Trường phái

Kích cỡ và quy mô trong điêu khắc đương đại (phần 2): Khi đề tài là kiến trúc 18. 06. 13 - 8:19 am

Judith Collins – Phạm Long dịch, Đào Châu Hải hiệu đính

(Tiếp theo phần 1. Tên bài phần 2 do Soi đặt để các bạn dễ theo dõi)

Việc thử nghiệm với các tỷ lệ tượng người khác nhau không cho phép nghệ sĩ thoải mái buông thả trí tưởng tượng, nhưng đối với các nhà điêu khắc làm việc với chủ đề toàn cảnh (diorama) và những thành phố thu nhỏ, mức độ huyễn tưởng của tác phẩm lớn hơn nhiều, nội dung cũng đa dạng hơn, ngoài ra, chúng cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội.

Trong những năm 1970, Charles Simonds đã sáng tạo ra một chủng người giả tưởng, Người Tí Hon (Little People), sinh sống trong những tòa nhà thu nhỏ, thường được bố trí trong những địa hình núi đá hoặc sa mạc. Hiếm khi nhìn rõ được những Người Tí Hon bằng mắt trần, vì họ sống theo lối “du canh du cư” (“peripatetic ways”) và để lại các ngôi nhà của mình, những căn nhà chưa hẳn hoàn toàn đơn độc với kích thước nhỏ – phụ thuộc vào quy mô của người chế tác.

Trong thời kỳ sáng tác ban đầu, Simonds xếp đặt những ngôi nhà nhỏ bằng đất sét trên ngực trần của mình, và ông liên tục chế tạo các hình nhân và nhà cửa khác ở trên người, do đó, cơ thể ông giống như một công trường xây dựng. Các Vòng Cung Và Tháp Ngà Đang Mọc Lên Số 5 – Circles and Towers Growing No. 5 là một trong những tác phẩm ông sáng tác về những kiến trúc thấp bé, có mái vòm tọa lạc trên một khu vực bụi bặm, nóng bức, quanh một cái hốc tựa như lỗ rốn, gợi lên hình ảnh của tử cung – đúng như tiêu đề đã gợi ý.

Charles Simonds, Các Vòng Cung Và Tháp Ngà Đang Mọc Lên Số 5 – Circles and Towers Growing No. 5. Đất sét, gỗ. 23 x 75,5 x 75,5 cm.

 

Vào giữa những năm 1970, Chris Burden quay sang quan tâm đến các mô hình. Ông mua mô hình của những cây cầu và tòa nhà nổi tiếng, như London Tower Bridge, từ các cửa hàng bán đồ chơi có điều khiển (hobby shops) và tại quầy lưu niệm ở bảo tàng, cũng như các bộ xếp hình lắp ráp Lego và Meccano để “nghịch” chẳng khác gì thiếu nhi. Ông làm những phiên bản giống hệt các công trình kiến trúc thực thụ, ví như tác phẩm mô hình cầu Tyne (Tyne Bridge), được chế tác hoàn toàn từ các chi tiết lắp ghép đồ chơi Meccano, đã từng bày tại gallery Baltic ở Gateshead năm 2002 – một gallery trông xuống chiếc cầu Tyne Bridge thực. Vì vậy, người xem có thể nhìn thấy đồng thời cả cây cầu và mô hình thu nhỏ của nó với tỷ lệ 1:20.

Chris Burden cũng thực hiện những khung cảnh hư cấu để đề cập tới những vấn đề xã hội. Chuyện Kể Về Hai Thành Phố – A Tale of Two Cities, được thực hiện cho bảo tàng Orange County Museum of Art ở Newport Beach, là một tác phẩm sa bàn của hai thành phố giả tưởng đang có chiến tranh, với hơn 3000 đồ chơi quân sự như xe tăng, máy bay, binh lính… chế tạo tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu. Tác phẩm thể hiện tâm trạng nặng nề của tác giả trong lúc suy tưởng về cuộc sống vào thế kỷ 25, khi thế giới lại lâm vào tình trạng thù hận triền miên. Một cặp ống nhòm được để sẵn đó phục vụ người xem nếu họ muốn quan sát kỹ hơn. Tác phẩm gợi nhớ tới những khung cảnh kỳ vĩ của những di tích lịch sử hay những trận đánh lớn, thường được phục dựng trong những bảo tàng địa phương. Mặc dù tác phẩm này của Burden là cảnh trí của một cuộc chiến tương lai, nghệ thuật sa bàn nói chung đối với nhiều nghệ sĩ đương đại thường thể hiện tình cảm hoài cổ.

Chris Burden, Chuyện Kể Về Hai Thành Phố – A Tale of Two Cities, 1981. Chất liệu tổng hợp. 3,7 x 12,2 x 9,1 m. Bảo tàng Orange County Museum of Art, Newport Beach, California

 

Ngay từ năm 1973, Miquel Navarro đã sáng tác những mô hình đô thị bằng nhiều chất liệu khác nhau, thường là chì, nhôm và kẽm, lấp lánh ánh bạc của một không khí đầy vẻ lạnh lùng, vị lai. Thành phố Wall – Wall City là một khung cảnh kiểu cách, không một bóng người, với những tháp cao tựa những tòa nhà chọc trời, những ống khói nhà máy, con đường, bút tháp Ai Cập (obelisk), các công sự tròn lớn và những dãy nhà hộp bé xíu… tất cả được xếp đầy trên sàn gallery một cách có tổ chức, không khác gì những đồ án đang phát triển và lan tỏa ra trên mặt đất của các thành phố. Navarro nói rằng những mô hình đô thị của ông có sự tham chiếu tới các địa điểm quen thuộc và cũng mang những nét gì đó gợi nhắc về những xưởng thợ của miền Mislata tại Tây Ban Nha quê hương ông.

Miquel Navarro, Thành Phố Wall – Wall City, 1995 – 2000. Chì, thiếc, nhôm. Kích thước thay đổi

 

Có hai nghệ sĩ muốn tạo nên những thành phố mô hình như một hình thức kết hợp các đặc tính của địa điểm lẫn chất liệu. Sinh ra tại Congo và hiện nay vẫn đang sống ở Kinshasa, trong những năm 1960 Bodys Isek Kingelez đã làm việc như một thợ phục chế mặt nạ truyền thống châu Phi cho Bảo tàng Kinshasa, nhưng sau đó, vào đầu thập niên 1970, ông bắt đầu sáng tác những tác phẩm cho riêng mình. Những mô hình thành phố hiện đại của ông vừa chi tiết, đầy màu sắc, lại rất huyễn hoặc, được thực hiện trên các chất liệu giấy, bìa, ván ép và nhiều thứ linh tinh khác được thu nhặt từ các thùng rác thải ở những thành phố mà ông định mô tả. Những thứ vật liệu đó cho phép ông thể hiện sự tan rã của môi trường đô thị thông qua các mô hình hư cấu sinh động. Xuất hiện lần đầu trong thế giới nghệ thuật khi trưng bày một trong những tác phẩm điêu khắc mô hình thành phố tại triển lãm “Les Magiciens de la Terre” tại Paris năm l989, kể từ đó, Kingelez đã tạo nên một cách nhìn mới về thành phố Kinshasa quê hương cùng với viễn cảnh tương lai của nó, ví dụ như tác phẩm Đô Thị Tân Manhattan 3021 – New Manhattan City 3021 (2001-2002), một mô hình tưởng tượng về khu trung tâm thành phố Manhattan trong tương lai, vào năm 3021.

Bodys Isek Kingelez, Kinshasa: Đồ Án Của Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, 1997. Gỗ, giấy, bìa các-tông. 100 x 332 x 332 cm

 

Còn Yin Xiuzhen lại làm các mô hình đô thị theo phương pháp “cắt vá” từ những quần áo thời trang loại thải và được bày trong những chiếc va-li cũ. Quần áo được bà tìm kiếm tại những thành phố mà tác phẩm đề cập tới, do đó, tạo nên một sự liên đới mạnh mẽ giữa chất liệu và địa điểm. Bà coi cư dân đương đại có lẽ đã chuyển từ “một môi trường yên tĩnh sang một môi trường liên tục biến động, luôn luôn đổi thay”, và chức năng của va-li chính là “vật mang – hỗ trợ cuộc sống”. Nó cũng là một “nhân vật” có tính chất tạm bợ và lang thang, gây nhiều cảm hứng cho bà khi sáng tạo các tác phẩm điêu khắc quy mô nhỏ; chúng có thể dễ dàng được đóng gói và vận chuyển từ nơi này đến nơi kia. Đến nay, bà đã chế tác nhiều tác phẩm nhỏ bằng vải “nhái lại” các thành phố Quảng Châu, Lisbon, Paris, San Francisco, Sydney, Wellington, New York và Hồng Kông. Các mô hình nhà chọc trời màu sắc rực rỡ của bà là những điển hình rất dễ nhận ra. Trong mô hình thành phố New York thực hiện vào năm 2003, bà đã làm tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới bằng một vật liệu dạng lưới, trong suốt, mờ ảo, tạo nên cảm xúc mong manh trong cái sắc thái ma mị của nó.

Yin Xiuzhen, Thành Phố Xách Tay, New York – Portable City, New York, 2003. Va-li, quần áo cũ, âm thanh, ánh sáng, kính lúp. 82 x 72 x 30 cm.

 

Các điêu khắc gia đương đại cũng thích thực hiện các mô hình kiến trúc phản ánh những nguyện vọng, đôi khi không tưởng, của nền kiến trúc biểu tượng hiện đại trong thế kỷ XX, khởi đầu là các nghệ sĩ Trường phái Cấu trúc Nga như Vladimir Tatlin, và tiếp theo là Le Corbusier, Philip Johnson và Mies van der Rohe. Nhiều mô hình kiến trúc đã xuất hiện trong tác phẩm của thế hệ điêu khắc gia mới tại Đức vào đầu những năm 1980, đặc biệt là trong các tuyệt tác của Thomas Schütte. Ông khởi đầu với loạt mô hình bằng gỗ của những tòa nhà lý tưởng hoặc các xưởng vẽ chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách kiến trúc của Peter Behrens và Bruno Taut. Những mô hình đó thường được đặt trên những chiếc bàn của tàu thủy như một bộ phận cơ hữu không thể thiếu được của tác phẩm. Xưởng Vẽ Trên Rặng Núi II – Studio in the Mountains II là một tác phẩm ngoại lệ nằm ngoài quy tắc này: một ngôi nhà màu đỏ có bao lơn ngắm cảnh nổi bật trên đỉnh đồi làm từ vải xanh phủ trên các tấm gỗ hoặc bìa các-tông. Một băng vải màu vàng thể hiện con đường mà nghệ sĩ phải đặt bước khi ông trở về nơi ẩn dật thôn dã của mình và sẵn sàng tận hưởng bầu không khí hoạt động sáng tạo trong một khung cảnh điền viên bình dị. 

Thomas Schütte, Xưởng Vẽ Trên Rặng Núi II – Studio in the Mountains II, 1984. Bìa các-tông, vải. 400 x 700 cm.

 

Nghệ sĩ Julian Opie lại là người say mê các trò chơi vi tính và các hình ảnh đồ họa kỹ thuật số chính xác được ông đánh giá là “vô cùng tinh vi” và “rất nguyên thủy”. Hai cụm từ này cũng có thể áp dụng cho chính thẩm mỹ của ông. Vào đầu những năm l990, ông bắt đầu làm các mô hình mini bằng gỗ các kiểu nhà thành phố và thôn quê – nhà của nông dân, nhà thờ, lâu đài, cao ốc văn phòng – những tác phẩm điêu khắc này trông như đồ chơi trẻ em pha lẫn với những mẫu thiết kế kiến trúc thương mại. Năm 1996, ông thực hiện năm mô hình xe hơi của các nhãn hiệu ôtô nổi tiếng có kích thước như thật trên chất liệu gỗ phủ sơn. Đây là những tác phẩm duy nhất của ông có kích thước bằng mẫu thực, và ông rất thích thú khi người xem bối rối trong khung cảnh lẫn lộn thực hư, vừa trừu tượng vừa tả thực đầy kỹ xảo do các tác phẩm của ông tạo nên.

Julian Opie, Tưởng Tượng Là Đang Mưa – Imagine That It’s Raining, 1992. Gỗ dán, kính sơn. Có chín đơn nguyên kích thước 54,8 x 48,3 x 13,5 cm; chín đơn nguyên kích thước 161,2 x 144 x 40,4 cm; và chín đơn nguyên kích thước 502,5 x 430 x 122,4 cm

 

Những sở học về kiến trúc và quy hoạch hóa đô thị đã được Callus Morton thể hiện rõ trong các mô hình phức tạp và chau chuốt về những kiệt tác kiến trúc biểu tượng, ví như ngôi nhà kính do Philip Johnson (Glass House) thiết kế vào cuối những năm 1940, biệt thự kính Farnsworth của Mies, căn phòng nhỏ của Le Corbusier, và một ngôi nhà được Adalberto Libera thiết kế để phục vụ cho trường quay trong một bộ phim của Jean-Luc Godard. Morton đã bồi thêm sinh khí vào các mô hình cực kỳ phức tạp của mình bằng những bản nhạc nền đầy chất tự sự cùng với những hiệu ứng chiếu sáng, khiến chúng giống như một phần tích hợp trong “nhà hát của kiến trúc”. Tác phẩm lớn nhất của ông là Môi Sinh – Habitat, một mô hình có tỷ lệ 1:50 của một dự án nhà ở với 158 căn hộ đã được xây theo thiết kế của kiến trúc sư Israel Moshe Safdie tại Montreal dành cho triển lãm Expo 1967.

Callus Morton, Môi Sinh – Habitat, 2002 – 2003. Gỗ, sơn acrylic, nhôm, nam châm tấm, đèn chiếu sáng, âm thanh. Sáu phần, mỗi phần có kích thước 74 x 110 x 130 cm; Kích thước bệ 90 x 648 x 159 cm

 

Xưởng sáng tác hiện nay ở Manhattan của Tom Sachs vốn là một cơ sở mua bán máy móc tên là Allied Machinery Exchange (tạm dịch: Giao dịch Thiết bị Đồng bộ). Sau khi mua lại địa điểm này làm studio, ông đổi tên nó thành Allied Cultural Prosthetics (tạm dịch: Chỉnh hình Văn hóa Đồng bộ). Ông từng làm việc với kiến trúc sư Franz Gehry một năm, và nói theo cách riêng của ông, đã trở thành “một phó mộc bậc thầy”. Triển lãm “Nutsy’s” của ông tại Quỹ Bohen, New York, vào năm 2002, là một triển lãm sắp đặt rất quy mô về một thành phố giả tưởng trong một khu vực rộng tới 4000 feet vuông, bao gồm nhiều thứ linh tinh cùng các tòa nhà; tất cả được thực hiện với tỷ lệ 1:25. Nó bao gồm một bản sao lớn (9 x 18 feet) và chi tiết của khối nhà Khu Chung Cư (Unité d’Habitation) của Le Corbusier thiết kế năm 1952 cho thành phố Marseille; một quán ăn McDonald với tỷ lệ thu nhỏ, một “công viên nghệ thuật hiện đại”, một “ghetto” (trại tập trung), và bản sao một công trình kiến trúc biểu tượng khác của Le Corbusier – tòa biệt thự Villa Savoye của những năm 1928 -1931. Kèm theo thành phố mô hình này còn có bản sao đúng bằng kích thước thật của những chiếc ghế da do Mies van der Rohe thiết kế, khiến cho quy mô và nội dung của các tác phẩm sắp đặt đạt đến mức độ phức tạp y như thực tế. Theo quan điểm của Sachs, các biến thể nhà theo kiểu Le Corbusier và cửa hàng hamburger của McDonald có thể bắt gặp khắp nơi trên thế giới, tất cả chúng đều minh họa cho địa vị thống trị trong các lĩnh vực chúng có mặt – mà trong trường hợp của Le Corbusier, đã được thể hiện một cách méo mó, sai lạc đến mức tệ hại so với nguyên bản. Ông muốn phản ánh sự nhũng lạm ngày càng trầm trọng hơn này [của các kiến trúc phổ biến đó] trong các phiên bản sao chép nhà cửa của mình.

Tom Sachs. Chung Cư Marseille (Unité d’Habitation), 2002. Bọt xốp dán bằng nhiệt, bút bi kim nhãn hiệu Uniball Micro, nhựa cây, giấy cứng briston, mực in nhãn hiệu Wite-out. 218,4 x 525,8 x 96,5 cm. Solomon R. Guggenheim Museum, New York.

 

Những giấc mơ không tưởng như trong các thiết kế của Kingelez cũng xuất hiện trong các tác phẩm phi thực của Carlos Garaicoa – người đã lấy cảm hứng từ thành phố Havana quê hương. Các phong cách kiến trúc đô thị rất đa dạng; nhiều tòa nhà, có lẽ do bị thiếu vốn, nên đã xuống cấp nặng, hoặc đang xây dở dang hoặc bị bỏ quên. Tác phẩm Capitolo, một bản sao đầy đủ của Tòa nhà Capitol ở Washington, DC, nhưng chỉ bằng nửa kích thước thật, là một tác phẩm rất lạ kỳ. Garaicoa thực hiện các mô hình kiến trúc nhằm trình bày ý tưởng về những công trình phục chế và sáng tạo cho các tòa nhà của Havana sau khi nghiên cứu kỹ các đồ án quy hoạch gốc của các kiến trúc sư. Ông cho rằng “những dự án xây dựng được đệ trình liên tục mà chưa bao giờ được thực hiện nghiêm chỉnh đến nơi đến chốn, do hoàn cảnh chính trị và kinh tế của đất nước”, và cách tiếp cận của ông [như một đề án] mang tính cứu vãn. Gần đây ông thực hiện nhiều mô hình kiến trúc nhỏ bằng giấy dó Nhật Bản có đèn thắp sáng bên trong.

Carlos Garaicoa. Bạn Có Thể Liều Mình Xây Dựng Thành Phố Riêng – You Can Build Your Own City at Your Own Risk, 2001. Kệ trưng bày bằng kim loại và thủy tinh hữu cơ, giấy dó Nhật Bản, dây điện, đèn chiếu sáng. 157, 5 x 61 x 406,4 cm.

 

Nghệ sĩ Nathan Coley sáng tạo những mô hình kiến trúc nhằm thẩm định các giá trị xã hội phản ánh qua kiến trúc đó và tại môi trường chúng được xây dựng. Trong cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên tại Edinburgh vào năm 2004, tác phẩm Các Ngọn Đèn Tế, 286 Nơi Thờ Cúng Tại Edinburgh 2004 – The Lamp of Sacrifice, 286 Places of Worships Edinburgh 2004 được ông thực hiện là các mô hình đồ sộ bằng giấy các-tông mô tả những điểm thờ phụng liệt kê trong cuốn danh bạ điện thoại (“Yellow Pages”) của thành phố Edinburgh. Tập trung vào những đức tin của cư dân thành phố, tác phẩm cho người xem trông thấy một tấm bản đồ khác – cho phép họ tái cấu trúc lại những gì vốn quá nhàm chán hoặc đã từng bị bỏ qua.

Nathan Coley, Các Ngọn Đèn Tế, 286 Nơi Thờ Cúng Tại Edinburgh 2004 – The Lamp of Sacrifice, 286 Places of Worships Edinburgh 2004, 2004. Bìa các-tông. Kích thước thay đổi. Bảo tàng Scotland National Galleries oh Modern Art, Edinburgh.

 

(Còn tiếp)

Từ: Sculpture Today, chương 16: SIZE & SCALE. Tác giả: Judith Collins

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Gửi Zone9

Ngô Phương Thảo

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả