Thị trường

Câu chuyện về hai họa sĩ, hay tại sao họ lại bán tranh khó đến vậy 24. 01. 13 - 7:01 am

John R. Math - Phạm Hồng Liên st và dịch

Mới đây, có hai họa sĩ tới gặp tôi với tâm trạng rất chán nản. Họ xin tôi lời khuyên nhằm cải thiện những nỗ lực quảng bá nghệ thuật của họ. Lý do là cả hai họa sĩ đã không bán được nhiều tác phẩm như  mong đợi. Cả hai người đều rất tài năng, mục tiêu của họ là trở thành họa sĩ toàn thời gian, cả hai muốn các tác phẩm nghệ thuật của mình nhận được nhiều sự quan tâm hơn, và dĩ nhiên, việc bán chác sẽ dễ dàng hơn.

Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng tóm tắt những gì tôi đã nhận thấy khi tôi ráng giúp họ cải thiện vấn đề “tiếp thị nghệ thuật”, và bạn có thể rút ra kết luận riêng của bạn cũng như lý do tại sao họ không hài lòng với doanh số bán hàng cũng như công việc quảng bá nghệ thuật.

Họa sĩ thứ nhất mới bắt đầu xây dựng tên tuổi, anh đã tham gia và giành giải ba trong một cuộc thi nghệ thuật của chúng tôi cũng như trong vài cuộc thi khác. Anh phàn nàn rằng bất chấp các thứ hạng hay danh hiệu đã đạt được trong các cuộc thi, tranh của anh vẫn bán được rất ít. Tôi vào trang web của anh và thấy rằng các tác phẩm của anh không được nêu bật trên trang chủ, danh mục thì sơ sài và cấu tạo trang web rất khó theo dõi. Có rất ít thông tin về quá trình sáng tác và hoạt động của họa sĩ, không có tuyên ngôn nghệ thuật, không có CV hoặc tiểu sử kinh nghiệm. Không có giá rõ ràng cho các tác phẩm và chỉ có một địa chỉ email trong phần thông tin liên lạc. Website của họa sĩ này không có bất kỳ đường link liên kết tới các trang mạng xã hội hay blog về nghệ thuật nào, không có thông cáo báo chí nào, hoặc thậm chí một bản tin nào. Cuối cùng, không có bất cứ thông tin hay quảng bá nào về những thành tích, thứ hạng, giải thưởng… mà anh đã đạt được trong các cuộc thi nghệ thuật, cũng như việc tham gia bất kỳ triển lãm nghệ thuật nào của họa sĩ này!

Tôi đã google tên của anh này và thấy rằng anh không có bất cứ một tài khoản mạng xã hội nào: không Twitter, Facebook, không Linkedin và không có Google+. Đối với tôi, rất hiển nhiên khi không ai biết đến tên tuổi của anh vì anh thiếu thông cáo báo chí, tài khoản trên mạng xã hội, và các hoạt động quảng cáo. Ngoài ra, trang web của anh không chứa bất kỳ bài viết nào có nội dung liên quan, giúp thu hút mọi người truy cập vào trang web, do đó lượng truy cập vô cùng ít và anh hoàn toàn thất vọng.

Họa sĩ này tiếp tục phàn nàn với tôi rằng có những họa sĩ đã thành danh rồi nhưng vẫn thường xuyên tham gia vào các cuộc thi của chúng tôi, và họ luôn đạt thứ hạng cao liên tiếp. Lập luận của anh là: các họa sĩ đã thành danh đó đã tước mất sự thành công của anh! Tôi giải thích cho anh ta rằng tất cả các nghệ sĩ thành công, giống như tất cả các doanh nghiệp thành công, vẫn phải tiếp tục quảng bá và tiếp thị bản thân, bất kể là họ đã đạt được gì trong quá khứ. Tôi giải thích với anh rằng anh cần phải “làm việc” để quảng bá các tác phẩm nghệ thuật, chuyện đã thắng hay giành thứ hạng cao trong một cuộc thi nghệ thuật không thể khiến việc bán chác của họa sĩ tự tốt lên. Chiến thắng hoặc giành thứ hạng trong một cuộc thi chỉ đơn thuần là một cơ hội để họa sĩ quảng bá và tiếp thị nghệ thuật của họ mà thôi. Kể từ đấy, tôi không nghe thêm bất cứ thông tin nào từ họa sĩ ấy, và khi viết bài viết này, tôi đã truy cập vào trang web của anh và nó vẫn không thay đổi gì kể từ cuộc thảo luận cuối cùng của chúng tôi.

Người thứ hai là một nữ họa sĩ chuyên bán tác phẩm thông qua giới thiệu và tiếng tăm truyền miệng. Các tác phẩm đó bán cho những khách hàng có địa vị rất cao, những người quan trọng và “có ảnh hưởng” trong một thành phố lớn. Khi tôi vào thăm trang web của cô, tôi không tìm thấy bất cứ thông tin nào đề cập đến việc bán chác trước đây. Không có giấy chứng thực hoặc xác nhận từ những người mua lúc trước! Nếu họ sẵn sàng, những khách hàng của cô, những ngưòi yêu thích và mua tác phẩm của cô… là thứ cô nên đem ra quảng cáo. Họa sĩ này có một cơ hội tuyệt vời để tận dụng sức ảnh hưởng của những nhân vật quan trọng đó nhằm nhận lấy nhiều lời giới thiệu hơn, nhưng cô đã không làm như vậy.

Một vấn đề khác mà tôi đã nhận thấy là cô tạo dựng trang web quá sơ sài, cô cần thiết kế lại để nó trông phù hợp hơn với thị trường nghệ thuật cao cấp. Bên cạnh việc thiết kế trang web nghèo nàn nhưng đồ họa rối rắm, các tác phẩm của cô còn bày biện kém, với hình ảnh nhỏ và chất lượng tồi. Đối với người truy cập vào trang web, những hình ảnh đập vào mắt sẽ ngăn cản người ấy bỏ nỗ lực để tìm hiểu thêm, bởi toàn bộ giao diện và chất lượng hình ảnh không xứng với việc mua bán nghệ thuật đẳng cấp! Do họa sĩ này đã bán được nghệ thuật của mình qua những giới thiệu cá nhân, có vẻ với cô, trang web không phải là một nguồn đầu tư đáng giá hoặc một phần của quá trình bán hàng. Nhưng theo tôi, chính trang web của cô sẽ cản trở các cuộc mua bán trong tương lai, cô cần thiết kế lại nó theo một cách tối ưu đế giúp nó trông phù hợp với đối tượng của thị trường cao cấp, cũng như để mở rộng thị phần của mình sau này.

Chúng ta phải chờ xem liệu họa sĩ này có nghe theo đề nghị của tôi là thiết kế lại trang web hay không. Nhưng nếu có, thì sau khi cô làm xong cái web, tôi sẽ khuyên cô nên tiến hành một chiến dịch quảng cáo và tiếp thị nhắm vào đối tượng khách hàng của mình. Nếu là họa sĩ này, tôi sẽ giới thiệu hình ảnh các tác phẩm của tôi khi chúng đang nằm trong nhà hay văn phòng của người “có ảnh hưởng”. Còn cách nào tốt hơn để thể hiện giá trị của một tác phẩm nghệ thuật bằng việc trưng nó trong một không gian nội thất cao cấp? Bất kỳ hình ảnh nào sử dụng cho trang web (hoặc những tài liệu có giá trị tương tự) sẽ phải do một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thực hiện để tối đa hóa chất lượng hình ảnh. Mấy chiến dịch marketing này cần diễn ra ở cùng một địa phương nhằm thiết lập “cứ địa”; sau đó trong tương lai, cô ấy nên “tách nhánh” ra từ đại bản doanh, hướng đến thị phần người mua cao cấp tại các địa điểm khác nhau ở các thành phố khác nhau.

Cả hai họa sĩ, do thiếu kỹ năng tiếp thị và quảng bá, nên vẫn sẽ tiếp tục chật vật trong việc bán chác, trừ khi họ hết mình đi theo một chiến lược marketing hiệu quả. Mặc dù trang web không thể tự “bán hàng”, nhưng trang web kém hiệu quả có thể làm hỏng toàn bộ quá trình buôn bán, nên hai họa sĩ này cần phải thiết kế lại trang web của họ. Ngoài ra, cả hai họa sĩ nên hiểu rằng những khách hàng tiềm năng sẽ “không phát hiện” ra họ để mà mua tác phẩm, nên cũng chẳng thể thành công nếu cứ tiếp tục ngồi chờ người mua tự tìm đến. Các họa sĩ cần biết: chính họ là những người phải xác định được thị trường mục tiêu, rồi cũng chính họ là những người phải đi “khám phá và khoanh vùng khách hàng” thông qua tiếp thị, quảng bá sản phẩm, cũng như các phương tiện truyền thông xã hội để thành công như họ hằng mong muốn.

Một điểm nữa để xem xét, tiếp thị và quảng bá thành công là một quá trình liên tục và mang tính tích lũy. Nhiều nghệ sĩ tham gia một vài chiến dịch tiếp thị, khi không nhìn thấy kết quả nào nhanh gọn, thì thôi không nỗ lực nữa. Chỉ những nghệ sĩ biết tự quảng bá các tác phẩm một cách liên tục và nhất quán mới đạt được kết quả tốt. Hy vọng rằng hai họa sĩ nói trên sẽ tự đánh giá lại chiến lược tiếp thị và quảng bá của mình, và đi đúng hướng để có được sự nghiệp nghệ thuật thành công.

Ý kiến - Thảo luận

15:40 Tuesday,19.2.2013 Đăng bởi:  Mạc Hoàng Phương
Đây là một bài viết hay, phản ánh đúng tư duy hoạt động nghệ thuật. Việc sáng tác và truyền bá ảnh hưởng của tác phẩm là công việc song hành không thể tách rời. Nghệ thuật cần gần với công chúng nhưng không hẳn là thị hiếu. Sự gần gũi thể hiện qua cách giao tiếp, qua tr
...xem tiếp
15:40 Tuesday,19.2.2013 Đăng bởi:  Mạc Hoàng Phương
Đây là một bài viết hay, phản ánh đúng tư duy hoạt động nghệ thuật. Việc sáng tác và truyền bá ảnh hưởng của tác phẩm là công việc song hành không thể tách rời. Nghệ thuật cần gần với công chúng nhưng không hẳn là thị hiếu. Sự gần gũi thể hiện qua cách giao tiếp, qua truyền thông và qua các hoạt động đối thoại đa chiều. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả