|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhBản sắc cũng phong trần như lịch sử 11. 06. 13 - 4:01 pmTrịnh LữSOI: Đang trong mạch bàn về “khác biệt”, đi từ “Khác biệt và khác người” đến “Xin đừng khao khát khác biệt” rồi “vẻ bên ngoài của nghệ sỹ“, SOI thấy có vẻ chúng ta đang lạc khỏi một chủ đề đáng phải đào sâu phân tích và rơi vào những cảm tính cá nhân về một chuyện nhẽ ra chẳng nên bàn đến. Để thay đổi không khí và khơi gợi những thảo luận có ý nghĩa hơn vẫn có liên quan đến “khác biệt”, SOI xin giới thiệu bài viết này, vốn là tham luận của Trịnh Lữ trong một hội thảo về bản sắc văn hóa nghệ thuật của Hà Nội. Có một phong cách hoặc bản sắc nghệ thuật Hà Nội thế kỷ 20 hay không? Đặt ra câu hỏi này khi Hà Nội đang làm một lễ sinh nhật ngàn năm tuổi với những ý đồ có vẻ chả theo một hướng tự vấn nào xác đáng – chả nhẽ đây lại là việc đi tìm những gì không có? Vì thường người ta chỉ biết đến những cái mình không có và hay có ý đi tìm những cái ấy, nhất là những giá trị được coi là bất biến, là tiêu biểu. Nhưng cái vế “thế kỷ 20” được ban tổ chức dùng để giới hạn chủ đề lại gợi ý rằng phong cách hoặc bản sắc nghệ thuật Hà Nội không phải là một hằng số phi thời gian. Câu chuyện nhờ đó mà khả dĩ hơn. Xin nói đến phong cách trước, bản sắc sau. Phong cách nghệ thuật là một khái niệm đã được định hình. Nó thể hiện qua nhiều phương diện trong quá trình sáng tác, thường trước hết là về kĩ thuật, là cái dễ thấy nhất, rồi đến nền tảng triết lý và hình thức diễn đạt. Thí dụ, dùng những chấm màu nguyên nhỏ li ti đặt cạnh nhau để mắt người xem tự làm nốt việc hòa sắc, kĩ thuật sáng tác ấy làm nên phong cách pointilist. Còn triết lý coi “khí vận sinh động” là phép vẽ cốt tử đã tạo nên phong cách hội họa cổ điển Trung Hoa, khác biệt hẳn với phong cách hội họa cổ điển Tây phương coi vẽ là tái tạo thế giới ba chiều như mắt thường vẫn thấy trên mặt phẳng hai chiều. Cùng diễn đạt cái cảm thức về không gian ba chiều, nhưng khi không theo luật viễn cận nữa mà mô phỏng quy ước như vẽ kỹ thuật và ứng vào thế giới tâm lý thì lại dẫn đến phong cách lập thể… Phong cách nghệ thuật hiểu theo thông lệ trên, mà lại gán cho một địa phương thì chỉ hay thấy ở các nghệ thuật dân gian, các nghề thủ công mỹ nghệ – như ở ta thì thấy ở gốm Bát Tràng, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, sứ Hải Dương… hoặc chỉ thấy trong giai đoạn nghệ thuật vẫn được coi là một nghề thủ công, họa sỹ vẫn còn là thợ vẽ, kiến trúc sư vẫn là thợ xây dựng, như bên châu Âu từ thời Trung cổ cho đến thế kỷ 18, khi các thứ nghệ thuật vẫn được đào tạo theo kiểu thầy truyền nghề cho đệ tử đến ăn ở và làm việc cho mình. Màu sắc thì nghiền từ đất đá địa phương mà ra nên cũng mỗi nơi một khác. Tín ngưỡng và phong tục tập quán thời ấy cũng rất khác nhau ở từng địa phương. Cách nhìn cách cảm cách diễn đạt cũng theo đó mà khác biệt. Phần lớn thợ vẽ cả đời chả được nhìn thấy tác phẩm của đồng nghiệp nào ở những nơi khác. Ông thày giỏi nhất một vùng vẽ kiểu gì thì mấy thế hệ học trò kế tiếp cũng trung thành theo lối vẽ ấy. Cho nên hội họa ở Venice khác biệt với hội họa ở Florence một cách rõ ràng, và mới có phong cách Venetian và phong cách Florentine… Nhưng đó là từ thời Trung cổ và Phục hưng. Đến thế kỷ 20 thì thế giới phẳng dần, thiên hạ biết nhau cả, ở đâu cũng vẫn gọi được nhau, nhìn thấy nhau, cùng sài đồ siêu thị, xem tivi, đi xe máy xe hơi, mặc quần bò, dùng màu, giấy, vải… do công nghiệp sản xuất bán khắp thế giới, vẽ được gì thì đưa lên mạng cho nhau xem, không phải đi hàng ngàn dặm mới xem được một bức tranh hoặc nghe được một bản nhạc như ngày xưa nữa. Nghề nghiệp cũng thay đổi: thợ vẽ thì thành họa sỹ với đủ các thứ chức năng bí hiểm, kể cả cảnh báo tương lai; người kể chuyện hát rong thì thành nhà văn nhà thơ, cũng với đủ các chức năng tương tự. Đào hát thì thành ca sỹ. Vũ nữ thành nghệ sỹ múa. Hễ đã là nghệ sỹ thì tất yếu phải là cá nhân loại biệt. Học nghề cũng không bị thầy cầm tay chỉ việc như xưa nữa, mà tha hồ muốn làm gì thì làm. Mọi khuôn thước đều thành không cần thiết, thậm chí ngớ ngẩn. Thành thử chỉ có phong cách cá nhân, không có phong cách của một trường nghệ thuật nào rõ rệt đến mức được gọi bằng tên của địa phương ấy như ngày xưa. Các trường phái ra đời do có một nhóm nghệ sỹ cùng chí hướng và quan niệm cũng chỉ tồn tại được ít lâu vì các cá nhân ấy không thể không bất đồng sau một vài lần trò truyện và cùng làm việc. Phong cách nghệ thuật rút lại chỉ còn là của từng cá nhân nghệ sỹ. Muốn khẳng định mình thì phải khác biệt. Mà phần lớn càng muốn khác biệt thì lại càng giống nhau, ở chỗ chỉ còn thấy cái nỗ lực muốn được khác biệt ấy thôi chứ hiếm thấy một nền tảng triết lý nghệ thuật nào có giá trị nhân bản xác đáng làm xương sống cho những lối diễn đạt xứng hợp với giá trị ấy. Vì bản thân cái gọi là “nhân bản” cũng không còn rõ ràng yên trí như xưa, khi cõi người còn có những niềm tin và lí tưởng để hướng đến, như cái Đẹp và cái Thiện. Nghệ sỹ đa phần ai cũng muốn làm một cá nhân tự do không phải ràng buộc với bất kì cái gì, kể cả gia đình, quê hương, cho đến chính bản thân mình. Trong chợ nghệ thuật, chả ai buồn hỏi có phong cách New York hoặc Paris hoặc London hay không làm gì. Có phong cách nghệ thuật Hà Nội hay không là một câu hỏi chất chứa nhiều ẩn ức về căn tính. Cảm thấy thiếu thì mới muốn đi tìm. Nhất là khi nghĩ mình đã có ngàn năm tuổi. Nhưng đó là suy nghĩ theo cách hiểu đã thành thông lệ đối với khái niệm phong cách nghệ thuật. Còn với khái niệm bản sắc văn hóa Hà Nội trong nghệ thuật thì không phải theo thông lệ nào cả. Nhà thơ Inrasara có một câu giản dị rằng “Bản sắc là sự khác biệt”. Làm người mà lại không có gì khác biệt, ai cũng như ai, thì chán lắm, nên ai cũng muốn mình có cái gì đó khác biệt với người xung quanh. Ở mức cộng đồng và xã hội cũng thế. Từ ngày được mời viết tham luận này, tôi đã tranh thủ hỏi vài chục người Hà Nội, phần nhiều có dính dáng đến nghệ thuật, và ai cũng trả lời rằng “Có chứ, nhất định là nghệ thuật Hà Nội có bản sắc riêng của nó chứ!” Người thạo văn chương thì dẫn ra các tác giả từ thời Tự lực văn đoàn cho đến Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải. Người thạo hội họa thì nhắc đến các họa sỹ thời Mỹ thuật Đông Dương, mà chỉ coi thế hệ ấy mới manh nha có bản sắc Hà Nội trong nghệ thuật của họ thôi. Nhưng khi hỏi tiếp rằng thế thì cái bản sắc Hà Nội ấy là gì, nó thể hiện ra qua những yếu tố hoặc phương diện nào trong tác phẩm hoặc quá trình sáng tác, thì mọi người đều lúng túng, không ai khẳng định được một điều gì rõ ràng, chỉ mơ hồ với những tính từ như “pure”, “nhẹ nhàng”, “tinh tế”, “thanh lịch”, “nhã nhặn”… Còn tôi thì tin rằng người ở địa phương nào cũng có thể nghĩ về mình với những tính từ ấy. Những nhẹ nhàng tinh tế kiểu Hà Nội có khi còn bị coi là hời hợt, giả tạo chứ chả puya piếc gì. Người Việt gốc rễ nặng, tranh cãi những chuyện kiểu này thì ai cũng thấy quê mình là hơn. Có điều Hà Nội đã có tiếng từ xưa là đất kinh kỳ thanh lịch, nên mọi người thường muốn coi thanh lịch nhã nhặn tinh tế là bản sắc của người Hà Nội. Nhưng từ xưa người Hà Nội cũng còn được gọi là dân “kẻ chợ”, mà cái chất chợ búa ấy đang ngày một bành chướng theo định hướng thị trường xã hội chủ nghĩa, khiến cái sơ khoáng tự nhiên ở những nơi xa xôi lại thành ra thanh lịch lạ lùng. Nhưng ở đây ta đang bàn xem nghệ thuật Hà Nội thế kỷ 20 có một bản sắc nào không. Vậy thì trước tiên chắc cũng phải đồng ý với nhau về khái niệm thế nào là Nghệ thuật Hà Nội cái đã. Như về hội họa, thì hội họa Hà Nội nghĩa là thế nào? Là tranh vẽ của các tác giả người Hà Nội? Là tranh được sáng tác ở Hà Nội? Là tranh được trưng bày mua bán ở Hà Nội? Là tranh vẽ phong cảnh, con người Hà Nội? Nhưng ai là người Hà Nội? Sinh ra, lớn lên, học hành, lấy vợ đẻ con ở Hà Nội thì là người Hà Nội? Hay cứ có hộ khẩu Hà Nội thì là người Hà Nội? Hoặc không hộ khẩu nhưng về sống và sáng tác ở Hà Nội thì là nghệ sỹ Hà Nội? Là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội thì là họa sỹ Hà Nội? Có lúc tôi đã nghĩ Nghệ thuật Hà Nội là tất cả tác phẩm nghệ thuật của những người sinh cơ lập nghiệp tại Hà Nội và đã có cơ duyên bắt rễ vào cái mạch văn hóa loại biệt của đất Hà Nội, đã trở thành một phần của dòng chảy văn hóa ấy. Khía cạnh bắt rễ văn hóa trong cách hiểu này là quan trọng hơn khía cạnh sinh cơ lập nghiệp có tính chất hành chính. Nhưng như thế nghĩa là phải có một dòng chảy văn hóa Hà Nội nó ngâm tẩm tẩy rửa nhuận sắc cho mọi cư dân ngụp lặn sinh tồn trong đó. Cái dòng chảy văn hóa ấy ở đâu mà ra chứ? Mới chợt vỡ nhẽ rằng đây cũng lại chỉ là một ngộ nhận, một tưởng tượng lười biếng muốn quy trách nhiệm cho Đất về cả cái hay lẫn cái dở của đời người. Người làm ra văn hóa nghệ thuật chứ có phải đất đâu. Ừ thì đất cũng có văn, nhưng cái văn ấy chỉ khiến con hổ Siberia khác con hổ Đông Dương chút xíu về thể chất và hình hài thôi chứ không thể khiến chúng tạo tác nên cái gì được. Trong chuyện đang bàn, tôi nghĩ Nghệ thuật Hà Nội nên được hiểu là những tác phẩm của các tác giả được cho là đại diện của Hà Nội ở một thời kỳ nhất định. Do vậy, Nghệ thuật Hà Nội có những bản sắc khác nhau ở từng thời kỳ khác nhau. Hãy bàn thêm về hai chữ đại diện. Những họa sỹ nào có thể đại diện cho hội họa Hà Nội? Cứ lấy nhãn quan của một người ngoại quốc hoặc một người quan tâm đến hội họa nhưng không có quan hệ yêu ghét gì với các nghệ sỹ ở Hà Nội, thì đại diện cho hội họa Hà Nội rõ ràng là những họa sỹ sinh sống làm việc ở Hà Nội và có tiếng nhờ tác phẩm của mình. Tranh của họ có mặt tại các phòng tranh có uy tín của Hà Nội, hoặc ở ngay xưởng vẽ của họ tại Hà Nội. Ai đến Hà Nội cũng nghe tiếng họ là họa sỹ ở đây, và có thể tìm thấy mọi thông tin về họ và tác phẩm của họ ở những nguồn tin chính thống hoặc không chính thống. Dù danh tiếng ấy có thế nào đi nữa thì cũng vẫn là cái khiến cho họ trở thành đại diện một thời của hội họa Hà Nội. Không thể chỉ vì không ưa tác phẩm hoặc con người của họ mà bảo tác phẩm của họ không phải là Nghệ thuật Hà Nội. Sự chọn lọc của thị trường nghệ thuật cũng là sự chọn lọc của giới công chúng yêu chuộng nghệ thuật, mà dù công chúng ấy có vớ vẩn thì cũng vẫn cứ là công chúng, hay dở gì cũng là đại diện cho Hà Nội một thời kỳ nhất định. Nói chỉ có L’École des Beaux Art de l’Indochine mới có bản sắc văn hóa Hà Nội là nói theo quan điểm của người chỉ muốn chấp nhận giá trị lãng mạn tiểu tư sản thị dân đậm chất thuộc địa Pháp là đại diện cho văn hóa Hà Nội. Than rằng bản sắc Hà Nội nay đã tan loãng nhòe nhoẹt cả rồi chỉ là tâm lí hoài cổ của người đã chót chỉ yêu chung thủy cái phiên bản lịch sử đã qua của Hà Nội đó thôi. Trong thế kỷ 20 tôi không thấy có một phong cách, hoặc trường phái nghệ thuật Hà Nội nào cả. Ấy là hiểu theo nghĩa của thuật ngữ Phong cách và Trường phái nghệ thuật mà thế giới vẫn dùng. Nói cách khác, về mặt mỹ học cũng như lịch sử mỹ thuật thì Hà Nội không có một phong cách nào làm đại diện cho mình. Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Tô Ngọc Vân, Lê Thiết Cương, Lê Quảng Hà, cùng rất nhiều họa sỹ khác ở Hà Nội đều có phong cách riêng của mỗi người. Nhưng không thể nói phong cách của ai có thể là đại diện cho Hà Nội – là Phong cách Hà Nội. May mà như vậy. Nó chứng tỏ Nghệ thuật Hà Nội đã tiến hóa vượt khỏi tầm thủ công mỹ nghệ. Còn về bản sắc văn hóa Hà Nội trong nghệ thuật tạo hình thế kỷ 20 thì nhất định là có, nhưng là ở phương diện lịch sử, với nghĩa là những đặc tính khác biệt, và do vậy không phải là hằng số phi thời gian. Theo cách tôi nhìn, bản sắc ấy quả thật cũng phong trần như lịch sử: • Từ đầu thế kỷ cho đến nửa sau của thập kỷ 1950’s: tiểu tư sản dân tộc, đi từ lãng mạn cá nhân đến lãng mạn cách mạng, hứng khởi chân thực, diễn đạt tự do, kỹ thuật theo hướng khuôn vàng thước ngọc của phương Tây và chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa nghệ thuật Pháp; • Từ cuối thập kỷ 1950’s đến trước mở cửa: công nông binh xã hội chủ nghĩa, tập thể hóa cảm xúc, hứng khởi thoái hóa từ chân thực sang khiên cưỡng có chỉ đạo, kỹ thuật nghiệp dư hóa, diễn đạt gò bó, vay mượn chủ yếu từ Liên Xô Trung Quốc hoặc khai thác vốn cổ dân gian về mặt hình thức; • Từ mở cửa cho đến nay: hoang mang căn tính, dò dẫm tự do, hứng khởi thị trường, say mê hội nhập, diễn đạt vay mượn chủ yếu từ quảng cáo và các loại hình nghệ thuật phương Tây đương đại. Đó là nói về cái dòng chảy lộ diện và đại diện của nghệ thuật Hà Nội. Gọi là chính thống cũng được, mặc dù báo chí và công luận nhiều khi vẫn không thích thế. Cũng dễ hiểu là tại sao hiện nay những tác phẩm của thời kỳ trước 1954 vẫn có sức hấp dẫn tự nhiên mạnh mẽ, và nhiều người vẫn muốn tin rằng chỉ có chúng mới mang bản sắc Hà Nội, một bản sắc đang mới manh nha chưa định hình. Cũng muốn đi tìm một dòng chảy nghệ thuật âm thầm và vô danh của Hà Nội, nhưng nếu có thì chắc nó cũng chả đại diện được cho mảnh đất vốn nhẹ nguyên tắc, ngại cực đoan, mải hưởng lạc, thạo bắt chước và giỏi thích ứng này. Âu cũng là một vấn nạn của việc đi tìm bản sắc cho một vùng đất khởi lên từ 36 phường thủ công mỹ nghệ và tiểu thương chuyên phục vụ cho cuộc sống vua quan nay lại lọt thỏm giữa những đợt triều cường nhập cư khi thế giới đã đang thành phẳng lì và ngày càng trơ trụi. Chợt nhớ một câu thơ Tagore: ‘I run as a musk-deer runs in the shadow of the forest mad with his own perfume… I lose my way and I wander, I seek what I cannot get, I get what I do not seek…”* Dù sao, hươu xạ vẫn còn thơm bằng xương tủy thịt da của chính mình. Nhưng có vẻ đó lại là một câu chuyện khác.
Hà Nội, đầu tháng 9/2010 * Chú thích: (*): Ta chạy như con hươu xạ chạy trong bóng tối của rừng, điên dại với hương thơm của chính mình… Ta lạc lối và ta lang thang, tìm cái ta không thể có và có cái ta chả kiếm tìm… *
Bài liên quan: – Bàn thêm về vẻ ngoài của nghệ sỹ Ý kiến - Thảo luận
22:54
Thursday,13.6.2013
Đăng bởi:
tiến thánh
22:54
Thursday,13.6.2013
Đăng bởi:
tiến thánh
Bài viết hay quá.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp