|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞSáu kết luận và một rút ra: “Hà Nội – Không việc gì phải vội!” 29. 09. 14 - 5:03 pmBài và ảnh: Bảo Thư.
Sáng Chủ nhật 28-9, tôi háo hức đến cổng 19C Hoàng Diệu, trước đây vốn là địa chỉ quen thuộc của dân mê bia bọt Hà Nội. Qua bạn bè kháo nhau, tôi biết có một hội sách đang được tổ chức trong khuôn viên Hoàng thành, một địa điểm rộng rãi, lý tưởng để tổ chức một sự kiện như thế này. Định vào xem, và hy vọng mua được sách… Hội sách kỷ niệm 60 năm ngày tiếp quản Thủ đô mang tiêu đề: Hà Nội, thành phố vì hòa bình (gọi tắt là Hội sách Hà Nội). Trước hết, phải thừa nhận một điều rằng Hà Nội lần đầu tiên tổ chức được một hội sách như vậy là nỗ lực rất lớn để tôn vinh văn hóa đọc của người dân Thủ đô, để người mê sách của Hà Nội không bị mặc cảm là “sao người Sài Gòn sướng thế, cứ hai năm một lần lại có ngày hội sách cực hoành tráng, các nhà xuất bản thu tiền tỉ từ tiền bán sách còn người đọc thì được thoải mái mua sách thỏa mãn niềm đam mê của mình”. Những điều tích cực cũng như nỗ lực của những người tổ chức Hội sách là điều đáng ghi nhận. Nhưng những gì tôi tận mắt chứng kiến khiến cho thấy có quá nhiều điều để nói. Vừa đến cổng 19C Hoàng Diệu, tôi thất kinh khi thấy người dắt xe máy đông nghìn nghịt ùn ứ ở cổng vào, trong khi các anh bảo vệ mặc đồng phục màu xanh nhạt ra sức cản địa, không cho người nào lọt vào khu bãi đỗ xe mà tôi có thể nhìn thấy thấp thoáng ở bên trong. Thi thoảng có một vài người nói gì đó với các anh bảo vệ thì được phi thẳng xe vào, còn lại phải loay hoay tìm chỗ để có thể gửi chiếc xe máy quý báu của mình. Có một đoạn vỉa hè đường Hoàng Diệu từ chỗ cổng vào Hội sách hất ra phía đường Điện Biên Phủ thì được chăng dây để gửi xe, còn lại toàn bộ phần vỉa hè cũng đường Hoàng Diệu từ cổng vào Hội sách hắt về phía đài Liệt sỹ không có bất cứ một đơn vị trông giữ xe nào. Kết quả là bà con đến hội sách cứ dắt xe lên vỉa hè, khóa lại rồi để đấy. Suốt cả một quãng vỉa hè dài dằng dặc, tính ra cỡ phải vài trăm tới cả ngàn xe máy cứ để tự do, không có người trông coi trong suốt thời gian cả buổi, trong khi chủ xe còn mải mê trong hội sách. Kết luận đầu tiên rút ra: vào ngày Chủ nhật đông khách, những người tổ chức Hội sách Hà Nội chê tiền, không muốn lượm bạc cắc từ việc trông xe vất vả, mặc kệ người đi Hội sách phải thấp thỏm trong suốt thời gian vào Hội sách. Vào bên trong rồi, thấy bãi gửi xe còn khá nhiều chỗ trống, gặp một anh bạn thuộc diện mê sách có mặt từ hôm khai mạc, tôi hỏi vì sao lại có chuyện kỳ quái, tổ chức Hội sách mà lại không tổ chức trông xe, anh bảo: “Hôm nay chưa ghê! Hôm qua, tức là ngày đầu tiên sau lễ khai mạc cắt băng tưng bừng, người ta còn không cho khách mang xe vào bãi để bên trong nữa kia! Hỏi thì họ bảo quy định của Hoàng thành là như vậy! Bên Sở thông tin và truyền thông Hà Nội chỉ là bên thuê lại địa điểm thôi! Đến hôm nay còn cho một ít khách mang xe vào là đã có cải tiến rồi đấy”. Không rõ thực hư có chuyện bên Hoàng thành Thăng Long không coi Sở thông tin và truyền thông Hà Nội “chả là cái đinh gì” hay không, nhưng có thể có kết luận thứ hai: sự phối hợp giữa một số cơ quan của Hà Nội trong việc tổ chức Hội sách là không tốt. Kết luận thứ ba: Hà Nội quá an ninh, để xe trên vỉa hè thế mà không mất! “Không cần phải làm chung với ai cả!” Sự trục trặc trong khâu phối hợp còn thể hiện ở chỗ tổ chức chuyên đề “Hành trình của sách” trong khuôn khổ các hoạt động của Hội sách. Thoạt đầu, nó được coi là hoạt động phối hợp thực hiện giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và Trung tâm văn hóa-ngôn ngữ Đông Tây để trưng bày một số tư liệu sách xuất bản từ cuối thế kỷ XIX đến thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Đến phút cuối cùng, Thư viện quốc gia từ chối làm chung cùng Trung tâm văn hóa-ngôn ngữ Đông Tây với lý do: “Thư viện quốc gia Việt Nam là đơn vị lớn nên không phải làm chung với ai cả!”. Kết quả là đến những phút cuối, Trung tâm văn hóa-ngôn ngữ Đông Tây được chia ba cái tủ kính, dựa vào tường để bày sách (nói của đáng tội, sách do Trung tâm này trưng bày thật sự là những cuốn sách quý, có nhiều bản cực hiếm, còn sách bên Thư viện trưng bày thì ngoài những bản chữ Hán, chữ Nôm ít người hiểu, còn đa phần… ở đâu cũng có!) Đọc thông tin trên báo giới thiệu Hội sách Hà Nội năm nay có hàng trăm gian hàng, tôi đã khấp khởi sẽ có một hội chợ sách hoành tráng xứng tầm Thủ đô. Nhưng đến khi vào Hội sách, thực tế là trừ một số gian hàng của một ngân hàng tài trợ, tổng cộng số gian hàng trong Hội sách chỉ vào khoảng hơn 90, trong đó số gian hàng có các hoạt động mua bán sách thật sự tấp nập chỉ vào khoảng trên dưới hai chục! Đặc biệt là chỉ có hai gian hàng từ TP Hồ Chí Minh ra là của FAHASA và Nhà xuất bản Trẻ, trong khi ai cũng biết TP Hồ Chí Minh là trung tâm lớn nhất của ngành xuất bản cả nước, với các nhà xuất bản hết sức năng động và lượng ấn phẩm cực lớn. Kết luận thứ tư: các nhà tổ chức Hội sách Hà Nội đã bám sát tiêu chí “Hà Nội”, quyết không mời các nhà xuất bản ở khu vực phía Nam tham gia phục vụ nhu cầu mua sách của đông đảo độc giả Hà Nội.
Trong khuôn khổ của Hội sách Hà Nội có rất nhiều hoạt động chuyên đề, các buổi tọa đàm, giao lưu tác giả-bạn đọc diễn ra trong Hội trường, nhưng điều đáng ngạc nhiên là ở Hội sách không có lấy một hệ thống loa phóng thanh để thông báo, cập nhật về các sự kiện này. Ai vô tình lạc bước vào Hội trường đúng vào lúc diễn ra sự kiện thì biết và tham gia, còn nếu không thì… tùy nghi! Nghĩ ngay tới một việc mà hầu như ở hội chợ nào cũng diễn ra là có những bé đi theo bố mẹ bị lạc trong đám đông nghìn nghịt… Nếu điều đó xảy ra ở đây, bố mẹ sẽ không biết phải làm sao, vì vắng mặt hoàn toàn hệ thống loa phóng thanh! Kết luận thứ năm: các nhà tổ chức không quan tâm việc quảng bá, cập nhật thông tin ngay trong hội sách để lôi kéo người xem đến với các sự kiện, các gian hàng. Hội sách cũng là công sở nhà nước! Sau khi đi nhiều vòng các gian hàng xem sách, đến gần trưa, ra đến cổng, tôi chứng kiến một sự việc khá buồn cười: các anh bảo vệ ngăn không cho người vào Hội sách nữa! Lý do: nghỉ trưa một tiếng đồng hồ. Hỏi ra mới biết, Hội sách diễn ra từ 8h sáng đến 9h đêm hàng ngày, nhưng có hai lần nghỉ, mỗi lần 1 tiếng (chắc để nhân viên ăn cơm!). Tôi đã đi không biết bao nhiêu là hội chợ cũng như hội sách, mới thấy lần đầu tiên ở Hội sách Hà Nội chuyện nghỉ giữa giờ như vậy, đúng kiểu tư duy công sở nhà nước! Lẽ ra người ta có thể đi Hội sách có thể bất cứ lúc nào, thậm chí tranh thủ giờ nghỉ trưa, nghỉ chiều phóng tới xem, nay tới nơi bỗng dưng bị ngăn lại không cho vào, khác gì bị ném cục nước đá vào mặt! Vậy là không hiểu nổi, giờ trưa thì không được vào, giờ làm việc thì đã phải ở cơ quan, có nghĩa Hội sách này chỉ dành cho những người không đi làm (hoặc không đi làm nữa?), còn những công nhân viên chức yêu sách, họ sẽ thiệt thòi đến mức nào? Kết luận thứ sáu: những người tổ chức Hội sách quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe cho nhân viên ban tổ chức, các gian hàng (mặc dù chắc chắn là chả có gian hàng nào bán sách muốn bị ngưng mỗi ngày hai tiếng đồng hồ để nghỉ) hơn là tạo điều kiện để người đến với Hội sách càng nhiều càng tốt! Chắc chắn “thành công”, nhưng còn nhiều việc phải làm Với tất cả những kết luận nêu trên, không có nghĩa là tôi muốn đi tới kết luận cuối cùng rằng những người tổ chức Hội sách Hà Nội không muốn người dân đến với Hội sách. Chỉ có thể hiểu rằng việc tổ chức Hội sách Hà Nội đã là một cố gắng rất lớn của Ban tổ chức, nhưng để có thể “thành công”, điều chắc chắn sẽ có trong bài tổng kết Hội sách, thì còn rất nhiều việc phải làm. Sau Hội sách nên lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận, của người dự Hội sách, rồi có những sửa đổi một cách thiện chí và nhanh chóng. Cũng nên cử các cán bộ tổ chức tham quan Hội sách TP Hồ Chí Minh tổ chức 2 năm một lần để học hỏi kinh nghiệm… Đó là cách để những Hội sách trong tương lai của Hà Nội ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Chứ thế này xấu hổ quá, mang tiếng là hang ổ của dân đọc sách mà Hội sách tổ chức lủng củng, như là do những người không bao giờ đi mua sách tổ chức ấy! Cũng đừng để như đại diện của một nhà sách tham dự Hội sách Hà Nội, sau khi phàn nàn với tôi về hàng loạt những điều còn bất cập, tác phong lừ đừ của ban tổ chức, đã kết luận một cách khá hiểu đời: “Đúng kiểu Hà Nội – không việc gì phải vội!” * Hội chợ Sách Hà Nội còn kéo dài đến 2. 10. 2014 Ý kiến - Thảo luận
1:04
Friday,10.10.2014
Đăng bởi:
người ngoài bao
1:04
Friday,10.10.2014
Đăng bởi:
người ngoài bao
mình cũng có đến hội sách vào ngày chủ nhật. tới cổng nhìn vào trong bãi xe vắng teo, thế mà mấy ảnh bảo vệ không cho vào gửi xe. trong bụng cứ thấy tức cười thế nào ý
9:45
Wednesday,1.10.2014
Đăng bởi:
Bảo Thư
Trần Nhật Chiêu thân mến,
Đây là một trải nghiệm thực tế của chính mình và gia đình mình. Mình đã đi cả hai ngày liên tiếp để xem và sự biến chuyển (nhỏ nhoi) là mình có kể trong bài hết đấy. Nếu chính sách gửi xe của BTC mà lại thay đổi mỗi thời điểm (có thể lắm, vì trải nghiệm của bạn khác trải nghiệm của mình dù đi cùng một hội sách) thì lại là ...xem tiếp
9:45
Wednesday,1.10.2014
Đăng bởi:
Bảo Thư
Trần Nhật Chiêu thân mến,
Đây là một trải nghiệm thực tế của chính mình và gia đình mình. Mình đã đi cả hai ngày liên tiếp để xem và sự biến chuyển (nhỏ nhoi) là mình có kể trong bài hết đấy. Nếu chính sách gửi xe của BTC mà lại thay đổi mỗi thời điểm (có thể lắm, vì trải nghiệm của bạn khác trải nghiệm của mình dù đi cùng một hội sách) thì lại là một nét đáng lo khác :-) Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp