Trường phái

Kích cỡ và quy mô trong điêu khắc đương đại (phần 1) 07. 06. 13 - 7:38 am

Judith Collins – Phạm Long dịch, Đào Châu Hải hiệu đính

 

Christina Doll, Steffen, 1999. Sứ. 36,8 x 11,5 x 11,5 cm.

Biết vận dụng yếu tố kích thước và quy mô trong tác phẩm, người nghệ sĩ có thể chủ động gây ảnh hưởng tâm lý tới người xem, để họ cảm nhận được cái lớn lao hay cái nhỏ bé qua bối cảnh trưng bày, hoặc gợi lên trong tâm trí họ những câu hỏi về tính chính xác hay mức độ đáng tin trong những thông điệp của tác phẩm.

Quá trình thu nhỏ hoặc phóng đại một đối tượng cũng tạo ra những vấn đề về sự kiểm soát, về cự ly và khả năng đo lường những thứ liên quan đến bản thân con người. Máy tính cho phép người dùng co giãn đối tượng theo tỷ lệ tùy ý, và các nghệ sĩ đã tận dụng ưu thế của kỹ thuật hình ảnh số hóa hai chiều ảo, nhất là khi đối tượng chính là cơ thể con người. Họ nhận thấy việc trải nghiệm về kích thước và quy mô tác phẩm trên màn hình máy tính thật sự mơ hồ, như thể bỡn gạt, mà hình ảnh tạo ra nhờ kỹ thuật số làm sao sánh được với một đối tượng có quy mô và kích cỡ thực.

Trong cuốn “Ghi chú về điêu khắc – Phần II” (“Notes on Sculpture, Part II”), ấn hành năm 1966, Robert Morris đã khảo sát rất kỹ về vai trò của kích cỡ và quy mô trong nghệ thuật điêu khắc. Theo ông, các đối tượng cần phải được kiểm soát chặt chẽ trong không gian: một vật thể hay một tác phẩm điêu khắc nhỏ là cái mà “về cơ bản là đóng, nén, cô lẻ”; người xem có nhu cầu đến gần chúng để thu hẹp tầm nhìn. Ngược lại, khi nới rộng kích thước của những đối tượng liên quan đến cơ thể con người, đòi hỏi những không gian [trưng bày] và sự khắc phục các nhược điểm thị giác khác nhau, chúng [các tác phẩm cỡ lớn] thường thích hợp với không gian công cộng hơn là chốn riêng tư.

Gần đây, một số nghệ sĩ đã chọn cách thể hiện dồn nén những hình tượng như cơ thể con người. Mốt này có lẽ thịnh hành vì lý do là dễ dàng thực hiện những kỹ thuật co giãn hình ảnh nhờ máy tính, cho phép đạt tới những kích thước lớn hay nhỏ tùy ý, hoặc cũng có thể bởi một căn nguyên thực tế là bây giờ nhiều khách hàng không còn chuộng những tác phẩm kích thước ngoại cỡ hay bộ dạng cường điệu nữa. Những thiết bị truyền thông – máy ảnh, tivi, điện thoại – càng ngày càng có kích thước nhỏ hơn, vậy tại sao điêu khắc lại không theo trào lưu này? Những thiết bị công nghệ đó như tiếp thêm động lực thúc đẩy việc sao chép tư liệu của bất kỳ khía cạnh nào trong đời sống hàng ngày (cũng là những nội dung của nhiều tác phẩm nhiếp ảnh và video đương đại). Tuy nhiên, các tài liệu nhiếp ảnh nói chung thường hơi quá nghiêm trang, hoặc khô cứng một khi người chụp vô cảm, ví dụ như các bức chân dung rất lớn mà Thomas Ruff chụp bạn bè, hay những bức ảnh to chụp trẻ em và các bà mẹ của Rineke Dijkstra.

Thomas Ruff – The Lucid Evidence, 2011

 

Một bức ảnh của Rineke Dijkstra

Mặt khác, các tác phẩm điêu khắc tả người với kích thước nhỏ bé cũng có thể gây tâm lý vô tình tương tự, thậm chí cả tâm trạng hiện sinh; trong các tác phẩm nhiếp ảnh và điêu khắc, các nhân vật – đối tượng thường được thể hiện trong những hoàn cảnh đơn độc, nét mặt thiếu biểu cảm, và động tác, tư thế khá đơn điệu.

Từ khi khởi nghiệp, nghệ sĩ Stephen Balkenhol đã thích chạm khắc những hình người tí hon cao có vài inch; họ là những nhân vật ngẫu nhiên, vô danh, tâm trạng khép kín, dáng vẻ ẩn dật như cố khép mình trong cái thế giới thu nhỏ của họ. Đã từng sống và học nghề sành sứ ở thành phố Meissen từ năm 1998, Christina Doll ưa dùng chất liệu này để chế tác những pho tượng hình người bằng sứ trắng bóng, chỉ nhỏ cỡ 12 inch. Bà cũng thích làm tượng chân dung bạn bè, có trang phục hay lõa thể, đi kèm một đồ nội thất riêng mà họ ưa thích. Họ thể hiện những tư thế hết sức thoải mái – một sự phản ánh về mức độ thân quen giữa những người bạn, mặc dù độ trắng bóng của sứ lại có xu hướng khiến họ xa cách hơn đối với người xem [về mặt tâm lý].

Tượng của Christina Doll

 

Triển lãm Sweethearts năm 2000 của Christina Doll

Tại triển lãm của nghệ sĩ Karin Sander ở New York năm 2000, người xem có thể nhận ra chân dung của bạn bè và người quen của tác giả qua loạt tác phẩm mang tên “Tỷ lệ 1:10” (“Scale 1:10”), gồm ba mươi sáu bức tượng chân dung thu nhỏ của những nhân vật có y phục hiện đại: các nghệ sĩ, bạn hữu, hai người xa lạ, và chân dung chính tác giả trong một bộ đồ vét đen điển hình của giới nghệ sĩ.

Các nhân vật trong Scale 1:10 của Sander

Tác phẩm Curator Mỹ – American curator là một pho tượng cao bốn inch được bà sáng tác nhờ sử dụng máy quét hình laser 3-D để “đọc” những đường viền cơ thể của chính mình trong vài giây, sau đó dữ liệu quét được nạp vào máy tính có kết nối với máy đùn nhựa. Trong khoảng thời gian từ ba mươi đến bốn mươi giờ, máy đùn nhựa thực hiện công việc “dựng tượng”, từng lớp một, bằng vật liệu nhựa ABS (acryl-nitryl-butadien-styrol) trong suốt, theo tỷ lệ “1:10” với công nghệ “tạo mẫu bằng phương pháp nóng chảy – lắng đọng” (“fused deposition modeling”, FDM). Bức tượng được sơn phun (airbrush) để giống hệt mẫu thực, và mặc dù “tạc” bằng thiết bị công nghệ tiên tiến, thật đáng ngạc nhiên, bức tượng nom hết sức sinh động. Phải quan sát kỹ hơn, người xem mới có thể phát hiện ra những gợn nhỏ – tàn tích sót lại của quy trình phun nhựa từng lớp một.

Karin Sander, Karin Sander, Sacle 1:10, Quét Hình 3D Một Người Sống, 2000. FDM (tạo mẫu bằng phương pháp nóng chảy – lắng đọng), tạo mẫu nhanh, nhựa dẻo ABS (acryl-nitryl-butadien-styrol), sơn xịt. Cao 10,2 cm.

Cũng như Balkenhol, các tác phẩm của Tomoaki Suzuki là tượng nhỏ tạc từ gỗ bồ đề (limewood) và gỗ dương, tỷ lệ bằng ¼ kích thước thực, nhưng tượng của Tomoaki Suzuki thường là những chân dung đặc sắc, tinh tế và có cá tính hơn. Khác với ba nghệ sĩ vừa được đề cập trong phần đầu chương có tác phẩm điêu khắc đặt trực tiếp trên sàn, tượng mini của Suzuki được đặt trên bệ cao dưới tầm mắt. Muốn xem kỹ các chi tiết trên tác phẩm điêu khắc của ông, người xem luôn phải cúi lom khom, và như vậy họ đã phải thay đổi thói quen thưởng ngoạn trong những không gian trưng bày.

Xem tượng của Tomoaki Suzuki, 2004. Gỗ bồ đề, sơn acrylic

 

Một tác phẩm của Tomoaki Suzuki

Charles Ray làm cả tượng nhỏ và lớn, và lần đầu tiên ông tiến hành điều chỉnh tỷ lệ là với ba tác phẩm có tiêu đề Thu ’91 – Fall ’91, những tượng phụ nữ đầy vẻ chức quyền trong trang phục thích hợp, màu sắc rực rỡ, diện giày gót cao; tượng nào cũng cao lớn, từ 8 đến 10 feet. Chúng được lấy cảm hứng từ ma-nơ-canh tại các tiệm quần áo, song hình tượng của ông hiện thực hơn nhiều. Ông coi ma-nơ-canh là những sao bản đương đại của các pho tượng điêu khắc duy hình thời cổ Hy Lạp bởi những đặc điểm lý tưởng hóa tương tự.

Charles Ray. Thu ’91 – Fall ’91, 2002. Chất liệu tổng hợp. 244 x 66 x 91,5 cm

Thay vì chỉ có công dụng của  những khung cốt treo mắc y phục sang trọng, các bức tượng phụ nữ to cao lừng lững của ông lại toát lên vẻ đe nẹt đầy oai vệ. Những tác phẩm khác của ông cũng là những thử nghiệm về tỷ lệ: ví dụ như pho tượng Cậu Bé – Boy cao 6-foot (1992), hoặc Chai Ghép Hình – Puzzle Bottle (1995) – một tượng chân dung tự họa đặt trong chai thủy tinh.

Charles Ray, Puzzle Bottle

Một tác phẩm gây nhiều tranh cãi khác, Tình khúc Gia Đình – Family Romance, đã được chính tác giả mô tả là “một gia đình nòng cốt điển hình; ông bố trạc tứ tuần, bà mẹ khoảng ba mươi, cậu con trai lên tám, và cô con gái đã được bốn tuổi”. Nghệ sĩ đã thay đổi tỷ lệ kích thước của họ, tăng chiều cao lũ trẻ và giảm độ cao phụ huynh, nên cả bốn pho tượng đều có chiều cao như nhau là 4 feet 6 inch.

Charles Ray, Tình Khúc Gia Đình – Family Romance, 1993. Chất liệu tổng hợp. 137,1 x 244 x 61 cm

Chuyển từ những đối tượng ma-nơ-canh sang các hình nhân đạo cụ xinê là chiến lược sáng tác của Ron Mueck, người cũng làm việc với cả tượng lớn và nhỏ. Là một nhà chế tác mô hình cho các hãng phim, công việc của ông là chỉnh đổi quy mô, tỷ lệ của các hình nhân sao cho gây được hiệu quả giống y như thật khi phim được chiếu lên màn hình hai chiều. Các tác phẩm điêu khắc hiện đại của ông bắt nguồn từ truyền thống làm đồ giả và nghệ thuật bắt chước hiện thực. Tuy nhiên, xu hướng cực thực (hyperrealism) trong nghệ thuật của ông cũng có nhiều vấn đề gây tranh cãi, ví dụ như tượng của ông không hẳn giống với những kỹ xảo làm giả tinh vi, mà nom chúng thực sự y như người thật, giống đến tận từng nếp nhăn, tĩnh mạch và lông tóc trên người, nhưng Mueck đã thay đổi tỷ lệ, chúng có kích thước cao tới 8 feet, hoặc chỉ bằng một phần ba người thật, như thể nhắc nhở chúng ta rằng đó chỉ là những đồ hư cấu. Cha Mất – Dead Dad là một pho tượng nhỏ cỡ một nửa người thật, có nhiều chi tiết thể hiện rất đúng như [cơ thể] người cha của ông, tạo nên cảm giác như thể nó đang được đặt trong một nhà xác. Tác phẩm toát ra vẻ ma mị do sự kết hợp của những chi tiết tưởng như vụn vặt, và kích thước chỉ nhỏ nhắn như một đứa bé.

Ron Mueck, Cha Mất – Dead Dad, 1996-1997. Nhựa silicon, acrylic. 20 x 102 x 38 cm. Saatchi Collection, London

 

Ron Mueck, Cha Mất – Dead Dad, chi tiết

 

(Còn tiếp)

Từ: Sculpture Today, chương 16: SIZE & SCALE. Tác giả: Judith Collins

Ý kiến - Thảo luận

0:26 Sunday,9.10.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Câu hỏi của bác Trần Văn Lập khó quá, có lẽ vì ngoài thông số chiều cao, bác không cung cấp thêm chi tiết gì khác về tượng của bác. Em nghĩ ít nhất mọi người cũng cần biết hình dáng của tượng (vuông tròn dài ngắn) để đáp ứng khoản cân đối, và mục đích sử dụng của tượng (để trong vườn hay trong nhà vv) để đáp ứng khoản phù hợp. Ví dụ như tượng David
...xem tiếp
0:26 Sunday,9.10.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Câu hỏi của bác Trần Văn Lập khó quá, có lẽ vì ngoài thông số chiều cao, bác không cung cấp thêm chi tiết gì khác về tượng của bác. Em nghĩ ít nhất mọi người cũng cần biết hình dáng của tượng (vuông tròn dài ngắn) để đáp ứng khoản cân đối, và mục đích sử dụng của tượng (để trong vườn hay trong nhà vv) để đáp ứng khoản phù hợp. Ví dụ như tượng David cao chới với đã đành lại còn đặt trên một cái bệ cao quá đầu người - tạo cảm giác uy nghiêm đáng được tôn thờ, mặc dù chàng chỉ cầm cái ná bắn chim. Em nghĩ vấn đề cốt yếu là bác muốn mắt của người xem rơi vào chỗ nào của tượng - ngửa đầu lên nhìn tượng hay gần gũi tay bắt mặt mừng thôi ạ. 
15:04 Saturday,8.10.2016 Đăng bởi:  Trần Văn Lập

Tôi muốn hỏi tỉ lệ giữa tượng và đế chân tượng như thế nào cho phù hợp và cân đôi? Ví dụ tôi có bức tượng cao 2,5m thì đế chân tượng đó phải cao bao nhiêu mới cân đối và phù hợp. Cám ơn


...xem tiếp
15:04 Saturday,8.10.2016 Đăng bởi:  Trần Văn Lập

Tôi muốn hỏi tỉ lệ giữa tượng và đế chân tượng như thế nào cho phù hợp và cân đôi? Ví dụ tôi có bức tượng cao 2,5m thì đế chân tượng đó phải cao bao nhiêu mới cân đối và phù hợp. Cám ơn

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả