|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhGấu Paddington: Quá hay! Nên cho nghỉ hết đám làm trailer 13. 01. 15 - 6:15 amPha LêLúc mới xem trailer phim Gấu Paddington, tôi đã rất lo lắng. Trên trailer thì Paddington nom như một phim hài lố lăng nặng công nghệ mà ít chất bổ dưỡng dành cho gia đình, trong khi bộ sách Paddington là tập hợp những câu chuyện duyên dáng, với sự hài hước ngầm pha chút lập dị kiểu Anh Quốc. Xem xong phim rồi, tối thấy đoàn làm phim nên sa thải những ai làm trailer, vì phim rất hay và truyền tải được tinh thần của sách, chả giống gì với cái trailer nhí nhố kia. Chúng ta sẽ gặp một chú gấu con vụng về dễ thương tại khu rừng già Peru, sau khi một trận bão càn quét khu rừng thì người thân của chú gửi chú đến London để lánh nạn. Nghĩ rằng London là một nơi của những người tốt bụng, lịch sự, sẵn sàng giang tay giúp trẻ em cơ nhỡ; chú gấu bé bỏng ôm chiếc va-li sờn hớn hở đứng tại nhà gà Paddington. Gặp ai chú cũng ngả mũ chào, chú hỏi mọi người về thời tiết – vì tưởng rằng ai ở London cũng hỏi nhau về thời tiết, đôi mắt chú long lanh chờ người đón chú về nhà. Nhưng cuối cùng không con người hiện đại bận bịu lẫn đa nghi nào muốn cho chú một mái ấm. Chú lủi thủi ngồi tại nhà ga, nom buồn bã như một cậu bé vô gia cư. Màn đêm buông xuống, và phép màu xuất hiện. Gia đình Brown đón chuyến tàu cuối cùng để về nhà và bắt gặp chú gấu nhỏ. Cô Mary Brown – một người mẹ tuy hơi “mát” nhưng tốt bụng và còn nuôi dưỡng nhiều niềm tin đối với nhân loại – không cầm được lòng nên đã thuyết phục cả nhà đem bé gấu về. Thấy gấu chưa có tên, cô Mary loay hoay một hồi thì thấy bảng chữ ở nhà ga, thế là cô cười rạng rỡ và gọi chú là “Paddington”.
Từ đấy trở đi, bộ phim là tập hợp của những điều kỳ quặc nhưng đáng yêu vô cùng. Paddington lóng ngóng ngây thơ tập làm quen với cuộc sống mới cùng mẹ Mary, bố Henry, hai nhóc tì và bà dì Bird cao tuổi nhưng tính tình vẫn rất “sung”. Tôi vốn thích phim người đóng dành cho thiếu nhi, và đã từng mò đi xem những Bẫy phụ huynh, Alice ở xứ thần tiên, rồi Maleficent… tuy nhiên đến lúc xem Paddington thì tôi mới phát hiện ra rằng mình đã chán ngấy những cảnh kỳ bí đẹp mơ màng, những tòa lâu đài cao ngút, những căn nhà bảnh bao bóng lộn như trong tạp chí. Hầu hết các nhân vật trong mấy phim này đều ăn mặc đẹp như thể họ có cả một đội stylish đi theo cố vấn. Gia đình trung lưu Brown có một căn nhà khác hẳn, đồ đạc vừa cũ vừa mới, màu phòng này chả ăn nhập gì với màu phòng kia, một số món trang trí trong nhà nom như thể chủ nhân của nó đã hứng lên “mua về để đấy”. Lúc xem đến cảnh gấu Paddington loay hoay trong nhà tắm của gia đình Brown, cô bạn đi chung với tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy toa-lét của gia đình trung lưu Anh lại là kiểu toa-lét cũ xì với bồn dội nước nằm tít trên cao. Trong khi đó tôi thấy chộn bụng vì chợt nhớ lại rằng nhà tắm của ông nội cũng có cái toa-lét y như thế, cũ từ thời Pháp nhưng mỗi lần thấy nó là tôi nhớ đến ông và bà. Thật phải ngả mũ trước đạo diễn Paul King và nhà chỉ đạo nghệ thuật Garry Williamson của Paddington. Họ đã không đâm đầu vào lối mòn và nhờ đó họ tạo nên một mái ấm thực thụ, cho ta cảm giác rằng ngôi nhà có lịch sử, có cội nguồn gốc rễ chứ không phải là một nơi đèm đẹp để các nhân vật đèm đẹp vào đấy ở trong thời gian quay phim.
Không cần đến, chỉ cần đọc sách thôi thì ai cũng biết London là một thành phố hay mưa phùn, tiết trời âm u. Paul và Garry biết rõ điều này nên họ giữ cho tông màu của phim tương đối trầm, nội cảnh bên trong thường phảng phất ánh đèn vàng, khiến người xem lờ mờ liên tưởng tới ánh nến. London là vậy đấy, bên ngoài xám xịt lạnh lẽo nhưng bên trong thì ấm cúng. Tông màu điềm đạm của phim vừa giúp người xem đồng cảm với chú gấu cơ nhỡ có mong muốn chung sống hòa thuận cùng gia đình mới, vừa phát huy cái chất đặc biệt của thủ đô xứ sương mù. Paddington là một trong những phim hiếm hoi lột tả được không khí phớt tỉnh Ăng-lê lập dị với những con người tốt bụng và lịch sự của nước Anh, còn phim nào quay cảnh Big Ben sáng trưng hoặc cung điện Buckingham ngời ngời là đặc tính này bay đi đâu mất. Hầu hết các thành viên nhà Brown đều… không đẹp. Hai bé đóng vai cậu con trai Jonathan Brown và cô chị Judy Brown dễ thương theo kiểu trẻ con luôn dễ thương. Sally Hawkins, vai mẹ Mary Brown, nom rất bù xù. Hugh Bonneville, vai bố Henry Brown, không lãng tử cũng chẳng đô 6 múi. Julie Walters, vai dì Bird, thì tròn trịa với mái tóc bạc. Nói thế không có nghĩa đạo diễn chọn diễn viên có ngoại hình trung bình hòng cố nặn cho phim vẻ “gần gũi, thực tế”. Paul King đơn giản là chọn diễn viên “tốt gỗ” để người xem thấy ra cái gỗ của nhà Brown chứ không chăm chắm vào cái nước sơn. Cô Mary ăn bận tùy hứng, lắm lúc mặc đồ rất xấu nhưng cô thật sự ra dáng một bà mẹ rộng lượng, ấm áp, không so đo tính toán. Ông bố Henry thì lúc nào cũng nghi ngờ, nhưng kẻ nào muốn bảo vệ gia đình của mình thường hay đa nghi thế. Sally, Hugh, và Julie đều là những tài năng lớn của xứ sương mù. Họ làm việc chăm chỉ cần mẫn, nhưng không khoái Hollywood cũng chẳng thích quảng cáo bản thân nên họ không nổi tiếng, có lúc họ cũng mắc kẹt trong những phim không xứng với khả năng thật của họ. Như Sally từng nhận đề cử Oscar cho Blue Jasmine mà vẫn bị ông đạo diễn Godzilla giao cho vai buồn buồn, mồm chẳng nói được mấy câu đơn. Ít ai biết Julie Walters từng đóng vai bà Molly Weasley trong Harry Potter, từng xuất bản tiểu thuyết (bán chạy), và là một trong những cây hài đáng yêu nhất nước Anh. Lắm kẻ biết Hugh Bonneville qua vai Bá tước Grantham trong series truyền hình Downton Abbey, nhưng đa số các đạo diễn không biết rằng Hugh vốn thích lẫn hợp với vai hài nên cứ hay giao cho Hugh đóng vai bi đát. Paul King là bạn rất thân của 3 nghệ sĩ này, ông còn học chung trường kịch với Sally và Hugh, nên ông biết cách phát huy hết khả năng của họ. Chả mấy khi ta có dịp xem sự vui vẻ tươi rói đến ấm lòng của Sally cho dù cô nom vừa bù xù vừa ốm nhách, thưởng thức nét duyên ngầm của Hugh Bonneville ngay cả khi ông có vẻ mặt nghiêm nghị, hay cười vang với kiểu hài thẳng tuột nhuốm màu chịu chơi của bà Julie Walters. Các diễn viên sẽ khiến người xem dần dà hiểu rằng tính lập dị của từng nhân vật chính là nét đáng yêu của họ.
Paul King là một đạo diễn đầy tự tin, ông biết mục đích của phim là gì và ông cố đi đúng hướng chứ không chỉ dựa theo công thức có sẵn. Toàn bộ phim thực ra chỉ là về gia đình Brown làm quen với thành viên mới lẫn những rắc rối mà thành viên này đem lại, thế thì ông cần gì diễn viên đẹp ngời ngời, đâu cần quay các danh lam thắng cảnh hoành tráng của Anh như thể quay clip quảng cáo du lịch? Một tác phẩm nói về lòng tốt đủ lớn để giúp đỡ và chấp nhận một chú gấu có tính cách không giống ai mà lại bám víu vào mấy “tiêu chuẩn” thiên hạ cho là “bình thường” thì có phải thối không? Lắm phim gia đình cứ khoái nhấn mạnh câu châm ngôn “mỗi gia đình đều khác biệt” nhưng chẳng chỉ ra được cái khác ấy hay ở chỗ nào, nên ta thường xem xong rồi để đấy. Nhưng với Paddington thì ta không mong gì hơn là được biến thành một chú gấu cơ nhỡ, lủi thủi ngồi tại nhà ga chờ các thành viên kỳ quặc của nhà Brown đón về nuôi. Cảnh báo: Không biết các rạp khác thế nào, nhưng tôi đi xem ở BHD và đã rất bực mình. Không phải bực vì chất lượng do BHD chiếu phim tương đối tốt, mà là vì mấy đoạn quảng cáo trước khi phim bắt đầu. Ai đời phim cho trẻ em, trong rạp đầy trẻ em mà BHD lại đi chiếu trailer có cảnh hiếp dâm, chém nhau máu phun cả vòi. Tôi không phản đối gì mấy cảnh này, nhưng đã biết rạp có con nít mà đi quảng cáo như thế thì quả là tệ. Ở các nước khác thì trước khi chiếu phim gia đình, rạp sẽ chỉ quảng bá các trailer có nội dung phù hợp. Ở Việt Nam không có nhiều phim như nước ngoài, có gì phải quảng cáo hết, thì ít nhất rạp nên cắt mấy đoạn đó đi khi chiếu nó lên màn hình to đùng cho con nít xem. Bậc phu huynh nào đang tính dắt con vào BHD nên chú ý đặng đề phòng. Và hy vọng chủ rạp có đọc được những dòng này thì sẽ chấn chỉnh để bố mẹ không phải khó xử khi dắt các bé đi xem phim. * Lịch chiếu: Hà Nội Tp.HCM Ý kiến - Thảo luận
1:38
Wednesday,14.1.2015
Đăng bởi:
Raumuong Noigian
1:38
Wednesday,14.1.2015
Đăng bởi:
Raumuong Noigian
Cảm ơn Pha Lê, sẽ đi chứ.
Có khi còn xem đi xem lại nữa ấy chứ. Hồi trước mình thích cái phim Stardust, xem đi xem lại 4 lần trong rạp (mà hồi í vé đắt nhá. Còn cái Cướp biển Cà ri bê phần ba, cũng xem 3 lần (vì kỹ xảo và nhạc thôi). Cái Inception xem lại 5 lần cả thẩy (cái này xem thì hơi đau đau - tay đạo diễn hình như ngoài các loại bom tấn kiếm tiền giỏi ra thì cái đó hay nhất thì phải). Còn Avatar thì xem 4 lần, cả 3D lẫn 2D, chủ yếu vì hồi đó nó mới, hoành tráng và có cốt chuyện đụng độ văn minh. Hic, trông người lại ngẫm đến ta, nhỉ. Hồi trước có quen ô Hữu Bảo, chồng bà Như Quỳnh, ông ấy nói xem cái phim Huyền thoại bất tử (về trẻ tự kỷ, có anh gì đó đánh võ), khá xúc động mà rạp vắng hoe. Phim này mình chưa xem nên ko biết. Phim nào mà ta cho là hay mà rạp ở VN không đông ấy thì dễ hiểu thôi, người ở ta chuộng lạ - dễ bị truyền thông kích động đậy nữa. Còn cái gì sâu sắc và hóm ở trong cái bình thường, thì đám đông dễ lờ lớ lơ đi lắm. (Còn cái phim Gấu này, vắng thế chắc là do trailer như Pha Lê chỉ ra chăng? :)0 Mình có cô em quen đang làm doctor ở Hút đờ phiêu, Anh, cũng được một gia đình có truyền thống ở đó giúp rập vô cùng tận tình, mà là chỉ quen qua trên máy bay thôi. Cô bé ấy kể chuyện cũng làm m xúc động và buồn cười về một gia đình Anh. Lại trông người mà nghĩ đến ta nốt. Thời chiến ở ta, dài đằng đẵng, biết bao cảnh huống trẻ nhỏ như thế, Pha Lê cứ hỏi phụ huynh mà xem, khối chuyện. Nhưng ngoài Em bé HN ra, (có yếu tố can thiệp người lớn rất nhiều) thì cũng chưa có một ví dụ nghệ thuật điện ảnh nào khác, giản dị, mà lay động. Chắc đợi đến khi Pha Lê bỏ hẳn chuyên tâm nấu ăn đi thì sẽ có... đấy nhỉ :))
23:16
Tuesday,13.1.2015
Đăng bởi:
phale
@Raumuong Noigian: anh đi xem đi. Chưa có phim nào mà bố mẹ gọi em 2 lần, bối rối rằng sao phim hay mà rạp vắng quá.
Tác giả truyện gấu Paddington, ông Michael Bond, có nhiều bạn bè là trẻ em các nước tị nạn sang vùng quê của Anh thời Thế chiến thứ 2, sau đó họ ở lại Anh luôn. Ngoài ra trẻ em London thời chiến cũng bị bố mẹ gửi đi vùng quê để tránh bom, trên ngực ...xem tiếp
23:16
Tuesday,13.1.2015
Đăng bởi:
phale
@Raumuong Noigian: anh đi xem đi. Chưa có phim nào mà bố mẹ gọi em 2 lần, bối rối rằng sao phim hay mà rạp vắng quá.
Tác giả truyện gấu Paddington, ông Michael Bond, có nhiều bạn bè là trẻ em các nước tị nạn sang vùng quê của Anh thời Thế chiến thứ 2, sau đó họ ở lại Anh luôn. Ngoài ra trẻ em London thời chiến cũng bị bố mẹ gửi đi vùng quê để tránh bom, trên ngực bọn trẻ có đeo thẻ giấy, trên thẻ ghi vài dòng gửi gắm của bố mẹ viết, đại loại là nhờ người tốt chăm sóc hộ con mình, rất giống cái thẻ chú Paddington đeo khi tị nạn sang Anh. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Có khi còn xem đi xem lại nữa ấy chứ. Hồi trước mình thích cái phim Stardust, xem đi xem lại 4 lần trong rạp (mà hồi í vé đắt nhá. Còn cái Cướp biển Cà ri bê phần ba, cũng xem 3 lần (vì kỹ xảo và nhạc thôi). Cái Inception xem lại 5 lần cả thẩy (cái này xem thì hơi đau đau - tay đạo diễn hình như ngoài các loại bom tấn kiếm tiền giỏi ra th
...xem tiếp