Nhiếp ảnh

Gã cao bồi đơn độc Hà Phiên chụp cảnh yên bình trong thành phố lộn xộn 18. 05. 15 - 5:06 am

Hoàng Lan st và dịch

Hà Phiên lớn lên tại Hong Kong nhộn nhịp và hỗn độn thời thế kỷ 20. Thành phố thời ấy nhộn nhịp đến nỗi việc lần ra một khoảnh khắc yên tĩnh dường như chỉ là một giấc mơ. Nhưng đến khi Hà Phiên cầm máy ảnh lên thì giấc mơ ấy lại thành hiện thực.

Hà Phiên trước các tác phẩm của mình

Hà Phiên sinh ra tại Thượng Hải vào năm 1931, ông lớn lên ở Thương Hải và Quảng Đông (giờ là Quảng Châu) cho đến khi cùng gia đình chuyển tới Hong Kong vào năm 1948. Gia đình Hà Phiên thuộc hàng khá giả: cha ông là một thương nhân phát đạt. Khi đặt chân đến Hong Kong, gia đình Phiên mở một xưởng in nhãn hiệu. Nhưng cảnh khổ và những con người phải vật lộn để kiếm sống luôn hiện diện quanh họ, nên khi ông chú tặng cậu cháu Hà Phiên chiếc máy ảnh Rolleiflex thì hình ảnh Hà Phiên muốn ghi lại không phải là cuộc sống thành thị huyên náo sung túc. Thời đó Hà Phiên bị bệnh đau nửa đầu và phải đi dạo phố thường xuyên để quên cơn đau, ông chú đã tặng chiếc máy ảnh cho cháu trai bấm máy tiêu khiển lúc đi dạo. Hà Phiên chụp ánh nắng và bóng râm. Trong ảnh của Phiên gần như không có đám đông hay sự lộn xộn, náo nhiệt. Thay vào đó những cá nhân đơn lẻ, thường là người của tầng lớp lao động – ví dụ như người phụ nữ với chiếc áo trắng và bím tóc dài, hay người đàn ông trên chiếc xe đạp cũ nát. Họ là đại diện cho một hòn đảo với dân số đông đúc, năng nổ, những con người này thực ra chẳng bao giờ có thời gian để ở một mình trừ khoảng thời gian chụp trong ảnh của Phiên.
 

“Kỵ binh đơn độc”, Hà Phiên, 1954

 

“Chảo wok”, Hà Phiên, 1964

Phiên rất yêu chiếc máy Rolleiflex “Cá nhân tôi thích khổ hình vuông của loại máy này. Kích cỡ vuông vức của phim âm bản giúp tôi dễ dàng cắt ảnh theo ý. Tôi thích tỉa tót ở rìa ngang hoặc rìa dọc. Đó là điểm rất riêng của ảnh tôi chụp”.

Về kĩ thuật nhiếp ảnh của mình, Hà Phiên nói: “Đầu tiên bạn phải tìm địa điểm lý tưởng. Sau đó bạn phải kiên nhẫn tìm ra đối tượng thu hút sự chú ý của bạn, đó thậm chí có thể là một con mèo. Bạn phải canh đúng khoảnh khắc để chụp cái thần, cái chất, cái hồn của đối tượng đó… Nếu bạn không tìm ra khoảnh khắc ấy, bạn phải đợi cho tới khi bạn cảm được nó. Đây là công việc đòi hỏi sự sáng tạo thật sự vì bạn phải có cảm xúc của chính mình. Tôi luôn đợi hàng giờ để chụp luồng ánh sáng đẹp nhất. Vì chẳng ai di chuyển nổi mặt trời, nên bạn phải kiên nhẫn để lấy được góc độ ánh sáng chuẩn xác – và chờ đúng từng giây phút cho tới khi chủ thể thích hợp xuất hiện trong khung cảnh đó”.
 

“Mèo”, Hà Phiên, không rõ năm

 

“Venice ở Hong Kong”, Hà Phiên, 1962

Ông cho biết thêm: “Tôi tập trung để chụp nên một bức ảnh tốt. Công việc này khá nhọc nhằn. Bạn phải quan sát và suy nghĩ liên tục. Bạn phải tìm ra cách để ảnh mới luôn trội hơn ảnh cũ – có thể bằng cách tìm một góc chụp mới, một phong cách mới, hay một cảm xúc mới. Bạn phải dùng trái tim để chọn lựa khoảnh khắc quyết định như Henri Cartier-Bresson từng nói. Bạn phải tìm hiểu cảm xúc của mình và phản hồi cảm xúc ấy qua chủ thể bạn đang chụp. Vào phút giây đó bạn phải quan tâm, thở, và yêu thế giới này – chứ không phải chỉ nghĩ rằng mình muốn chụp ra bức ảnh đẹp. Tôi đặt cả cuộc đời mình vào từng bức ảnh đơn lẻ. Vào thời của tôi, phim âm bản rất đắt, mỗi lần bấm ‘tách’ là mỗi lần tốn tiền (nên không thể chụp ẩu). Tôi giống như một chàng cao bồi với vỏn vẹn một viên đạn, rong ruổi tìm kiếm khoảnh khắc quyết định cho mình”.

Một số tác phẩm khác của Hà Phiên:
 

“Trên sân khấu cuộc đời”, 1954

 

“Mơ về Hong Kong xưa”, 1957

 

“Phòng học của bé”, 1963 (cám ơn riêng&chung đã tra dùm năm Hà Phiên chụp bức ảnh)

 

“Ăn trưa”, 1962

 

“Lâu rồi không gặp”, 1963

 

“Đường nét và bóng”, 1953

Ý kiến - Thảo luận

22:52 Thursday,25.6.2015 Đăng bởi:  rieng&chung
Cảm ơn bác Hoàng Lan, nghe bác giải thích em cũng nhất trí coi như Fan Ho sinh 1931. Dù sinh 31 hay 37, cụ Fan Ho là U80 hay U90 cũng không sao lắm : ))

Em biết một trường hợp gia đình ở TQ, hai chị em sinh vào tầm 36-38 mà sau không ai nhớ mình là chị hay em (nhà các cụ xưa cũng rất có điều kiện, thế mà vẫn nhầm).
...xem tiếp
22:52 Thursday,25.6.2015 Đăng bởi:  rieng&chung
Cảm ơn bác Hoàng Lan, nghe bác giải thích em cũng nhất trí coi như Fan Ho sinh 1931. Dù sinh 31 hay 37, cụ Fan Ho là U80 hay U90 cũng không sao lắm : ))

Em biết một trường hợp gia đình ở TQ, hai chị em sinh vào tầm 36-38 mà sau không ai nhớ mình là chị hay em (nhà các cụ xưa cũng rất có điều kiện, thế mà vẫn nhầm). 
21:47 Thursday,25.6.2015 Đăng bởi:  Hoàng Lan
@Riêng&Chung: Em hỏi đứa người Tàu thì nó bảo tra tiếng Tàu cũng ra 2 năm sinh là 37 với 31. Nó nói trong tiếng Quảng, 37 (sám tchách) với 31 (sám dzách) đọc rất giống nhau. Nên nếu ông Hà Phiên đọc tiếng Quảng cho người ta ghi thì không chừng nghe lộn nên ghi nhầm. Các trang web của Bắc Kinh thì đề 37, các trang Hồng Kông thì ghi 31. Hồng Kông lại nói tiếng Quảng nữa n
...xem tiếp
21:47 Thursday,25.6.2015 Đăng bởi:  Hoàng Lan
@Riêng&Chung: Em hỏi đứa người Tàu thì nó bảo tra tiếng Tàu cũng ra 2 năm sinh là 37 với 31. Nó nói trong tiếng Quảng, 37 (sám tchách) với 31 (sám dzách) đọc rất giống nhau. Nên nếu ông Hà Phiên đọc tiếng Quảng cho người ta ghi thì không chừng nghe lộn nên ghi nhầm. Các trang web của Bắc Kinh thì đề 37, các trang Hồng Kông thì ghi 31. Hồng Kông lại nói tiếng Quảng nữa nên thôi em đành giữ cái năm 31 trong bài, trừ khi có nguồn nào chắc chắn hơn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả