Nghệ sĩ thế giới

Nghệ sĩ Iceland gây tranh cãi khi biến nhà thờ thành đền Hồi tại Venice Biennale 07. 06. 15 - 7:47 am

Theo Charlotte Higgins, Minh Thảo dịch

Nhà chức trách địa phương và nhà tổ chức Venice Biennale không muốn dự án này có mặt trong thành phố của họ, theo lời giám tuyển – người muốn tiết kiệm cho các tín đồ Hồi giáo một chặng đường dài một tiếng đồng hồ đến đền thờ hiện tại.

Đền thờ Hồi được sắp đặt ngay bên trong nhà thờ lịch sử Santa Maria della Misericordia. Ảnh: Christian Sinibaldi


Trong một góc yên bình của quận Cannaregio tại Venice có một nhà thờ đẹp đẽ với mặt tiền kiểu Baroque trắng như bọc đường kính. Có từ thế kỉ thứ 10, nhưng kể từ khi thánh lễ cuối cùng được cử hành tại đây vào năm 1967, nó đã bị hoàn tục. Trở thành tài sản cá nhân, nhà thờ này chỉ còn đứng lặng im, không được sử dụng nữa.

Tuy nhiên, vào ngày 9 tháng Năm, khi Venice Biennale lần thứ 56 khai mạc, Santa Maria della Misericordia đã một lần nữa trở thành không gian công cộng và có tính tôn giáo: nó đã được tái sinh, trở thành… đền thờ Hồi giáo đầu tiên trong lịch sử lâu dài của thành phố. Các tín đồ Hồi giáo tại Venice, cũng như các du khách Hồi giáo đến thăm Venice, giờ đây sẽ có thể đi bộ đến đây làm lễ ngày thứ Sáu thay vì mất một tiếng đến thánh đường gần nhất toạ lạc trong trung tâm kỹ nghệ của vùng Veneto. Phía sau những cánh cửa tôn nghiêm của nhà thờ nay là một đền Hồi đặc thù, đầy đủ khu vực wudu để lau rửa, rồi thảm cầu nguyện, phòng cầu nguyện hướng về Mecca, những bức cartouche khắc chữ.

Đền Hồi này là gian triển lãm chính thức của Iceland tại Venice Biennale, và nhân vật đứng sau sự biến đổi này là nghệ sĩ Iceland gốc Thụy Sĩ, Christoph Buchel – người từng biến một phòng tranh lớn ở Piccadilly (London) thành một trung tâm cộng đồng với đầy đủ các chức năng.

Là một trong những đại diện được mong đợi và gây nhiều tranh cãi nhất tại Biennale, dự án này, theo lời Buchel, được dựa trên các mối quan hệ trong lịch sử giữa Venice và phương Đông. Ví dụ, thành phố này là nơi xuất hiện bản in kinh Qur’an đầu tiên vào thế kỉ 16, và Fondaco dei Turchi, một palazzo (lâu đài) hoa lệ trên Grand Canal (Kênh lớn), từng là “hang ổ” của các thương nhân Ottoman mỗi khi họ đến thành phố này.

Đền thờ này sẽ chứa được hàng ngàn tín đồ Hồi giáo ở Venice cũng như nhiều dân Venice khác và khách du lịch. Ảnh chụp: Christian Sinibaldi

 

Thực hiện dự án thật không dễ dàng, theo lời Buchel và giám tuyển của anh là Nina Magnúsdóttir. Cả nhà chức trách địa phương lẫn ban tổ chức Biennale đều không ủng hộ sáng kiến này. Theo Magnúsdóttir, “Không một tổ chức chính trị nào muốn dự án này xuất hiện trong thành phố Venice lịch sử.” Một thay đổi tạm thời vẻ ngoài của tòa nhà với dòng chữ “Allahu akbar” (Thượng Đế vĩ đại) đã bị từ chối thẳng thừng.

Và để tránh phải chính thức hạn chế việc cầu nguyện của người Hồi tại nơi công cộng, ai muốn vào cầu nguyện trong thánh đường trước hết phải trở thành hội viên của một hội. Nhưng dự án đâu phải chỉ dành cho người Hồi giáo, Magnúsdóttir nói. “Đây là một tác phẩm nghệ thuật và rộng cửa mời công chúng đến tham quan mà.”

Bên trong đền Hồi. Ảnh của Haupt & Binder, từ trang này

Mohamed Amin Al Ahdab, một kiến trúc sư địa phương và chủ tịch Cộng đồng Hồi giáo Venice, rất vui mừng vì dự án không chỉ mang lại lợi ích cho các tín đồ Hồi giáo là học sinh và công nhân tại Venice, mà còn là nơi để diễn ra đối thoại liên tôn giáo. “Không một ai ở đây có thể tin rằng bên ngoài thế giới Địa Trung Hải, bên ngoài thế giới Hồi giáo, nhờ một hòn đảo nhỏ phía bắc. Đây là một lời mời gọi các cá nhân và nền văn họa khác đến trao đổi những tư tưởng tích cực.“ Ông nói thêm, “Ước mơ của chúng tôi là dự án này, hoặc một phiên bản khác của nó, sẽ kéo dài hơn thời gian diễn ra Biennale” (Biennale sẽ kết thúc vào ngày 22 tháng Mười Một).

Cũng sẽ có mặt tại đền thờ này suốt mùa hè là Ibrahim Sverrir Agnarsson, chủ tịch Hiệp hội Hồi giáo Iceland. “Về cơ bản chúng tôi muốn chỉ ra rằng các đền Hồi không phải là căn cứ quân sự mà là nơi yên bình. Chúng tôi muốn cho mọi người thấy chúng ta có thể đối thoại giữa những người mang tín ngưỡng khác nhau; ai cũng có thể đến và nói chuyện với chúng tôi, vào bất kỳ lúc nào,” ông nói. Chính Iceland, như Buchel cho biết, cũng đang xây dựng đền thờ đầu tiên cho 1,200 tín đồ Hồi giáo nước này.

Venice Biennale là một trong những sự kiện lớn nhất của làng nghệ thuật thế giới, và từ ngày 9 tháng Năm, thành phố của những ngõ hẻm như mê cung, của Tintoretto và Veronese, của nét tao nhã Gothic và hoành tráng Byzantine này đã trở thành điểm đến của du khách đang tìm kiếm những xu hướng và phong cách nghệ thuật thị giác mới nhất.

Tại nhà thờ Santa Maria della Misericordia. Một đền Hồi đã được sắp đặt tại đây. Nhà thờ này có từ thế kỷ thứ 10, được trùng tu năm 1854, nhưng đã đóng cửa suốt 40 năm, rồi lại mở cửa hồi 1973, được tư nhân mua lại và… đóng cửa tiếp từ đó. Hình từ trang này

 

Lối vào đền Hồi bên trong nhà thờ. Trước khi bước vào, khách phải cởi giày, nhưng phụ nữ không cần phải che vai hay quấn khăn choàng đầu.

 

Mihrab (bức tường lõm màu xám có chứa Qibla là chỉ hướng Mecca để tín đồ hướng về đó quỳ lạy) và Minbar (bệ đá cao bên cạnh, nơi người đứng đầu -vị Imam –  của cộng đồng Hồi tại đó tiến hành buổi lễ). Tại nhà thờ Cannaregio, du khách đến tham quan đền Hồi sẽ gặp tấc cả các cấu trúc căn bản của một ngôi đền: khu vực Mihrab có tường lõm Qibla chỉ hướng Mecca, đài lễ Minbar, thảm làm lễ lớn. Đặc biệt là mọi thứ này nằm ngay trong một khu nhà thờ Thiên Chúa giáo cổ, như một biểu tượng thị giác về sự chồng lấp của lịch sử, vùng, và văn hóa, cùng phát triển và xung đột.

 

Khu vực Mihrab, đèn chùm, và thảm cầu nguyện hướng về Mecca

 

Bàn thờ của nhà thờ Thiên Chúa giáo, tạm thời được biến đổi cho sắp đặt này. Bên trái là lỗi vào văn phòng của ngài Imam.

 

Văn phòng của vị Imam là Ibrahim Sverrir Agnarsson, Chủ tịch Cộng đồng Hồi giáo Iceland, luôn rộng cửa đón khách và giải thích về “Mosque” (Đền Hồi), một tác phẩm của Venice Biennale có mục đích đối thoại và hiểu biết.

 

Khách tham quan

 

Đọc kinh Qu’ran

 

Đèn chùm

 

Phòng cộng đồng

Kết cục của vụ này là… buồn. Soi sẽ dịch bài sau.

Ý kiến - Thảo luận

11:44 Sunday,7.6.2015 Đăng bởi: 
Bọn nghệ sĩ này đáng chết. Đã thuyết phục được ban tổ chức Biennale cho làm cái Đền ngay trong nhà thờ rồi còn cố mà đặt cái máy bán nước tự động giễu cợt Mecca Cola. Nghệ sĩ là cái giống hay đùa và toàn là đùa vô duyên, đùa nguy hiểm, nông cạn, không nghĩ tới an nguy của người khác.
...xem tiếp
11:44 Sunday,7.6.2015 Đăng bởi: 
Bọn nghệ sĩ này đáng chết. Đã thuyết phục được ban tổ chức Biennale cho làm cái Đền ngay trong nhà thờ rồi còn cố mà đặt cái máy bán nước tự động giễu cợt Mecca Cola. Nghệ sĩ là cái giống hay đùa và toàn là đùa vô duyên, đùa nguy hiểm, nông cạn, không nghĩ tới an nguy của người khác. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả