Kiến trúc

Những điều học được từ khu trung tâm của Chicago 04. 06. 15 - 7:31 am

Phó Đức Tùng

(Xin xem thêm bài về Chicago nhìn từ trên cao. Danh sách các bài viết trong loạt này nằm ở cuối bài.)

Chicago 20. 04. 2015

“Cloud Gate” của Anish Kapoor đặt trước AT&T Plaza, Chicago. Ảnh từ Internet

Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng tổng quan khu trung tâm Chicago là từ trên máy bay nhìn xuống. Lần thứ hai nhìn được skyline tổng thể này từ phía đường cao tốc từ Milwaukee về Chicago. Lần thứ ba là nhìn từ đường ven hồ, khi đi xe từ phía trường đại học về phía trung tâm. Ba lần ở những độ cao khác nhau, cự ly khác nhau. Nhưng có thể nói chung là rất đẹp, hơn hẳn skyline tổng thể của khu trung tâm Philadelphia hay Boston.

Nhà tháp nhiều vô số, tầng tầng lớp lớp như rừng. Các ngọn tháp đủ hình thù, màu sắc, chất liệu. Bản thân cái độ cao đặc biệt, cộng với sự đa dạng, số lượng lớn đã tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ. Nhưng ngoài ra, có thể thấy những tòa tháp này được bố trí rất có quy củ, rất chặt chẽ, để có được một skyline đẹp từ mọi phía, như một cụm tượng, hay một giỏ quà tết được trình bày khéo léo.
 

Ảnh từ trang này

Tối 19. 04, đi xe dọc theo những trục đường chính khắp thành phố, cũng thấy vô cùng ấn tượng. Hai bên đường, đằng trước đằng sau, ở gần và xa, cơ man là nhà đẹp, kiến trúc hay; đi đến đâu, cái mới mẻ lại mở ra đến đó. Vào tới khu Magnificent Mile thì không còn lời nào tả xiết, đúng là kỳ diệu. Trở về qua đường ven hồ lớn, công viên trung tâm, đều rõ là bản sắc đặc biệt của một đô thị ven biển.
 

Khu Magnificent Mile. Ảnh từ trang này

Về nhà xem lại bản đồ, thấy đúng là quy hoạch mặt bằng khu trung tâm Chicago có nhiều điểm rất đáng học hỏi:

1. Về cơ bản, đô thị trung tâm Chicago có dạng ô cờ với hai hướng bắc nam, đông tây, cũng là ý tưởng dân chủ, và dễ nhận diện đường phố.

2. Nhưng ngoài ra, những tuyến đường liên vùng quan trọng nhất, từ đường bộ đến đường sắt, đường thủy, đều chạy chéo về trung tâm, tạo ra sự tập trung hơn hẳn mạng ô cờ bình thường.

3. Ba tuyến đường lớn nhất theo phương đông tây thì một tuyến vào giữa trung tâm, hai tuyến kia xác định ranh giới phía nam và bắc của lõi trung tâm một cách rõ ràng. Những tuyến lớn liên vùng theo chiều bắc nam thì xác định ranh giới phía tây.

Bàn cờ hội tụ về khu trung tâm ven hồ. Ảnh từ trang này

4. Mặt nước suốt dọc phía đông và dòng sông Chicago chạy bọc một vòng, lại là một ranh giới tự nhiên rất rõ ràng giới hạn khu trung tâm.

5. Ngay giữa lõi trung tâm, sát mặt nước, tại vị trí đẹp nhất đô thị, được dành làm một khu công viên rất lớn, dài tới khoảng 3km, rộng gần 1km.

Ngoài công viên này ra, gần như toàn bộ bờ hồ, phía bắc cũng như phía nam trung tâm, đều là công viên lớn. Tất cả những công trình công cộng lớn, các bảo tàng đều tập trung trong dải công viên ven nước này. Việc dành khu đất này làm công viên, cũng như ấn tượng về dải công viên ven hồ này khi xem trên bản đồ là một chiến lược nổi bật của Chicago. Không phải ngẫu nhiên mà công viên này có tên là Công viên Thiên niên kỷ. Nó thể hiện rất rõ, với tầm nhìn ngàn năm, thì giá trị lớn nhất của Chicago chính là dải thiên nhiên này. So với giá trị này, mọi đua chen, phát triển, kiến trúc đều chỉ là nhất thời và phải lùi vào một bước.

Ven hồ Michigan, với công viên Thiên niên kỷ ở một bên. Ảnh của SergiyN, từ trang này

Đường ven hồ và vô số đường ngang theo hướng đông tây khiến cho ấn tượng về một đô thị ven nước được tối ưu. Từ bất kỳ điểm nào, ta cũng có tiếp cận rất nhanh được ra mặt nước. Cấu trúc này, cùng với việc dành công viên ven nước, cho thấy Chicago hiểu rất rõ nguyên lý: tài sản quý nhất là dải bờ nước cần phải được giữ làm công cộng, chia sẻ cho tất cả mọi người thì mới tạo nên giá trị gia tăng tối ưu cho đô thị được. Trong khi đó, ở nhiều đô thị ven biển Việt Nam, dải bờ biển bị chia ra bán cho các resort, tư hữu hóa hết. Cả một tài nguyên thiên nhiên khổng lồ chỉ dành cho vài người dùng, thì lấy đâu ra đóng góp vào thịnh vượng chung được.

Một dải mặt nước nội đô Chicago. Ảnh từ trang này

6. Việc những tháp chọc trời ở Chicago gần như có cùng niên đại (trong vòng 100 năm nay) và phong cách tương tự (chủ nghĩa hiện đại, phong cách kiến trúc quốc tế) cho phép đô thị này có một sự hài hòa, chặt chẽ mà ít đô thị khác có được.

7. Được biết Chicago rất có ý thức về quy hoạch skyline. Không chỉ skyline mà cả bóng đổ của các tòa nhà xuống đô thị tại các thời điểm khác nhau cũng là yếu tố quan trọng mang tính quyết định khi quy hoạch, thiết kế và phê duyệt các công trình. Điều này khiến cho các tòa nhà, từ to đến nhỏ, từ cao tới thấp đều có thể góp phần vào cảnh quan đô thị, bổ trợ cho nhau, nâng đỡ nhau mà tạo thành một tổng thể mạnh mẽ.
 

Kiến trúc Mỹ ở Chicago. Ảnh từ trang này

8. Sau khi ngắm qua một cách cưỡi ngựa xem hoa, về tra bản đồ, vào mạng xem lại ảnh và giới thiệu từng công trình, mới càng khâm phục bộ sưu tập kiến trúc của Chicago. Bao nhiêu là danh sư, bao nhiêu là tác phẩm để đời, đúng với nghĩa là tạo ra cả trường phái.

9. Nước hồ Michigan đặc biệt trong sạch. Nghe nói không những Chicago quy hoạch hệ thống nước thải và xử lý nước thải rất tốt, mà còn chủ động khiến cho con sông Chicago chảy ngược vào trong đất liền, không đổ nước thải ra hồ.
 

Hồ Michigan là một ranh giới tự nhiên của khu trung tâm. Ảnh từ trang này

Ý kiến - Thảo luận

16:09 Friday,5.6.2015 Đăng bởi:  rieng&chung
Tư tưởng dân chủ phản ánh trong bố cục đường ô bàn cờ có từ thời nô lệ, và áp dụng ở Chicago chắc là trước cả khi có bình đẳng đối với phụ nữ và người da màu. Vì thế hình thái "dân chủ ô bàn cờ" vốn không dành cho cả xã hội. Có ý kiến cho rằng, ô bàn cờ ngoài giá trị dân chủ (chủ yếu dành cho giai cấp tư sản), còn để dễ kinh doanh (định giá, mua b
...xem tiếp
16:09 Friday,5.6.2015 Đăng bởi:  rieng&chung
Tư tưởng dân chủ phản ánh trong bố cục đường ô bàn cờ có từ thời nô lệ, và áp dụng ở Chicago chắc là trước cả khi có bình đẳng đối với phụ nữ và người da màu. Vì thế hình thái "dân chủ ô bàn cờ" vốn không dành cho cả xã hội. Có ý kiến cho rằng, ô bàn cờ ngoài giá trị dân chủ (chủ yếu dành cho giai cấp tư sản), còn để dễ kinh doanh (định giá, mua bán đầu cơ), một hình thức "phân lô bán nền", ở đẳng cấp "lô phố" chứ không "lô nhà" như VN mình. Thôi thì ta coi ta như "nó" thời kì đầu công nghiệp hóa, đô thị hóa vậy ạ. 
6:29 Friday,5.6.2015 Đăng bởi:  ong Bắp

đừng về tác giả ơi
về nhìn đội ngũ tại cơ sở xã là muốn đi tiếp đóa hi.


...xem tiếp
6:29 Friday,5.6.2015 Đăng bởi:  ong Bắp

đừng về tác giả ơi
về nhìn đội ngũ tại cơ sở xã là muốn đi tiếp đóa hi.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả