Kiến trúc

Ghé sát mắt nhìn: trung tâm Chicago lắm cái chưa hay 11. 06. 15 - 7:01 am

Phó Đức Tùng

(Xin xem thêm bài về “Những điều học được từ khu trung tâm của Chicago” .
Ngoài ra ở cuối có danh sách các bài viết trong loạt này.)

*

Chicago 21. 4. 2015

Hai ngày đi bộ dọc ngang khu trung tâm, từ khu phố tầu phía nam tới khu phố cổ phía bắc, thấy được thế này:

Về cơ bản, thành phố này có vẻ chỉ quan tâm tới quy mô lớn, không quan tâm tới tầm nhìn của từng con người trên phố. Những tòa nhà rất ấn tượng khi lướt qua bằng ô tô thì trở nên quá đơn điệu, ít chi tiết, ít sự khác biệt khi quan sát kỹ ở tầm đi bộ. Ngôn ngữ kiến trúc tương đối giống nhau, lại không có những điểm nhấn chi tiết để có thể thu hút tầm nhìn lâu ở phía thấp. Phần chân đế gần như không được để ý, không có những cửa cổng ấn tượng, không có những thiết kế cửa sổ, ô nhìn, biển hiệu ấn tượng, không có dịch vụ, không có hàng rong, nghệ thuật đường phố. Những khe nhà cao tầng tạo gió lùa hun hút, rất không thuận lợi cho người đi bộ.
 

Trung tâm Chicago, chụp từ Michigan Avenue. Hình từ trang này

Kết quả là cũng không có nhiều người đi bộ. Đặc biệt là buổi tối muộn, khu trung tâm gần như một đô thị hoang, đúng như lời miêu tả của Jane Jacobs, chứng tỏ trong khu này không có nhiều người ở, mà chỉ thuần túy là khu văn phòng. Cảm giác chung là những tòa tháp ở đây như những ufo ngoài hành tinh, những đài bắt tín hiệu xuyên lục địa nào đó, không dính dáng gì đến cuộc sống của đô thị này.

Những công trình văn hóa, bảo tàng tách rời khỏi đô thị. Khi đi trong đô thị, không thấy có cảm giác đa dạng công năng. Ngay cả ở những dãy phố mua sắm thì cũng không có sự đa dạng về loại hình cửa hàng, chủ yếu chỉ là những bách hóa tổng hợp loại lớn, không có nhiều những boutique nhỏ, quán sá nhỏ, sang trọng và đặc biệt. Cảm giác giống ở một outlet lớn hơn là ở một trung tâm đô thị hấp dẫn.
 

Một phố trung tâm Chicago. Ảnh của Luc Renambot, từ trang này

Do hệ thống mạng ô cờ, các nhà đều xếp dọc theo mép đường, nên ở tầm đi bộ, nhà nọ chắn nhà kia, không nhìn thấy được cái vẻ đẹp tổng thể cũng như rất khó để chiêm ngưỡng những công trình nổi tiếng. Công trình có đặc biệt, nhưng khi vị trí không được đặc biệt trong một mạng ô cờ, nó chỉ còn một phần nhỏ giá trị. Chỉ có vài công trình, như bảo tàng nghệ thuật, tháp Trump là nằm giữa những trục dài, có thể nhìn thấy từ xa, là có giá trị như những landmark.

Một ngoại lệ là khu quảng trường ở Magnificient Mile. Ở đây có chỗ mở ra thành quảng trường, lại có nhiều đường châu về một chỗ, rồi lại có nước sông chảy qua. Từ đây, nhìn ra xung quanh đều rực rỡ. Thế mới biết việc tạo ra những đường cong, đường chéo, điểm hội tụ, nhiều tầng đường, quảng trường nhỏ là những thủ pháp rất quan trọng. Tất cả những thứ này là phá cách của mạng ô cờ. Mạng ô cờ không thì khó tạo được cảnh quan đô thị đẹp. Nói cách khác, khi nhìn vào một đô thị bàn cờ, hãy chú ý những chỗ phá bàn cờ, vì ở đó tập trung những giá trị.

Khu Magnificent Mile/ Ảnh từ trang này 

Hệ thống giao thông bằng tàu điện của Chicago đã quá cũ. Đường tàu không được hạ ngầm, cũng không được tách riêng, mà phủ ngay trên đầu các tuyến phố chính. Đường tàu bằng sắt cũ kỹ, trông như một hệ thống giàn giáo lủng củng chăng ngay trên đầu người đi bộ, khiến cho phố phường lúc nào trông cũng như công trường. Mỗi khi tàu qua, cả đường lẫn tàu rung bần bật, kêu ầm ầm như xe tăng chạy. Dưới những giàn giáo này, khó có thể dạo bộ thảnh thơi, khó có thể có những cửa hàng sang trọng, đẳng cấp được.
 

Tàu điện ở Chicago. Ảnh từ trang này

Ứng xử của Chicago với dải sông không phải tối ưu. Đường xe chính bám sát hai bên bờ nước, lại chạy trên cao, cộng thêm nhà cao tầng ngun ngút bên kia đường, khiến dải nước thấp tụt xuống dưới, xung quanh toàn bê tông, trông như cái cống. Mặc dù ven nước có đường nhỏ đi bộ, nhưng không có công viên, cây xanh, dịch vụ, cũng không có tầm nhìn, thành ra không ai dùng. Mặc dù hiện nay, thành phố cũng rất ý thức được giá trị cảnh quan của dòng sông, nhưng cũng khó thay đổi được cấu trúc. Khai thác tối đa và tối ưu hiện nay của dòng sông là làm tour du lịch trên mặt nước để khách ngắm các công trình kiến trúc. Từ phía mặt nước thì đây cũng là tầm nhìn phá khỏi mạng ô cờ, cho phép quan sát kiến trúc tốt hơn.
 

Những cây cầu ở trung tâm Chicago. Ảnh của Matt Maldre

Các công viên ven nước và mặt nước cũng không phát huy được tác dụng như ở tầm đi xe, vì những làn đường chính, đường tàu cắt dọc, ngăn đô thị khỏi mặt nước. Khoảng cách từ lớp nhà ra tới mặt nước trên thực tế quá xa, gần như không ai đi bộ từ khu trung tâm ra mặt nước. Nói chung, muốn bờ nước và dải công viên trở nên hấp dẫn, dứt khoát phải hạ ngầm những tuyến đường chính này. Nhưng mà Chicago còn thời gian, vì đây là công trình thiên niên kỷ, cũng không thể làm ngay một lúc. Quan trọng nhất là dành ra được quỹ đất, đã là bước chiến lược quan trọng rồi.

Sau về nhà đọc về Grant Park ở Chicago, mới biết đây vốn không phải là công viên được dự tính và thiết kế ngay từ đầu như công viên trung tâm New York hay công viên ven hồ Milwaukee. Đây vốn là một khu trung tâm đô thị sầm uất. Về sau khu này bị hỏa hoạn cháy hết, thành bãi đất trống. Nhờ có một doanh nhân kiên quyết kiện thành phố, không cho giao khu đất này cho các nhà đầu tư suốt 25 năm mà về sau, Chicago mới để dành được mảnh đất vàng này làm công viên. Nhưng những đường sá, hạ tầng chạy qua công viên này thì vẫn là thứ của đô thị cũ. Nhưng chuyện một doanh nhân duy nhất có thể cứu được cho thành phố cả một vùng rộng như vậy để làm không gian công cộng khiến ta cũng phải nghĩ xem liệu ở Việt Nam có cách gì để có thể cứu được những không gian xanh có giá trị sẵn như Thảo Cầm Viên khỏi việc bị xẻ thịt hay không.

Grant Park ở Chicago. Ảnh từ trang này 

 Về thiết kế cảnh quan, khu công viên Chicago nói chung chưa đạt đẳng cấp, không thể khiến trái tim đập rộn lên như những dải cảnh quan ven hồ ở Milwaukee của Olmsted được. Bố cục công viên nhìn chung không có tầng bậc, chính phụ, đóng mở, uốn lượn cao thấp một cách tự nhiên, thơ mộng, mà chỉ là những tuyến đường bê tông thẳng, cứng, có hàng cây hai bên, và bãi cỏ ở giữa. Những tuyến đường này chạy song song với đường sắt và các tuyến phố chính bắc nam, càng nhấn mạnh cảm giác cảnh quan bị xẻ dọc thành những lát dài.

Ngay cả khu vực công viên Thiên niên kỷ mới làm, ở góc phía bắc, cũng chưa phải là một tuyệt tác cảnh quan tổng thể. Tuy đã có nhiều tầng bậc, nhiều công năng hấp dẫn, nhưng chúng vẫn chỉ như những khu vực biệt lập, được kết nối với nhau một cách khá lỏng lẻo. Pavillon của Frank Gehry là một công trình khó đánh giá. Một mặt, nếu nhìn gần thì trông nó gớm guốc, phi tỷ lệ như một con quái vật ngoi lên khỏi mặt đất, ngoác miệng định nuốt chửng cả lũ khán giả ngồi thành hàng một cách ngớ ngẩn trước mồm nó.
 

Pavillon của Frank Gehry. Ảnh của wallyg tại Flickr

Mặt khác, nhìn từ một góc độ xa hơn, nó tạo ra những đường cong mạnh mẽ, nổi loạn, là điểm nhấn đáng kể cho nền cảnh quan toàn những khối nhà thẳng thớm, có phần khô cứng.

Pavillon của Frank Gehry trong công viên Thiên niên kỷ. Xa xa là “Cổng Mây”, hay hạt đậu, của Kapoor.

Riêng cái “Cổng Mây” của Kapoor thì tôi đánh giá đúng là một kiệt tác thế kỷ. Nếu so với tất cả những thứ khổng lồ ở Chicago thì đây có lẽ là điểm nhấn nhỏ bé nhất, nhưng mà lại hiệu quả nhất, xứng đáng trở thành biểu tượng của Chicago. Tuy nhỏ, nhưng khối điêu khắc đặc biệt này, bằng vào vị trí, hình khối, vật liệu của nó, có thể thu hút sự chú ý ngay từ tầm xa, khi người ta đi xe dọc trên đại lộ Michigan. Thế nhưng nếu lại gần mới thấy mức độ khủng khiếp của nó. Một mặt, có thể nói, nó thu hút được hết hồn cốt, tinh túy của cảnh quan xung quanh, rồi nâng chúng lên một tầm mới. Trời mây bên ngoài u ám, vào trong mặt gương cầu bỗng rực rỡ sáng sủa, hình khối rõ nét. Mảnh sân xung quanh bé tí, lát gạch nhạt nhẽo, vào gương bỗng trở nên một quảng trường hoành tráng, mênh mông không bờ bến. Vườn tược, nhà cửa xung quanh cũng thường thường thôi, nhìn ngoài chẳng thấy gì xúc động, mà vào gương bỗng trở nên xứ sở thần tiên, chi tiết, tinh tế, rực rỡ sắc màu. Đi vòng quanh khối gương, cảnh nối liền liên tục, mà chỗ nào cũng tinh, cũng đẹp, cũng hoàn mỹ như ngọc.

“Cloud Gate”, tác phẩm của Anish Kapoor. Ảnh do Tojosan chụp.

Nhìn vào gương này, có thể thấy một trung tâm Chicago hoành tráng, lộng lẫy, hoàn hảo hơn nhiều lần bên ngoài. Cái to lớn, mạnh mẽ, thẳng thớm của các cao ốc hiện đại được hòa quyện với những đường cong táo bạo, tự do của Gehry, rồi lại được bổ sung những nét chi tiết, tinh vi của cành cây, tán lá. Những nguyên liệu thô nằm rải rác bên ngoài được cô đặc lại thành một bản giao hưởng tuyệt mỹ.
 

“Cổng Mây” ngày tuyết phủ. Ảnh của Brian Kersey, từ trang này

Hay hơn nữa, hình ảnh trong gương lôi được từng người bên ngoài vào tổng thể, cho họ một vị trí, một tỷ lệ quan trọng trong tổng thể, khiến cho họ được nâng tầm. Nếu cái lỗi lớn nhất của Chicago là nó quá to, quá hùng vĩ mà không có liên kết với từng người, thì nhược điểm này đã được cân chỉnh ở “Cổng Mây” bằng cách thu cái to lại mà nâng cái nhỏ lên. Ta có thể quan sát mọi người đắm đuối nhìn cảnh trong gương, và mình trong đó, như nhập vào một thế giới khác. Rồi họ thi nhau chụp ảnh trong gương thay vì chụp ảnh bên ngoài. Mà đặc biệt là mọi người có tha hồ quay cuồng, làm trò như những con khỉ, những thằng dở hơi bên ngoài thì khi vào gương lại vẫn hài hòa. Người xấu như cóc thì vào gương vẫn xinh xẻo đáng yêu, chứ không kinh dị như những loại gương cong ở những nhà gương thường thấy, có khả năng biến mọi Tây Thi thành quái thú.

Chui vào trong lòng khối gương này, nhìn lên trần mới lại kinh hãi nữa. Một mái vòm rõ ràng bé như cái lều mà sao có thể hun hút, mênh mông và ấn tượng thậm chí còn hơn cả đứng dưới vòm Pantheon ở Rome. Người đứng ở dưới, gần ngay đây thôi, đứng san sát nhau chật chội mà lên vòm gương nhỏ như đầu đũa, cách xa hẳn nhau, như đứng trong một không gian vô cùng lớn.
 

Chui dưới lòng “Cổng Mây”. Ảnh của Sam Rohn

Và mặc dù cùng một vật liệu như gương, nhưng đỉnh vòm có cảm giác tạo được ra một lỗ tròn sáng hơn hẳn, tương tự như nhìn lên lỗ hổng trên đỉnh Pantheon vậy. Cái lỗ này khiến vòm trở nên vô hạn, tâm linh hơn hẳn mọi vòm cầu thông thường. Ngước nhìn lên đỉnh vòm, thấy mình cùng bao nhiêu sinh linh nhỏ bé đang hướng cả về một phía trên, như cả một thế giới đang ngóng trông lên ánh sáng diệu kỳ.

Ngước nhìn lên. Ảnh của Sam Rohn

 

Ý kiến - Thảo luận

8:55 Saturday,13.6.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
NQ
mình nói cái đường tàu điện từ hàng trăm năm, không phải là giải pháp tối ưu tại thời điểm này. Nhưng không có nghĩa là đơn giản vứt nó đi. Chẳng phải là vấn đề hoài cổ, mà nhu cầu vận chuyển công cộng không phải dễ thay thế. Chẳng phải nói đúng hay sai. Những di sản quá khứ, có cái là giá trị vô song, có cái cũng trở thành vấn đề cần giải quyết. nh
...xem tiếp
8:55 Saturday,13.6.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
NQ
mình nói cái đường tàu điện từ hàng trăm năm, không phải là giải pháp tối ưu tại thời điểm này. Nhưng không có nghĩa là đơn giản vứt nó đi. Chẳng phải là vấn đề hoài cổ, mà nhu cầu vận chuyển công cộng không phải dễ thay thế. Chẳng phải nói đúng hay sai. Những di sản quá khứ, có cái là giá trị vô song, có cái cũng trở thành vấn đề cần giải quyết. nhưng giải quyết thế nào cũng không phải dễ dàng. Mình chỉ cảm nhận hiện trạng thôi, chứ không có ý xuất trình ngu ý phải thay đổi thế nào. 
14:53 Friday,12.6.2015 Đăng bởi:  HMC

Cám ơn bác Phó Đức Tùng, bài viết quá hay, đọc không dừng mắt được :D


...xem tiếp
14:53 Friday,12.6.2015 Đăng bởi:  HMC

Cám ơn bác Phó Đức Tùng, bài viết quá hay, đọc không dừng mắt được :D

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ác mộng Trump đã đến

Hrag Vartanian - Hoa Hoa lược dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả