Nghĩa của tiếng Việt: Lạp là hạt, là chạp, là sáp…
07. 07. 15 - 1:03 pm
Cùng học tiếng Việt
Khi học Sinh học ở phổ thông, chúng ta hay gặp chữ lạp khi học về tế bào, nào là lục lạp, rồi lạp thể, khá là khó hiểu. Chữ lạp ở đây là một chữ Hán Việt, nghĩa là hạt (hạt cát, hạt gạo…) viết là 粒, có hình bông lúa bên trái. Lục lạp nghĩa là cái hạt màu xanh lá cây, trong tế bào thực vật, có chứa chất diệp lục, để cho cây quang hợp.
Một loài sên biển mới được phát hiện, có khả năng tổng hợp diệp lục tố, nhờ ăn loại tảo có tên Vaucheria Litorea, sau đó lấy được mật mã gien của tảo này lẫn mẫu hạt lục lạp của tảo này, và từ đó tổng hợp nên bộ gien mới cho mình, sống ung dung đời… thực vật bằng quang hợp. Nguồn từ đây
Một chữ lạp khác, 臘, nghĩa là thịt muối, thịt khô, chúng ta gặp trong từ lạp xưởng (lại nhiễm cách đọc của người Hoa Quảng Đông), đọc đúng âm Hán Việt là lạp trường, nghĩa là ruột khô (thịt tẩm gia vị nhét vào ruột heo rồi sấy khô).
Chó Dachshund, hay chó lạp xưởng. Thật ra giống từ Đức, giống một cái xúc xích, sang đến ta thì thành lạp xưởng. Hình từ trang này
Chữ lạp này cũng là một tháng của năm âm lịch. Người ta giải thích là do người Trung Quốc ngày xưa đi săn, thường làm thịt khô trước dịp năm mới nên gọi là tháng lạp (tháng phơi thịt). Tháng chạp trong tiếng Việt là từ chữ lạp này ra (chạp có thể là âm Hán Việt cổ của lạp).
Trong 12 tháng âm lịch, có 10 tháng được đánh số, và hai tháng được gọi bằng tên. Thứ tự là như sau: Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười.
Thứ tự 4 tháng đầu được gìn giữ trong câu “Một Chạp Giêng Hai” thường nghe ở miền Bắc. Nếu xét cho đúng thì chúng ta không có tháng Mười Một âm lịch, mà đó là tháng Một. Tháng có Tết phải là tháng Giêng, chứ không được gọi là tháng Một. Đây không phải là cách nói vắn tắt từ “mười một” thành “một” mà chính xác đây là cách quy ước của âm lịch. Tháng Một này chính là tháng Tý, là tháng đầu tiên và phải có ngày Đông Chí.
Một chữ lạp nữa, viết như thế này 蠟, nghĩa là sáp ong. Chiếu theo kiểu biến đổi âm l-s-ch, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng chữ sáp là âm cổ của lạp luôn. Lạp là sáp, và cũng là nến (đèn cầy), do đó nếu bạn gặp chữ bạch lạp cũng có thể tự suy ra nghĩa là nến trắng.
@đức dũng: Chữ "chạp tổ" bạn hỏi có chữ "chạp" chính là chữ trong "giỗ chạp". "Chạp" này nghĩa cúng giỗ, cúng ông bà. Ông An Chi từng giải thích chữ "chạp" này chính là chữ "chạp" chỉ tháng cuối năm đã nói trong bài. Từ đó, "lễ chạp" là lễ cúng ông bà trước khi bước sang năm mới, và dần dần "chạp" đi thành từ ghép với "giỗ", mang nghĩa chỉ việc cúng tổ tiê ...xem tiếp
4:28Friday,22.4.2016Đăng bởi: Cùng học Tiếng Việt
@đức dũng: Chữ "chạp tổ" bạn hỏi có chữ "chạp" chính là chữ trong "giỗ chạp". "Chạp" này nghĩa cúng giỗ, cúng ông bà. Ông An Chi từng giải thích chữ "chạp" này chính là chữ "chạp" chỉ tháng cuối năm đã nói trong bài. Từ đó, "lễ chạp" là lễ cúng ông bà trước khi bước sang năm mới, và dần dần "chạp" đi thành từ ghép với "giỗ", mang nghĩa chỉ việc cúng tổ tiên nói chung.
22:11Wednesday,20.4.2016Đăng bởi: đức dũng
Bài viết bổ ích. Nhưng xin cho biết thêm về nghĩa khác của từ "chạp" trong "chạp tổ". Cảm ơn nhiều . ...xem tiếp
22:11Wednesday,20.4.2016Đăng bởi: đức dũng
Bài viết bổ ích. Nhưng xin cho biết thêm về nghĩa khác của từ "chạp" trong "chạp tổ". Cảm ơn nhiều .
...xem tiếp