Thị trường

10 thói quen cho một họa sĩ thành công 30. 10. 13 - 5:49 am

Geoffrey Gorman - Thúy Anh lược dịch

Muốn thành công và giữ cho sự thành công được vững chãi, ổn định, các họa sĩ cần:

1. Hình dung từng chặng các mục tiêu cần đạt một cách có chiến lược. Một khi các mục tiêu đã rõ ràng, hãy chia chúng thành từng bước nhỏ và lên kế hoạch thực hiện. Ví dụ trước tiên tìm chọn phòng tranh trong nước làm đại diện, rồi trong khu vực rồi đến các nước xa hơn như châu Âu.

2. Thường xuyên mời đồng nghiệp nhận xét tác phẩm. Hãy tập thói quen mời các họa sĩ mà bạn tôn trọng, ngưỡng mộ đến xưởng vẽ để xem tác phẩm ít nhất một tháng một lần. Những lời nhận định chân thành, chính xác rất bổ ích cho sự nghiệp phát triển thành họa sĩ chuyên nghiệp của bạn. Lý do khác nữa là vì những họa sĩ đó sẽ biết ít nhiều thông tin kinh doanh của thị trường mỹ thuật. Hãy gặp mặt ăn trưa hay uống cà phê cùng nhau chia sẻ thông tin, nghe và bàn bạc về các cơ hội triển lãm ở đâu đó… và cũng là để học hỏi lẫn nhau.

3. Đánh giá các mục tiêu đã đặt ra một cách định kỳ. Một tháng một lần hãy ngồi xem lại các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn đã đặt ra. Tốt nhất ghi mục tiêu vào lịch hay sổ tay thay vì trong đầu, để khi xem lại đối chiếu với những gì đã làm sẽ thấy những mục tiêu này có thực tế và khả thi không từ đó đưa ra quyết định và hành động phù hợp. Nếu gặp khó khăn hãy xem lại mục tiêu và điều chỉnh. Kiên định nhưng linh động.

4. Cập nhật tài liệu thông tin bản thân. Chậm nhất ba tháng một lần phải cập nhật tiểu sử, tự bạch, các bài viết trên báo, hình chụp tác phẩm gần nhất cũng như danh mục toàn bộ các tác phẩm với đầy đủ thông tin và giá. Lưu các tài liệu này vào một chỗ để dùng ngay khi cần. Càng muốn dấn sâu vào con đường chuyên nghiệp càng phải sẵn sàng những chuyện này.

(Lời người dịch: Đa số họa sĩ Việt Nam chuyên tâm sáng tác và không chú trọng khoản viết lách giới thiệu bản thân hay chuẩn bị tài liệu, thông tin, bằng chứng là phần giới thiệu về họa sĩ thường là ngắn ngủn sơ sài. Thực chất đây là phần việc rất quan trọng, nó giúp họa sĩ nói về bản thân nêu bật nét đặc trưng đặc biệt, khiến mọi người chú ý đến mình nhiều hơn. Họa sĩ không nên “đổ thừa” tại mình không có khiếu viết lách, cũng không nên cho rằng “hãy để tác phẩm nói lên tất cả”, bởi vì nếu ý thức được tầm quan trọng và cần thiết của phần việc này thì họa sĩ ắt sẽ tìm được cách thực hiện (ví dụ soạn ý chính rồi nhờ người văn hay chữ tốt viết giùm, hoặc lên mạng tìm tòi tham khảo các bài viết hay rồi lấy cảm hứng tự viết cho mình…)

5. Cám ơn chân thành những người giúp mình. Giám tuyển của các bảo tàng nói rằng họ không bao giờ thấy họa sĩ cám ơn vì đã giúp tổ chức triển lãm thành công. Họa sĩ chỉ muốn các giám tuyển treo nhiều hơn các tác phẩm của mình.

Họa sĩ hãy tập thói quen cảm ơn chân thành đồng sự của mình bằng lời hay văn bản cụ thể, thay vì cảm ơn trong lòng hoặc thậm chí cho là đó là phần việc đương nhiên mà đồng sự phải làm. Hãy tập viết và gởi lời cảm ơn đến các nhà sưu tập đã quan tâm và mua tác phẩm của mình, hãy cám ơn các đơn vị, cá nhân buôn hay môi giới tranh đã giới thiệu tác phẩm của mình, hãy cám ơn những nhà phê bình đã viết về tác phẩm của mình, và cám ơn những người khác bất kể ai đã quan tâm đến sự nghiệp của bạn. Rồi bạn sẽ thấy thói quen này làm nên sự khác biệt lớn trong bước tiến sự nghiệp mà lại không đòi hỏi nhiều công sức nơi bạn. Hãy luôn có một chồng bưu thiếp có hình mình trên đó sẵn sàng viết lời cảm ơn và gởi đi mọi lúc. Mọi người sẽ đánh giá cao sự chu đáo và chân thành của bạn.

6. Không ngừng sáng tác và sáng tạo. Georgia O’Keeffe từng nói rằng một họa sĩ nghiêm túc luôn có sẵn số lượng tác phẩm đủ để làm ba cuộc triển lãm cá nhân cùng lúc. Giới sưu tập và buôn tranh cũng như giám tuyển các bảo tàng luôn muốn thấy niềm đam mê và sự lao động chăm chỉ ở một họa sĩ chuyên nghiệp. Đằng sau ẩn ý ấy, về mặt thực tế, việc sáng tác nhiều giúp họa sĩ có nhiều tác phẩm, tức có nhiều hơn khả năng chọn ra được nhiều tác phẩm đẹp để sẵn sàng cho một cơ hội triển lãm bất ngờ nào đó. Hãy đặt chỉ tiêu cho riêng mình mỗi tháng vẽ mấy bức tối thiểu.

7. Dành ngân sách để du lịch và khám phá các nước để thấy thế giới rộng lớn cuộc sống, con người đa dạng. Điều này giúp họa sĩ tái nạp năng lượng, làm mới cảm xúc và ý tưởng, đừng quên tranh thủ thăm nhiều phòng tranh, tìm hiểu các quy định quy trình thực hiện triển lãm của nơi ấy, tìm đọc ấn phẩm mỹ thuật địa phương để lấy thông tin về các sự kiện mỹ thuật nhằm hiểu hơn thị trường mỹ thuật tại đó.

8. Tặng tác phẩm. Đóng góp tác phẩm vào các buổi đấu giá, cách này giúp tác phẩm được nhiều người biết đến, tiểu sử họa sĩ sẽ tốt hơn và giúp có thêm mối quan hệ. Không nên lạm dụng việc tặng tác phẩm để đấu giá từ thiện, nhưng tặng bảo tàng lại là một vấn đề khác. Đa số bảo tàng nhận tranh trực tiếp tặng bởi họa sĩ. Bảo tàng nào không nhận trực tiếp thì họa sĩ liên hệ nhà sưu tập quen biết và lên tiếng tặng tác phẩm của mình cho nhà sưu tập đó để nhờ họ tặng lại cho bảo tàng. Rất đáng làm điều này vì không những nó giúp “nâng cấp” tiểu sử của họa sĩ, mà còn là cách để họa sĩ giới thiệu mình với giám tuyển của bảo tàng.

Hãy giữ liên lạc và tạo điều kiện để giám tuyển lựa chọn tác phẩm họ muốn nhận, qua đó có cơ hội hiểu họ hơn, thậm chí giữ liên lạc và phát triển mối quan hệ. Đây là cách tốt để mở rộng mạng lưới đồng nghiệp đối tác trong giới kinh doanh mỹ thuật. Sau khi họa sĩ tặng tác phẩm cho bảo tàng, đừng ngại ngỏ lời xin tham quan xem bộ sưu tập của bảo tàng, các giám tuyển sẽ rất tự hào và sẵn lòng chào đón. Nhân dịp đó nhớ kiểm tra xem họ có cập nhật tác phẩm của bạn vào hệ thống của bảo tàng chưa.


9. Biết ai là người quan trọng trong cuộc chơi
. Đó là nhưng nhà sưu tập lớn, những phòng tranh có sức ảnh hưởng, giám đốc đương nghiệm của các bảo tàng, những giám tuyển và những nhà phê bình mỹ thuật năng động. Những mối quen biết này không phải đến từ sự thành công của họa sĩ mà những mối quen biết này mang đến thành công cho họa sĩ. Họa sĩ muốn thành công hãy tìm hiểu những người này là ai, hãy tương tác với họ. Đừng nghĩ rằng mọi người sẽ đổ xô tìm mình vì mình có tác phẩm đẹp. Bạn có biết ngoài kia có rất nhiều họa sĩ năng động đầy tham vọng, họ luôn chủ động tiếp cận và thiết lập mối quan hệ với những con người quan trọng này. Hãy đến những buổi khai mạc, thuyết trình hay làm tình nguyện viên tại bảo tàng để có cơ hội tiếp xúc nhân viên bảo tàng và các nhà sưu tập ghé thăm. Bạn biết họ là ai thì họ cũng sẽ biết bạn sớm thôi.

10. Đọc các ấn phẩm mỹ thuật thương mại. Các ấn phẩm thương mại mỹ thuật chứa đựng thông tin về sự kiện, ý kiến phân tích, nhận định trong ngành kinh doanh mỹ thuật, giúp họa sĩ cập nhật điều gì đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực. Thậm chí việc đọc các mẩu quảng cáo cũng giúp họa sĩ biết thể loại nào đang được giới kinh doanh, sưu tập quan tâm. Hay các bài viết nêu tên những người quan trọng trong giới cũng sẽ rất bổ ích.

 

Ý kiến - Thảo luận

23:23 Thursday,4.9.2014 Đăng bởi:  Đặng Duy Nam
Xin lỗi.. Anh có thể giới thiệu cho em một người sưu tầm tranh ở TP Nha Trang được không ạ
...xem tiếp
23:23 Thursday,4.9.2014 Đăng bởi:  Đặng Duy Nam
Xin lỗi.. Anh có thể giới thiệu cho em một người sưu tầm tranh ở TP Nha Trang được không ạ 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả