Lý Quang Diệu và hai lần khánh thành ngư sư Merlion
29. 03. 15 - 11:32 am
Đức Tém (Nguồn: http://urban-interior.tumblr.com)
Bài viết nhân sự kiện người sáng lập Đảo quốc Singapore vừa mới qua đời.
.
Trước khi tuyên bố độc lập và chính thức thành lập Nhà nước Cộng hòa Singapore (9 tháng 8 năm 1965), đảo quốc này – dưới sự lãnh đảo của thủ tướng Lý Quang Diệu – đã phải trải qua thời kì của chính phủ tự trị (1959-1963) và thời kì sát nhập trong liên bang Malaysia-Singapore-Sabah-Sarawak-Brunei (1963-1965). Singapore đã từng phải nằm giữa những mối quan hệ chính trị cực kì phức tạp: Mối quan hệ với Anh Quốc (vừa công nhận chính phủ tự trị nhưng vẫn can thiệp ở quốc phòng và ngoại giao); mối quan hệ với Malaysia và Indonesia không mấy hữu hảo với nhiều bất đồng tôn giáo, dân tộc; ở một mối quan hệ xa hơn, Singapore cũng gián tiếp tác động đến cục diện chiến tranh Việt Nam thông qua mối quan hệ với Hoa Kỳ …
Lý Quang Diệu, 1963, được người dân tung hô sau khi có quyết định tách ra khỏi Liên bang
Lý Quang Diệu năm 1959 trong một buổi tuyên truyền cho người dân
Tin tức trên “The Straits Times” về sự kiện Singapore tách khỏi liên bang và tuyên thệ độc lập
Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn của Singapore. Mọi sự gánh vác nặng nề được đổ trên vai Lý Quang Diệu – vị thủ tướng dẫn dắt đất nước đi xuyên qua cả hai giai đoạn này và rồi cả sau đó. Khi thành lập tân quốc, Singapore đã phải “tự túc” không có tài nguyên, không có nguồn nước và khả năng quốc phòng giảm sút, từ đó ông Lý bắt buộc phải đề ra những chính sách khéo léo để tạo ra một Singapore với bản sắc riêng của mình, để biến đổi một đảo quốc của “thế giới thứ ba thành thế giới thứ nhất”. Và như chúng ta đã chứng kiến, họ đã tự chủ động sớm tập trung vào thế mạnh buôn bán và dịch vụ (trong đó có du lịch – chiếm 40% thu nhập quốc dân) song song với chính sách đối ngoại trung lập khéo léo cũng như đảm bảo an ninh quốc gia tối đa cho vị trí địa lý-chính trị nhạy cảm của mình; cũng như củng cố nội bộ với các chính sách đồng nhất và quyết liệt…
Một Singapore của quá khứ
Singapore phải chủ động mở cửa một cách tích cực ra với thế giới. Ngay sau khi tuyên bố độc lập vào 1965, nhằm đẩy mạnh chiến lược dịch vụ du lịch, đảo quốc đã muốn tìm cho mình một hình ảnh đại diện hiệu quả. Việc chọn tượng đài visible (hữu hình) cho quốc gia là một ngư sư Merlion chứ không phải là một Lý Quang Diệu, hoặc một anh hùng dân tộc tương đương cũng là một điều rất dễ hiểu trong bức tranh toàn cảnh này.
Nhân dịp tưởng nhớ đến sự ra đi của Lý Quang Diệu (1923-2015), xin dành bài viết này để nói về Ngư sư Merlion Singapore – một tác phẩm nghệ thuật công cộng (Public Art) thành công nhất tại “Đảo quốc sư tử”, là biểu tượng (Iconic) không những của Singapore nói chung mà còn là tiếng nói của ngành du lịch, của định hướng phát triển kinh tế. Và điểm đặc biệt là nó đã được cố thủ tướng Lý Quang Diệu đọc tuyên bố khánh thành đến hai lần trong khoảng cách thời gian 30 năm.
Khánh thành lần thứ nhất (15. 9. 1972)
Như đã nói, cách đây 50 năm, sau khi thành lập tân quốc (1965), STPB (Hiệp hội quảng bá du lịch Singapre – Singapore Tourism Promotion Board, hiện nay là The Singapore Tourism Board) đã muốn tìm kiếm một biểu tượng đại diện cho nền du lịch đất nước mình. Hiệp hội từng nhận được nhiều ý tưởng từ cuộc thi tuyển chọn: hoa cỏ, chim chóc, cá cảnh, thậm chí là nàng tiên cá … nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng. May sao, thành viên của Hội đồng Souvenir (Souvenir Committee) đồng thời là quản lý thủy cung VanKleef Singapore, ông Alec Fraser-Brunner, đã gây được sự chú ý khi đưa ra ý tưởng kết hợp đầu sư tử và mình cá thành biểu tượng Merlion.
Có thể bạn sẽ có sự phân vân vì mối liên tưởng đến sinh vật huyền thoại “đầu-thân sư tử, đuôi cá” vốn đã có trong truyền thuyết Tây Phương của nền văn minh Hy Lạp vàEtruscan. Ngư sư huyền thoại ấy có tên là Leokampoi (Leocampus), tiếng Anh được quy ước đọc – viết là “sea-lion” (để phân biệt với các em sư tử biển mà chúng ta biết) hoặc “morse”. Leokampoi còn có một số “bạn bè” quái thú đại dương khác là Aigikampoi (đầu dê đuôi cá đại diện của cung Capricorn); Hippokampoi (Hippocampus – đầu ngựa đuôi cá rất nổi tiếng vì là vật cưỡi của Hải Vương Neptune) và Pardalokampoi (đầu báo Leopard đuôi cá). Tuy nhiên, Merlion của Singapore lại được tạo ra vì những câu chuyện khác.
Tranh Mosaic tại bảo tàng Bardo, Tunisia có sự xuất hiện cùng lúc của 3 quái thú Hippokampoi, Pardalokampoi và Leokampoi
Phần đầu “Lion”: đề cập câu chuyện của vị Hoàng tử xứ Palembang (thế kỉ 11): Sang Nila Utama trong “Sejarah Melayu” (Biên niên sử của Malaysia). Khi lần đầu đặt chân đến vùng đất Tamasek (tiền thân của Singapore), chàng đã nhìn thấy một con sư tử và từ đó quyết định đổi tên cho Tamasek thành đảo “Singapura” (”Thành phố sư tử” trong tiếng Phạn với Singa là sư tử và Pura là thành phố)
Phần đuôi cá “Mer” (gốc “mare”- biển trong tiếng Latinh): Cũng chính tại Tamasek, trước khi có sự tác động của Thực dân Anh, vốn đã từng tồn tại một làng chài nhỏ vì vịnh biển này có rất nhiều cá, nên bản thân Fraser-Brunner vẫn muốn biểu tượng mới có thông điệp gợi nhớ giá trị lịch sử gốc này.
Từ sự kết hợp đó, Merlion là một Public Art mà ngay từ đầu đã may mắn được định hướng để có giá trị tạo hình tinh tế và đặc biệt ở ý nghĩa. Nó vừa mang khát vọng sức mạnh vừa có được ý thức tôn trọng lịch sử; vừa phản ánh thực tế (làng chài) vừa mang màu sắc huyền thoại (việc nhìn thấy sư tử cũng được người sau lý giải rằng có lẽ chàng đã nhìn thấy một con hổ mà nhầm lẫn sang sư tử vì loài vật này không thể hiện hữu tại vùng đất này được).
Merlion đầu tiên được xây dựng bằng xi-măng, da bọc sứ. Chi phí của dự án là 165.000 Dollar Sing.
Nếu câu chuyện về “thành phố sư tử” không được một người Anh tìm tòi, trân trọng và nhắc tới; thì tại vịnh Marina ngày nay biểu tượng của người Singapore có thể là một nàng tiên cá “méo mó” nhằm thích nghi theo phong cách phương Đông, – không liên quan gì đến vùng đất này cả, thậm chí còn mang giá trị vay mượn không đáng có từ Đan Mạch – nơi mà hiện nay cũng có một Public Art khác nổi tiếng không kém cạnh gì Merlion: Little Mermaid của thành phố cảng Copenhagen. Công này, người Singapore phải cảm ơn Alec Fraser-Brunner rất nhiều!
Nếu Singapore lựa chọn Nàng tiên cá thì sẽ có đến hai thành phố trên Thế giới sử dụng Mermaid làm biểu tượng. Ảnh: Little Mermaid tại Copenhagen (ra mắt từ năm 1913)
Alec Fraser-Brunner lên ý tưởng từ năm 1965, nhưng việc triển khai thiết kế được giao cho nghệ sĩ KwanSai Kheong và công đoạn thực hiện thuộc về điêu khắc gia Lim Nang Seng. Sau thời gian gần một năm thì hoàn thành (11. 1971 – 8. 1972).
Lim Nang Seng và mẫu phác thảo…
… cho đến thực tế, đây là Merlion con, cao 2 mét, nặng 3 tấn, được đặt rất gần Merlion lớn (mờ ảo phía sau)
Ngày 15 tháng 9 năm 1972, cả hai bức tượng Merlion đầu tiên (Merlion lớn cao 8,6 mét rộng 3,6 mét nặng 70 tấn, Merlion “con” cao 2 mét nặng 3 tấn) và công viên Merlion (2500 m2) mà chúng nằm trong đó đã cùng lúc được công bố và mở cửa.Người vinh dự khánh thành khi đó không ai khác là Thủ tướng Lý Quang Diệu. Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc, ông gửi gắm niềm hy vọng rằng Merlion sẽ có tính liên kết cao với thành phố mà nó đại diện, giống như tháp Eiffel đã giúp thế giới nhớ đến Paris (tất nhiên tính chất và quy mô hình thức thì không thể so sánh được, nhưng xét về mục đích quảng bá du lịch thì niềm tin của ông hoàn toàn có cơ sở).
Lý Quang Diệu phát biểu trong lễ khánh thành Merlion 15/9/1972
Như mong đợi của Lý Quang Diệu, Merlion đã thực hiện xuất sắc vai trò của mình. Đi ra từ huyền thoại khuẩn hoang, Merlion đã tiếp tục tự viết nên huyền thoại của chính mình trong đời sống thực tế. Dù chưa được thống kê chính thức, nhưng Merlion chính là điểm thu hút du khách nhiều nhất tại Singapore. Phát triển song song và bổ trợ cho mũi nhọn du lịch, Merlion và các phiên bản khác của nó sau này đã làm cho thế giới nhận biết – nhớ đến – dẫn dắt đến tên gọi “Singapore” – “đảo quốc sư tử” mỗi khi họ nhìn thấy hình ảnh “nửa sư tử-nửa cá” trên bất cứ phương tiện thông tin hoặc vật phẩm nào.
Vị trí đầu tiên của Merlion trên một thế đất “mũi tàu”
.
Merlion lớn và Merlion con (Merlion Cup) ở góc phải ảnh
“Quý ngài” Merlion (được quan niệm có giới tính đực) và các người đẹp Miss Universe 1987
Vì hơn ai hết ý thức được khoản thu “khổng lồ” cũng như việc bảo vệ giá trị “thương hiệu quốc gia”, tổ chức STB cũng ra sức quản lý bản quyền sát sao việc sử dụng hình ảnh Merlion, từ những vật phẩm bé nhất như móc chìa khóa, nam châm trang trí. Bất cứ công ty hay đơn vị nào sử dụng hình ảnh của Merlion trong thương mại đều phải thông qua sự trình duyệt của Hiệp hội này. Viết đến đây, tác giả có cảm giác Merlion đã vượt qua khỏi ranh giới của một tác phẩm nghệ thuật công cộng để trở thành một vị thần hộ mệnh cho Singapore ở những đầu năm lập quốc gần như từ “hư không”.
Lần thứ hai sau 30 năm( 15. 9. 2002)
Đối diện với tình hình xây dựng của dự án cầu Esplanade , người Singapore đã sớm đoán được các biểu tượng quốc gia Merlion của họ sẽ có thể không còn được quan sát rõ ràng từ nhiều phía sau khi cây cầu hoàn thành năm 1997. Nhưng mãi đến 2002, sau nhiều phương án đề xuất di chuyển sang nhiều nơi trong thành phố, thậm chí nâng chiều cao của bệ như là một giải pháp thụ động, STB mới quyết định chuyển hai bức tượng sang nơi cư ngụ mới gần đó 120 mét, đó là một vị trí được thiết kế “mở” hơn, đặc biệt hơn nhằm tôn vinh tầm quan trọng của chúng ở phía bên kia của Esplanade, nhìn ra vịnh Marina của phần bờ thoáng đãng. Kèm theo việc di dời này là sự mở rộng của công viên Merlion lên đến bốn lần diện tích trước đây với tổng chi phí 7,5 triệu Dollar Singapore.
Việc di dời chỉ gặp thách thức với Merlion lớn.Merlion từ vị trí cũ (hồng) được dời đến tại cầu nước mới (xanh). Bởi ở vị trí cũ nó sẽ bị chính cây cầu Esplanade che chắn tầm nhìn và “cô lập” trong vùng nước kín (kẹp giữa cầu Esplande và cầu sắt Fullerton)
Và đây là các công đoạn di chuyển:
.
– 23. 4: Merlion được nâng lên khỏi vị trí cũ bằng xà lan. – 25. 4: Merlion được nâng từ xà lan đến cầu Esplanade, sau đó từ trên cầu chuyển qua xà lan ở phía bên kia. – 26. 4: Di chuyển đến vị trí mới – 29. 4: Gia cố tại vị trí công viên Merlion mở rộng. Sở dĩ phải di chuyển phức tạp như thế này là do Merlion quá cao, không thể chui qua bên dưới thân cầu được.
Bức tượng Merlion ở vị trí mới cũng phải đảm bảo luôn nhìn về phía Đông vì được tin rằng sẽ mang lại sự thịnh vượng trong phong thủy của người Hoa.
Phân đoạn ngày 23. 4
Di chuyển Merlion trên cầu Esplanade ngày 25. 4
Bên phải cầu là dải đất “mũi tàu” cũ nơi khánh thành Merlion lần đầu tiên còn bên trái là vị trí của Merlion hiện tại.
Sự ứng biến của Singapore đối với biểu tượng quốc gia, ở vị trí mới Merlion có phần thoáng và bề thế hơn.
Một buổi lễ tổ chức vào ngày 15. 9. 2002 nhằm kỷ niệm sự kiện di dời thành công cũng như để kỷ niệm sinh nhật thứ 30 của Merlion, Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo vĩ đại của Singapore, lúc đó đã chuyển sang ghế Bộ trưởng cao cấp của chính phủ sau khoảng thời gian dài kỉ lục làm chính khách ở cương vị thủ tướng (1959-1990) , đã một lần nữa vinh dự “gặp lại” Merlion ở sự kiện trọng đại này.
Vậy là sau 30 năm tính từ khi Merlion ra đời, Lý Quang Diệu đã bước qua giai đoạn đỉnh cao và Singapore đã có thêm một thế hệ lãnh đạo mới tiếp quản: Ngô Trác Đống kế nhiệm ông ở chức vị thủ tướng từ 1990, Singapore không còn đối mặt với những khó khăn nội bộ của một tân quốc mà đã cùng với thế giới đón nhận chủ động sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997… Sau 30 năm tình hình đã có nhiều thay đổi!
Nhưng sau 30 năm, Merlion vẫn giữ vững vai trò như một đại sứ/ thần hộ mệnh của mình, nay thậm chí càng lộng lẫy hơn ở vị trí cầu nước mới.Merlion kiêu hãnh hướng mặt về phương Đông nhìn vịnh Marina tương lai, trong khi phía sau lưng đã mọc lên hàng chục công trình cao tầng làm background hiện đại.
.
.
Tại vị trí mới, không gian có tính chất “mở” hơn, tính cộng đồng cũng cao hơn thay vì dải đất hẹp ít nhiều khó tiếp cận ở vị trí cũ. Các bậc thang là ngôn ngữ mới, thuận tiện hơn cho sự tập trung của du khách để “tương tác” cùng Merlion.
Một cầu nước được thiết kế nhằm mở rộng thêm các góc quan sát giúp cho du khách thưởng lãm bức tượng một cách thoải mái hơn
28. 2. 2009 Merlion bị tai nạn sét đánh mất một mảng đầu, nhưng được chỉnh sửa rất nhanh chóng và trở lại khỏe mạnh từ 18. 3. 2009
Merlion con – cùng tuổi với Merlion lớn và luôn ở một vị trí rất gần. Nó thường được gọi là Merlion Cup.
Phiên bản Merlion khổng lồ cao 37 mét tại Đảo du lịch Sentosa. Hoàn thành năm 1996.
“Merlion” tại Singapore còn là một tiếng lóng ám chỉ những ai đang nôn mửa 🙂
Merlion là “biểu tượng quốc gia” thì Lý Quang Diệu cũng là “biểu tượng quốc gia”.
Nếu như Merlion – xét ở mặt hữu hình – là hình ảnh nhận diện thì Lý Quang Diệu còn có được nhiều sự ca ngợi hơn như thế: biểu tượng của quốc gia, “quốc phụ”, của một “Singapore thịnh vượng”, của phép màu, hay huyền thoại, sự ví von nào mới là chính xác?… Câu trả lời xin dành cho các thế hệ người dân đảo quốc vì họ sẽ biết ơn cũng như dành cho ông những cảm nhận chính xác và chân thành …
Lễ kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Singapore sẽ diễn ra vào 9. 8. 2015 tới nhưng Lý Quang Diệu đã không còn nữa. Chắc chắn Merlion sẽ rất buồn …
Những bài học rút ra từ Merlion Singapore:
– Khi cấu trúc thành phố thay đổi, hãy bảo vệ và nâng cao các giá trị của lịch sử.
– Nhỏ xinh nhưng ý nghĩa thì sẽ hiệu quả. Một tượng đài hơn 400 tỷ đồng như ở nước ta liệu có thu được lợi nhuận từ các sản phẩm souvenir?
– Đã từ lâu, thế giới đã hạn chế xây dựng các tượng đài mang đậm tính chính trị để làm biểu tượng hay cảnh quan cho thành phố rồi! Nếu muốn tri ân và nhắc nhở thì chọn các công trình dân sinh khác có lợi ích sử dụng thiết thực để người dân nhớ tới mỗi ngày.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
23:59Sunday,29.3.2015Đăng bởi: rieng&chung
"Không có tài nguyên, không có nguồn nước", đất đai thì ít, nên khó tham nhũng?! ...xem tiếp
23:59Sunday,29.3.2015Đăng bởi: rieng&chung
"Không có tài nguyên, không có nguồn nước", đất đai thì ít, nên khó tham nhũng?!
...xem tiếp