Nghệ sĩ Việt Nam

Từ Huyền tích… – sự thất vọng hiển nhiên 21. 09. 10 - 1:27 am

Người xem Hà Nội

TỪ HUYỀN TÍCH ĐẾN THỰC TẠI

Triển lãm mỹ thuật
15 – 25. 9. 2010
Vietart Center
42 Yết Kiêu

Mới nghe cái tên của triển lãm đã thực sự tò mò, càng tò mò gấp bội khi đọc những dòng thông điệp:

“Thăng Long -Hà Nội một chặng đường vinh quang hào hùng
Bên cạnh những huyền tích lung linh là những sắc màu khốc liệt của thực tại. Những khói lửa binh đao, những thăng trầm loạn lạc, mỗi con phố, mỗi nếp nhà đều hằn in những vết thời gian khó phai. 1000 năm, một thiên hùng ca, một thiên tình ca, một thiên hoài ca… thầm thì vang vọng và sâu lắng.”

Lâu lắm mới được nghe những câu văn hào hùng như những bài văn nghị luận “hoành tráng” hồi còn học phổ thông. Lại nghe triển lãm này là cuộc họp mặt của các thầy Trường Mỹ Thuật Hà Nội, hậu duệ của trường Mỹ thuật Đông Dương, nơi vẫn được cho là cái nôi lâu đời nhất đào tạo các họa sỹ. Các đề tài được đặt ra cho triển lãm cũng bao trùm to lớn vô cùng. Chúng gồm:

“- Những huyền thoại truyền thuyết gắn bó với mảnh đất Thăng Long, với lịch sử hào hùng của dân tộc.
– Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của thủ đô ngàn năm văn hiến
– Hiện thực đời sống đương đại phức tạp chứa đựng nhiều mâu thuẫn, xung đột của những giá trị truyền thống và hiện đại”

Đến phòng triển lãm, mặc dù vừa đúng lúc khai mạc, nhưng cũng không có nhiều người lắm, có cả một số khuôn mặt quen biết của thế hệ giáo viên lớp trước trong trường Mỹ thuật. Cũng may vì ít người nên việc đi xem tranh và ngắm nghía cũng rất thoải mái. Sợ nhất là những cuộc khai mạc đông người, rất khó xem tranh và mấy ngày sau thường phải quay lại sau để được xem cho kĩ. (Nhưng ở Việt Art Center này nhiều khi làm thế cũng cực, vì nếu vắng người xem là họ ngại bật đèn – không biết sắp tới có đỡ hơn không).

Gia đình họa sĩ Lê Anh Vân, hiệu trưởng trường Mỹ thuật. Cô Trần Tuyết Mai và bạn Lê Trần Hậu Anh đều là giảng viên của trường.

 

Suzan Lecht, chủ nhân gallery Việt Nam nổi tiếng

 

Họa sĩ Việt kiều Nguyễn Cầm (áo trắng)

 

Họa sĩ giảng viên Nguyễn Ngọc Long (áo sọc xanh)

Đi một vòng, hoang mang tợn, ghé tai hỏi thử một thầy giáo có tranh treo ở triển lãm: Này, Huyền tích đây có nghĩa là gì? Thầy này lúng túng: thực sự tớ chả quan tâm lắm, nói mang tranh đến đóng góp cho phong trào thì tớ mang, 1000 năm Thăng Long mà. Được thông báo trước có mỗi 3 ngày đã phải tranh mang đến dự, lại đúng chủ đề… Vẽ gì mà nhanh thế.

Một người khác ghé vào nói đùa, triển lãm này cũng là một “huyền tích” đấy.

Lâu rồi mới được hưởng không khí của một phòng tranh phong trào, nó cũng na ná như những cuộc vận động treo tranh nhân dịp hưởng ứng sự kiện này nọ của hội Mỹ Thuật. Có cái khác là phòng tranh ở đây có không gian và ánh sáng có vẻ tốt hơn cái phòng triển lãm của Hội tại 16 Ngô Quyền. Và các bức tranh thì sao, thực sự phải nói là quá ít những bức có thể khiến người xem dừng lại lâu. Hay tại các thầy quá bận bịu việc dạy dỗ sinh viên mà không còn thời gian để làm tác phẩm. Đến khi phát động phong trào thì vội vẽ quáng vẽ quàng để vội mang ra bầy?

Ngõ nhỏ – Sơn dầu của họa sĩ Lê Anh Vân

Đầu tiên là bức sơn dầu Ngõ Nhỏ của họa sỹ Lê Anh Vân. Dòng tranh này của họa sỹ người xem đã được nhìn thấy khá lâu, từ cái thời họa sỹ mới đi tu nghiệp ở Ý về. Quả thực, với thời đó, những bức tranh theo kiểu trừu tượng như vậy làm lác mắt lũ sinh viên mỹ thuật. Thế nhưng, hơn 20 năm trôi qua, những bức tranh vẫn nhang nhác vậy, có khác chắc là khác ở chỗ nó định hình một cách khô cứng hơn và thiếu đi sự khám phá của những bức thời tuổi trẻ. Tuy vậy họa sỹ cũng đã kịp tạo ra một lớp học trò với cùng một cách vẽ và cả cách cảm nhận về màu sắc để nối nghiệp và tiếp tục tiếp bước thầy trong sự nghiệp đào tạo. Thí dụ như:

Hình ảnh Bên Sông của họa sĩ Mai Xuân Oanh

 

Cấu trúc hạ tầng – tác phẩm của họa sĩ Lưu Chí Hiếu

Tìm một phong cách khác trong trường, ta gặp Sen của Nguyễn Ngọc Long (chất liệu tổng hợp). Không cảm xúc, có vẻ quá nôm na. Ta có cảm giác như tác giả đi qua đầm sen vội chụp một bức ảnh rồi về vẽ lại. Mặc dù đã cố tạo những nét bút cố tình tỏ ra mạnh bạo nhưng vẫn nhận thấy sự khô cứng và gò gẫm.

Sen – chất liệu tổng hợp – tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Ngọc Long

Và đây nữa, bức Nắng Hà Nội của Phạm Bình Chương. Họa sỹ này đã từng có những bức tranh khá tốt, thế nhưng đến bức này quả thực giống như một bức ảnh và không gian như bị dính tịt vào nhau. Mặc dù họa sỹ đã cố gắng diễn tả bằng bút pháp để tạo chất cảm của chất liệu từ bức tường ố vàng, Thế nhưng sự cố gắng đó làm cho mặt sơn trở nên mệt mỏi, và bức tường vỡ đâm ra mang tính kể lể hơn là sự nhuần nhuyễn của ngôn ngữ hội họa. 

Nắng Hà Nội – tác phẩm của Phạm Bình Chương

 Bức Cầu và Hoa của Lê Trần Hậu Anh (sơn dầu). Một bức tranh với sự chơi màu một cách dễ dãi, thoạt nhìn trông giống một tấm vải hoa (tất nhiên những sắc màu lấp lánh khá vui mắt), thế nhưng cây cầu Long Biên được gán thêm vào như một sự chống chế cho chủ đề. Nó làm cho ta có cảm giác cách tư duy bố cục đầy đủ tiền cảnh-hậu cảnh của một tay nhiếp ảnh hạng hai.

Cầu và Hoa – tác phẩm của Lê Trần Hậu Anh

 
Trần Hoàng Sơn với bức Tứ đại đồng đường; quả thực người xem không hiểu, nó chẳng phải áp-phich, cũng không ra cái ngôn ngữ thần bí của một cái mandala. Nó cũng chẳng đủ mạnh và diễu nhại của Pop Art. Có lẽ nó giống cách trang trí của một tờ báo tường, hoặc một bức cổ động của một hội làng ngoại thành Hà Nội. Có lẽ vậy. Hày nhìn cách trang trí đường riềm của những bông hồng đỏ thắm.

Tứ đại đồng đường – Tác phẩm của Trần Hoàng Sơn

 
Quả thực, phong cảnh bờ Hồ là niềm cảm hứng từ năm này qua năm khác của nhiều thế hệ họa sỹ cũng như nhiếp ảnh. Họ kiên nhẫn vẽ, chụp, và rất dẽ được cho là đẹp bởi vì Bờ Hồ thì là cái vốn đẹp trong tâm khảm của mọi người rồi. Nhưng vì Tháp rùa không thay đổi, cây mùa thu vẫn thế nên tranh của họ vẫn vậy, có khác chăng là ngày xưa tranh khắc gỗ thì họ khắc trên gỗ rồi in. Ngày nay, để giản tiện, họ không cần khắc nữa mà bôi thẳng màu lên gỗ rồi thấm nó lên tờ giấy đen. Vậy trông cũng giống tranh khắc gỗ, như bức Mùa thu Hà Nội của Trần Tuyết Mai.

Mùa Thu Hà Nội – khắc gỗ của họa sĩ Trần Tuyết Mai

Thế còn đây cũng là một bức tranh khắc gỗ, Xâm Chiếm của Nguyễn Mỹ Ngọc. Có lẽ vì rất mất công để khắc thật nên tác giả trưng hẳn bản khắc mộc ra treo. Rất tỉ mỉ, nhưng có lẽ vì chăm chú vào nét khắc quá hay sao mà tổng thể bức tranh trở nên rối rắm. Những cái hay cái đẹp, cái mềm mại của các họa tiết truyền thống bị tác giả biến thành một mớ lằng nhằng chẳng còn tí nhịp điệu gì. Nhìn nó lại nhớ đến những hình phục chế đình, chùa gần đây. Họ cố tình vặn vẹo, uốn éo các họa tiết hoa văn và được cho thế là giống cổ, là truyền thống. Thực ra bức tranh này rất tốt cho việc minh họa cho cái gọi là: kết hợp khiên cưỡng “giữa đậm đà bản sắc” với “hiện đại”.

Xâm chiếm – khắc gỗ của Nguyễn Mỹ Ngọc

 Đến bức này thì người xem chợt giật mình. Phải tiến lại gần đọc tít tranh lần nữa: Thông gia Hàng Trống, tác giả: Vũ Đình Tuấn. HàngTtrống thì chắc là Hà Nội, Việt Nam rồi. Không biết Tô Châu bên Tàu có Hàng Trống không nhỉ.

Thông gia Hàng Trống của Vũ Đình Tuấn

Quả thực là thất vọng, nhất là đó là triển lãm tranh được cho là của các thầy có trách nhiệm đào tạo ra một lớp họa sỹ cho tương lai. Người xem nhận thấy đây là sự hời hợt, nó quá tương phản với những lời đao to búa lớn của tiêu chí đặt ra. Hay đây chỉ là triển lãm được tổ chức cho đủ sự kiện cùng hoan hô cho phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long?

Tuy vậy, trong một góc kiêm tốn của phòng triển lãm, người xem chợt nhận thấy một nhóm tranh, tượng khá thú vị. Đó là tác phẩm điêu khắc của Lê Thị Hiền, bộ ba tranh sơn dầu của họa sỹ Đỗ Minh Tâm, và bộ ba ảnh của họa sỹ Nguyễn Thế Sơn.

Đầu tiên là Đa năng, bằng sắt phủ sơn của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền. Nghĩ đến sắt, ta nghĩ đến tính sắc nét và cứng rắn của vật liệu. Nhưng khi tác phẩm được xử lí bề mặt thật mịn, thật kỹ, với nhịp điệu các khối được đặt cạnh nhau chặt chẽ, thì sự uyển chuyển và mềm mại của toàn bộ tác phẩm mang đến một cảm giác mâu thuẫn thật thú vị, kèm thêm cảm giác phóng túng, “hảo hán” của loại hình. Hơi tiếc là không gian để bày tác phẩm bị hẹp ngang cho nên làm giảm mất cái lan tỏa của các khối hình vốn dĩ có xu hướng lan tỏa.

Đa Năng – sắt phủ sơn của Lê Thị Hiền

 

 
Bộ tranh ba bức của họa sỹ Đỗ Minh Tâm, Nhìn ra Hồ Tây, quả thực gây ấn tượng. Người xem đã được xem khá nhiều tranh của họa sỹ này qua các triển lãm. Thực sự là đến những bức tranh này, anh đã đủ độ thoải mái để chơi với màu sắc và cảm xúc.

Nhìn ra Hồ Tây – tác phẩm của Đỗ Minh Tâm

 

Tranh Đỗ Minh Tâm

 

Họa sỹ Nguyễn Thế Sơn với bộ ba ảnh mang tên Dự Cảm. Chắt lọc, tối giản và truyền đạt được ý tưởng trong nhịp điệu khi anh sắp xếp ba bức ảnh thành một nhóm tác phẩm.

Bộ ba ảnh Dự Cảm của Thế Sơn. Trần Hậu Yên Thế (áo đen) và họa sĩ Lê Xuân Dũng (áo rằn ri?)

 

Ảnh của Thế Sơn

Vậy đó, nhìn chung là một triển lãm “nói to mà làm nhỏ” (đề nghị mọi người trở ngược lên đầu bài đọc những đoạn thông cáo báo chí của các thầy). Thôi thì nghìn năm Thăng Long, có kinh phí để mà làm triển lãm thì làm thôi. Cũng chả trách được. Thế nhưng cũng nhân đại lễ, sao không làm một triển lãm cho ra triển lãm? Đại lễ sẽ qua đi, đám học trò vẫn còn lại mà! Chả nhẽ lại để cho các em một thắc mắc lớn: các thầy mà cũng vẽ thế sao?

Câu hỏi ấy mới thực sự là một “đại huyền tích”.

 

*

(Trong bài có chi tiết mà họa sĩ Mỹ Ngọc cho biết là không chính xác: Triển lãm này do các thầy cô tự lo, không có kinh phí của nhà nước. SOI xin phép người viết bổ sung vào đây, vì chi tiết này quan trọng.)

*

Bài liên quan:

– Từ Huyền tích… – sự thất vọng hiển nhiên
– Thầy cô hẳn phải xấu hổ vì bạn lắm
– Hây dà! Làm sao tranh luận với thầy
– Nói lại với Mỹ Ngọc
– Thôi, quay lại chuyên môn nào
– Thư của Mỹ Ngọc gửi SOI

Ý kiến - Thảo luận

1:50 Friday,7.11.2014 Đăng bởi:  D.AP
"Mai Xuân Oanh" chứ không phải Mai Xuân "Oánh"
"Phạm Bình Chương" chứ không phải Phạm "Đình" Chương nhé :)
...xem tiếp
1:50 Friday,7.11.2014 Đăng bởi:  D.AP
"Mai Xuân Oanh" chứ không phải Mai Xuân "Oánh"
"Phạm Bình Chương" chứ không phải Phạm "Đình" Chương nhé :) 
22:25 Wednesday,16.7.2014 Đăng bởi:  Alan pham
Không biết bạn Mỹ Ngọc suy nghĩ gì !!! nếu là người chuyên nghiệp thì không nên làm triển lãm hoành tráng như thế này....rất đồng tình với người xem hà nội... 1000 năm thăng long đi qua, nhưng soi còn ở lại... và hôm nay tớ mới được mở mắt.

...xem tiếp
22:25 Wednesday,16.7.2014 Đăng bởi:  Alan pham
Không biết bạn Mỹ Ngọc suy nghĩ gì !!! nếu là người chuyên nghiệp thì không nên làm triển lãm hoành tráng như thế này....rất đồng tình với người xem hà nội... 1000 năm thăng long đi qua, nhưng soi còn ở lại... và hôm nay tớ mới được mở mắt.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ca ngợi hay chửi rủa (có bổ sung)

Nguyễn Thị Huệ Hữu vs Ng. H. Phương Lan

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả