Gẫm & Bình

Bày trong bảo tàng không có gì sai. Còn trẻ hãy cứ “gầm lên mãnh liệt”. 14. 08. 14 - 4:44 pm

Phạm Huy Thông phản hồi lại bài viết của Linh Cao

 

Hí họa của John Jonik

Hôm trước khai mạc triển lãm này tớ không dự được, sáng nay mới có thời gian qua xem, nhất là sau khi đọc bài phê bình của chị Linh Cao, thấy có vài chỗ bất hợp lý nên phải qua xem cho chắc chắn rồi mới về bàn luận với chị. Nhưng khi về đến nhà thì thấy đã có vài bạn phản bác lại ý kiến của chị Linh Cao rồi, một số ý đã nói thay hộ những điều tớ muốn nói. Vậy nên tớ trình bày những ý kiến của tớ ra đây, chỗ nào trùng lặp thì chị Linh Cao và các bạn độc giả bỏ quá cho nhé.

1.
Chuyện khen chê là chuyện bình thường của mỗi triển lãm. Nếu ai thấy nó không bình thường thì nên học cách làm quen với việc đó. Tớ đã chứng kiến nhiều triển lãm dở ẹc, bày ra không ai thèm nói câu nào. Đó mới là thất bại. Triển lãm này có người bàn ra tán vào. Âu cũng là bước đầu các bạn trẻ gây được sự chú ý. Tất nhiên người khen thế nào cho đúng, chê thế nào cho hay vẫn là việc khó. Nhưng rồi thời gian sẽ gạn hết, chỉ những lời khen chê có ý đóng góp thực sự mới đọng lại được. Đọng lại ở đâu: ở trong những tác phẩm tiếp theo của người sáng tác.

Chất lượng tác phẩm trong triển lãm này, quan điểm cá nhân, tớ không thấy đã đạt được đỉnh cao gì hết. Tuy nhiên, tớ vẫn thấy thích thú bởi nó làm tớ nhớ lại những tháng ngày mình và các đồng nghiệp khác còn trẻ, cũng lê la khắp các miền để ngao du (chơi) và tập tành tìm, vẽ (làm việc). Nghệ thuật là quá trình, sông lớn bắt nguồn từ suối nhỏ. Các họa sĩ lớn, có ông nào không phải qua những bước tập tành, thử nghiệm, phác thảo chán chê. (Duy có điều khác biệt, là khi họ nổi rồi thì mấy cái tư liệu về “quá trình làm việc ABC, ghi chép lăng nhăng của họ” cũng in thành sách được, bán thành một đống tiền được).

Ở đây, các tác giả trẻ có gì bày nấy, như một báo cáo với công chúng về một quá trình làm việc, tuy có tập tành tuyên ngôn, nhưng chưa thấy lỡ mồm điều gì cao siêu dạng như “nhất cái này, đỉnh cái nọ”. Đặc biệt là khi họ bỏ tiền ra túi ra làm tác phẩm, làm triển lãm, không lấy tiền thuế của dân, không vơ hỗ trợ của Hội thì cũng không nên khắt khe với họ trong chuyện họ có nên trưng bày hay không. Vậy nên những lời chê của chị Linh Cao về chất lượng của triển lãm, tớ không phản đối dù tớ có nghĩ khác, chỉ mong chị nhìn lại cách mình phê bình, có trịch thượng quá hay không thôi. Nghệ thuật là đa dạng, và công chúng thưởng thức nghệ thuật còn đa dạng hơn.

2.
Những điều chị Linh Cao chê các bạn trẻ về việc bày tranh trong Bảo tàng, tớ không thấy hợp lý tẹo nào. Chị nói các bạn ý không nên bày bảo tàng, vì tác phẩm chưa đâu vào đâu. Haizz. Thứ nhất: Phòng trưng bày chuyên đề của bảo tàng là chỗ cho thuê, bảo tàng tạo điều kiện cho các họa sĩ có chỗ tương đối tốt để bày. Mà khi đã hoạt động theo kiểu thị trường thì ai có điều kiện thì cứ thuê thôi. Sự kiểm duyệt của bên bảo tàng không dựa trên tiêu chí tuổi tác, tuổi nghề.

Thứ hai: chị Linh Cao thử nhìn xem, quanh ở Hà Nội, chỗ bày ngon bây giờ hiếm lắm, nhất là cho một triển lãm nhóm đông người. “Việc Ác Sen Tờ” của anh Vũ trọc thì đóng rồi, Phòng triển lãm trong trường Yết Kiêu thì chỉ cho những hoạt động của trường thôi, mấy chỗ như Viện Goeth, L’Espace, Nhà Sàn, Manzi thì có tiêu chí khác, mấy bạn trẻ này không chen vào được. Nhà triển lãm Ngô Quyền hay Hàng Bài thì không tốt bằng. Cà phê Trung Nguyên như chị nhắc thì tớ không dám chê điều gì, nhưng có thể các bạn ấy chưa có duyên, để lần khác. Vậy nên việc họ thuê phòng của bảo tàng để bày tranh khi họ lo được đủ tiền thuê thì không có gì là tội lỗi cả, đừng vì thế mà nói họ hám mấy dòng trong CV. Tớ mà xếp hàng được, thì tớ cũng thuê phòng bảo tàng để làm triển lãm cá nhân, đương nhiên không vì mấy dòng trong CV đâu, mà vì tác phẩm của mình, dù hay hoặc dở, cũng là tâm huyết, công sức và thời gian, nhà có điều kiện thì không việc gì không kiếm cho chúng những chỗ bày tốt nhất có thể.

3.
Chuyện họ bày tranh ở bảo tàng không có nghĩa là họ không “tìm đến những xưởng họa có uy tín, nói chuyện với những học giả có trí thức”. Hai chuyện này không ràng buộc cũng không phủ định nhau chị ơi.

Hí họa của Monica Zanet

4.
Chị Linh Cao nói: “Độc giả của các em phải là những người dân sống ngay tại nơi đi vẽ trực họa, đứng quanh xem cô chú hoạ sỹ vẽ và khen chê như ngày xưa chị đã đứng xem bác Phái vẽ trong xóm Hạ Hồi nhà chị, sung sướng lắm, trong sáng lắm..” Chuyện này thì chị hoàn toàn hồ đồ rồi. Có lẽ chị ít đi vẽ, hoặc lâu rồi không đi vẽ nên quên. Chứ dân chúng ở mọi nơi, thấy có người bày tranh ra thì họ bu vào luôn, lắm lúc che hết cả tầm nhìn. Trẻ con người lớn, người bán hàng trong thành phố hay thợ cày ở nông thôn, đi vẽ ở đâu cũng có những khán giả nhiệt tình, thậm chí giúp đỡ nước uống, nước rửa bút.. Họ xem họa sĩ vẽ nơi họ sống, ai ai cũng sung sướng và trong sáng…

Tuy nhiên, khi nói đến ý này, tớ cũng xin lưu ý lại comment của bạn Trân Trọng Viết. Bạn cũng có lý khi cho rằng “tranh trong triển lãm chủ yếu là sản phẩm ở trong phòng trọ”. Nhưng các tác phẩm ở đây, dù có được hoàn thành, chỉnh sửa trong phòng trọ thì những người vẽ có lẽ đã đi thật (dù có kết hợp đi chơi), và tìm tư liệu thật (dù có chụp thêm ảnh). Vì những cảnh vẽ bịa của những nhà sản xuất tranh chuyên nghiệp, nó không có được sự sinh động như phần lớn các tranh trong triển lãm này đâu.

5.
Và về ý cuối, chị Linh Cao nói :“Hãy sống hiền lành thậm chí thầm lặng như những chú cừu, để lúc xuất hiện, năm hay mười năm nữa cũng chưa muộn, có thể dùng mỹ thuật như tiếng gầm lên mãnh liệt và lay động của chúa sơn lâm…”. Ý này rất phản động (không phải nghĩa phản động mà mấy ông lề phải, lề trái hay quăng cho nhau, mà là phản lại xu hướng tích cực sáng tạo của mọi người). Tớ nghĩ, nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật, phải năng tiếp xúc với môi trường, với công chúng, nhận nhiều phản hồi khen-chê, thì nghệ sĩ (nhất là nghệ sĩ trẻ) mới trưởng thành được. Cứ ru rú giấu tác phẩm trong phòng vẽ, tự ti hoặc tự huyễn hoặc với nghệ thuật của mình thì càng để lâu càng hỏng. Nếu om tranh được tới mức 5 năm, 10 năm, thì có lẽ sẽ buông trôi thành 15-20 năm và không bao giờ luôn. Vì lúc đấy oải rồi, đi làm việc khác mất rồi chứ không còn vẽ tranh nữa. Lúc đó chỉ sợ ra quán trà đá cũng không chém nổi tí gió nào về nghệ thuật chứ chưa nói đến việc “gầm lên mãnh liệt”. (Lưu ý: Ý này không áp dụng với các họa sĩ lớn tuổi như các đại thụ, hoặc như bác Linh Lác, các bác thành danh khác mà việc triển lãm của họ còn phụ thuộc sức khỏe, quy mô dự án hoặc chiến lược thị trường).

*

Đây là cmt của Phạm Huy Thông cho bài viết của Linh Cao. Soi xin đưa lên thành bài. Tên bài do Soi đặt.

Ý kiến - Thảo luận

16:39 Wednesday,20.8.2014 Đăng bởi:  RauMuong Noigian
Xin chào!
Lâu lắm mới có cuộc tranh luận dài dài, thấy thú vị quá. Hoan hô các bạn trẻ đã bỏ công sức và góp tiền của để bày ra triển lãm này cho chúng tôi được xem, được nghe và được cãi nữa.
Ko biết có kỳ cục không khi tôi thấy quan điểm của Linh Cao cũng đúng mà Thông cũng hay. Như thế này, Linh C nhìn nghệ thuật theo kiểu tôn thờ, nói chung là hơi cũ, và h
...xem tiếp
16:39 Wednesday,20.8.2014 Đăng bởi:  RauMuong Noigian
Xin chào!
Lâu lắm mới có cuộc tranh luận dài dài, thấy thú vị quá. Hoan hô các bạn trẻ đã bỏ công sức và góp tiền của để bày ra triển lãm này cho chúng tôi được xem, được nghe và được cãi nữa.
Ko biết có kỳ cục không khi tôi thấy quan điểm của Linh Cao cũng đúng mà Thông cũng hay. Như thế này, Linh C nhìn nghệ thuật theo kiểu tôn thờ, nói chung là hơi cũ, và hơi... đặc phụ nữ. Đó là "một ngày tựa mạn thuyền rồng..." hoặc thơ mới là "thà một phút huy hoàng..." (có lẽ nhà thơ làm ra câu này cũng hơi có tính nữ nên khoái như vậy). Bảo tàng VN cũng đâu có phải thánh đường mầu nhiệm gì đâu, đồ thờ xen lẫn đồ nhôm nhựa linh tinh cả trong đó. Mình biết có hồi Bảo tàng còn cho thuê bãi cỏ trước mặt tiền để trồng rau má cơ mà :). Cái phòng triển lãm cho thuê chỉ là cái phòng triển lãm để cho thuê thôi. Còn cừu là cừu, hổ là hổ, làm sao cừu già lại có thể gầm lên như hổ được? Cừu bị cắt lông hay cắt tiết thì cũng chỉ be be ai oán là cùng. Còn hổ, khi chỉ mới to bằng con chó, động đến nó nó đã đợp cho bỏ mợ rồi. Tôi biết bạn Linh C ví theo nghĩa bóng, tôi hiểu nghĩa đen cho nó vui vậy.
Còn bạn Thông, hình như từ trước tới nay tôi chưa thấy bạn í nói gì sai cả, thế mới chết chứ! Hừm.
Buồn cười nhất là cái giới thiệu dài dòng của bà Natasha. Càng khẳng định thêm cái điều tôi cho rằng bà ta chẳng mấy khi nhìn hội họa bằng mắt của chính bà ấy cả. Có mấy bức tranh phong cảnh, tĩnh vật đơn giản thế thôi mà bà ta dán một đống nhãn thuốc Tây lên, phát khiếp. Điều này vẫn nặng mùi cô-lô-nhần, mặc dù chỉ là cô-lô-nhần hiền lành kiểu đàn bà.
Góp ý chân thành với các bạn tác giả một chút, mặc dù tôi mới chỉ xem qua ảnh mạng:
Một là, có lẽ từ lâu rồi các bạn nào muốn lao động và lớn lên bằng công việc vẽ thì phải dứt khoát ngay ngày mai là bỏ ngay cái kiểu chụp ảnh rồi bê nguyên bố cục của một bức ảnh để làm tranh đi. Ai dạy các bạn như vậy? Bạn Cứ Từ Từ góp ý việc này rất chi là dịu dàng. Tôi muốn tìm một từ mạnh hơn để... vào việc đó (nhưng... lại phải ấn nút píp xóa từ đó ngay, :) Bạn Linh C nói hơi nặng lời là "chép thiên nhiên còn chưa xong", đáng lẽ nên đổi là một số bạn chép cái bạn nhìn thấy trước mắt (dùng từ "thiên nhiên" e hơi to) còn lười biếng! thì đúng hơn.
Hai là: Tuy mới chỉ xem qua ảnh (là thiếu sót vô cùng lớn để thốt ra nhận xét) nhưng tôi thấy là tranh một số bạn có tâm hồn đấy chứ. Nhưng để nôm na là nếu muốn bán được (chị Linh C hay nhắc đến tiền quá), thì cái tâm hồn các bạn bày tỏ ra ấy, cần mọc thêm nhiều tay nữa vào, tay này thì sờ được vào tâm hồn của chị Linh C, tay kia thì sờ được vào tâm hồn anh Thông. Chứ còn mới chỉ sờ được vào tâm hồn anh Thông thôi thì chửa đủ (thêm...muốn bán giá cao, tiền nghìn Mỹ như chị Linh nêu ra í, thì số tay ấy chắc cần nhiều hơn cả chân rết hay như vòi bạch tuộc:))
Trong bài bình dẫn của bà Natasha có câu này: "chúng tôi có ý định tiến xa hơn đó là sáng tạo nghệ thuật dựa trên tinh thần của thiên nhiên, tạo nên một kết nối sâu sắc giữa thiên nhiên và tâm hồn con người." E rằng đó là một tuyên ngôn hay của bạn nào đó được bà í nói là "những ghi chép vụn vặt đươc cóp nhặt từ những lần trao đổi của cá nhân tôi với các họa sĩ trẻ". Chân thành chúc các bạn làm được điều đó. Các họa sĩ vĩ đại vẽ phong cảnh trên thế giới trước đây và sau này chắc cũng chỉ muốn làm được có đến thế là cùng thôi!!! 
13:52 Saturday,16.8.2014 Đăng bởi:  NTq Thanh

Không nói nhiều, làm việc 2000 giờ!


...xem tiếp
13:52 Saturday,16.8.2014 Đăng bởi:  NTq Thanh

Không nói nhiều, làm việc 2000 giờ!

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

“Nói chuyện gì, khi nói chuyện tình?”

Vi Tường Vi (N°9 - Nhóm One Tree)

7. 10 tại Eight Gallery:
Đặng Xuân Hòa - Tranh Trừu Tượng

Trần Hậu Tuấn - Thông tin từ Eight Gallery

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả