Gẫm & Bình

Nghệ thuật đương đại Trung Quốc:
Hệ quả từ một chính sách 25. 10. 10 - 10:28 pm

Thế Sơn

Sắp đặt của Chen Wen Ling, Thần của chủ nghĩa tiêu thụ

Sắp đặt của Chen Wen Ling, Thần của chủ nghĩa tiêu thụ

 
 Từ sau mốc lịch sử năm 1978, khi ông Đặng Tiểu Bình mở cửa Trung Quốc với thế giới, đất nước Trung Quốc như hồi sinh và có nhiều thay đổi to lớn về mọi mặt. Trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ Trung Quốc đã háo hức thử nghiệm với những kỹ thuật và thủ pháp nghệ thuật mới của phương Tây để phản ánh những vấn đề nóng hổi và bức xúc về chính trị và xã hội. Chính động lực này đã tạo ra một diện mạo rất khởi sắc của nghệ thuật đương đại Trung Quốc.

 Một loạt những tên tuổi sáng giá của Trung Quốc đã liên tiếp xuất hiện trong những triển lãm nghệ thuật quốc tế lớn. Các tác phẩm của họ đã có mặt áp đảo trong các gallery uy tín và các cuộc đấu giá nổi tiếng trên thế giới. Mặt bằng các tranh, ảnh, tượng của các nghệ sĩ Trung Quốc liên tục gia tăng, tạo nên một làn sóng sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đương đại Trung Quốc trên khắp các thị trường nghệ thuật lớn như Châu Âu, Châu Mỹ, Hồng Kông, Singapore… Nói một cách khác, giá trị thương hiệu của nghệ thuật đương đại Trung Quốc đã được nâng lên một cách vượt bậc.

Vậy thực sự là cái gì đã tạo ra sự thay đổi thần kỳ đó? Điều gì đã biến một nền nghệ thuật Trung Quốc trước đó không lâu chỉ được biết đến với cái tên hiện thực xã hội chủ nghĩa – một bản sao của Liên Xô cũ mang màu sắc Trung Quốc – trở thành một quốc gia có nền nghệ thuật đương đại uy tín vào bậc nhất trên thế giới như hiện nay?

Phải chăng phải đến những năm 80 các nghệ sĩ Trung Quốc mới nhận ra cần phải thay đổi tư duy sáng tác, chủ đề sáng tác, hay do đến thời điểm đó năng lực sáng tác của họ mới đủ chín muồi?

Tranh Liu Xiao Dong

Qua tìm hiểu một số tài liệu, tôi thấy rằng tình hình chính trị và xã hội của Trung Quốc thời kỳ đó đã xảy ra những giằng xé nội bộ giữa phái hữu, gồm những người cấp tiến muốn thực hiện nhanh chóng cuộc cải cách dân chủ, và phái tả, gồm những người muốn triệt để tuân theo đường lối chính trị giáo điều truyền thống. Sau đó, sự phân cực gắt gao giữa hai phái đã đi đến hồi kết bằng sự tan rã của phái hữu sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Thắng lợi tạm thời của phái tả tồn tại không lâu và cuối cùng lại bị gạt sang một bên, đặc biệt là sau chuyến thị sát Thượng Hải của ông Đặng Tiểu Bình.
 
Trong không khí căng thẳng thời kỳ hậu Thiên An Môn đó, một chính sách mới đã chính thức được áp dụng, đó là chính sách kỹ trị. Trung Quốc đã thực hiện bước chuyển dứt điểm từ nền chính trị giáo điều sang nền chính trị thực dụng. Cuộc chuyển biến này đã dọn đường cho sự lên ngôi của tầng lớp tinh hoa mới, những nhà kỹ trị đầu tiên do Giang Trạch Dân lãnh đạo đã tạo ra được một luồng gió mới hiện đại và thực dụng, thu hút được một lượng tinh hoa nhân tài trở thành một lực lượng quan trọng trong xã hội. Công cuộc cải cách kinh tế theo hướng thị trường cùng với thay đổi lớn lao mà nó mang lại đã thu hút được trọn vẹn tâm huyết của giới trẻ.
 
Trong khi đó, những người thuộc thế hệ cũ trung thành với nền chính trị bảo thủ ngày càng già đi và dần rút khỏi chính trường. Hơn 10 năm sau chuyến đi lịch sử của ông Đặng Tiểu Bình đến Thượng Hải, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế chính là sự khẳng định chắc chắn về hiệu quả của đường lối kỹ trị, tầng lớp tinh hoa của Trung Quốc đã được mở rộng để tham gia quản lý nhà nước. (Theo ông James Tong – một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc – thì cả 9 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hiện nay đều là kỹ sư, không có bất kỳ một nhà lý luận nào, không có ai từ ngành tình báo, không có quân nhân chuyên nghiệp, không có ai xuất thân là công nhân, chỉ có duy nhất một người là cán bộ cao cấp thời kỳ trước. Cấu trúc quyền lực của Trung Quốc đã thực sự dứt bỏ được khuôn mẫu của nền chính trị giáo điều truyền thống).

Tranh của Zhang Lin Hai về “một thời”

 Tầng lớp trung lưu, thanh niên sinh viên bị cuốn theo sức hấp dẫn to lớn của các cơ hội phát triển kinh tế, cơ hội đầu tư, cùng với sức ép việc làm thôi thúc, đã quay lưng lại với các vấn đề chính trị. Giới kỹ trị này không còn vướng mắc trong các ràng buộc và tranh luận vô bổ về ý thức hệ, đã có tự do nhất định để ban hành các quyết định duy lý và hiệu quả khi giải quyết các vấn đề của hiện đại hóa.
 
Việc sử dụng tri thức tinh hoa được thể hiện rất rõ rệt. Sau khi mở cửa Trung Quốc đã có nhiều chính sách đón nhận, thu nạp một lượng lớn những người Trung Quốc thành đạt, những nhà khoa học, tiến sĩ, nghệ sĩ… trở về Trung Quốc. Chính những người này đã chắp thêm cánh cho sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, nó vừa gia tăng nội lực vừa củng cố thêm những ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa của Trung Quốc trên toàn thế giới. Tinh thần dân tộc được đẩy mạnh, lúc này tất cả các yếu tố để tạo nên một thương hiệu mạnh, MADE IN CHINA trở nên quan trọng hơn cả. Chính phủ Trung Quốc đến lúc này cũng không ngần ngại đứng ra bảo trợ cho nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Một loạt các cuộc triển lãm nghệ thuật lớn được chính phủ Trung Quốc tổ chức, nhiều nhà đầu tư lớn cũng không bỏ qua cơ hội này.

Chính sách đầu tư cho tinh hoa tri thức cũng đã được thể hiện rất rõ trong giáo dục. Trong các trường đại học, giáo sư được trả lương rất cao, có thể nói là cao nhất trong các ngành. Cùng với lực lượng giảng viên có sẵn, các trường đại học còn mời thêm nhiều giáo sư, các nghệ sĩ tham gia giảng dạy, tạo ra một không khí rất cởi mở và hết sức cầu thị. Thực sự là Trung Quốc đã và đang chuyển hóa sang một nền kinh tế tri thức.

Bảo tàng của trường Mỹ thuật Trung Quốc

SỰ BÙNG NỔ CỦA NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC Ở TRUNG QUỐC TỪ SAU NĂM 1979

Sự cởi mở hơn về chính trị và sự chuyển biến trong ý thức hệ của Trung Quốc đã là tác nhân khơi nguồn cho sự nở rộ của nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Quá trình phát triển và diễn biến này được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất từ sau năm 1979 đến 1989

Đây là giai đoạn Trung Quốc chưa chính thức áp dụng chính sách kỹ trị, tình hình đất nước Trung Quốc vừa thoát khỏi bóng đêm của cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Năm 1978, ông Đặng Tiểu Bình đã lật trang sử của Trung Quốc sang một giai đoạn mới – giai đoạn mở cửa hội nhập với thế giới. Đây có thể gọi là giai đoạn quá độ của lộ trình kỹ trị, khi mà giá trị của hai hệ tư tưởng đang giằng xé ngay trong nội bộ chính phủ Trung Quốc. Cải cách dân chủ nhanh chóng hay tiếp tục theo đuổi đường lối chính trị giáo điều truyền thống? Điểm mâu thuẫn đó chính là đặc điểm, tính chất căn bản của tình hình xã hội Trung Quốc giai đoạn này.
 
Điều này được thể hiện qua các sáng tác, trào lưu nghệ thuật cũng như qua thái độ ứng xử và phản ứng của chính phủ trước các trào lưu nghệ thuật đương đại này. Sau một thời gian dài bị tổn thương và kìm hãm trong Cách mạng Văn hóa, đề tài chính mà các nghệ sĩ giai đoạn này đề cập tới là các vấn đề của Cách mạng Văn hóa. Có những phong trào xuất hiện với cái tên “Những bức tranh có sẹo” hay “nghệ thuật của những người bị tổn thương”. Trào lưu này diễn tả nỗi đau đớn của cuộc cách mạng được thể hiện dưới dạng áp phích. Rất nhiều tác phẩm đã thể hiện một tâm trạng thất vọng và vỡ mộng của giới trẻ, những người cảm thấy bị phản bội và bị bỏ rơi. Có nhóm khác đi theo lối sơn dầu của phương Tây, nhiều hoạ sĩ ở Hạ Môn, Phúc Kiến còn theo trào lưu Dada – một hình thức đã làm bối rối nghệ thuật châu Âu vào những năm trước thế chiến thứ nhất. Họ đã tham gia làm nhiều “happening art” ở Hạ Môn.
 

Tranh của Wei Dong

Đến giữa những năm 80, những tác phẩm thử nghiệm táo bạo đã được diễn ra ở một vài nơi của Trung Quốc. Sự nở rộ của nghệ thuật tiền phong đã cho ra đời “phong trào 85”, mục đích của họ là muốn diễn tả sự thay đổi của chính sách và xã hội giai đoạn này. Các nghệ sĩ cảm thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thiết lập lại xã hội, phong trào này không nhằm mục đich tạo ra hình thức biểu đạt mới mà đơn giản là họ chỉ muốn góp những hoạt động nghệ thuật của mình như một phần trong sự thay đổi của xã hội.

Một trong những tác phẩm đáng ghi nhận nhất là tác phẩm sắp đặt Cuốn sách trời của Xu Bing. Cho đến giờ, Xu Bing vẫn là người tiên phong trong trào lưu nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Tác phẩm của ông được làm từ 4000 ký tự vô nghĩa của Tiếng Hán. Ông khắc chúng vào những con triện theo kiểu nhà Tống (thế kỷ 11) sau đó bày tác phẩm của mình dưới dạng tranh trục. Ông đã làm việc này trong 3 năm từ 1987 đến 1991 với một công việc nhàm chán là ngồi khắc dấu, giống như việc ngồi cầu nguyện vào mỗi buổi sáng, quá trình làm là quan trọng hơn kết quả. Tác phẩm như một đài tưởng niệm với một ý nghĩa rất sâu sa.

Một tác giả nữa của giai đoạn này cũng phải kể đến là Huang Yong Ping với tác phẩm sắp đặt Máy giặt. Ông đã bỏ hai cuốn sách viết về nghệ thuật Trung Quốc rất có giá trị vào máy giặt và bấm máy trong vòng 2 phút. Sau đó, để ra thành từng đống hỗn độn trên mặt bàn. Một tác phẩm đề cập đến những vấn đề về giá trị.

Huang Yong Ping vào 1985

 

Hai quyển: Lịch sử hội họa Trung Hoa và Lích sử hội họa hiện đại sau khi cho vào máy giặt, 1987

Có thể thấy các tác phẩm của các nghệ sĩ tiên phong thời kỳ này luôn đề cập tới sự giằng xé, đấu tranh cũng như sự xung đột về hệ tư tưởng và khái niệm về giá trị. Thái độ phản ứng của chính quyền đối với những hoạt động nghệ thuật này thường không mấy tích cực, rất nhiều cuộc triển lãm và buổi trình diễn đã bị đóng cửa, bắt bớ, tra hỏi.

Đến tận năm 1989, ngay trước khi xảy sự kiện Thiên An Môn, cuộc triển lãm “Nghệ thuật tiên phong Trung Quốc” tổ chức ở Bảo tàng Quốc gia Bắc Kinh vẫn bị đóng cửa hai lần sau khai mạc, nhiều nghệ sĩ đã bị bắt giữ, chất vấn, thậm chí có hai nghệ sĩ nhiếp ảnh Hàng Châu đã bị quân đội bắn chết. Có thể nói, năm 1989 là một thời điểm cao trào của những xung đột giữa hai phái hữu khuynh và tả khuynh.

Sui Jian Guo, Thanh niên thông minh, 2007, sơn dầu trên canvas

Giai đoạn thứ hai: từ năm 1989 đến nay

Không khí căng thẳng và ảm đạm bao trùm khắp Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn. Các phong trào nghệ thuật tiên phong trở nên yên ắng, các nghệ sĩ không trưng bày các tác phẩm ở nơi cộng cộng nữa, họ chủ yếu làm việc trong studio. Thời gian này là thời điểm Trung Quốc gặp phải rất nhiều phản ứng của thế giới. Thậm chí có lúc Trung Quốc còn đứng trước nguy cơ bị cấm vận, trừng phạt kinh tế. Song có lẽ đến lúc này sự dàn xếp trong nội bộ chính phủ đã tạm ổn, thể hiện bằng việc ông Giang Trạch Dân đã đưa ra một loạt chính sách kỹ trị, tạo ra được một luồng gió mới, hướng sự tập trung của đất nước vào phát triển kinh tế, đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa.

Thời gian này trong xã hội Trung Quốc tự phổ biến một quan niệm “Hãy kiếm tiền và không hỏi gì hết”. Về phía các nghệ sĩ cũng được tự do hơn, đặc biệt là sau năm 1992. Đó là hệ quả của quá trình cải cách dân chủ ở Trung Quốc. Thái độ đối xử của các nhà cầm quyền với các hoạt động của giới nghệ sĩ cũng đã có chuyển biến hơn trước. Chính sự mở cửa này đã tạo ra sự bùng nổ về nghệ thuật đương đại. Hơn bao giờ hết, hình tượng Mao được các nghệ sĩ sử dụng một cách công khai, tạo thành một trào lưu Mao Pop rất phát triển. Trường phái hiện thực phê phán cũng thịnh hành từ những xung đột về hệ tư tưởng giữa tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Sự tăng tưởng kinh tế mạnh mẽ, sức ép của nền kinh tế thị trường đã mang lại cho các nghệ sĩ đương đại những chủ đề mới như sự khát khao làm giàu nhanh chóng, sự cạnh tranh khốc liệt, sự ngăn cách giàu nghèo… Rất nhiều đề tài cũng như hình thức nghệ thuật thể nghiệm mới được phát triển rầm rộ như ảnh khái niệm, ảnh sắp đặt, video art, trình diễn…

Zhang Hongtu, 1989 với bữa tiệc li của Mao

Một đặc điểm chung của các sáng tác thời kỳ này là rất cởi mở, hả hê, khoáng đạt chứ không còn cảm giác gò bó, ấm ức như giai đoạn trước. Quả thực, có được tinh thần này cũng là do sự mở cửa về văn hóa của chính phủ Trung Quốc trên tiêu chí sử dụng tri thức tinh hoa từ chính sách kỹ trị.

Sau một thời gian dài bị đóng cửa, các triển lãm nghệ thuật đương đại đã được chính phủ quan tâm trở lại. Hơn nữa các nghệ sĩ Trung Quốc giờ đây đã trưởng thành hơn rất nhiều, các tác phẩm của họ đã gây được nhiều sự chú ý trên thế giới, giá tranh của họ liên tục tăng cao trên các gallery và các nhà đấu giá nổi tiếng thế giới. Chính phủ lại đứng ra tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật qui mô quốc tế cho các nghệ sĩ đương đại Trung Quốc. Cùng với đà phát triển kinh tế, nghệ thuật đương đại Trung Quốc cũng đơm hoa kết trái, chưa bao giờ giá của các tác phẩm nghệ thuật lại cao như hiện nay. Theo báo cáo của New York Times tháng 1 năm 2007, danh sách các hoạ sĩ đạt kỷ lục đấu giá tranh liên tục gia tăng. Trong đó, có những nghệ sĩ nổi tiếng về bán tranh với giá hàng triệu đôla một bức như Zhang Xiao Gang, Fang Li Jun, Yue Min Jun, Zeng Fan Zhi, Wang guang Yi, Zeng Hao…

Zeng Hao, 6pm 27 June 2006

Trong năm 2006 vừa qua, hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới Sotheby’s và Christie’s đã bán được 190 triệu đôla cho các tác phẩm nghệ thuật đương đại của Châu Á, phần lớn trong số đó là các tác phẩm của các nghệ sĩ Trung Quốc. Bức tranh Đập Tam Hiệp của Liu Xiao Dong đã bán được với giá 2,7 triệu đôla.

Tranh của Liu Xiao Dong

 
Bức Quảng trường Thiên An Môn 1993 của Zhang Xiao Gang được bán với giá 2,3 triệu đôla. Theo Artnet.com thì 16 bức tranh khác của Zhang Xiao Gang đã được bán với giá 500.000 đôla mỗi bức trong suốt 2 năm vừa qua.

Zhang Xiaogang, Thiên An Môn 2

 Với những số liệu trên, ta có thể thấy rõ mặt bằng những sáng tác nghệ thuật của các nghệ sĩ đương đại Trung Quốc đã được nâng lên rất nhiều. Một lần nữa chúng ta lại được chứng kiến giá trị thương hiệu MADE IN CHINA trong nghệ thuật của Trung Quốc được vực dậy ngoạn mục như thế nào. Có được những thành quả bước đầu đó trước hết là do nội lực cũng như sức sáng tạo tiềm tàng của những nghệ sĩ Trung Quốc, tiếp theo đó là do chính sách kỹ trị mềm dẻo và hiệu quả của chính phủ Trung Quốc.

Sự cất cánh của nền nghệ thuật đương đại Trung Quốc qua phân tích có thể thấy luôn song hành cùng với sự phát triển của kinh tế và sự mở cửa của văn hóa và tư tưởng. Chính vì vậy, có thể nói tương lai của nghệ thuật đương đại Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như xã hội Trung Quốc. Qua nghiên cứu và phân tích có thể thấy cứ mỗi chặng 10 năm, Trung Quốc lại có những thay đổi căn bản và những bước tiến rõ rệt trong mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Nghệ thuật đương đại Trung Quốc qua quá trình phát triển lột xác cũng để lại dấu ấn đặc thù của từng thời kỳ trong các tác phẩm nghệ thuật.

Thời kỳ 1979-1989, các sáng tác chịu ảnh hưởng nhiều từ những hậu quả của cuộc Cách mạng Văn hóa. Các tác phẩm nghệ thuật thường thể hiện sự đấu tranh giằng xé giữa các giá trị đối lập trong xã hội, trong hệ tư tưởng, trong lối sống, quan niệm, mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, giữa phương Đông và phương Tây.

Thời kỳ 1989-1999, các sáng tác nở rộ về nội dung và hinh thức biểu đạt. Vẫn tiếp tục phản ánh các vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, nhiều sáng tác đã lấy hình tượng liên quan đến chính trị như Mao, áo đại cán,… làm chủ đề. Những vấn đề cá nhân trong tác động của xã hội hiện đại cũng đã được các nghệ sĩ đề cập tới.

Tranh của Tang Zhigang

Chủ đề này lại được khai thác mạnh hơn nữa ở giai đoạn kế tiếp từ 1999 đến nay, nhưng đã được các nghệ sĩ trẻ thể hiện ở những khía cạnh nhạy cảm hơn, mang tính thời đại hơn. Có lẽ giai đoạn này, các nghệ sĩ trẻ – những con người đại diện cho một thế hệ Trung Hoa mới không còn chịu ảnh hưởng nặng nề của chính trị trong quá khứ – họ cũng ít quan tâm đến những chủ đề như Mao hay Cách mạng Văn hóa như các lớp nghệ sĩ đàn anh đã từng làm.

Xiong Xi Qiu (Hùng Hỷ Thu) là một gương mặt nghệ sĩ trẻ tiêu biểu thời kỳ này. Cô sinh năm 1979 nhưng đã trở nên nổi tiếng với các sêri tranh như “cosmo girl”, “super girls”… với phong cách pop art trẻ trung. Cô đã phản ánh đời sống cũng như những giấc mp7 của giới trẻ Trung Quốc ngày nay – một thế hệ thích ăn McDonald, KFC, thích mặc đồ hiệu, du lịch cuối tuần và sở hữu xe hơi BMW.

Xiong Xiqiu – Cosmo girl 8

 

Zhu LiWen – Ký ức mùa hè

Tóm lại, có thể thấy những thành quả của nghệ thuật đương đại Trung Quốc có được ngoài yếu tố tài năng cũng như bản lĩnh của người nghệ sĩ thì cũng không thể phủ nhận được sự đóng góp mang tính quyết định của các chính sách. Chính thời thế đã tạo anh hùng và anh hùng là người luôn biết nắm lấy thời thế.

Thời cơ và vận mệnh của mỗi quốc gia cũng không có nhiều, rất mừng là thời gian gần đây cùng với sự hội nhập quốc tế, chính phủ Việt Nam đã có những biểu hiện chứng tỏ đang dứt khoát gạt bỏ những tư tưởng giáo điều để tập trung vào phát triển nền kinh tế thực dụng. Câu hỏi lớn cho chúng ta là sẽ đi về đâu chứ không phải là chúng ta đã làm được gì, liệu chúng ta có bắt kịp với Thái Lan, Singapore, Trung Quốc hay không. Để làm được điều này, hơn bao giờ hết chúng ta rất cần những chính sách mang tính thực chất hơn. Hy vọng rằng thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam với sự cầu thị và nhạy cảm cộng với những thời cơ thay đổi có chiều hướng tích cực của xã hội sẽ tạo nên một bước đột phá trong tương lai không xa.

Ý kiến - Thảo luận

0:26 Friday,27.7.2012 Đăng bởi:  Hồ Đăng Chính
"..phái hữu, gồm những người cấp tiến muốn thực hiện nhanh chóng cuộc cải cách dân chủ, và phái tả, gồm những người muốn triệt để tuân theo đường lối chính trị giáo điều truyền thống..." theo như em được biết thì "phái tả - phái hữu" đã được định nghĩa sai: Tả khuynh hay cánh tả, phái tả dùng để chỉ những người có tư tưởng tiến bộ, đổi mới, dân
...xem tiếp
0:26 Friday,27.7.2012 Đăng bởi:  Hồ Đăng Chính
"..phái hữu, gồm những người cấp tiến muốn thực hiện nhanh chóng cuộc cải cách dân chủ, và phái tả, gồm những người muốn triệt để tuân theo đường lối chính trị giáo điều truyền thống..." theo như em được biết thì "phái tả - phái hữu" đã được định nghĩa sai: Tả khuynh hay cánh tả, phái tả dùng để chỉ những người có tư tưởng tiến bộ, đổi mới, dân chủ. Ngược lại, từ hữu khuynh hay cánh hữu, phái hữu dùng để chỉ người có tư tưởng thụt lùi, bảo thủ mà! 
8:39 Thursday,28.10.2010 Đăng bởi:  A.N
Soi có thể có bài về Xiong Xiqiu không? Cảm ơn nhé
...xem tiếp
8:39 Thursday,28.10.2010 Đăng bởi:  A.N
Soi có thể có bài về Xiong Xiqiu không? Cảm ơn nhé 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả