Nghệ sĩ thế giới

WHERE IS MY EIGHT? – West đã mất và W cũng mất 22. 03. 13 - 10:00 pm

Phạm Phong tổng hợp và dịch

VIENNA – Franz West là một trong những nghệ sĩ Áo quan trọng nhất của làng nghệ thuật thế giới. Nghệ sĩ này (mất hồi tháng Bảy 2012), nổi tiếng vì nghĩ ra thứ nghệ thuật “Passstücke” (tương thích – adaptive), và vì ông làm ra những món đồ đạc và tượng độc đáo cho những không gian nội và ngoại thất. Trong ảnh: tác phẩm “Sitzgruppe Heimo – Suite Heimo” của West.

 

Giờ đây, sau mười sáu năm, bảo tàng Hiện đại Mumok (Vienna) mới lại có một triển lãm tổng kết khá toàn diện cho ông. Đó là một triển lãm trên quy mô lớn, dành riêng cho các tác phẩm của West – những tác phẩm này có thể do ông nghĩ ra hoặc cùng làm (với ai đó) với niềm say sưa. Trong ảnh: tác phẩm “Tự do ngôn luận” của West.

 

KẾT HỢP VÀ TÁI KẾT HỢP: Trọng tâm của triển lãm được cấu trúc theo lối “chủ đề” này là những tác phẩm kết hợp của West. Đó là những tác phẩm chủ yếu là sắp đặt, trong đó nghệ sĩ kết hợp nhiều tác phẩm riêng lẻ lại với nhau, và sau đó là tiếp tục tái kết hợp chúng trong những cấu hình khác. Trong ảnh: một phụ nữ đeo tai nghe và xem tác phẩm “Không đề” (Bàn) của West – một thứ tác phẩm kết hợp.

 

Việc kết hợp và tái kết hợp các loại tác phẩm khác nhau (như những món tương thích, đồ đạc, tượng, video, hay tác phẩm trên giấy…) thuộc nhiều giai đoạn sáng tác khác nhau, có một chủ đích: cho người xem có một cái nhìn tổng quát về toàn bộ sự đa dạng trong tác phẩm của West. Trong ảnh: tác phẩm kết hợp có tên Kasseler Rippchen, được West thực hiện năm 1996, có mặt trong triển lãm.

 

Trong triển lãm này, các tác phẩm của các nghệ sĩ bạn như Martin Kippenberger, Rudolf Polanszky, Jason Rhoades hay Heimo Zobernig cũng được kết hợp vào các tác phẩm trên. “Mọi thứ chúng ta thấy đều có thể là khác,” chính West vào năm 1988 từng dẫn lời triết gia Ludwig Wittgenstein – người mà West đánh giá rất cao – để nói về một khía cạnh căn bản trong phương pháp sáng tác của ông. Nguyên lý của kết hợp và tái kết hợp cũng tương đồng với sự tin chắc của West đối với ý nghĩa của một lời giới thiệu triển lãm (hay một yếu tố thị giác): không bao giờ được là một thứ rành mạch, xác định, cố định, mà tốt hơn nên thay đổi tùy theo bối cảnh và phản ứng của những người tiếp nhận những thứ ấy. Trong ảnh: một phụ nữ đọc bản mô tả một tác phẩm mà West làm ra năm 1998.

 

LIÊN TỤC THAY ĐỔI, THAM DỰ, VÀ TƯƠNG TÁC: Tác phẩm của Franz West về căn bản là loại tác phẩm để người xem tham dự. Chúng đi tìm sự đối thoại với người tiếp nhận. Mỗi tác phẩm của West đều là một lời mời tương tác. Sự tương tác này có thể diễn ra ở mức “thể lý” (bằng xương bằng thịt) – như trong trường hợp các món tương thích dành để “thích ứng” (adapt) với cơ thể người xem. Trong ảnh: khán giả nằm và sờ tác phẩm “Không đề” (completion posthum) của West trong triển lãm.

 

Nhưng sự tương tác này cũng có thể ở cấp tinh thần, trí óc, như trong trường hợp tương tác với các bức tượng hay các tác phẩm trên giấy. Những tác phẩm trên giấy của West thường đi cùng với text, kích thích người ta có những phản ứng sâu hơn, xa hơn. Trong ảnh: tác phẩm Chou Chou của West, làm năm 1998.

 

Các sáng tạo của West có thể coi là những điểm xuất phát cho các trải nghiệm, suy ngẫm, gắn bó và giải phóng; chúng “kích cò” cho một trò chơi bắt đầu – một trò chơi với rất nhiều khả năng trải nghiệm và nhìn thế giới khác nhau, với những kết quả không ngừng thay đổi, tùy theo người tiếp nhận, bối cảnh (bày tác phẩm), và không khí (bao quanh tác phẩm). Trong ảnh: tác phẩm Canale Grande (với Tamuna Sirbiladze) của West tại triển lãm.

 

Nghệ thuật của West bày ra những thứ vô định, theo một cách không phô trương, nhẹ nhõm, hài hước, mặc dầu (về ý nghĩa) chúng có nền tảng và liên quan mạnh mẽ đến những nội dung triết học – là thứ mà cả đời West đã quan tâm. Trong ảnh: tác phẩm “Epiphany on Chairs” (Chúa hiển linh trên ghế) của West tại triển lãm.

 

Tên của triển lãm là do West chọn, cũng là một thí dụ cho cách thực hành kết hợp và tái kết hợp: khởi đầu là bức tranh bằng chất liệu gouache “Lost Weight” (Giảm cân – 2004, trong ảnh) vẽ một người đàn bà sau khi ăn kiêng, trưng ra một cái quần đã quá rộng. Họa sĩ bỏ đi chữ “W”, biến “Lost Weight” thành “Lost Eight”, dẫn đến câu hỏi trong tên triển lãm “Where is my Eight?” (Tám của tôi đâu rồi?) West để ngỏ câu trả lời, cho chúng ta một khoảng không gian để tạo những mối liên kết khác nhau.

 

Sau khi triển lãm xong tại Vienna, triển lãm này sẽ sang bảo tàng Hiện đại Frankfurt ở Main, Đức, và bày ở đó từ 29. 6 tới tận 13. 10.

 

*
Bài liên quan:

– Triển lãm chỉ bày một tác phẩm duy nhất của Franz West 
– Franz West đã ra đi! Mỹ thuật tuần này mất quá nhiều người tốt
  
– WHERE IS MY EIGHT? – West đã mất và W cũng mất

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả