Thị trường

Khi người khác kiếm tiền từ việc bán tác phẩm của bạn 18. 04. 14 - 5:40 am

Thúy Anh dịch từ Artbusiness.com

.

Nghệ sỹ và người mua tác phẩm có một mối quan tâm chung là cả hai đều muốn tác phẩm ngày càng có giá. Mối quan hệ tuyệt hảo này nếu không tồn tại thì chẳng ai có gì–nghệ sỹ không có tiền, người mua không có tác phẩm. Mối quan hệ này đầy hòa bình và tình yêu? Không phải. Mây đen và sấm giật nơi chân trời. Là sao? Là nghệ sỹ và người sở hữu tác phẩm còn có cùng một mối quan tâm khác, nói đúng hơn là một mâu thuẫn, đó là khi tác phẩm trở nên có giá, mỗi người họ đều càng muốn có thêm, ai cũng trở nên tham lam và sẵn sàng tranh nhau.

Không đếm xuể những nghệ sỹ đã buồn phiền, quằn quại, sục sôi, bực tức còn không thì làm đảo lộn cả vũ trụ vì chuyện này. Đối với họ chuyện người khác (phòng tranh, giới kinh doanh mỹ thuật, những tổ chức tư nhân, các nhà đấu giá…) kiếm nhiều tiền từ việc bán tác phẩm của họ là rất khó chấp nhận. Để trả đũa những lái buôn sống bám kiếm lời này, một số nghệ sỹ nổi khùng lên và kiểm soát chặt chẽ giá bán tác phẩm, cố nhảy vào chuyện kinh doanh nơi không phải cho mình, họ trở nên khó khăn khắc nghiệt về việc ai cái gì khi nào ở đâu bán tác phẩm của họ, và cuối cùng là phá hỏng các giao dịch và cơ hội để đánh bẫy thêm vài đồng mà họ nghĩ mình xứng đáng. Điều đó là không tốt. Đáng ngạc nhiên những nghệ sỹ này thường là những nghệ sỹ tài năng, bán được tác phẩm, sức cầu cao, giá tác phẩm vững hoặc tăng đều theo thời gian.

Người mua tác phẩm mua khi nghệ sỹ còn ở giai đoạn đầu của sự nghiệp và họ bán khi nghệ sỹ nổi tiếng, họ cho rằng họ gánh chịu rủi ro, họ bảo trợ nghệ sỹ khi đang vất vả bươn chải. Họ tin rằng họ xứng đáng từng đồng lời khi bán tác phẩm. Nghệ sỹ lại cho rằng mình làm toàn bộ mọi việc, người mua chẳng làm gì để phát triển sự nghiệp mà chỉ bỏ chút tiền lẻ và ngồi chơi. Nghệ sỹ muốn được có phần—phần trăm giao dịch cho bên thứ ba (theo luật một số bang và một số quốc gia). Mâu thuẫn kiểu này không bao giờ giải quyết xong. Nhưng nghệ sỹ hãy phân tích từ góc độ quản lý giá trị tài sản để hiểu rõ và bớt căng thẳng hơn. Thực tế, những người này bán tác phẩm càng nhiều tiền, điều đó – luôn luôn – càng có lợi cho nghệ sỹ, cho dù nghệ sỹ có lời thêm từ các giao dịch đó hay không. Đây là lý do.

.

1. Người mua tác phẩm của nghệ sỹ là vì người ta tin rằng ngày nào đó giá trị tác phẩm sẽ tăng hơn giá họ đã mua. Họ mua vì thích, tất nhiên, nhưng đằng sau mọi suy nghĩ, họ hy vọng và cầu nguyện sẽ lời nhiều. Thực tế, đa số người mua không bao giờ có được lời nhưng một số ít thì có, phần nhỏ trong đó lại lời to, chúng ta đọc thấy điều này trên báo, những khoản lợi nhuận “đầu tư” này giúp đánh bóng thị trường mỹ thuật, khiến dân sưu tập kỳ cựu tiếp tục mua, dân sưu tập mới cũng nhảy vào mua, và điều này rất rất tốt cho người làm mỹ thuật khắp mọi nơi.

2. Tác phẩm bán càng nhiều tiền, dù là ai hay ở đâu bán lời bao nhiêu đi nữa, thì cũng đã làm nên giá trị cho tác phẩm. Nói cách khác, dù rất bực tức khi tác phẩm (mà nghệ sỹ không còn sở hữu) nay thành một đống tiền về tay người khác, thì nghệ sỹ cũng là người chiến thắng. Người mua chỉ mua được một tác phẩm, người bán chỉ có lời một lần, còn nghệ sỹ trở thành người độc quyền sản xuất và sở hữu mọi tác phẩm sắp tạo ra và chúng sẽ có một ngưỡng giá mới cao, rất cao, rất lời, dù có bán cho ai hay bán ở đâu chăng nữa. Nghệ sỹ đích thực là người thụ hưởng đầy lợi lộc từ lần giao dịch cao giá kia.

Đối với những người mua tác phẩm, họ là những người đã mua rẻ nhưng đã có niềm tin vào nghệ sỹ và vào nghệ thuật của anh ta, người đã cho nghệ sỹ cơ hội vượt qua giai đoạn khó khăn, những người này nên là những người được (nghệ sỹ) biết ơn. Họ là những người đầu tiên tin yêu nghệ sỹ, nhận ra tài năng và sự thông minh của nghệ sỹ trước bất kỳ ai khác. Họ là những người tiên phong đã dũng cảm thể hiện sự tôn trọng và yêu mến đối với nghệ thuật của nghệ sỹ không chỉ bằng lời nói mà bằng ngân lượng, số ngân lượng dù ít ỏi nhưng có ý nghĩa lớn giúp nghệ sỹ tồn tại và chiến thắng như ngày nay. Cho nên hãy để cho họ có được chút khoảnh khắc của hào quang khi mà hào quang của nghệ sỹ kéo dài tận suốt quãng đời còn lại.

.

Một lần nữa hãy thử hình dung một ngày không xa, một tác phẩm của nghệ bán được năm sáu thậm chí bảy chữ số tại một nhà đấu giá danh giá, một tác phẩm nghệ sỹ đã bán khi xưa với giá rẻ bèo, mà giờ nghệ sỹ không được hưởng lấy một đồng, liệu đây là niềm vui hay nỗi buồn? Chắc chắn là niềm vui, niềm vui lớn! Vì điều này có nghĩa tác phẩm đã được định giá bởi thị trường tự do minh bạch. Nhà sưu tập đấu với nhau bằng tiền mồ hôi nước mắt để sở hữu được tác phẩm, và tác phẩm được bán chỉ bởi một lý do duy nhất—đó là nghệ sỹ. Đây là kết quả tài chính lý tưởng cho bất kỳ nghệ sỹ nào. Hãy để việc mua bán diễn ra, giá trị giao dịch càng cao càng tốt. Nghệ sỹ cứ đứng lùi lại, quan sát và vui lên.

Điều cuối cùng, đối với mọi ngành nghề gồm cả nghệ thuật, ai cũng từ đáy bò lên đến đỉnh. Những ai có tài nhất sẽ kiếm tiền nhiều nhất, những người chiến thắng không ai phàn nàn hay đòi hỏi cho quá khứ kiếm tiền bèo bọt khi khởi nghiệp. Cho nên hãy chuyên tâm sáng tác, chăm lo phát triển sự nghiệp, và hãy mong cho ngày nào đó tác phẩm của mình sẽ bán được với giá rất rất rất cao, dù người bán là ai.

*

Xin nói thêm, có khi nghệ sỹ này nghe nghệ sỹ khác bán được tác phẩm giá cao cũng không tránh khỏi ganh tị, chạnh lòng hoặc nao núng, hoặc cả ba và hơn thế. Xin đừng bởi vì:
1. Ngoài may mắn, những nghệ sỹ còn lao động rất chăm chỉ, khôn ngoan và/hoặc có tài nên họ xứng đáng với kết quả tốt đẹp đó.
2. Đố kỵ không làm ta giỏi giang hơn, ngược lại còn kìm hãm sức sáng tạo.
3. Người mà ta cần chiến thắng nhất đó chính là bản thân ta.
4. Việc ai đó bán được tác phẩm giá cao là điều tốt, báo chí sẽ viết về nó, thị trường mỹ thuật thêm sôi nổi rất có lợi cho cộng đồng mỹ thuật trong đó có ta.

(Người dịch hơn một lần nghe nghệ sỹ nói điều không hay về nghệ sỹ khác nên mạn phép có vài dòng như trên. Hãy đoàn kết, “anh hùng trọng anh hùng” vì nền mỹ thuật Việt Nam tương lai!)”

Ý kiến - Thảo luận

21:38 Tuesday,29.4.2014 Đăng bởi:  Puôn pán
Từ lời bình của ngài Hue Dan: "Có điều nhiều họa sĩ ta tham như mõ, gian như trộm, nên bài viết trên khá cần cho họ soi chung. Thị trường tranh nhạt phèo và lắm đồ dỏm là do họa sĩ phá nhau, làm tranh nhái chính mình và rất ham danh vớ vẩn."
Soi cho cả các đồng chóe roanh nhên, "x
...xem tiếp
21:38 Tuesday,29.4.2014 Đăng bởi:  Puôn pán
Từ lời bình của ngài Hue Dan: "Có điều nhiều họa sĩ ta tham như mõ, gian như trộm, nên bài viết trên khá cần cho họ soi chung. Thị trường tranh nhạt phèo và lắm đồ dỏm là do họa sĩ phá nhau, làm tranh nhái chính mình và rất ham danh vớ vẩn."
Soi cho cả các đồng chóe roanh nhên, "xươn za" nứt ra từ thời mở cửa thị chường không cần văn hóa:
Có điều nhiều doanh nhân ta tham như mõ, gian như trộm. Thị trường nhạt phèo và lắm đồ dỏm là do thương gia phá nhau, làm hàng nhái và rất vớ vỉn (buôn bán lòng vòng trốn thuế, ôm thắng chán, pán thằng cần...).
 
20:51 Tuesday,29.4.2014 Đăng bởi:  Hue Dan
Đây là bài học đạo đức họa sĩ, đặc biệt thời thị trường. Kiểu như ngành y có y đức thì ngành hội họa có họa đức, nhưng nói vớ vẩn dễ bị hiểu lầm là tai họa.
Họa sĩ và nghệ sĩ đích thực nếu có kiến văn rộng thì không phải dạy, họ cũng hiểu luật trời luật chơi luật số phận.
C&
...xem tiếp
20:51 Tuesday,29.4.2014 Đăng bởi:  Hue Dan
Đây là bài học đạo đức họa sĩ, đặc biệt thời thị trường. Kiểu như ngành y có y đức thì ngành hội họa có họa đức, nhưng nói vớ vẩn dễ bị hiểu lầm là tai họa.
Họa sĩ và nghệ sĩ đích thực nếu có kiến văn rộng thì không phải dạy, họ cũng hiểu luật trời luật chơi luật số phận.
Có điều nhiều họa sĩ ta tham như mõ, gian như trộm, nên bài viết trên khá cần cho họ soi chung. Thị trường tranh nhạt phèo và lắm đồ dỏm là do họa sĩ phá nhau, làm tranh nhái chính mình và rất ham danh vớ vẩn.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả