Thị trường

Nhiều câu hỏi phía sau
vụ “lùm xùm”… tranh chép 30. 01. 13 - 8:53 am

Phóng viên Nguyên Quốc

Cách đây gần 20 năm, lúc tôi còn công tác ở báo T.N, tôi đã có dịp tiếp cận và phản ánh lên mặt báo T.N về trường hợp gọi là “chép tranh” của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền mà “nạn nhân” là họa sĩ Lê Quảng Hà. Tình cờ đến không ngờ, sự việc này lại được làm nóng lên khi ngày 1. 1. 2013 vừa qua, trên trang web Soi đăng bài viết “Biết để còn tránh: Một chuyện có thật với họa sĩ Nguyễn Thị Hiền” của họa sĩ Lê Quảng Hà…

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cùng với Đại diện bảo tàng gallery Singapore đến thăm và làm việc tại nhà họa sĩ Phan Gia Hương.

 

1. Theo những tư liệu có được và qua lời khẳng định của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền thì, vào khoảng năm 1994, một đối tác Nhật Bản của gallery Hiền Minh đã nhờ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chuẩn bị, giới thiệu tranh và họa sĩ Việt Nam để đối tác này sẽ khai mạc một triển lãm tranh, tượng của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại tại Nhật. Đại diện người Nhật của đối tác này, đã cùng và thông qua bà Hiền, đến nhà và xưởng vẽ của rất nhiều họa sĩ từ Nam ra Bắc, để chọn lựa các phong cách, ngôn ngữ thể hiện mỹ thuật mới, tiêu biểu của giới mỹ thuật Việt Nam cho cuộc triển lãm tại Nhật. Trong đợt tìm hiểu, giới thiệu họa sĩ  “xuyên Việt” này, bà Hiền cùng đối tác có ghé qua nhà/xưởng vẽ của họa sĩ  Lê Quảng Hà. Tuy nhiên, tranh của họa sĩ Hà (và cùng nhiều tranh, tượng của nhiều họa sĩ khác trên cả nước) đã không được chọn, giới thiệu cho cuộc triển lãm tại Nhật.

2. Bà Hiền có một người em trai là Đức, cũng là một họa sĩ và chơi rất thân với một người bạn là Đoan. Đoan cũng biết bà Hiền và coi như một người chị, bởi lẽ, ngoài việc chơi thân với người em của bà Hiền thì anh và chị của Đoan là ông Th. và bà H. cũng chơi thân với bà Hiền như là bạn bè. Gia đình ông Th. và bà H. cũng là nơi mời bà Hiền tới chơi, cơm nước thường xuyên mỗi khi bà Hiền có dịp ra Hà Nội. Một lần, Đoan gặp bà Hiền và ngỏ ý bán một vài bức tranh của họa sĩ Lê Quảng Hà cho bà Hiền. Bà Hiền mới ngạc nhiên hỏi, tại sao Đoan lại có tranh của họa sĩ Hà thì Đoan cho biết, đây là tranh mà Hà đã tặng cho Đoan từ khi mới vào nghề, lúc đó hai người là bạn thân với nhau. Nay vì túng tiền nên mời chị mua. Coi như giúp đỡ một người em, bà Hiền đã mua hai tranh vẽ hình hai khuôn mặt, bằng sơn dầu trên giấy bao xi măng, khổ khoảng 40cm x 25cm/mỗi bức. Giá mua hai bức tranh này là 40 USD. Vì là mua một cách cảm tính, mang tính giúp đỡ người khác và bản thân hai bức tranh đó cũng chẳng có giá trị nghệ thuật lẫn tiền bạc cao, rất khó bán… nên sau khi mua, bà Hiền cuộn hai tấm tranh đó và mang vào TP.HCM cất ở trong thùng tại gallery Hiền Minh của mình trên đường Đồng Khởi. Một cách tự động, tuần tự trong một khoảng thời gian nhất định, nhân viên của gallery Hiền Minh sẽ tháo các tranh đã treo và treo thay vào một số tranh mới. Hai bức tranh mà bà Hiền đã mua (được cho là) của họa sĩ Lê Quảng Hà (mua từ tay của Đoan), được nhân viên của gallery lồng khung và treo, trưng bày tại gallery Hiền Minh. Và một thời gian sau, họa sĩ Lê Quảng Hà vào TP.HCM, đến gallery Hiền và đã “phát hiện” đây không phải là tranh của mình vẽ, mà là tranh chép “nhái” phong cách của mình. (Chi tiết sự việc “phát hiện” này đã được đề cập trên Soi như đã dẫn ở trên). Ông Hà có gọi bà Hiền ra phản ánh ý kiến của mình. Ngay sau đó, bà Hiền đã cho hạ hai bức tranh này xuống.

3. Sự việc lùm xùm” này được đưa lên đến Hội Mỹ thuật TP.HCM. Tại lần gặp mặt giữa bà Hiền, ông Hà và họa sĩ Đào Minh Tri – phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP lúc bấy giờ, bà Hiền đã thuật lại toàn bộ sự việc, “lai lịch, đường đi nước bước” hai bức tranh treo ở gallery Hiền Minh mà bà Hiền có được. Đồng thời cũng hứa với ông Hà (có mặt ông Đào Minh Tri) là mình sẽ thu xếp ra Hà Nội trong thời gian sớm nhất, để mình cùng ông Hà và người bán tranh là Đoan để “ba mặt một lời” cho sáng tỏ sự việc, để không còn hiểu lầm và ảnh hưởng đến uy tín của nhau.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cùng với Đại diện Tập đoàn Nhật đến thăm nhà ông Lâm.

 

Lời cảnh tỉnh cho nhiều người

1. Cái tin họa sĩ Nguyễn Thị Hiền “chép tranh” của một họa sĩ tận Hà Nội lập tức thu hút sự chú ý của công luận. Bởi lẽ, bản thân họa sĩ Nguyễn Thị Hiền là một họa sĩ tên tuổi, tài năng đã thành danh ngay từ khi bước chân vào trường Mỹ thuật cho đến khi vào TP.HCM. Tại Sài Gòn, tên tuổi của họa sĩ  cũng được giới mỹ thuật phía Nam đánh giá rất cao. Chị còn là con của một cố nhà văn đã đi vào văn học sử Việt Nam hiện đại. Rồi các em trai của chị cũng là những họa sĩ nổi tiếng, giới mỹ thuật Việt Nam đều biết tiếng. Không những thế, khi bước vào hoạt động trong ngành mỹ thuật (không phải sáng tác), họa sĩ Hiền (qua công ty của mình) đã tạo được sự tin tưởng, uy tín của mình với thị trường mỹ thuật thế giới với các đối tác tại Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật, Singapore… lẫn các công ty đấu giá mỹ thuật lớn, uy tín trên thế giới là: Christie’s, Sotheby… Có thể khẳng định, qua công ty của mình, họa sĩ  Nguyễn Thị Hiền đã đưa rất nhiều tên tuổi, cũng như giới thiệu các họa sĩ  trẻ Việt Nam đến với các cuộc triển lãm mỹ thuật, ra ngoài đất nước Việt Nam. Cũng qua các hoạt động mỹ thuật này, các tác phẩm hội họa của họa sĩ  Việt Nam đã được (thông qua các công ty bán đấu giá nêu trên), đã được mua với giá rất cao trên thị trường thế giới. Có những tác phẩm lên đến vài trăm ngàn USD.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cùng với Giám đốc hãng đấu giá Christie’s khu vực châu Á (người đeo mắt kinh) đến thăm và làm việc với Đức Minh.

 

2. Tại thời điểm “lùm xùm” đó, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã tiếp xúc với báo giới tại TP.HCM và thừa nhận sự… sai lầm của mình. Đó là việc bà quá tin tưởng vào những mối quan hệ thân tình, mà cụ thể là ông Thịnh (là cán bộ cao cấp của Bộ Công an) và vợ là bà Hà. Từ đó, nể nang em ông Thịnh là Đoan cũng chơi thân với em trai của mình. Rồi thương tình cho hoàn cảnh túng bấn của Đoan mà mua tranh của họa sĩ Lê Quảng Hà (đã cho Đoan, vốn là bạn thân chơi với nhau từ thời học phổ thông). Với bản thân Đoan, bà Hiền cũng coi như người em, đã từng nhờ giúp bà nhiều việc để cho Đoan có “đồng ra đồng vào”.

3. Chính những lý do như trên đã làm bà Hiền mất tỉnh táo, mua hai bức tranh không có giá trị mỹ thuật và tiền bạc gì nhiều, để rồi “vận” vào mình một chuyện không đáng gì. Chuyện tưởng chừng như vu vơ, vụn vặt ấy không ngờ đã làm bà Hiền phải đau đầu để giải quyết hậu quả, để ảnh hưởng đến uy tín lẫn “đẳng cấp” trong giới mỹ thuật trong và ngoài nước, mà bà đã gây dựng, vun đắp nhiều chục năm nay. Qua sự việc giữa bà Hiền và ông Hà, bản thân bà Hiền cùng công luận đã đưa ra lời cảnh báo với giới hoạt động mỹ thuật rằng, khi giao dịch, mua bán bất cứ tác phẩm nào của các họa sĩ, người mua cần phải tỉnh táo, liên hệ trực tiếp và thẳng thắn với chính tác giả. Để:
a/ Không mua phải tranh dỏm, tranh nhái;
b/ Giá cả đều được thỏa mãn, vui vẻ giữa hai bên;
c/ Tránh được nhiều tầng nấc trung gian… Đồng thời, không để những quan hệ thân tình, tình cảm dẫn đến cảm tính khi mua bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào. Hạn chế tối đa cái sự “tình thương mến thương, nghe lời năn nỉ ỷ ôi, đầy những… hoàn cảnh, với và của người bán. Và đây không chỉ là bài học riêng cho bà Hiền, mà còn cho tất cả những ai sẽ và đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cùng với hai Đại diện tập đoàn Nhật Bản và các họa sĩ miền Nam.

Thay cho lời kết

1. Với hành trình, sự nghiệp, tài năng và cả tay nghề của mình… người trong giới mỹ thuật sẽ không khỏi đặt một câu hỏi to tướng: Không lẽ họa sĩ  Nguyễn Thị Hiền lại đi “chép tranh” của một họa sĩ chưa có tên tuổi gì, chưa được biết đến nhiều trong giới mỹ thuật? Nếu đã chép tranh của họa sĩ Lê Quảng Hà, tại sao bà Hiền lại đi chép một vài bức tranh “cỏn con”, với giá chỉ 40 USD? Động cơ nào để bà dùng tài năng và tay nghề của mình để đi… chép tranh?

2. Công ty và bản thân họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã là một tên tuổi, một thương hiệu trong hoạt động nghệ thuật với thị trường nghệ thuật thế giới. Các đối tác nước ngoài tìm đến thị trường mỹ thuật Việt Nam thông qua bà và công ty bởi, họ rất tin tưởng vào sự công tâm, rõ ràng trong việc giới thiệu tác giả, tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam của bà. Họ tin vào con mắt thẩm mỹ, sự khách quan và bản lĩnh tri thức của bà trong việc thẩm định, phê bình và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đến với, gắn với những cái “gu” thẩm mỹ của thị trường nghệ thuật khu vực và thế giới. Từ đó, giá trị nghệ thuật và trị giá (vật chất) của các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam được đánh giá cao (và đúng với giá trị thật sự của nó. Bà sẽ đánh đổi, xổ toẹt tất cả sự nghiệp này để đi “chép” hai bức tranh rất đỗi bình thường? Bán cả danh dự, uy tín bản thân và gia đình (lẫn bố mẹ, các em và con cái, dòng họ), chỉ để “chép” hai bức tranh “không ra gì”?

3. Khi vụ “chép tranh” xảy ra, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã phẫn nộ: “Với đẳng cấp và tay nghề của mình, nếu tôi có “chép” thì tôi sẽ “chép” những tên tuổi như: Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Văn Cao… để bán với giá vài chục, cả trăm ngàn USD. “Chép” các bức tranh vớ vẩn, giá vài chục USD để làm gì?”.

4. Sau khi sự việc xảy ra, với lời của họa sĩ Lê Quảng Hà (bài trên Soi): “Cả thùng tranh của tôi tại gallery Hiền Minh, với nhiều hình ảnh chụp cả hai cùng cười toe toét…”, bà Hiền khẳng định, đây là lời vu cáo một cách trắng trợn, không thể ngờ lại xuất phát từ một người có học, là nghệ sĩ. Bà Hiền cũng liên hệ ngay với Mr. Lai (ông Nguyễn Văn Lai, số 098. 34455…), chủ gallery Lam Sơn (là người mà trong bài viết của mình, họa sĩ Lê Quảng Hà đã trích một cách đầy miệt thị) thì ông Lai khẳng định, đã hơn 20 năm nay, ông không gặp mặt, nói một câu nào với họa sĩ  Lê Quảng Hà thì làm sao có lời phát biểu của mình, một cách vô văn hóa như thế.

Tất cả, xâu chuỗi lại vụ “lùm xùm” gần 20 chục năm, một cách bình tĩnh và có lý, có tình… nay được “hâm” lại, bạn đọc và người trong giới mỹ thuật, nghệ sĩ sẽ thấy rất nhiều điều… muốn và đáng nói.

 

*

Bài liên quan:

– Biết để còn tránh: một chuyện có thật với họa sĩ Nguyễn Thị Hiền
– Nhiều câu hỏi phía sau vụ “lùm xùm”… tranh chép

– Bà Đoan, hãy xuất hiện! (P/S: Nếu bà có thực trên đời)
 
– Anh chưa nổi tiếng, chị đã nổi danh… Nhưng không có nghĩa chị KHÔNG chép tranh

– Bức ảnh quý giá ấy, anh Hà có còn không?

 

**

Bài đọc thêm:

– Vụ trộm tranh có thông qua “hội đồng duyệt” tại nhà họa sĩ Nguyễn Thị Hiền 
– Thật buồn khi đọc bài viết của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền
 

Ý kiến - Thảo luận

13:24 Thursday,31.1.2013 Đăng bởi:  thắc mắc
Theo tôi hiểu thì năm 1994 là năm bà Hiền mua bức tranh nhái và cũng là năm bà đến nhà anh Hà. Có một số thắc mắc mà nếu được làm rõ thì có lẽ cũng không cần sự xuất hiện của bà Đoan để vấn đề được minh bạch:
Thời điểm anh Hà phát hiện tranh nhái tại gallery của bà Hiền là năm nào?
Bài báo nói trên được xuất bản năm nào?
Anh Hà bảo bức tranh chép là c
...xem tiếp
13:24 Thursday,31.1.2013 Đăng bởi:  thắc mắc
Theo tôi hiểu thì năm 1994 là năm bà Hiền mua bức tranh nhái và cũng là năm bà đến nhà anh Hà. Có một số thắc mắc mà nếu được làm rõ thì có lẽ cũng không cần sự xuất hiện của bà Đoan để vấn đề được minh bạch:
Thời điểm anh Hà phát hiện tranh nhái tại gallery của bà Hiền là năm nào?
Bài báo nói trên được xuất bản năm nào?
Anh Hà bảo bức tranh chép là chép theo tranh anh mới vẽ, chứ không phải tranh cũ, vậy bức đó là bức nào, sáng tác năm nào?
Theo anh Hà, lúc bà Hiền đến gặp anh tại nhà riêng, bà có chụp lại một số tranh của anh Hà. Vậy những bức tranh nhái có đúng là từ những bức ảnh ấy không?
Anh Hà khi thấy tranh nhái ở gallery bà Hiền, có nhờ cô nhân viên chụp cho mình bức ảnh. Bức ảnh ấy còn không? Có hình ảnh của bức nhái không?

Nếu những con nhái kia trùng với tranh của anh Hà sáng tác từ năm 94 trở lại đây (nhất là nếu nó trùng với những bức mà anh Hà cho bà chụp lại) thì bà Hiền là kẻ nói dối, bởi bà đã làm việc với anh Hà nhằm giới thiệu tranh của anh tại Nhật thì không lý do gì bà lại không biết những con nhái kia là...con nhái!

Trong bài viết trên, tác giả cho rằng bà Hiền,tại thời điểm 94, là người đã thành danh (thậm chí còn trước cả khi vào trường Mỹ Thuật!?) chẳng đời nào lại chép tranh của người vô danh (là anh Hà khi đó), vậy thử hỏi có ai dở hơi như bà Đoan không, khi chép tranh của kẻ vô danh ấy?

P/S: Anh/chị phóng viên cho hỏi: "20 chục năm" nghĩa là sao ạ? 
16:07 Wednesday,30.1.2013 Đăng bởi:  Lệnh Minh

Tôi đồng ý một số điểm với tác giả của bài viết này, đặc biệt ở câu cuối cùng, là quanh vụ lùm xùm này, có "rất nhiều điều muốn...và đáng nói". Vì trước hết, ngay trong bài viết này cũng có nhiều điểm đáng nói, bởi có nhiều ý
...xem tiếp

16:07 Wednesday,30.1.2013 Đăng bởi:  Lệnh Minh

Tôi đồng ý một số điểm với tác giả của bài viết này, đặc biệt ở câu cuối cùng, là quanh vụ lùm xùm này, có "rất nhiều điều muốn...và đáng nói". Vì trước hết, ngay trong bài viết này cũng có nhiều điểm đáng nói, bởi có nhiều ý được sử dụng với ý định đánh tráo bản chất của sự việc.


Xin liệt kê tạm ra đây:


- Câu chuyện chị Hiền hẹn với họa sỹ Lê Quảng Hà và người bán tranh cho chị gặp nhau, để "ba mặt một nhời", không thấy tác giả đề cập tiếp đã diễn ra như thế nào (theo như lời họa sỹ Lê Quảng Hà thì đã không hề có cuộc gặp đó).


- Tác giả bài viết khẳng định họa sỹ Nguyễn Thị Hiền đã thành danh lúc gặp họa sỹ Hà khi ấy là "họa sỹ chưa có tên tuổi gì, chưa được biết đến nhiều", nhưng điều đó không có ý nghĩa dẫn tới một kết luận chắc chắn tuyệt đối rằng họa sỹ Hiền không chép tranh của họa sỹ Hà! Hai việc này hoàn toàn khác nhau! Lịch sử nghệ thuật thế giới không thiếu những ví dụ về việc các bậc thầy vẫn đạo tác phẩm của những bậc đàn em để lấy danh như thường!


- Cũng tương tự, sự phẫn nộ của họa sỹ Nguyễn Thị Hiền, rằng thà bà chép những tác phẩm của các bậc "met" bán được cả trăm ngàn dollar chứ ai lại thèm chép những "bức tranh vớ vẩn, giá vài chục dollar", cũng không thể là lý lẽ để tất yếu dẫn tới việc khẳng định rằng bà không chép tranh. Việc chép những bức tranh giá trị hàng trăm ngàn dollar "dễ bị lộ" hơn nhiều so với việc chép các bức tranh bán với giá vài chục dollar, người trong giới làm tranh giả ai cũng biết điều ấy.


Vả lại, nói "chép tranh" ở đây không có nghĩa là tự tay bà Hiền chép, mà xét về mặt lý thuyết, là chủ một phòng tranh, bà hoàn toàn có khả năng có một đội ngũ thợ thuyền để làm công việc chép tranh, và phòng tranh là nơi lượm bạc cắc, chứ không phải là nơi bán những "kiệt tác nhái" một phát kiếm hàng trăm ngàn dollar nhưng rất dễ có nguy cơ bị lộ.


- Việc dẫn lời của ông Lai, chủ gallery Lam Sơn, anh Hà dẫn một kiểu, tác giả bài viết kể theo lời của bà Hiền lại theo một kiểu khác, không có ý nghĩa gì mấy trong việc chứng minh sự thật của câu chuyện này. Lúc ấy ông Lai có vui miệng nói với anh Hà hay không, hay có nói nhưng bây giờ do quan hệ trong giới với bà Hiền, lại nói là " không gặp không nói", chẳng ai có thể chứng minh được cả, có khi ngay bởi chính ông Lai, vì thời gian trôi qua đã trên dưới 20 năm rồi. Trí nhớ con người ta ngắn lắm!


Nhưng tất cả những điểm "mờ mịt" nói trên (như ý cmt một bạn đọc của Soi cũng đã nhắc tới), cũng không có nghĩa khẳng định rằng bà Hiền đã chép tranh của họa sỹ Hà. Tôi rất muốn tin vào câu chuyện của bà Hiền về một người phụ nữ tên Đoan nào đó. Để làm sáng tỏ câu chuyện này, thật đúng là "nhỏ như con thỏ đang gặm cỏ"! Bà Hiền chỉ cần làm hai động tác rất đơn giản:


- Giải thích lý do vì sao không có cuộc "hội đàm ba bên" giữa bà với anh Hà và bà Đoan, theo như lời hứa của bà khi gặp anh Hà và ông Tri ở TP Hồ Chí Minh?


- Nếu vì một lý do bất khả kháng nào đấy mà đã không thể diễn ra được cuộc "đối chất" ấy thì chỉ cần bà Hiền cung cấp thông tin - ở thời điểm hiện tại - về bà Đoan, không phải về chiều cao cân nặng, mà là địa chỉ, nơi công tác, cách thức liên hệ, số điện thoại liên lạc và tốt nhất là để cho bà Đoan xuất hiện bằng xương bằng thịt, có cơ hội chứng minh được câu chuyện bà Hiền kể là hoàn toàn đúng sự thật. Thật là đơn giản và dễ dàng phải không? (Lạy Trời là đừng vì một lý do bất khả kháng nào đó mà không ai có thể tiếp xúc được với bà Đoan!)


Nếu làm được như thế thì câu chuyện lùm xùm này sẽ chấm dứt ở đây một cách giản dị!

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả