Thị trường

Túng thì túng, vẫn mua tranh như điên tại Art Basel 43 16. 06. 12 - 7:48 am

Benjamin Genocchio - Phạm Phong phỏng dịch

“Không đề XII” 1985, của Willem de Kooning, tại gian của gallery Kukje/Tina Kim Gallery.

 

BASEL, Thụy Sĩ – Cứ nhìn cảnh vung tiền mua bán tại Art Basel lần thứ 43, thật không thể không thắc mắc, sao mà cái chóp trên cùng này của thị trường nghệ thuật lại tách rời khỏi phần còn lại của thế giới đến thế. Tôi đoán lâu nay mọi sự vẫn là như vậy, nhưng lúc này, khi nền kinh tế các nước châu Âu đang khốn đốn vì nợ, thì cảnh mua bán điên cuồng này có gì đó đặc biệt không thích hợp, nếu không nói là khiến ta rùng cả mình.

Một phần có lẽ do các nhà buôn hình như đã chơi màn tố giá: mang đến những tác phẩm đắt nhất, to nhất từ xưa tới nay. Họ rõ ràng đang cạnh tranh với các nhà đấu giá, nhưng đồng thời cũng dùng những tác phẩm giá cực cao như một chiến lược tiếp thị, thu hút truyền thông và kéo các nhà sưu tập tới gian hàng mình. Trong hình là một tác phẩm của Rothko được nhà Marlborough bán được giá 78 triệu USD.

Tại Art Basel năm nay, mọi thứ bán được cực nhanh. Vừa mới trưng ra chưa được hai tiếng đồng hồ, nhà Marian Goodman đã bán được bức Sọc 922-1 (2011 – trong hình) của Gerhard Richter với một cái giá không được tiết lộ.

Cạnh đó, nhà L&M Arts cũng bán được một bức tuyệt vời của Frank Stella, vẽ năm 1967 (hình) với giá 2 triệu USD. Còn nhà Karsten Greve ngay trước bữa trưa đã kịp bán một bức của Twombly, một bức của Fontana, và một bức của Chamberlain.

Khỏi cần nói cũng biết, gian triển lãm của gallery Gagosian ngay từ phút đầu đã nghìn nghịt đông, với một đống những tác phẩm sang trọng của Picasso, Hirst, Warhol, nhưng “not for sale” (không bán), theo như lời một người bán hàng trong đội bán hàng của Gagosian lượn lờ quanh đó. Sự thư thả pha nét kiêu căng của đội ngũ nhân viên, cùng với sự sốt sắng của các nhà sưu tập sẵn lòng trả bất kỳ cái giá nào mà ngài Larry đưa ra, quả là một sự loạn trí. (Trong hình: Wendi Murdoch, Larry Gagosian, và Dasha Zhukova tại một bữa tiệc ở Art Basel cách đây 2 năm.)

Năm nay, có dư luận cho rằng các nhà sưu tập Mỹ nổi lên lại, nhờ sự mất giá của đồng Euro, nhưng các nhà sưu tập châu Âu thực chất vẫn hiện diện hùng hậu. Nhà Hans Kraus ngay những giờ đầu mở cửa đã bán được hai bức ảnh, cho một cơ sở nghệ thuật của Mỹ, và cho một bảo tàng Đức. Nhà Kukje (trong hình) cũng bán được một bức của Richard Prince và có người đặt cọc một bức của Lee Ufan, cả hai đều cho những khách hàng “có máu mặt” của châu Âu, đó là theo lời bà Lee, chủ nhân của gallery.

Còn với những ai quan tâm đến nghệ thuật hơn là đến buôn bán nghệ thuật, thì hội chợ này đã mang lại cho họ rất nhiều. Gian trưng bày của Pace Gallery xưa nay vẫn tuyệt, nhưng lần này phải gọi là xuất sắc, với một hỗn hợp những tác phẩm từ các nghệ sĩ của gallery như Raqib Shaw (hình, bức Golden Apple ShowerMưa táo vàng, 2012 ), Tara Donovan, Li Songsong, Lin Tianmiao, và nhiều người nữa.

Rủi một cái là không gian không đủ cho đám đông, và có lúc người xem cảm thấy ngột ngạt, nhất là vào khoảng 3 giờ chiều hôm khai mạc, khi từng đoàn khách VIP đổ vào.

Gian của Landau Fine Art cũng đông nhưng đã có một bức của Giorgio de Chirico rất tuyệt. Gian của Matthew Marks (hình) thì bày rất khéo và cân đối với những tranh và tượng của Ellsworth Kelly, Rebecca Warren, và Katharina Fritsch, và tất cả đều bán sạch.

Gian của Zwirner đầy những tác phẩm hạng nhất và giá cao ngút trời…

Nhìn chung, năm nay tường các gian hàng có vẻ bớt chen chúc. Người ta dường như chú trọng hơn tới việc bày biện các tác phẩm quan trọng. Gian của Lelong (hình) đã dành hẳn một khoanh khá lớn cho một bức tượng của Luciano Fabro, và bức này bán được ngay lập tức. Trong lúc đó, bên gian triển lãm nhà Michael Werner, tranh của nghệ sĩ Đan Mạch Per Kirkeby treo đặc phía vách ngoài.

Một vài nhà sưu tập càu nhàu với tôi về việc chèn ngày cho khách VIP vào giữa hai hôm thứ Ba và thứ Tư, khiến cho vào cửa hôm khai mạc khó khăn hơn (tôi thậm chí cũng không được vào bằng thẻ báo chí, cho đến khi có người can thiệp), mặc dù ai cũng công nhận, nói chung việc đó là tốt: những gian hàng bớt đông nghẹt người thì (khách VIP) dễ ngắm tác phẩm hơn. Xét cho cùng, hội chợ là để bán mà, và ít nhiều gì thì việc buôn bán so ra cũng mỗi năm mỗi khá hơn. (Trong hình: một khách tham quan chụp tác phẩm của Hiroshi Sugimoyo tại Art Basel 43).

 

*

Bài liên quan:

– Art Basel năm nay: 300 người cười, 700 kẻ khóc
– Túng thì túng, vẫn mua tranh như điên tại Art Basel 43

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả