Soi học

Hercules (phần 11): Đi lùa bò nhân tiện đặt tên cho Ý và chia cắt Âu-Phi 03. 08. 14 - 4:26 am

Pha Lê

Đã ăn uống ngập ngụa với nào là thyme, parsley, basil; chúng ta tiếp tục ôn bài về chàng Hercules, chứ không bụng no quá chỉ có nước vác lên giường khò một giấc, chả học hành chi được.

Sau khi giết nhầm nữ hoàng Amazon, ai cũng chán Hercules, và hình như vị thần cũng chán chính mình, thành thử lão vua đểu Eurystheus lợi dụng thời cơ kêu chàng vượt hàng nghìn dặm xa xôi để bắt đàn bò màu đỏ của quái nhân Geryon.

Geryon là cháu nội của Medusa nên hình hài có hơi quái dị, các bản phổ biến tả Geryon như sau: cao to, có 3 đầu 6 tay 6 chân dính trên một thân người. Cún cưng của Geryon là con chó 2 đầu Orthrus – em của con chó 3 đầu Ceberus chuyên canh cửa địa ngục. Nhìn chung bộ đôi này hơi bị dư nhiều chi, nhưng để chăn dắt cả đàn bò quý màu đỏ rực như thế thì cũng cần lắm tay chân.

Geryon sống ở xứ Erytheia, muốn tới đó thì trước tiên Hercules phải vượt sa mạc Libyan nóng như lửa. Nóng đến độ đi được mấy ngày là Hercules nổi khùng, cầm cung bắn thần mặt trời Helios cho hả giận nhưng… không trúng.  Tuy nhiên, Helios có vẻ rất ấn tượng với lá gan to của Hercules, nên Helios cho vị anh hùng mượn cái chum vàng để vượt biến tới xứ Erytheia sau khi chàng thoát khỏi sa mạc.

Hercules ngồi chum của Helios, hình vẽ trên chiếc đĩa Hy Lạp cổ. Vụ ngồi chum vượt biển nghe có vẻ hơi kỳ, nhưng đây là chum thần mà, hiệu quả hơn tàu bè.

Đến Erytheia rồi, Hercules muốn làm gì đó để bảo lưu chiến công vượt biển/vượt sa mạc của mình cho đời sau, nên anh chàng cơ bắp dùng sức chẻ ngọn núi làm hai. Nước lập trức tràn vào nơi Hercules vừa “cắt miếng,” biến chỗ này thành một eo biển. Người xưa gọi nó là “cổng Hercules,” còn thời nay nó có tên “eo biển Gibraltar,” nằm ngăn cách giữa hai nước Tây Ban Nha và Morocco.

Hình chụp eo biển Gibraltar, ngăn cách Morocco (nằm dưới) với Tây Ban Nha. Thể theo tích, nếu không do Hercules hứng chí thì châu Âu với châu Phi đã dính liền nhau.

Xong xuôi, Hercules đi kiếm Geryon để chôm bò. Nhìn chung mọi sự diễn ra suôn sẻ, tìm thấy kẻ cần tìm rồi là người hùng quơ chày đập quái khuyển Orthrus hai đầu dễ dàng như đánh cún con, Orthrus vừa ngắc ngoải thì Hercules xử tới quái nhân Geryon, dùng tên tẩm độc rắn Hydra bắn cho Geryon chết tươi. Hercules ung dung lùa đàn bò lên chum để chở về Hy Lạp.

“Hercules và đàn bò của Geryon,” Jun Shiozawa, 2001. Có ai nhìn cái chum vàng họa sĩ Jun vẽ rồi tưởng tượng ra thuyền thúng của Việt Nam không nhỉ?

Rủi thay, Hercules đầu óc thơ thẩn thế nào (chắc còn nghĩ tới em Amazon mình giết oan) mà người hùng vô ý để chum trôi tới tỉnh Rhegium. Chưa kịp kéo chum ra đi tiếp, con bò đực đầu đàn nhảy xuống biển, khiến mấy con khác nhảy theo, rồi cả đàn bơi đến Sicily trốn, báo hại người hùng dí theo muốn hộc hơi.

Từ đảo Sicily, con bò đực chạy sang vùng đất bên cạnh. Do vùng đấy này chưa có tên, mà bò đực trong tiếng Hy Lạp là “italus,” nên Hercules đặt tên “Italy” (nước Ý) cho nơi này.

Tại Ý, đám bò toan trốn tiếp, nhưng bị tên khổng lồ Cacus bắt lại. Ông Cacus này là con của thần rèn què Hephaestos; Cacus thích ăn thịt người, và lấy da người về hang để trang trí nội thất. Ngoài lợi thế cao to, Cacus còn biết phun ra lửa. Tính tình hung hăng như vậy, nên khi Hercules đến đòi Cacus trả lại bò, gã khổng lồ gây hấn bắt người hùng  đấu tay đôi với mình.

Cuộc chạm trán giữa Cacus với Hercules có nhiều bản, và kết thúc của Cacus cũng có lắm kiểu; kẻ nói Hercules dùng chùy phang Cacus vỡ mặt, người kể Cacus thách Hercules thi đấu vật và Hercules thắng (đương nhiên,) nhà thơ Ovid chả kể gì ngoài câu “Cacus nhuốm đỏ đất bằng máu của mình,” nhà thơ Virgil thì nói Cacus chui vô hang rồi phun khói với lửa vào mặt người hùng nhưng Hercules liều mình xông pha vào trong, dùng tay bóp cổ Cacus đến khi mắt của gã khổng lồ này lòi ra ngoài.

Không hiểu sao, đoạn Hercules “thịt” Cacus là đoạn lắm họa sĩ vẽ nhiều nhất (vẽ Geryon 3 đầu 6 tay chân hơi khó chăng?)

“Hercules giết Cacus,” Niccolo dell’Abbate, 1540. Con bò đỏ trong tích thành bò trắng trên tranh, Cacus trông giá khú, nhìn hốt hoảng như thể Hercules sắp giết mình hòng cướp của.

 

“Hercules và Cacus,” Hendrick Goltzius, không rõ năm. Cacus chết lăn quay, còn Hercules đang hí hửng đứng phơi bụng bia để mừng chiến công, quên mất con bò mà mình cần bắt lại từ tay Cacus ở đằng xa.

 

Tượng Hercules và Cacus của Baccio Bandinell, đặt ở Florence, Ý. Người hùng đứng thẳng, ngắm đầu Cacus đang ngồi dưới, để chứng tỏ rằng Cacus dưới cơ mình.

 

“Hercules và Cacus,” Francois Lemoine, 1717. Bò trong hình vẫn là bò trắng chứ không phải đỏ, Hercules như đang phá nhà Cacus thay vì phá hang. Nhiều họa sĩ khoái vẽ bản Hercules dùng chày đập mặt Cacus nhỉ, chắc do vụ phun khói lửa hơi khó lột tả trên tranh?

 

“Phong cảnh với Hercules và Cacus,” Nicolas Poussin, không rõ năm. Hercules đập cho Cacus nằm lăn ở trên núi, bên phải. Còn phía dưới là các nàng tiên đang ung dung… tắm sông.

Thêm một bức mượn tích vẽ phong cảnh. “Phong cảnh với Hercules và Cacus,” Dominiquin, 1581. Hercules đang lôi Cacus xềnh xệch dưới đất, còn đàn bò “trắng phau phau” thì đang gặm cỏ.

Cacus quy tiên, Hercules tóm lại đàn bò và lùa chúng về diện kiến ông vua Eurystheus đểu. Vốn khoái nịnh mụ Hera, Eurystheus giết đàn bò rồi tế chúng cho nữ hoàng hay ghen.

*

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

22:11 Tuesday,12.8.2014 Đăng bởi:  phale
@Nhật Phi: đúng vậy nhỉ, mình quả là dốt địa lý từ đó tới giờ. Mình nhờ Soi chỉnh lại rồi nhé
...xem tiếp
22:11 Tuesday,12.8.2014 Đăng bởi:  phale
@Nhật Phi: đúng vậy nhỉ, mình quả là dốt địa lý từ đó tới giờ. Mình nhờ Soi chỉnh lại rồi nhé 
9:01 Tuesday,12.8.2014 Đăng bởi:  Nhật Phi
Rhegium là một tỉnh nhỏ miền nam nước Ý kế bên đảo Sicily đó ad
...xem tiếp
9:01 Tuesday,12.8.2014 Đăng bởi:  Nhật Phi
Rhegium là một tỉnh nhỏ miền nam nước Ý kế bên đảo Sicily đó ad 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả