Thị trường

Cháy nhà ra mặt tranh 04. 10. 10 - 9:54 pm

Phương Lan lược dịch

Untitled 2001, Julie Mehretu, thuộc bộ sưu tập nghệ thuật của ngân hàng đầu tư đã phá sản Lehman Brothers, sắp tới sẽ được đem ra đấu giá.

Khi chưa cháy nhà…

Suốt nhiều thập kỷ nay, nhiều ngân hàng và công ty thịnh vượng nhất thế giới đã xây dựng cho mình những bộ sưu tập nghệ thuật, đầy các tác phẩm của các bậc thầy hiện đại, khiến giới bảo tàng phát ghen.

Họ sưu tập nghệ thuật là vì nhiều lý do khác nhau. Nói chung lợi nhuận thu về từ việc này thường chẳng quan trọng lắm. Nhiều công ty coi việc giúp đỡ đám nghệ sĩ đang lên (bằng cách mua tác phẩm) như một hình thức gánh chung trách nhiệm xã hội, đại loại là một thứ từ thiện. Khi ấy, họ có thể cho các bảo tàng và các gallery nghệ thuật mượn tác phẩm để triển lãm.

Nhưng một số khác lại dùng nghệ thuật để phô phang thịnh vượng. Fred Goodwin, cựu tổng giám đốc Royal Bank một thời oanh liệt, nay đã bị chính phủ Scotland quốc hữu hóa, xưa vẫn hay khoe khoang là trong phòng mình có treo hẳn tranh của David Hockney.

David Hockney, Garrowby Hill (1998)

Một số khác lại dùng nghệ thuật để giúp môi trường làm việc được sáng sủa, đẹp đẽ, khách cũng vui mà chủ cũng thích. Nửa thế kỷ trước, nhà kỹ nghệ Alexander Orlow vẫn trang trí tường văn phòng công ty thuốc lá Turmac ở Netherlands bằng những tác phẩm trừu tượng rực rỡ – lấy cảm hứng từ chủ đề “niềm vui cuộc sống” – để nhân viên của ông thấy yêu đời.

Khắp nơi trên thế giới, các công ty sở hữu những khối gia tài nghệ thuật mà công chúng ít được khi xem. Bộ sưu tập Săn lùng Nghệ thuật của JP Morgan, do David Rockefeller thành lập năm 1959, có tới 30.000 tác phẩm, trong đó có cả tranh của Jean-Michel Basquiat, Cindy Sherman và Andy Warhol.

Ở Anh, các ngân hàng RBS, HSBC và Barclays đều có những bộ sưu tập lớn, không giống như tập đoàn BP, mặc dầu bị dư luận kết tội là dùng tài trợ nghệ thuật để tẩy vết nhơ thấm dầu (loang), thực ra lại không hề có một bộ sưu tập nào cho riêng mình.

“Trong các tòa nhà của chúng tôi trên khắp nước Anh và những nơi khác quả thực cũng có một số tác phẩm nghệ thuật. Nhưng cũng có rất, rất nhiều ảnh chụp những giếng dầu,” người phát ngôn của BP là David Nicholas, nói.

Từ những năm 1970, Deutsche Bank của Đức đã bắt đầu sưu tập nghệ thuật và đến nay đã tích cóp được hơn 56.000 tác phẩm của các nghệ sĩ lớn như Joseph Beuys, Henri Matisse, Nan Goldin, Jeff Koons, Lucian Freud, treo khắp nơi trên tường văn phòng và các chi nhánh khắp 48 quốc gia.

Tác phẩm của Jeff Koons cũng là thứ mà các bộ sưu tập công ty thâu nạp.

 

… và lúc ra mặt tranh

Giờ đây, một số tập đoàn, công ty đã phải đem bán các tác phẩm vẫn dùng để tô điểm văn phòng và phòng họp – một số là do muốn bán thật, một số là để trả nợ những chủ nợ đang đói.

Trong nhóm thứ hai có ngân hàng phá sản Lehman Brothers. Bộ sưu tập trị giá nhiều triệu đô la của họ, gồm những tác phẩm của Damien Hirst, Gerhard Richter và những vị khác, tháng Mười. 2010 này sẽ phải nằm phơi búa gõ.
 
“Trong năm sáu năm qua chúng tôi ngày càng có nhiều khách hàng là các công ty,” Saul Ingram – người phụ trách dịch vụ của nhà Sotheby, chi nhánh châu Âu, cho biết. “Rõ ràng vài năm qua biến động kinh tế nhiều, và tôi cho rằng việc đó đã đưa đến một sự thay đổi trong cung cách (sưu tập) – tức những bộ sưu tập cần được lọc lại, tập trung vào chất lượng.”

Cathy Elkies, phụ trách bộ phận sưu tập của nhà Christie’s, thì lại nói rằng người ta ngày càng có khuynh hướng lập những bộ sưu tập cho công ty (tức đại trà hơn, để treo văn phòng, hành lang…) và khuynh hướng ấy sẽ còn tăng cao.

“Các tổ chức đều phải rà soát lại các bộ sưu tập. Một số đem bán sạch các tác phẩm nghệ thuật mình tích cóp lâu nay,” Cathy nói.

Khi các công ty đi xuống, thị trường nghệ thuật như được châm ngòi đi lên. Vào tháng Mười hai vừa qua, hãng hàng không phá sản Alitalia của Ý đã phải bán bộ sưu tập nghệ thuật lấy 1.2 triệu euros.

Vào tháng 6. 2010, Sotheby’s đã bán 1.000 bức ảnh của Ansel Adams, Dorothea Lange và những bậc thầy nhiếp ảnh khác, như một phần tài sản được tòa cho bán khi phá sản của công ty sản xuất camera nay không còn nữa, Polaroid.

Ảnh của Ansel Adams

Truyền thống mua (nghệ thuật) khi thịnh và bán (nghệ thuật) khi suy của các công ty đã có từ mấy chục năm nay. Một nhà tiên phong trong lĩnh vực này là chủ tịch IBM, Sr. Thomas Watson, người từng thu thập bằng hết các tác phẩm của Frida Kahlo và các nghệ sĩ khác chỉ để trang hoàng khu vực gian hàng IBM của mình tại Hội chợ Mỹ thuật Thế giới năm 1939 tại New York. Vào những năm 1990, IBM túng tiền đã phải nhờ Sotheby’s cho bán bộ sưu tập của mình với giá 31 triệu USD.

Nhưng nhiều người còn phải bán tợn hơn. Vào 1989, một quỹ hưu của công nhân đường sắt Anh quốc, trước đó tom góp các tác phẩm nghệ thuật như một khoản đầu tư dài hạn, đã bán bộ sưu tập mình đi lấy 99 triệu USD. Năm 1990, bộ sưu tập của tạp chí Reader’s Digest cũng phải đem ra bán, được 93 triệu USD.

Judd Tully, một người chuyên viết cho tờ Art and Auction nói, sở dĩ ngày nay chúng ta ít thấy cảnh các công ty lớn bán tháo các tác phẩm nghệ thuật là vì việc ấy có thể đưa lại tiếng tăm không được hay ho.
 
“Đó là dấu hiệu báo động… Nếu phải bán đến bộ sưu tập nghệ thuật thì các công ty ấy chắc chắn sắp phá sản,” Tully nói.

Ngày càng thực tế hơn, nhiều công ty đem bán những tác phẩm giá trị (quá) cao, từng được chọn kỹ càng, và tiền thu về lại đổ vào bộ sưu tập nghệ thuật của công ty có giá trị kém hơn (để có thể sử dụng rộng rãi hơn mà không phải quá e dè).

Vào tháng Sáu, HypoVereinsbank của Đức đã phải nhờ nhà Sotheby bán một miếng bọt biển xanh của Yves Klein với giá 6.2 triệu bảng.

Bọt biển của Yves Klein

Năm 2009, Commerzbank khi tiếp quản Dresdner Bank cũng đã tiếp quản luôn bức tượng Walking Man của Alberto Giacometti,  tuy nhiên họ không giữ lại mà ngay sau đó đã bán qua nhà Sotheby’s vào tháng 2. 2010 với giá cao nhất từ xưa tới giờ cho một tác phẩm: 65 triệu bảng.

Tháng 10 tới, cuộc đấu giá của Lehman Brothers diễn ra tại Sotheby’s New York và Christie’s London cũng có khả năng mang về 12 triệu USD để trả các con nợ – một món tiền cũng kha khá, dù chỉ là một mảnh tí teo của khối nợ khổng lồ 613 tỉ USD khi Lehman sụp đổ tháng 9. 2008 – vụ sụp đổ kéo theo cuộc tan rã kinh tế toàn cầu.
 
Người ta dự đoán lợi nhuận của cuộc đấu giá này sẽ được cao, không phải vì chất lượng những bức tranh. Korzinek, một nhà môi giới đầu tư nói: “Cũng lý thú để xem liệu việc sụp đổ của nhà Lehman năm nào có làm giá trị của bộ sưu tập tăng lên không. Khối người sẽ nhìn những tác phẩm không chỉ là tác phẩm, và đây là một cơ hội để họ mua về một kỷ niệm đáng nhớ của một thời co thắt tín dụng.”

The Ship Frankfield off Table Bay của Samuel Walters cũng là một bức tranh phải đấu giá trả nợ

Theo Associated Press

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả