Thị trường

Eva Presenhuber: Tiếc là đã không mua Franz West nhiều hơn 14. 06. 13 - 12:27 am

Hữu Khoa dịch

 

Eva Presenhuber bên một tác phẩm của Franz West tại gallery của bà


Eva Presenhuber là chủ nhân của Galerie Eva Presenhuber, chuyên về nghệ thuật đương đại, có địa chỉ tại Zahnradstrasse 21, Zurich, Thụy Sĩ.

Galerie của bà từng làm triển lãm cho các nghệ sĩ: Doug Aitken, Emmanuelle Antille, Martin Boyce, Angela Bulloch, Latifa Echakhch, Urs Fischer, Peter Fischli and David Weiss, Liam Gillick, Alex Hubbard, Tim Rollins và K.O.S., Jean-Frédéric Schnyder

ArtInfo có bài phỏng vấn bà, xin dịch lại dưới đây.

Alex Hubbard, Bent Paintings (Installation View), Courtesy of Galerie Eva Presenhuber

Lai lịch của bà là thế nào? Thời đó có được xem tranh tượng nhiều không?

Tôi lớn lên trong một ngôi làng nhỏ gần Linz, nơi cha mẹ tôi có một cơ sở kinh doanh nhỏ. Mẹ tôi và dì tôi thích nhạc cổ điển. Cuối tuần chúng tôi thường đi thăm các tu viện, nhà thờ. Vậy là khi còn nhỏ, tôi được giáo dục nghệ thuật qua nghệ thuật biểu trưng của Công giáo.

Cái gì đưa đẩy bà tới công việc gallery?

Tôi học tại Đại học Nghệ thuật Ứng dụng ở Vienna, đó là trường nghệ thuật năng động nhất ở thành phố này thời những năm 1980s. Tôi làm việc cho một gallery ở Vienna là Grita Insam được hai năm. Trong thời gian đó, tôi kết bạn với rất nhiều nghệ sĩ và sinh viên. Đó là một quãng thời gian quan trọng đối với tôi. Chính lúc đó tôi gặp được nghệ sĩ Thụy Sĩ Ugo Rondinone, khi bản thân tôi đang vật lộn vẽ tranh với nặn tượng, Ông là người đã ủng hộ tôi ý tưởng mở một gallery.

Triển lãm “Kiss Now Kill Later” (Hôn nay mai thịt?) của Ugo Rondinone tại Galerie Eva Presenhuber

 

Chi tiết tác phẩm của Ugo Rondinone


Bà mở gallery đầu tiên ở đâu và khi nào?

Tôi tới Zurich vì Thụy Sĩ nổi tiếng với những triển lãm đương đại quan trọng, đặc biệt là hai nơi Basel và Zurich. Năm 1989, tôi giữ vị trí giám đốc trưng bày của một cơ sở nghệ thuật có tên Walcheturm. Kế hoạch của tôi là biến chỗ ấy thành một gallery của thị trường sơ cấp về nghệ thuật đương đại, và mãi đến 1998 tôi mới làm được điều đó. Sau đấy, tôi hợp tác với Iwan Wirth và vợ ông là Manuela, cả mẹ vợ ông là Ursula Hauser (về sau bà mở gallery Hauser & Wirth). Việc hợp tác ấy rất tuyệt, nhưng vì có quan điểm khác nhau, nên sau 5 năm hợp tác chúng tôi chia tay. Năm 2003, tôi mở gallery đầu tiên của tôi. Rất may là những nghệ sĩ tôi từng hợp tác như Doug Aitken và Richard Prince, đều vẫn đi tiếp cùng tôi.

View of “39greatjones,” Galerie Eva Presenhuber, Zurich, 2013.


Ngày nay, đâu là khó khăn lớn nhất trong việc vận hành một gallery?

Có rất nhiều việc, và muốn có một gallery thành công, bạn cần phải có những nghệ sĩ tài năng. Nhiều nghệ sĩ tôi từng hợp tác lúc khởi nghiệp, khi họ còn trẻ, nay đã trở nên rất thành công. Thách thức lớn nhất là làm sao tìm ra những nghệ sĩ giỏi nhất của thế hệ mới này và trở thành người hữu ích trước những yêu cầu của họ. Những nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp nếu bạn thấy sự nghiệp (của một nghệ sĩ) tiến triển theo cách lạc quan.

Tác phẩm đầu tiên nào trong đời đã tác động mạnh đến bà?

Trải nghiệm nghệ thuật to lớn đầu tiên của tôi là khi đi thăm bảo tàng Kunsthistorisches ở Vienna, lần đầu tiên, khi tôi 14 tuổi. Tôi yêu phòng trưng bày của Velázquez quá. Đó là lần đầu tiên tôi biết mình thích làm việc trong lãnh vực nghệ thuật.

Diego Velázquez and The Needlewoman


Bà hãy mô tả thị trường nghệ thuật ở đây đi…

Thị trường tại Thụy Sĩ dựa trên những nhà sưu tập tư nhân thông thạo và những cơ sở rất lớn như Kunstmuseum Basel và Kunsthaus Zurich. Việc mua các tác phẩm nghệ thuật ở đây so với những nơi khác trên thế giới ít mang tính đầu cơ hơn, bởi vì giới sưu tập giàu có của Thụy Sĩ từ lâu đã có truyền thống sưu tập. Họ là những người hiểu giá trị thực của nghệ thuật, và họ có tiền để mua được nó. Hội chợ “xịn” nhất trên thế giới về nghệ thuật đương đại cũng là ở Basel, làm cho thị trường Thụy Sĩ đã mạnh càng mạnh hơn.

Tác phẩm của Josh-Smith tại Eva Presenhuber


Trước giờ bà có gặp tác phẩm nào mà khi “chia tay” thấy đau lòng không?

Giúp ra đời những tác phẩm đắt tiền và sau đó không thể bán đi một cách dễ dàng cũng đau lòng vậy.

Những lời khuyên từ đồng nghiệp có ảnh hưởng thế nào đến công việc làm ăn của bà?

Tôi thích nói chuyện với những đồng nghiệp và những nhà sưu tập từng trải. Họ giúp tôi nhìn nhận công việc làm ăn của mình một cách khách quan. Các nghệ sĩ cũng cho được nhiều lời khuyên tốt, thí dụ họ khuyên là nên nghe theo bản năng mách bảo, nên đánh giá nghệ thuật theo giá trị nghệ thuật chứ đừng theo giá trị tiền nong.

Tác phẩm Natural Beauty (2009) của Eva Rothschild tại Galerie Eva Presenhuber


Không nói chuyện giá cả nhé, nếu cho sở hữu một tác phẩm nào đó trên đời, bà sẽ chọn tác phẩm nào?

Thường thì tôi sưu tập mọi nghệ sĩ tôi triển lãm, nhưng tôi vẫn vì tiếc đã không sở hữu nhiều tác phẩm của các cố nghệ sĩ Franz West, Peter Fischli và David Weiss.

Fischli/Weiss, Sắp đặt, “Rock on Top of Another Rock” (Đá đặt trên đá khác – 2013)


Ngoài thế giới nghệ thuật, bà còn say mê cái gì khác không? 

Tôi say mê kiến trúc. Tôi yêu sự tương tác giữa không gian và thiên nhiên.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả