Soi học

Phật giáo qua tranh: phật A Di Đà và phật Thích Ca: là hai hay là một? 26. 10. 12 - 3:25 pm

Diệu Vợi tổng hợp

Trong bài trước, bạn La Thần có hỏi: phật A Di Đà với phật Thích Ca là hai hay là một?

Câu này cũng có bạn hỏi tương tợ trên mạng, và câu trả lời được Yahoo Hỏi-Đáp bình chọn hay nhất là:

Chư Phật đều giống nhau.
Các Ngài vốn đã Vô Ngã, không còn chấp vào cái tên nữa. Do đó, Phật Thích ca cũng là Phật A Di Đà, Phật Di Đà cũng là Phật Thích Ca.
Chỉ có phàm phu mới còn chấp vào cái tên mà phân biệt Phật này, Phật kia.

Diệu Vợi thì xin làm kẻ phàm phu để trả lời với La Thần rằng: đó là hai vị phật riêng biệt.

Cả hai tuy cùng là thái tử, cùng từ bỏ kinh thành, đi tu rồi thành Phật, nhưng phật A Di Đà là giáo chủ của Tây Thiên Cực Lạc (an vui), còn phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ của cõi Ta bà (đau khổ).

Phật Thích Ca là nhân vật có thực trong lịch sử (tên là Tất-đạt-đa Cồ-đàm), là người lập nên đạo Phật.

Chân dung được cho là của phật Thích Ca năm 49 tuổi, do môn đệ là Tôn giả Phú Lâu Na vẽ. Nghe nói bức này hiện có tại Bảo tàng Anh quốc. Có bạn nào đang ở Anh đã từng đến xem chưa nhỉ? (Toàn bộ hình là lấy từ internet. Trong cả bài này, các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản lớn hơn).

Qua lời giảng của phật Thích Ca, môn đệ ngài mới biết đến… phật A Di Đà – một vị Phật đã có từ trước đó “mười ức kiếp”, đang cai quản một thế giới cực lạc. Theo phật Thích Ca, khi còn ở cõi Ta bà này, người ta nên phấn đấu để được tái sinh vào thế giới cực lạc ấy bằng cách tu tập, thành tâm hướng về.

Theo lời giảng của phật Thích Ca, những người hằng tâm tu tập và niệm phật A Di Đà, lúc lâm chung sẽ thấy phật A Di Đà cùng hai vị bồ tát đi cùng hiện ra đưa về tái sinh ở cõi Tây thiên Cực lạc.

Trên tranh, phật A Di Đà thường được có thân (hoặc áo cà sa) đỏ, là màu mặt trời lặn ở cõi Tây. Cà sa phật A Di Đà có khoét vuông ở cổ, trước ngực có chữ vạn. Đầu phật có các xoắn ốc tóc. Nếu ở tư thế ngồi thì ngồi kiết già trên tòa sen, tay bắt ấn thiền định (hai ngón cái chụm đầu vào nhau, các ngón còn lại đan nhau), trên tay có một cái bát, là dấu hiệu của giáo chủ (cõi Tây Thiên).

Tượng phật A Di Đà ở chùa Nhật

 

Tranh vẽ phật A Di Đà với cà sa đỏ khoét cổ vuông, đầu có các xoắn ốc tóc. Tay ở ấn thiền định, ngồi kiết già trên tòa sen.

 

Một số tranh, tượng có thêm con công là phương tiện di chuyển của phật A Di Đà.

Phật A Di Đà cưỡi công

Về hình này, theo bạn Nghi Thủy thì “không phải là là đức Phật A-di-đà! Bức tượng đó là vị Khổng tước Minh vương”. Các bạn đọc thêm phần bổ sung, dẫn giải của bạn Nghi Thủy trong các cmt bên dưới bài.

Bạn cũng hay thấy tranh, tượng thể hiện phật A Di Đà ở tư thế đứng một mình, vẫn trên đóa hoa sen, nhưng như lơ lửng trong không trung. Bên dưới là biển cả nổi sóng (cõi Ta Bà). Mắt phật nhìn xuống, miệng hơi mỉm cười nhân từ, tay phải buông xuống để chờ cứu vớt chúng sinh đang chìm trong bể khổ.

Tượng phật A Di Đà ở chùa Nhật

 

Nhưng nhiều nhất, bạn hay thấy phật A Di Đà bên cạnh có hai vị đại Bồ tát: Quán Âm (bên trái Phật, cầm cành dương và bình nước cam lồ) và Đại Thế Chí (bên phải Phật, cầm bông sen xanh).

Ở đây có đổi thứ tự trái phải một chút: Phật A Di Đà (giữa) với Bồ tát Đại Thế Chí (bên trái hình, áo xanh, Bồ tát Quán Thế Âm (bên phải hình, áo trắng). Tranh cổ Nhật, cuối triều Goryeo (918-1392)

 

Phật A Di Đà cùng hai vị bồ tát cai quản cõi Tây Thiên cực lạc.

 

Trong khi đó, tượng phật Thích Ca thường được vẽ một mình, hai bên không có hai vị bồ tát. Phật mặc áo cà sa vàng, choàng chéo qua vai, đầu thường có một búi tóc cao. Tay phật có thể ở các tư thế khác nhau như ấn xúc địa (chạm đất), ấn vô úy (không sợ hãi), ấn giáo hóa, ấn thiền định…

Tượng phật Thích Ca với áo cà sa không khoét cổ, tóc có búi, tay ở một thế ấn thiền định.

 

Tượng phật Thích Ca với tay ở ấn chuyển pháp luân.

 

Phật Thích Ca với tay ở ấn vô úy

 

Ngoài ra, ở nhiều chùa, tượng phật Thích Ca là dạng Đức Phật mới sinh, với tay chỉ thiên tay chỉ địa.

 

Nói vậy, nhiều khi trên tranh-tượng, các họa sĩ, nghệ nhân cũng thể hiện… đa dạng lắm, chưa kể Phật ở mỗi nước còn có thể mang hình dạng khá là khác nhau.

Nhưng tóm lại, A Di Đà và Thích Ca là hai vị khác nhau. Vậy thì, lời khấn cũng khác nhau chứ:
Nam mô A Di Đà Phật” là “Đem thân và tâm kính ngưỡng về Phật A Di Đà”

Còn “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật” là “Đem thân và tâm kính ngưỡng về Phật Thích Ca Mâu Ni”

Bạn biết thế nhé, để đứng trước tượng Phật nào thì niệm đúng tên Phật nấy. Thí dụ như mình, từ khi phân biệt được hai phật là khác nhau thì mình hay khấn phật Thích Ca mỗi khi vào chùa.

Chú thêm: Kiến thức bài này toàn là mình cóp nhặt trên mạng. Nếu thấy sai chỗ nào, các bạn nhớ sửa nhé, cho mình học thêm luôn.

 

*

Phật giáo qua tranh:

- Phật giáo qua tranh: Chọn trung đạo, đến dưới cây bồ đề

- Phật giáo qua tranh: Thần Đất, con gái Ma Vương… phe nào cũng lộng lẫy

- Phật giáo qua tranh: phật A Di Đà và phật Thích Ca: là hai hay là một?

- Phật giáo qua tranh: Ao ngòi ở
Tây Phương Cực Lạc

- Phật giáo qua tranh: 8 điều kiện để thành Bồ tát

- Phật giáo qua tranh: Một câu chuyện của Bồ tát từng ra gây rất nhiều tranh cãi

- Phật giáo qua tranh: Lời nguyện ở lại của Bồ tát

- Phật giáo qua tranh: Nhìn hoa sen và nhành dương để nhận ra bộ ba đến từ Tây Phương

- Phật giáo qua tranh: Nhìn mãnh thú để nhận ra Thích Ca tam tôn

Ý kiến - Thảo luận

9:02 Wednesday,22.5.2019 Đăng bởi:  mrphan
Tịnh Độ thì cho rằng thời đại này đã đi vào mạt pháp, tự thân tu tập không đủ để giác ngộ và giải thoát nữa, phải tu tập qua nhiều kiếp mới có thành tựu.
Bởi vậy họ đề xướng nương nhờ vào tha lực, tích đức hành thiện và niệm danh hiệu của phật A Di Đà cùng các vị bồ tát để mong sau khi chết tái sinh vào cõi cực lạc.
Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm
...xem tiếp
9:02 Wednesday,22.5.2019 Đăng bởi:  mrphan
Tịnh Độ thì cho rằng thời đại này đã đi vào mạt pháp, tự thân tu tập không đủ để giác ngộ và giải thoát nữa, phải tu tập qua nhiều kiếp mới có thành tựu.
Bởi vậy họ đề xướng nương nhờ vào tha lực, tích đức hành thiện và niệm danh hiệu của phật A Di Đà cùng các vị bồ tát để mong sau khi chết tái sinh vào cõi cực lạc.
Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm cũng là người "cứu khổ, cứu nạn" nên thiện nam tín nữ cầu mong gì thường là niệm danh hiệu 2 vị này. 
11:43 Thursday,25.10.2018 Đăng bởi:  Con Moè Béo Bụng
Diệu Vợi viết là về lịch sử và nguồn gốc của 2 vị.

Còn hình tượng 2 vị hiện tại liên quan đến quan điểm, con đường tu tập, tông phái nữa:

Những người tu tập, hành giả hoặc thuộc các tông phái như Đại Chúng Bộ, Phật Giáo Nguyên Thuỷ, Thiền Tông... tóm lại những người vẫn, đang và sẽ tu tập theo Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế thường niệm "Nam Mô Bổn
...xem tiếp
11:43 Thursday,25.10.2018 Đăng bởi:  Con Moè Béo Bụng
Diệu Vợi viết là về lịch sử và nguồn gốc của 2 vị.

Còn hình tượng 2 vị hiện tại liên quan đến quan điểm, con đường tu tập, tông phái nữa:

Những người tu tập, hành giả hoặc thuộc các tông phái như Đại Chúng Bộ, Phật Giáo Nguyên Thuỷ, Thiền Tông... tóm lại những người vẫn, đang và sẽ tu tập theo Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế thường niệm "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật" để chỉ Đạo Sư của họ.

Tịnh Độ thì cho rằng thời đại này đã đi vào mạt pháp, tự thân tu tập không đủ để giác ngộ và giải thoát nữa, phải tu tập qua nhiều kiếp mới có thành tựu. Bởi vậy họ đề xướng nương nhờ vào tha lực, tích đức hành thiện và niệm danh hiệu của phật A Di Đà cùng các vị bồ tát để mong sau khi chết tái sinh vào cõi cực lạc. Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm cũng là người "cứu khổ, cứu nạn" nên thiện nam tín nữ cầu mong gì thường là niệm danh hiệu 2 vị này 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả