Bàn luận

Chuyện dở hơi: khi di cư nội mắng di cư ngoại là cầu vinh, hám lợi 08. 12. 15 - 9:01 pm

Phạm Tuấn Anh

Hí họa của Chuck Asay

Nhiều bạn ăn gian dựa dẫm vào cái tâm lý trâu buộc ghét trâu ăn để mắng bọn du học không về là đạo đức giả chỉ ở lại nước ngoài để cầu an, cầu vinh, cầu sang cho bản thân chứ cống hiến đ.gì cho nhân loại với cứ chê Việt Nam chứ ở Việt Nam giờ thiếu gì cơ hội cho bất kỳ ai. Đa số cũng nói không về thì lấy ai giúp nước, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ biết dành phần ai vv? Đọc những bài viết dài dằng dặc cao đạo, ngạo mạn, hung hăng nhưng thiếu chín chắn mình thấy chính những người viết ngớ ngẩn đó là lý do đầu tiên mà bạn trẻ du học không nên về.

Tranh luận du học về hay ở thời diễn đàn Thanh niên xa mẹ ở Tathy Thăng Long thời 11-12 năm trước mình nhớ là một trong những tranh luận kéo dài và có chất lượng nhất. Các bên tham gia đã nói tất cả những gì mà các bạn ủng hộ phản đối hôm nay đang nói ở FB. Mình lúc nào cũng nhất quán cổ súy cho việc người trẻ nên đi ra ngoài và ở nước ngoài càng lâu càng tốt, rồi thì tùy những suy tính về “mưu cầu hạnh phúc cá nhân” mà quyết định xem nên ở tiếp hay nên về.

Quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân là một trong những quyền người ta cho là các quyền căn bản tạo hóa ban cho con người và hạnh phúc bao gồm nhiều thành phần trong đó có cả sự đầy đủ về vật chất, sự an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình, các cơ hội để cá nhân phát triển tối đa tiềm năng vv. Miễn sao quyền mưu cầu hạnh phúc của bạn không xâm phạm quyền mưu cầu hạnh phúc của người khác thì mình nói rằng bạn cứ tự do lựa chọn nơi chốn bạn muốn sinh sống để tối đa hóa hạnh phúc của bạn. Đóng góp cho quê hương bản quán cũng có thể là một thành phần trong suy tư hạnh phúc của bạn nhưng đây không phải là một thứ mà mình cho là bạn phải có trách nhiệm làm. Giúp đỡ quê hương có rất nhiều cách không phải cách nào cũng cần hoành tráng startup nọ kia – đối với đa số người ta mình cho rằng nếu người ta cứ tự lo cho bản thân và gia đình thật ổn, không trở thành gánh nặng cho xã hội, không trộm cắp, tham nhũng v.v… thì đã là giúp ích quá tốt cho quê hương rồi. Nếu bạn giúp được các cơ hội phát triển cho quê hương, giúp tạo nguồn cảm hứng bằng thành công của chính các bạn thì lại càng tốt nhưng người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình.

Minh họa từ trang này

Từng có thời gian đọc và viết về chảy máu chất xám và chảy máu chất xám ngược là hiện tượng trí thức các quốc gia đang phát triển đổ ra nước ngoài sinh sống, làm việc, cống hiến cho thế giới và nhân loại rồi sau đó khi kinh tế quê nhà phát triển tới mức nhất định đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao thì số trí thức đó lại ào ạt đổ về, mình tự hỏi những tranh luận ầm ào hôm nay về việc về hay ở liệu có phải là chỉ dấu manh nha về việc kinh tế Việt Nam phát triển tới hạn để đảo ngược dòng chảy tri thức ra ngoài hay không.

Suy nghĩ kỹ mình cho là chưa phải:

Chảy máu chất xám ngược thông thường là hiện tượng gắn với nỗ lực mà một quốc gia phát triển tới hạn cần vượt qua cái mà người ta gọi là bẫy thu nhập trung bình. Ở quanh mức thu nhập trung bình khoảng 4-5.000 đô la trên đầu người này mức tăng năng suất không tăng lên được nữa. Năng suất được đo bằng sản lượng tạo ra bởi mỗi lao động sử dụng mức tư bản đầu vào nhất định. Do lượng vốn/tư bản sẵn có tương đối là cố định, năng suất muốn tăng phải nhờ vào trình độ của nhân công. Trình độ của nhân công đòi hỏi phải có sự đầu tư dài hạn trước đó vào cả giáo dục và y tế để nâng cao cả trình độ và sức khỏe của họ. Đây chính là lý do tại sao trong suy nghĩ của mình giáo dục và y tế luôn là hai lĩnh vực quan trọng nhất.

Để làm được thành công việc nâng cao năng suất lúc mà mức sản lượng tiềm năng (tức là mức tối đa với lượng/trình độ lao động và vốn sẵn có) đã hiện hữu thì nhất thiết phải có các yếu tố ngoại nhập mà trong đó tiện và tốt nhất vẫn là chính là kêu gọi những người ra đi trở về. Cho tới khi Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình còn thấp hơn 5.000 đô, nên có chính sách khuyến khích người ta ra nước ngoài học tập và làm mọi việc để chuẩn bị động lực cho những cú thúc mạnh cần thiết 10 năm sau.

Hí họa của Dan Reynolds

Quan điểm của mình về du học về hay ở kiên định từ xưa đến nay và không hẹp hòi, thiển cận, hung hăng, sô vanh, cương cương ngớ ngẩn. Quan điểm này cũng không tách rời, chối bỏ yếu tố quê hương ra khỏi hạnh phúc cá nhân. Đặc biệt nó không hàm chứa sự tự mâu thuẫn mà các trẻ trâu hung hăng cổ súy cho việc phải về bằng được mắc phải.

Sự tự mâu thuẫn đó là như thế này:

Trong khi người ta tranh luận trên ranh giới quốc gia tức Việt Nam với thế giới. có vẻ người ta không nhận thức được rằng những luận điểm kiêu kỳ của người ta nếu áp dụng, và áp dụng rất hợp lý, lại trở nên ngớ ngẩn thế nào nếu phạm vi xem xét lại là vùng miền. Các bạn trẻ ở nông thôn, các tỉnh xa học giỏi để ra các thành phố lớn học tập rồi cố gắng ở lại các thành phố lớn đồng thời là các trung tâm kinh tế văn hóa xã hội lớn để mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Ở thành phố lớn, mức độ đóng góp cho đất nước của một lao động tài năng xuất thân Mù Căng Chải có lẽ cao hơn là về quê, dù rằng về quê nếu cố ra thì cũng có thể có cơ hội biotech, nanotech nọ kia. Không ai hẹp hòi tranh luận rồi cưỡng ép ai học đại học ở Hà Nội xong phải về quê mà giúp đỡ quê hương hết cả. Cũng không ai coi làn sóng di cư khổng lồ lao động chất lượng cao từ Bắc vào Nam hôm nay là điều gì đáng lo ngại. Không ai hỏi số lượng quá đông đảo người Hà Nội ở nước quận 1 Sài Gòn là đi kiếm ăn hay đi cống hiến cho đất nước…

Hí họa của Hana Hajar

Ấy thế mà dựa trên những lằn ranh dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi chính những người di cư đấy lại mắng những người di cư ra nước ngoài là đạo đức giả với hám lợi nọ kia. Bao giờ các bạn Hà Nội từ Sài Gòn về lại Hà Nội, các bạn Lai Châu rời Hà Nội về quê thì các bạn ở nước ngoài cũng sẽ lục tục về Việt Nam. Chỉ đòi người ta thừa nhận là ở nước ngoài là cầu vinh trong khi mình viện đủ lý do để không làm việc ở nơi mình sinh ra là mâu thuẫn nội tại đánh đổ hết những lời hay ý đẹp giả vờ của đám vệ binh mới này.

Quan điểm của mình “mong có nhiều Huyền chíp hơn” không có mâu thuẫn nội tại này. Các em các cháu cứ tự nhiên ra đi tìm nơi nào đất lành nhất thì đậu, cứ tự chăm sóc bản thân cho tốt, ổn rồi thì chăm sóc cho quê hương bản quán. Không phải để tâm lắng nghe bọn dở hâm, dở hơi nói lăng nhăng làm gì. Chúng nó cứ lo thân chúng nó cho xong rồi hẵng lo cho thân các bạn. Như thế là cách tốt nhất chúng nó có thể giúp nước.

*

Nguồn: FB của Phạm Tuấn Anh. Tên bài do Soi đặt.

Ý kiến - Thảo luận

11:06 Saturday,19.12.2015 Đăng bởi:  Tam đại con gù
Con một nhân sĩ ngoại thân thiết với VN nói: các Việt Kiều thời chiến Đông Dương lần thứ nhất chống Pháp) cố trở vể phụng sự VN (kháng chiến), có chết thì cũng chết trên đất tổ (một số trong họ không sinh ở VN, mà ở Thái chẳng hạn). Còn con cháu họ (sinh ở VN) thì nhiều người tìm cách bươn đi. (tôi thêm: Nhiều vị sau khi đi không quay lại nơi chôn rau một lầ
...xem tiếp
11:06 Saturday,19.12.2015 Đăng bởi:  Tam đại con gù
Con một nhân sĩ ngoại thân thiết với VN nói: các Việt Kiều thời chiến Đông Dương lần thứ nhất chống Pháp) cố trở vể phụng sự VN (kháng chiến), có chết thì cũng chết trên đất tổ (một số trong họ không sinh ở VN, mà ở Thái chẳng hạn). Còn con cháu họ (sinh ở VN) thì nhiều người tìm cách bươn đi. (tôi thêm: Nhiều vị sau khi đi không quay lại nơi chôn rau một lần nào). 
18:31 Friday,18.12.2015 Đăng bởi:  Phương Phương
Nếu đi du học mà vô tình gặp được người ưng ý rồi cưới thì cũng là việc tốt, quan trọng là lời hứa với nơi đã cho mình đi học (bố mẹ, cơ quan, chính quyền) có giữ được không, và nếu không giữ được (như không thể quay về nước sinh sống dài lâu) thì sẽ đền bù lại bằng cách nào.
Đời người còn dài, nếu thực sự muốn trả ơn nơi đã cho mình đi học
...xem tiếp
18:31 Friday,18.12.2015 Đăng bởi:  Phương Phương
Nếu đi du học mà vô tình gặp được người ưng ý rồi cưới thì cũng là việc tốt, quan trọng là lời hứa với nơi đã cho mình đi học (bố mẹ, cơ quan, chính quyền) có giữ được không, và nếu không giữ được (như không thể quay về nước sinh sống dài lâu) thì sẽ đền bù lại bằng cách nào.
Đời người còn dài, nếu thực sự muốn trả ơn nơi đã cho mình đi học và tạo điều kiện cho mình gặp được người ưng ý để sống cùng thì thể nào cũng có cách trả ơn và trả đầy đủ.
Cũng toàn là những người thông minh cả. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả