Nghệ sĩ thế giới

Miwa Yanagi: Người biến truyện cổ tích thành rùng rợn 05. 08. 14 - 12:07 am

Soi A tổng hợp và dịch

Ảnh chụp nghệ sĩ Miwa Yanagi (phải) cùng với đại diện của The Japan Foundation tại buổi khai mạc khu vực triển lãm của Nhật ở Venice Biennale of Art lần thứ 53, năm 2009

Để chọn làm một “thủy thủ” trong Chương 11 của Yokohama Triennale 2014: “Trôi trong một biển lãng quên“, có lẽ người ta đã nhớ tới khả năng của Miwa Yanagi trong việc “lôi” người xem về với những thứ đã qua, đã quên, nhất là những câu truyện cổ tích…

Miwa Yanagi sinh năm 1976 ở Kobe, Nhật, đã tốt nghiệp chương trình sau đại học tại Đại học Nghệ thuật thành phố Kyoto. Yanagi làm việc trong nhiều thể loại, nhưng nổi tiếng nhất là với mảng nhiếp ảnh, video. Ảnh của Yanagi có đặc điểm là dàn dựng công phu, nhiều khi rất mắc tiền, với người mẫu nữ ở nhiều lứa tuổi. Sau khi chụp, ảnh sẽ được xử lý bằng đồ họa vi tính.

Yanagi từng là giáo viên mỹ thuật, nhưng rồi không theo nghề nữa, vì thấy trong công việc giảng dạy mình phải hành xử như một nữ giáo viên thông thường. hơn là một cá thể nhiều cá tính. Thành công lớn và cũng là bước ngoặt lớn của Yanagi đến từ triển lãm của cô tại Frankfurt (Đức) năm 1996. Tại đây, các tác phẩm của cô được bày cùng tác phẩm của các nghệ sĩ tiếng tăm khác như Cindy Sherman và Jeff Wall. Thị trường thế giới mở ra với Yanagi, trong lúc thị trường nghệ thuật đương đại ở Nhật thì lại không mạnh lắm, và thế là cô quyết định từ nay sẽ ưu tiên bày tác phẩm ở nước ngoài, tuy vẫn sống và làm việc tại Kyoto, Nhật.
 

Không đề, 2004, ảnh của Miwa Yanagi

Miwa Yanagi chụp ảnh thành từng series, lần này mời các bạn xem series Fairytale (Cổ tích) của cô, thực hiện năm 2004. Các nhân vật trong bộ này cũng toàn là phụ nữ, vào vai các nhân vật của những câu chuyện cổ tích có thể bạn đã thuộc hoặc hồi bé từng nghe nhưng giờ đã quên: truyện của Grimm, của Andersen, truyện cổ tích Nhật, và cả truyện kỳ ảo của Gabriel García Márquez.

Nhưng, đừng hy vọng tìm thấy không khí êm đềm dịu ngọt của những câu chuyện ấy qua cách nhìn của Yanagi – cô không tái hiện thứ không khí ấy, cô bóc trần những khía cạnh âm u, những khoảnh khắc đen tối nhất của những câu truyện cổ – là những thứ mà chúng ta đã băng băng vượt qua, bỏ qua, vì biết chắc ở cuối con đường là sự đoàn tụ của công chúa với hoàng tử, là cái thiện thắng cái ác.

Nói cách khác, chúng ta “dừng hình” những câu truyện cổ ở những đoạn kết mỹ mãn, còn Yanagi “dừng hình” ở những lúc u ám nhất của truyện.
 

Tại gian triển lãm của Nhật tại Venice Biennale 53, với tác phẩm của Yanagi rất to trên tường

Trong bộ Fairy Tales, Yanagi thường chọn những câu chuyện mà trong đó có cả nhân vật nữ già và trẻ, để cô có thể khai thác mối liên hệ giữa hai lứa tuổi. Bộ ảnh này được chụp đen trắng, khổ to. Lần này cô không dùng đồ họa vi tính nhiều, mà chủ yếu là phương pháp chỉnh ảnh truyền thống. Yanagi cũng không dùng những người mẫu nữ của Nhật. Cô dùng các cô gái lai, cho đội tóc giả, trang điểm, đeo mặt nạ thành các bà già, hoặc cho giống phù thủy. Cô thậm chí để cho lồ lộ sự tương phản giữa một khuôn mặt già nhão gắn trên một cơ thể thanh xuân.

Trước tài năng và khả năng “lôi” người xem về với những thứ đã qua, đã quên của Miwa Yanagi (thí dụ như truyện cổ tích), người ta mời cô tham gia Yokohama Triennale 2014 – một liên hoan nghệ thuật lấy chủ đề là sự lãng quên. Nhưng tác phẩm mà cô mang tới Triennale này lại không phải là ảnh, mà là một thứ rất lạ lùng: một cái xe tải sặc sỡ, có thể bung ra thành một sân khấu…  Soi sẽ gửi hình ảnh cho các bạn xem sau nhé.

Bây giờ mời các bạn xem qua một số bức ảnh của Yanagi dàn dựng dựa theo các câu truyện cổ:

Cinderella (Các bạn nhớ bấm vào tên mục được tô đậm để đọc truyện gốc nhé)

Cinderella, 20014


“Hoàng tử nói: “Ta chỉ lấy người đó làm vợ, người chân đi vừa chiếc hài này.”


Hai cô con gái dì ghẻ mừng lắm, vì hai cô đều có đôi bàn chân đẹp. Cô cả mang giày vào buồng thử trước mặt mẹ. Nhưng cô không đút ngón chân cái vào được vì hài nhỏ quá.


Bà mẹ liền đưa cho cô một con dao và bảo:


– Cứ chặt phăng ngón cái đi. Khi con đã là hoàng hậu rồi thì cần gì phải đi bộ nữa.


Cô ta liền chặt đứt ngón chân cái, cố nhét chân vào hài rồi cắn răng chịu đau đến ra mắt hoàng tử. Hoàng tử nhận cô làm cô dâu và bế cô lên ngựa cùng về…”

Frau Trude

Fraud Trude


“Bà Trude nói: ‘…Ta đợi con đã từ lâu và mong con đến. Nay ta đã rõ con là người thế nào.’


Bà biến cô bé thành một khúc gỗ và ném vào lửa. Khi khúc gỗ bùng cháy, bà ngồi bên cạnh lửa để sưởi ấm…”

Gretel
 

Gretel


“… Sáng nào mụ già phù thủy cũng nhẹ bước tới bên cũi và nói:


– Hãnsel, giơ ngón tay tao xem mày đã béo lên chút nào chưa.


Hãnsel chìa ra một cái xương nhỏ, mắt cập kèm mụ cứ tưởng đó là ngón tay Hãnsel. Mụ lấy làm lạ tại sao không béo lên tí nào cả.


Bốn tuần đã trôi qua mà thấy Hãnsel vẫn gầy. Mụ đâm ra sốt ruột, không muốn phải chờ lâu hơn nữa. Mụ gọi cô gái:


– Gretel, con Gretel đâu, nhanh tay nhanh chân lên nào, nhớ đi lấy nước nhé. Cho dù thằng Hãnsel béo hay gầy thì mai tao cũng làm thịt đem nấu…”

Anh trai và em gái
 

Anh trai và em gái


“… Rồi khi hai anh em tới bên bờ suối thứ ba, em gái nghe thấy giọng người nói trong nước chảy róc rách:


– Ai uống nước suối sẽ hóa thành con mang! Ai uống nước suối sẽ hóa thành con mang!


 Em gái bảo:


– Trời, anh ơi, em xin anh, anh đừng uống, kẻo lại hóa thành con mang bỏ em mà chạy.


 Nhưng thấy nước, người anh quỳ ngay gối, cúi xuống uống nước. Những giọt nước đầu tiên vừa mới qua môi thì anh trai đã biến thành con Mang nằm ngay bên bờ suối…”

Rapunzen
 

.

“… Trong cơn tức giận, mụ túm tóc Rapunzen, lôi giật và tay trái ghì Rapunzen, tay phải cầm kéo cắt tóc, xoạt, xoạt – những bím tóc óng mượt rơi xuống đất. Mụ vẫn chưa hả giận, mụ đưa Rapunzen tới một miền hoang vu cằn cỗi để nàng phải sống trong cảnh thường xuyên bị đói khát dằn vặt…”

Bầy thiên nga

Bầy thiên nga


“… Cô em út ra vườn hái mười hai bông huệ trắng tính để tặng mười hai anh trai. Nhưng cô vừa hái hoa xong thì cả mười hai anh đã biến thành mười hai con thiên nga bay vào trong rừng. Căn nhà và vườn hoa cũng biến mất. Giờ đây chỉ còn một mình cô gái đáng thương ở trong rừng. Trong lúc cô đang còn ngơ ngác thì có một bà già xuất hiện đứng ngay bên cạnh. Bà nói:


– Nào, con của ta đã làm gì đấy? Tại sao con lại hái mười hai bông huệ trắng để cho các anh con biến thành thiên nga? Bây giờ con chỉ có thể không cười ,không nói trong bảy năm thì mới cứu được các anh. Công chúa liền đồng ý..”

Cô bé quàng khăn đỏ
 

.

“ May sao, lúc đó bác hàng xóm chạy sang thấy thế, sẵn cái búa trong tay, bác liền phang ngay vào đầu Sói một cái. Con Sói gian ác vỡ sọ chết ngay. Bác hàng xóm liền lấy dao mổ bụng chó Sói và kịp thời cứu được bà. Thế là cả hai bà cháu đều không việc gì…”

Người đẹp ngủ trong rừng
 

.

“… ‘Xin chào bà – Cô gái nói – Bà làm gì đấy?

–    Bà dệt vải – Bà già quay đầu lại trả lời


–    Vật mà quăng đi quăng lại nhìn vui mắt thế là cái gì vậy? – Cô gái hỏi rồi nắm lấy cái suốt chỉ định tập làm.


–    Vừa đụng đến nó thì số phận xấu xảy ra: cô đâm suốt suốt chỉ vào ngón tay ngã ngay xuống chiếc giường ở đó và rơi vào một giấc ngủ mê man…”

*

Các truyện còn lại, các bạn tìm tiếp nhé, đó là: Bạch Tuyết, Chuyện buồn không thể tin được của Erendira ngây thơ và người bà bất lương (Garcia Marquez), Cô bé bán diêm

Bạch Tuyết

 

Erendira

 

Erendira

 

The White Dove (là truyện gì các bạn nhỉ?)

 

Và cả “Mud Mask” này nữa, là truyện gì đây?

 

Ý kiến - Thảo luận

22:14 Thursday,7.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hoàng Nghĩa
Cảm ơn Admin Soi,

Nghĩa thấy Admin của Soi giải thích rất thuyết phục.
...xem tiếp
22:14 Thursday,7.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hoàng Nghĩa
Cảm ơn Admin Soi,

Nghĩa thấy Admin của Soi giải thích rất thuyết phục. 
15:16 Thursday,7.8.2014 Đăng bởi:  admin

@ Hoàng Nghĩa: có hai cách Nghĩa nhé:

1. "cổ tích" ở đây mang một ẩn ý tính từ là "ngây thơ, hiền lành, trong sáng", khi đó một chữ "rùng rợn" là đủ đi với nó

2. chữ "rùng rợn" hiểm ngầm là có một danh từ ẩn đi cùng ("thứ" rùng rợn), khi đó có thể sánh vai với "truyện cổ tích" như hai danh từ.

3. Tên bài cũng tương tự như câu nói: "Y
...xem tiếp

15:16 Thursday,7.8.2014 Đăng bởi:  admin

@ Hoàng Nghĩa: có hai cách Nghĩa nhé:

1. "cổ tích" ở đây mang một ẩn ý tính từ là "ngây thơ, hiền lành, trong sáng", khi đó một chữ "rùng rợn" là đủ đi với nó

2. chữ "rùng rợn" hiểm ngầm là có một danh từ ẩn đi cùng ("thứ" rùng rợn), khi đó có thể sánh vai với "truyện cổ tích" như hai danh từ.

3. Tên bài cũng tương tự như câu nói: "Y đã biến nàng tiên thành quỳ quyệt từ lúc nào không biết", đó là chữ "biến" như chính Nghĩa đã nói, mang ý "làm cho... trở nên" :-)

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả