, ra sân giặt phơi, đến cơ quan, ra đồng làm việc… Nhưng thứ cầm tù họ là những định kiến vô hình tồn tại lâu đời về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Nếu sử dụng mô típ song sắt hay dây trói, sẽ là cải lương, không sâu sắc. Trong bức “Ở giữa”, một đoạn tường và một mẩu sân được cắt và trải ra trong tranh làm tôi nhớ tới những không gian mô hình bằng nhựa mà trẻ con hay thả búp bê của mình vào đó để nghịch chơi. Người phụ nữ trong “Ở giữa” vừa như thật, vừa như một thứ đồ chơi bé xíu. Không gian trong tranh Lee Jin Ju bị cắt nhỏ như vậy, vừa thể hiện được ý đồ về sự cầm tù tâm tưởng, vừa tập trung sự tò mò của người xem vào những đối tượng hạn định. Giấy truyền thống Hàn Quốc rất nổi tiếng. Bền, dai, được làm từ các loại sợi có thể là sợi cotton. Tôi xé thử, thấy rất khó. Cách làm truyền thống của các họa sĩ Hàn là bồi giấy này lên tấm phản, vẽ bằng màu tự nhiên (dạng như các màu son sơn mài của Việt Nam). Khi bán thì họa sĩ bán cả tấm gỗ phía sau. Điều kiện khí hậu của Hàn Quốc khiến cách thức này không gặp trở ngại với sự cong vênh hay mối mọt. Một người phụ nữ trẻ đang cho con uống nước dẫn từ một đài nước ngoài trời. Nước cũng đang chảy lênh láng ra nền sân. Phong cảnh vẽ trên bốn bức tường thể hiện một khung cảnh thoáng đãng. Nhưng đó chỉ là một cảnh giả tạo, để che đi một không gian u ám, đen tối phía sau. Bản thân những bức tường được treo lên đó, cũng rất mỏng manh, tạo nên một không gian giả tạo, vừa như làm yên lòng hai nhân vật chính trước thực tế u ám, nhưng cũng vừa như hạn chế, giam hãm họ. Có một cái cây đang sắp được trồng, hố đã đào sẵn cho cây, và ngay trên lối nước chảy. Nhưng cái cây dường như đã chết rồi, trụi lủi và khô khốc chẳng khác gì những cái cây chết trong nền đen phía sau. Trên cành cây có buộc một cái nơ xanh, giống như cái nơ buộc ở cổ chân đứa bé, không hiểu là ý gì. Cổ chân người mẹ lại được buộc dây của hai quả bóng bay. Nhưng những quả bóng này cũng sắp hết hơi rồi, chỉ chập chờn bay, không kéo căng nổi sợi dây mảnh. Trong tranh, những đồ vật khác dường như cũng chờ để kể câu chuyện của riêng chúng. Nào là hai cái chổi lau nhà đang đứng nghỉ giải lao. Chiếc kéo tỉa cây bị vứt bỏ chỏng chơ sau khi đã xong việc. Những cái đinh cong đóng chi chít trên cái tường giả. Cái loa gỉ “ngự” trên tường đã lâu. Những sợi dây ròng rọc, cái mic thả từ trần cho thấy đây là một sân khấu kịch. Tệ hại nhưng dù sao vẫn không u ám bằng thực tế bên ngoài nó. Nhưng kinh hoàng nhất, lại là chính đứa bé. Với cổ tay bị cắt cụt và mặt bị lột da đỏ hỏn. Tại sao lại như vậy?
Tính tự sự trong tranh của Lee Jin Ju rất cao và người đàn bà tự sự trong tranh chị luôn cô độc (dù đôi khi được nhân lên thành nhiều nhân vật). Có một chi tiết mà tôi muốn hỏi, nhưng tiếng Anh của chị chỉ đủ để chào hỏi và tiếng Hàn của tôi thậm chí còn tệ hơn. Đó là phần tóc của nhiều nhân vật nữ bị hòa biến vào không khí. Lại một vụ không đầu, hay nói đúng hơn cho trường hợp này là não tàng hình. Tôi cảm thấy ẩn ức về sự phân biệt đối xử, hoặc sự không tôn trọng giá trị trí tuệ phụ nữ đã đè nén trong tâm can tác giả và phát lộ ra tranh. Phụ nữ bị coi như một cái máy đẻ, một thứ đồ trang trí. Nước mắt của nhân vật trong tranh đã nhạt nhòa, trộn với lớp màu trang điểm mắt thành một dòng nước đen. Cái bọc trước mặt không biết chứa những gì, chỉ thấy thò ra một cái kẹo mút, một phần bánh gatô, một cái nơ và cũng rỉ ra một dòng nước đen sền sệt. Hình như có một con chim sẻ nhỏ chết rét nơi góc dưới của tranh.
Tự vấn: Những tác phẩm của Lee Jin Ju ám ảnh tôi bởi giữa tôi và tranh chị có sự đồng điệu. Hình như giữa chúng tôi có những ẩn ức chung. Tôi như tìm thấy mình trong hình ảnh những người phụ nữ cô độc kia. (Xin đừng hiểu nhầm ý tôi, tôi không hề có vấn đề gì với giới tính của mình). Sự đồng cảm đến từ việc, giống như những người phụ nữ kia, tôi luôn cảm thấy mình trơ trọi. Những tác phẩm của tôi chưa đến được với nhiều người (vì tài năng có hạn hoặc như nhiều họa sĩ khác đã gào lên “đời không ai hiểu ta”). Sự cô đơn đến từ tình trạng công việc của cá nhân. Nhưng rộng hơn nữa, tôi thấy không chỉ riêng tôi, nghệ sĩ tạo hình ở Việt Nam cũng rất cô độc. Vài nghìn họa sĩ lạc lõng giữa biển người 80 triệu dân. Thân phận họa sĩ trong xã hội này cũng chẳng hơn mấy cô gái kia. Cũng vẫn nhiệm vụ chính là đẻ, là làm bình hoa di động cho đời. Hay nói cụ thể hơn, đời mong đợi họa sĩ luẩn quẩn sản xuất vài thứ tranh trang trí nội thất này nọ, đi làm thiết kế quán nhạc này, nhà hàng kia, khéo thì bán tranh cho dân du lịch kiếm đô la về cho tổ quốc. Không hơn. Cũng giống như bộ não của các cô gái đã tàng hình đi cùng tóc. Giá trị đầu óc của họa sĩ cũng hẩm hiu không kém. Trí tuệ của họa sĩ là cái gì, trăn trở nghề nghiệp của họa sĩ như thế nào, liệu mấy phần trăm trong số 80 triệu dân kia thèm quan tâm. Tôi vẫn đùa với các bạn bè quốc tế: “Đừng nói nghệ thuật Việt Nam không có cơ hội phát triển. Nghệ sĩ Việt Nam sướng lắm, chúng tao sống trên một biển các ‘vấn đề’, một rừng các ‘trăn trở’ và một mỏ vàng những nỗi ‘ấm ức’. Chỉ có điều nghệ sĩ có biết đường mà đào lên hay không thôi.”
* Bài liên quan: – Bóng mượt Hàn Quốc
Ý kiến - Thảo luận
8:28
Thursday,20.12.2012
Đăng bởi:
Phạm Huy Thông
8:28
Thursday,20.12.2012
Đăng bởi:
Phạm Huy Thông
Có comment này ko liên quan đến nghệ thuật, đưa lên hay không tùy Soi nhé.
2:20
Tuesday,18.12.2012
Đăng bởi:
LTQN
Vô cùng hiểu và đống cảm với Phó Đức Tùng :).
...xem tiếp
2:20
Tuesday,18.12.2012
Đăng bởi:
LTQN
Vô cùng hiểu và đống cảm với Phó Đức Tùng :).
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Có comment này ko liên quan đến nghệ thuật, đưa lên hay không tùy Soi nhé.
Hàn Quốc vừa có nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử. Điều này phần nào sẽ thúc đẩy thêm vai trò của phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc. "Một tổng thống nữ sẽ là một sự thay đổi lớn
...xem tiếp