Gẫm & Bình

Ba sự thật mất lòng…
Phần 2 – Ai đã đẩy giá tác phẩm? 05. 02. 13 - 7:44 am

Ben Davis - Hoàng Lan dịch

Tiếp theo phần 1

“Nude with Red Shirt” 1995, của Roy Lichtenstein. Sơn dầu và Magna trên canvas, 198.1 x 167.7 cm. Bán được với giá 28 triệu USD hồi tháng 11. 2012

 

Bất bình đẳng (về thu nhập)

Khi bạn nghe đến hai chữ “bong bóng”, có vẻ như nó mang ý nghĩa rằng người bình luận không thích gì thứ nghệ thuật đang được quan tâm nhất. Dù vậy, bạn phải công nhận rằng thị trường nghệ thuật hiện đang sủi lắm bọt – một thực tế mà bạn có thể thấy rõ qua sự tăng mạnh hơn bao giờ hết những mưu đồ dơ dáy nhắm kiếm lời từ “cơn sốt nghệ thuật”.

Dẫn chứng nhanh gọn: Ai nghĩ rằng loại nghệ thuật đùa cợt ‘làm nhục người nổi tiếng’ của Francesco Vezzoli lại là một thứ để đời cơ chứ? Không ai á? Chà, nếu vậy thì cho bạn biết luôn: ở Pháp có hẳn một sàn trao đổi nghệ thuật, cho phép bạn đầu tư mua “cổ phần” của các tác phẩm Francesco đấy!

Francesco Vezzoli vẽ Olga Khokhlova, cựu diễn viên đoàn ballet Nga, nàng thơ của Pablo Picasso, về sau thành vợ của ông.

 

Tuy nhiên, chúng ta cần chính xác trong chuyện: cái gì khiến bong bóng là bong bóng. Việc giá nhà tăng nhanh không nhất thiết rằng thị trường đang phải chịu nạn “bong bóng nhà”. Thật khó để mà nói được thế nào là giá nhà “bình thường”, nhưng bạn có thể nghiên cứu nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có mức thu nhập trung bình của mỗi gia đình trong một vùng và giá cho thuê tương ứng. Nếu giá nhà tăng vọt trên những hạn mức hợp lý và khả thi này thì rất có khả năng là bạn đang ở trong một cái bong bóng.

Vậy đâu là cơ sở bất biến để quyết định mức giá “bình thường” cho các tác phẩm nghệ thuật? Trong một bài viết “cực kỳ” của nghệ sĩ Andrea Fraser, “L’1%, C’Est Moi,”, cô thuật lại nghiên cứu của 3 nhà kinh tế học từng bỏ công đi tìm lời đáp cho câu hỏi này. Họ phát hiện ra rằng nếu mức thu nhập của giới nhà giàu chóp bu – vốn chiếm 0.1% dân số thế giới – tăng 1%, nó sẽ kích cho giá các tác phẩm nghệ thuật tăng khoảng 14%… Quả có vậy, tiền của tầng lớp giàu sụ đang lèo lái giá cả của thị trường nghệ thuật. Điều này cũng ngụ ý rằng những “cơn sốt nghệ thuật” sẽ xảy ra khi độ chênh lệch về thu nhập tăng mạnh.

Nếu người giàu trở nên giàu hơn, họ sẽ trả nhiều tiền hơn cho nghệ thuật. Mua-nghệ-thuật phục vụ một mục đích rõ ràng cho tầng lớp này: nó cho phép họ mua chỗ đứng trong giới thượng lưu ‘cấp quốc tế’, và khiến họ trông quyến rũ hơn nữa trong mắt công chúng và trong mắt chính mình. Trên phương diện đầu tư, nghệ thuật là một trò đánh bạc của những người đã siêu giàu sẵn rồi, hòng giúp của cải của họ tiếp tục sinh sôi.

“Những người đánh bài”, Paul Cézanne.Hoàng tộc Qatar đã mua bức này với giá hơn $250 triệu

Vậy đây là một cơn sốt hay là một cái bong bóng? Cái đó tùy thuộc vào ý của bạn – nhưng chúng ta nên thừa nhận rằng mức chênh lệch đầy bất công về thu nhập (hiện đang tăng vọt đến mức nguy hiểm) chính là một nguyên nhân thật sự, chứ không phải nguyên nhân tưởng tượng. Điều này cũng khiến giới hạn của nó trở nên rõ ràng: giá cả tranh pháo sẽ tiếp tục tăng cho đến khi một trong hai việc sau đây xảy ra:

a) Sự hèn nhát và điên khùng của các nhà lãnh đạo sẽ châm ngòi cho một vụ khủng hoảng trầm trọng như hồi năm 2008, làm ảnh hưởng ngược lên tầng lớp 1% kia (buồn thay, việc này coi bộ có thể xảy ra lắm); hoặc
b) Người dân tìm được cách gây sức ép lên chính phủ để họ kéo cán cân quyền lực ra khỏi tay thành phần siêu giàu (hiện giờ thì việc này xem chừng khó xảy ra, nhưng ai mà biết chắc được?)

*

(Còn tiếp)

 

*

Bài liên quan:

– Ba sự thật mất lòng về thị trường nghệ thuật: bẩn thỉu, tàn bạo, và thiển cận (phần 1) 
– Ba sự thật mất lòng… Phần 2 – Ai đã đẩy giá tác phẩm?

– Ba sự thật mất lòng… Phần 3: Sự chuộc lỗi của các ông trùm

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả